Putin có thể bị truy tố trước Tòa án Hình sự Quốc tế hay không?

Share this post on:

Nguồn: Ukraine-Invasion: “Der Verlustschmerz eines KGB-Agenten kann keinen Angriffskrieg rechtfertigen”, DER SPIEGEL, 24/02/2022.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Giáo sư luật quốc tế Daniel-Erasmus Khan coi cuộc xâm lược Ukraine của Nga là một cuộc chiến tranh xâm lược. Ông giải thích liệu Putin có thể bị đưa ra xét xử vì điều này tại Tòa án quốc tế La Hay hay không.

SPIEGEL: Thưa ông Khan, có thể nào biện minh cho cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hay không?

Khan: Hiếm khi trong các cuộc xung đột quốc tế, lại có thể dễ dàng có một câu trả lời như vậy, đó là không. Rõ ràng, đây là một cuộc chiến tranh xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền, thậm chí còn là một thành viên của Liên Hợp Quốc. Người ta khó có thể tưởng tượng một trường hợp rõ ràng hơn. Việc cấm một cuộc tấn công như vậy có lẽ là điều then chốt, quan trọng nhất của trật tự pháp lý quốc tế sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Và Nga cũng đang vi phạm nhiều hiệp ước quốc tế khác, bao gồm cả những hiệp ước liên quan đến mối quan hệ của nước này với Ukraine.https://anchor.fm/nghien-cuu-quoc-te/embed/episodes/Putin-c-th-b-truy-t-trc-Ta-n-Hnh-s-Quc-t-hay-khng-e1eu5dj

SPIEGEL: Trước cuộc tấn công, tổng thống Putin đã cố gắng biện minh một phần cho hành động của mình về mặt pháp lý.

Khan: Nỗ lực đó đã thể hiện rõ rệt. Chỉ có điều, mọi lập luận ở đây đều là giả dối, tất cả các quốc gia và các tổ chức quốc tế cần vạch rõ sự thật này. Theo Hiệp hội Luật Quốc tế Đức, không thể biện minh cho hành động xâm lược quân sự này! Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock đã nói đúng, đây là “một ngày đáng xấu hổ”. Đây chính là câu nói của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt sau cuộc tấn công của quân đội Nhật hoàng ở Trân Châu Cảng. Bộ trưởng Baerbock đã bị cười nhạo khi cô tự mô tả mình là một chuyên gia về luật quốc tế, mặc dù cô ấy chỉ tham gia một khóa học sau đại học về chủ đề này. Nhưng ở đây, cô ấy đã cho thấy về trực giác, cô là người am hiểu vấn đề. Vì thế Baerbock đã nói rất thẳng thắn, rõ ràng, đây là cuộc khủng hoảng của Nga, chứ không phải cuộc khủng hoảng của Ukraine.

Vẻ bề ngoài hợp pháp

SPIEGEL: Ông có thể hiểu động cơ của Putin không? Ông ta nhiều lần nhắc đi nhắc lại Nga đã từng nhượng các vùng lãnh thổ cho Ukraine. Sau khi Ukraine tuyên bố độc lập, và sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã mất đứt những vùng lãnh thổ này.

Khan: Người ta có thể cảm nhận được nỗi đau của ông ta trước sự sụp đổ của đế chế Liên Xô, tuy nhiên về lý trí, người ta không thể hiểu được động cơ của ông ta. Nỗi đau vì mất một điệp viên KGB ở Dresden, lúc đó là Putin, không thể nào biện minh cho một cuộc chiến tranh xâm lược. Chấm hết.

SPIEGEL: Còn cái gọi là nước Cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk …

Khan: … điều đó không hề thay đổi cái gì ở đây cả, đây vẫn là vùng lãnh thổ của Nhà nước Ukraine. Việc thừa nhận điều này dường như chỉ để tạo vẻ hợp pháp cho cuộc tấn công sau đó. Thực chất, đây là một sự can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine, và do đó vi phạm luật pháp quốc tế. Và việc triển khai quân đội kéo dài cả tháng trời cũng đã là một sự vi phạm quy định cấm xâm lược.

SPIEGEL: Liệu ông ta có thể theo con đường hợp pháp để giành được hai nước “cộng hòa nhân dân” này không?

Khan: Mọi tranh chấp giữa các nước đều có thể được giải quyết, kể cả tranh chấp về lãnh thổ. Nhưng chỉ theo con đường hòa bình, tức là thông qua đàm phán. Do đó, việc thay đổi hiện trạng lãnh thổ là không thể thực hiện được, nếu không có sự đồng ý của Ukraine. Các chuyên gia luật quốc tế đồng ý rằng việc sử dụng vũ lực không có tác dụng hợp thức hóa: không phải chỉ đối với Crimea mà còn bất kỳ nơi nào khác. Quyền tự quyết của các dân tộc chỉ có thể là một lý lẽ để đòi ly khai trong trường hợp cực đoan nhất, ví dụ trong trường hợp xảy ra diệt chủng. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, đây là một lập luận sai trái, trắng trợn nhất.

