Tại sao vụ Tài liệu của TT Biden lại xuất hiện, và có mục đích gì? – Benjamin Weingarten

Share this post on:
Tại sao vụ Tài liệu của TT Biden lại xuất hiện, và có mục đích gì?
Tổng chưởng lý Merrick Garland chỉ định một biện lý đặc biệt để điều tra việc quản lý các tài liệu mật được tìm thấy tại tư gia và các văn phòng cũ của Tổng thống Joe Biden, ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 12/01/2023. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP qua Getty Images)

HOA KỲ

  • Thứ sáu, 03/02/2023

Vào ngày làm việc đầu tiên sau khi Đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện, có thông tin cho rằng vị tổng thống mà họ dự định điều tra đang bị Nhà nước Ngầm (Deep State), đối tượng cũng nằm trong tầm ngắm của Đảng này, điều tra.

Trên thực tế, trong khi Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang chuẩn bị thành lập một ủy ban kiểu Frank Church để điều tra hành vi vũ khí hóa FBI và DOJ, điển hình là các hành động như cuộc đột kích chưa từng có vào tư gia của cựu tổng thống Donald Trump vì ông đã chuyển và lưu giữ các tài liệu mật, thì những cơ quan này đang theo đuổi tổng thống đương nhiệm, ông Joe Biden, với những lý do tương tự.

Giờ đây, giữa những tiết lộ cho thấy các Tài liệu Biden không chỉ được phát hiện ở Trung tâm Penn Biden, mà còn ở nhà để xe của Tổng thống Biden ở Delaware, và giữa sự phẫn nộ của công chúng đối với một tiêu chuẩn có vẻ như là tiêu chuẩn kép khi Bộ Tư pháp không ngừng truy đuổi ông Trump và đối xử thiên vị với ông Biden liên quan đến việc quản lý tài liệu mật, Tổng chưởng lý Merrick Garland đã bổ nhiệm một biện lý đặc biệt cho vụ của ông Biden.

Với việc các công tố viên đặc biệt song hành điều tra vị cựu tổng thống và tổng thống đương nhiệm này về việc họ chuyển và lưu giữ các tài liệu sau khi rời nhiệm sở — ông Trump mãn nhiệm chức tổng thống, cương vị cho phép ông được quyền giải mật mà ông khẳng định là đã sử dụng quyền này, còn ông Biden mãn nhiệm chức phó tổng thống, cương vị không hề trao cho ông thẩm quyền đó — người dân Mỹ sẽ chăm chú quan sát xem DOJ giải quyết những vụ điều tra này thế nào, và tác động của những cuộc điều tra đó đối với cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Xét đến tính chất nghiêm trọng của những vấn đề này, một câu hỏi đặt ra là: Tại sao các Tài liệu Biden lại xuất hiện, và mục đích của việc này là gì?

Chính trị vốn dĩ không hề có sự trùng hợp. Ngoài thời điểm gây chú ý của vụ rò rỉ cho giới truyền thông về các Tài liệu Biden, và hành động của Bộ Tư pháp, liệu chúng ta có thể tin rằng sau khi ông Joe Biden mãn nhiệm chức vụ phó tổng thống được sáu năm, các luật sư của ông chỉ là tình cờ tìm thấy những tài liệu mật mà ông mang theo, khiến ông Biden vi phạm một hành vi tương tự được sử dụng để truy đuổi người tiền nhiệm và đối thủ của ông ấy cho chức tổng thống năm 2024 chăng? Nhìn xa hơn vào thời điểm đó, các tác nhân liên quan, và cách họ có thể hưởng lợi từ các Tài liệu Biden dẫn chúng ta đến một số lời giải thích hợp lý cho những gì đang diễn ra.

Giả thuyết thứ nhất: Ông Joe Biden không còn giá trị đối với Đảng Dân Chủ và/hoặc Nhà nước Ngầm kia, và vụ Tài liệu Biden có thể được sử dụng để thanh trừng hoặc chí ít là để kiểm soát ông ấy. Đảng Dân Chủ và/hoặc Nhà nước Ngầm không hề thiếu động cơ để đưa ông Biden vào cái bẫy của chính ông về việc “quản lý sai tài liệu mật,” lợi dụng vụ Tài liệu Biden để khiến ông ấy từ chức, hoặc ít nhất là từ bỏ cuộc bầu cử năm 2024.