SPIEGEL: Giờ đây, tranh chấp còn liên quan đến việc NATO mở rộng về phía Đông. Putin phàn nàn NATO đã cam kết miệng với Liên Xô rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông sau khi nước Đức thống nhất.

Khan: Liệu có những kỳ vọng nhất định đã được đôn lên, có niềm tin nhất định đã bị phản bội ở đây không? Có lẽ thế. Kiểu cam kết miệng như vậy có thể chỉ là cử chỉ ngoại giao, nhưng cũng có thể là một hành động pháp lý có ý nghĩa ràng buộc, nhưng khả năng này rất đáng ngờ. Tuy nhiên, cuối cùng thì điều đó không quan trọng. Đe dọa quân sự, và đương nhiên là cả việc áp dụng các hành động quân sự, đơn giản không được coi là những phản ứng được cho phép trước những thất vọng trong quan hệ quốc tế. Hơn nữa, mọi quốc gia có chủ quyền, trong đó có Ukraine, đều có quyền tự do lựa chọn liên minh cho mình. Xét về vấn đề an ninh đối với nước Nga, cần phải nói rõ, NATO không đe dọa bất kỳ ai.

SPIEGEL: Vậy lúc này cộng đồng quốc tế có thể làm gì? Nga có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Khan: Đúng vậy, tuy nhiên, vẫn có một lối thoát. Đã từng có sự bế tắc như vậy trong Chiến tranh Triều Tiên, vào thời điểm đó Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, tức là phiên họp của tất cả các quốc gia thành viên, đã tuyên bố quyền cho phép sử dụng vũ lực quân sự để chấm dứt xung đột quốc tế. Bất chấp liệu điều đó có hợp lý hay không trong trường hợp này, thì đây vẫn là một lựa chọn khả dĩ.

“Tất cả các nước đều có quyền chi viện quân sự cho Ukraine”

SPIEGEL: Liệu Putin có thể bị truy tố trước Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Hay không?

Khan: Về cơ bản là có. Ngay từ năm 2014, Ukraine lần đầu tiên đã công nhận quyền tài phán của La Hay liên quan đến cuộc khủng hoảng Crimea và các sự kiện ở miền đông Ukraine. Các cuộc điều tra đang diễn ra. Vì vậy, nếu bây giờ tội ác chiến tranh được thực hiện, và Putin có thể phải chịu trách nhiệm với tư cách là tổng tư lệnh, một bản cáo trạng cũng có thể được đưa ra chống lại ý chí của Nga. Tuy nhiên, khi nói đến tội xâm lược, phải có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an, nhưng ở đây Nga lại có quyền phủ quyết.

SPIEGEL: Sang một khía cạnh khác: Hiện nay Cộng hòa Liên bang Đức có được cung cấp vũ khí quốc phòng cho Ukraine không?

Khan: Về pháp lý là có, nhưng vì các lý do lịch sử chính đáng, Hiến pháp hết sức cẩn trọng về vấn đề này. Xét cho cùng, đây là một quyết định liên quan đến chính trị.

SPIEGEL: Vậy những biện pháp trừng phạt nào giờ đây được coi là được phép?

Khan: Mọi biện pháp trừng phạt về kinh tế và chính trị. Nhưng điều mà cho đến nay hầu như không được đề cập, là Ukraine không chỉ có quyền tự vệ, mà mọi quốc gia khác đều có thể khẩn trương viện trợ quân sự cho Ukraine. Bản thân Putin cũng ám chỉ đến quyền tự vệ tập thể này bằng cách cảnh báo cộng đồng quốc tế không được giúp đỡ Ukraine. Tuy nhiên, thử hỏi ai muốn mạo hiểm với một cuộc chiến tranh hạt nhân?

Daniel-Erasmus Khan, sinh năm 1961, là giáo sư luật công, luật châu Âu và luật quốc tế tại Đại học Lực lượng Vũ trang Liên bang ở Munich. Là luật sư về công pháp quốc tế, Khan đã từng nhiều lần làm việc tại Tòa án Công lý Quốc tế ở La Hay.FacebookLinkedInEmailMessengerWhatsAppTelegramPrintShare

Nguồn: Ngiên cứu Quốc Tếhttps://nghiencuuquocte.org/2022/02/26/putin-co-the-bi-truy-to-truoc-toa-an-hinh-su-quoc-te-hay-khong/embed/#?secret=ftsVoCetmX#?secret=mIdfOIWynr