Đối với các thành viên Đảng Dân Chủ, lý do loại bỏ ông Biden rất đơn giản: Tổng thống này đã thúc đẩy nghị trình cấp tiến thiên tả mà ông ấy yêu cầu, nhưng nghị trình đó có thể không tiến xa hơn nữa khi mất đi Hạ viện, ông Biden đã “không còn hữu ích” và đảng này muốn thiết lập lại bằng một kẻ bù nhìn mới.

Theo giả thuyết này, thời điểm phát hiện ra các Tài liệu Biden đáng ngờ hồi tháng 11/2022 quả là hoàn hảo — đúng vào thời điểm mà Bộ Tư pháp tuyên bố rằng họ bị cấm tiết lộ các cuộc điều tra nhạy cảm về chính trị. Bằng cách giữ kín câu chuyện này cho đến tháng 01/2023, những tiết lộ gây tổn hại về mặt chính trị không thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa kỳ, cũng như không làm hỏng nghị trình của Đảng Dân Chủ trong khi Đảng này vẫn còn kiểm soát Quốc hội.

Thời điểm sau cuộc bầu cử giữa kỳ cũng có thể chứng minh là hợp lý vì một lý do khác. Mặc dù một tổng thống chỉ có thể được bầu cho hai nhiệm kỳ, nhưng theo Tu chính án thứ 22 của Hiến Pháp, một người có thể giữ chức vụ tổng thống trong tối đa mười năm bằng cách thay thế một tổng thống trong hai năm cuối cùng của nhiệm kỳ của vị tổng thống đó, và sau đó giành chiến thắng trong hai cuộc bầu cử tổng thống. Khi đồng hồ bắt đầu điểm vào năm thứ ba của ông Biden chỉ trong vài ngày ngắn ngủi nữa thôi, nếu ông từ chức hoặc bị bãi nhiệm, Phó Tổng thống Kamala Harris có thể đảm nhận chức vụ này và điều hành trong một thập niên.

Tuy nhiên, viễn cảnh Phó Tổng thống Harris đắc cử hai lần là không chắc có thể xảy ra, điều đó cũng không phải là không khả thi. Hãy nhớ rằng, những kẻ môi giới quyền lực của Đảng Dân Chủ, có lẽ do ông Barack Obama lãnh đạo, đã cân nhắc về bà Harris ở mức độ hợp lý để bổ nhiệm bà ấy làm Phó Tổng thống của ông Biden khi biết rằng bà ấy có thể thay thế vị lão niên bát tuần với sức khỏe đang sa sút này. Và điều đáng chú ý là trong những tuần mới đây, một số người trong giới truyền thông dường như đang cố gắng tái lập tên tuổi cho bà Harris, trong khi sự hiện diện rõ rệt nhất của tổng thống là ở biên giới phía Nam, nơi biểu tượng cho những thất bại của chính phủ ông — và vốn dĩ bà Harris được cho là chịu trách nhiệm về vấn đề này. Ai sẽ là phó tổng thống mà Tổng thống tiềm năng Harris có thể đề cử, và chỉ xét riêng quá trình đó có thể diễn ra như thế nào thôi cũng có thể tạo ra nhiều cơ hội chính trị hơn nữa cho Đảng Dân Chủ khai thác.

Ở mức tối thiểu, với vụ Tài liệu Biden treo lơ lửng trên đầu ông Joe, Đảng Dân Chủ có thể sử dụng cuộc điều tra này để gây áp lực buộc ông ấy không ra tranh cử vào năm 2024, đặc biệt là với nhiều cuộc tàn sát chính trị hơn có lẽ sẽ xảy ra dưới đợt tấn công dữ dội thông qua hoạt động giám sát của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện. Cuối cùng, Đảng Dân Chủ có thể lập luận rằng người nào đang phải đối mặt với cuộc điều tra liên bang vì việc quản lý các tài liệu mật của họ thì không nên tranh cử tổng thống, sử dụng điều đó để hạ bệ ông Joe và cố gắng tuyên bố một “nền tảng đạo đức cao” để làm suy yếu ông Trump, khi biết rằng ông ấy sẽ không bao giờ chịu khuất phục.

Đối với Nhà nước Ngầm, thật khó xác định cụ thể lý do tại sao họ có thể muốn thấy ông Biden mất quyền lực. Tuy nhiên, người ta nói rằng bộ máy an ninh quốc gia và cơ quan ngôn luận Tòa Bạch Ốc của ông Biden đã từng nhiều lần rút lại những tuyên bố của tổng thống về một loạt vấn đề quan trọng đối với an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao. Nếu không có gì khác, thì đối với Đảng Dân Chủ, cuộc điều tra này mang lại đòn bẩy cho Nhà nước Ngầm đối với ông Biden.

Giờ đây, tại sao lại đe dọa tổng thống bằng trách nhiệm chính trị và pháp lý đối với việc ông ấy quản lý các tài liệu mật chứ không phải những thứ khác? Hãy ngẫm nghĩ một chút về mối liên quan đáng kể với cuộc điều tra ông Trump đang diễn ra. Hãy nhớ lại rằng như Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đã nói với ông Trump, cộng đồng tình báo “hoàn toàn” có thể tấn công lại ông. Điều này có nghĩa là, liên bang có thể tung ra một loạt thông tin có hại hơn nhiều về ông Biden và thân nhân của ông ấy — chỉ cần lấy từ nội dung trong máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden — không chỉ làm bẽ mặt gia đình họ mà còn đặt thân nhân của họ vào nguy cơ pháp lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn nhiều.

Hãy đặt mình vào vị trí của ông Biden. Quý vị thà chịu thừa nhận những cáo buộc tương đối ít nghiêm trọng hơn về việc quản lý sai các tài liệu mật, hay có nguy cơ hứng chịu búa rìu dư luận nặng nề hơn, dẫn đến khả năng đàn hặc — cuộc đàn hặc mà Đảng Dân Chủ có thể muốn xúi giục Đảng Cộng Hòa tham gia, vì nghĩ rằng điều đó sẽ gây tác dụng ngược đối với họ khi bước sang năm 2024 — có thể bị bãi nhiệm, bị truy tố một khi rời khỏi nhiệm sở, và rắc rối cho gia đình quý vị?

Về lưu ý đó, đừng quên, như tờ New York Times đã nhắc nhở độc giả ngay khi câu chuyện về vụ Tài liệu Biden bắt đầu hé lộ, rằng bản thân ông Hunter Biden vẫn đang bị điều tra và có khả năng phải đối mặt với các cáo buộc. Có thể có một cuộc đổi chác, rằng nếu bây giờ ông Joe — vị tổng thống này từ chức, thì liệu chính phủ sẽ tha cho con trai ông ấy không?

Giả thuyết thứ hai: Bộ Tư pháp và FBI đang sử dụng vụ Tài liệu Biden để bảo vệ chính họ và củng cố quyền lực của họ. Luôn luôn có một giả định an toàn rằng các cơ quan chính phủ hành động trước hết vì lợi ích cá nhân mà họ nhận thức được. Đối với Bộ Tư pháp và FBI nói riêng, vụ Tài liệu Biden có thể bị thao túng cho những mục đích không liên quan để gạt bỏ ông Joe Biden.Trên thực tế, nếu chúng ta từng biết được điều gì đó trong những năm gần đây thì đó chính là các cơ quan an ninh quốc gia và cơ quan chấp pháp hoạt động như thể họ đứng trên cả tổng tư lệnh.

Điều đó nói rằng, không có Nhà nước Ngầm nào mà không có tài trợ công cho họ, và sự tài trợ đó một phần đòi hỏi sự trợ giúp chính trị. Có lẽ Hạ viện của Đảng Cộng Hòa sẽ không thử sử dụng sức mạnh của quyền phân bổ ngân sách làm đòn bẩy để kiềm chế Nhà nước Ngầm đó, nhưng chí ít, hình ảnh trong mắt công chúng của những tổ chức như FBI và DOJ đang bị đe dọa dưới tiểu ban Tư pháp Hạ viện mới thành lập về Hành vi Vũ khí hóa Chính phủ Liên bang. Vì vậy, từ quan điểm của Nhà nước Ngầm, cách nào tốt hơn để giảm bớt quyền lực của một ủy ban, mà hai ngày sau khi được thành lập đã tuyên bố hành vi vũ khí hóa chính phủ chống lại những người theo phái bảo tồn truyền thống, hơn là thông báo một cuộc điều tra của biện lý đặc biệt đối với tổng thống đương nhiệm về hành vi tương tự như vậy mà một biện lý đặc biệt đã đang điều tra tổng thống Đảng Cộng Hòa tiền nhiệm?

Tổng chưởng lý Garland đã nói rõ mục đích như mong đợi ​​khi thông báo rằng việc bổ nhiệm một biện lý đặc biệt để điều tra vụ Tài liệu Biden “nhấn mạnh cho công chúng thấy cam kết của Bộ đối với cả tính độc lập lẫn trách nhiệm giải trình trong các vấn đề đặc biệt nhạy cảm, cũng như việc đưa ra các quyết định chỉ dựa trên sự thật và luật pháp một cách không thể nghi ngờ.”

Tuy nhiên, dù Tổng Chưởng lý Garland có lặp đi lặp lại điệp khúc này nhiều lần cũng không có nghĩa điều đó là đúng. Toàn bộ việc làm tại DOJ của ông ấy nhắm mục tiêu vào nhóm bất đồng chính kiến về mọi thứ từ ngày 06/01/2021 và tính liêm chính của cuộc bầu cử, cho đến việc đóng cửa trường công lập hà khắc và vấn đề phá thai, đều là lời nói dối cho câu chuyện này. Sự không trung thực thậm chí còn được phản ánh trong việc Tổng Chưởng lý Garland lựa chọn một biện lý đặc biệt, mặc dù được giới thiệu là một thành viên Đảng Cộng Hòa, theo phong cách của ông Robert Mueller, có những mối liên hệ lâu năm với các nhà lãnh đạo cao cấp trong DOJ/FBI, những người đã lãnh đạo quá trình chính trị hóa và vũ khí hóa của cơ quan này — hành vi mà ông được cho là đã ủng hộ trong ít nhất một trường hợp đáng chú ý.

Việc bổ nhiệm một biện lý đặc biệt trong một nỗ lực nhằm bảo vệ Bộ Tư pháp khỏi tiểu ban Vũ khí hóa [chính phủ liên bang] của Hạ viện, và có lẽ chuyển hướng sự chú ý khỏi những phát hiện của tiểu ban này về các vụ phá hoại của Nhà nước Ngầm, bản thân việc bổ nhiệm đó có thể được coi là mang tính chính trị. Nhưng bản chất chính trị của cuộc điều tra vụ Tài liệu Biden còn sâu xa hơn thế.

Giờ đây, bằng cách chọn một biện lý đặc biệt cho ông Trump và ông Biden, FBI và DOJ có thể tin rằng họ hiện đã đưa hai vụ này ra khỏi cặp mắt tò mò của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện và bất kỳ tư tưởng hiếu kỳ nào khác. Họ sẽ ngăn chặn những yêu cầu đối với các tài liệu và lời khai phần nào liên quan đến một trong hai cuộc điều tra này. Ông Joe Biden đã liều lĩnh đến mức nào với các tài liệu mật đó, nội dung của những tài liệu đó thực sự là những gì, và FBI và DOJ có thể khai quật được điều gì khác khi họ khám xét mọi địa điểm liên quan đến ông ấy? Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được.

Vị biện lý đặc biệt đó cũng trao cho DOJ quyền lựa chọn. Hãy thử lập luận, giả định Bộ Tư Pháp nhận ra rằng cuộc điều tra của họ đối với ông Trump về việc quản lý sai tài liệu mật, dựa trên tiền lệ và các lợi thế, là khó có khả năng thành công. Giả định rằng vụ điều tra của họ về ông Biden là tương đối dễ thành công hơn, đặc biệt vì ông không có quyền giải mật tài liệu. Vậy làm sao để “giữ thể diện” đây? Loại bỏ các cáo buộc đáng ngờ chống lại ông Trump, không tìm thấy hành vi sai trái nào trong trường hợp của ông Biden vì vấn đề “công bằng”, nhưng cuối cùng buộc tội ông Trump về các vấn đề khác như cản trở, hoặc những vấn đề liên quan đến bầu cử năm 2020. Bằng cách này, Bộ Tư pháp sẽ tuyên bố rằng họ đã hành động công bằng và độc lập trong khi vẫn đạt được mục tiêu buộc tội và có thể kết tội ông Trump.

Việc bổ nhiệm các biện lý đặc biệt song hành này cũng cung cấp cho Nhà nước Ngầm quyền lựa chọn theo kiểu mà chúng ta đã từng chứng kiến trước đây — vì hiện họ đang có đòn bẩy đối với hai ứng cử viên hàng đầu cho nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024. Hãy nhớ rằng hồi năm 2016, trong khi các cơ quan chức trách không ngừng truy đuổi ông Trump về cáo buộc thông đồng với Nga, cùng lúc đó họ cũng tham gia vào một cuộc điều tra giả tạo đối với bà Hillary Clinton về các thư điện tử của bà ấy. Sau khi minh oan cho bà Clinton, trong những ngày cuối của cuộc bầu cử, Giám đốc FBI James Comey, trên thực tế, đã giữ thể diện cho ông — và cho các cơ quan này — bằng cách nêu lại vấn đề về các thư điện tử của bà Hillary dựa trên sự đánh giá của Cục Điều tra liên quan đến những gì được tìm thấy trên máy điện toán xách tay của cựu Dân biểu Anthony Weiner. Với sự đối xử ưu ái của họ dành cho bà Clinton, FBI và DOJ đã phụng sự vừa như một món vũ khí vừa là tấm lá chắn bảo vệ cho ông Biden cho đến thời điểm này, nhưng bằng cách bổ nhiệm một biện lý đặc biệt để điều tra ông ấy, trên thực tế là họ đang một lần nữa giữ thể diện cho mình khi điều tra ông Trump và ông Biden.

Giả thuyết thứ ba: Vụ Tài liệu Biden nhằm mục đích đánh lạc hướng chúng ta khỏi một vụ bê bối lớn hơn. Giả thuyết này quá rõ ràng. Nếu người Mỹ đang chăm chú vào vụ Tài liệu Biden, thì những vụ bê bối hoặc thảm họa khác của chính phủ Biden, Đảng Dân Chủ, hoặc Nhà nước Ngầm mà người dân chúng ta không tập trung vào là gì?

Dựa trên những gì chúng ta đã chứng kiến ​​trong những năm gần đây, việc xem những giả thuyết được trình bày ở đây là một bình luận không thể buồn hơn về tình trạng của nền cộng hòa của chúng ta cũng như quyền lực và quá trình chính trị hóa của Nhà nước Ngầm của chúng ta không chỉ là một hành động hợp lý mà còn thận trọng.

Chúng ta chỉ còn lại một câu hỏi: Nếu ông Joe Biden thực sự bị Nhà nước Ngầm đó thanh trừ, liệu ông ấy có ủng hộ Ủy ban Frank Church mới của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện không?

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Benjamin Weingarten

BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH

Ông Ben Weingarten là phó tổng biên tập của RealClearInvestigations. Ông là một cộng tác viên cao cấp của The Federalist, chuyên mục của Newsweek, và là một cộng tác viên của The New York Post và The Epoch Times, cùng các ấn phẩm khác. Hãy ghi danh để nhận bản tin của ông tại weingarten.substack.com, và theo dõi ông trên Twitter: “@bhweingarten.”

Khánh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times