Tổ chức nghiên cứu chính sách ở Hoa Thịnh Đốn: Các lệnh trừng phạt gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga

Share this post on:
Tổ chức nghiên cứu chính sách ở Hoa Thịnh Đốn: Các lệnh trừng phạt gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga

Danh sách các lệnh trừng phạt toàn cầu chống lại Nga, tác động của các lệnh trừng phạt này đối với nền kinh tế Nga và các công ty đang rời khỏi Nga. (Ảnh: shutterstock)

TÂY DƯƠNG

Tác giả Adam Morrow

  • Thứ sáu, 03/02/2023

Mục lục

  • Chuyên gia: Còn quá sớm để đánh giá
  • ‘Kiên nhẫn mang tính chiến lược’
  • Giám sát sự tuân thủ lệnh trừng phạt
  • Các cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ

Khi phương Tây tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, cuộc tranh luận đã nổ ra về hiệu quả của những biện pháp hạn chế này trong việc làm suy yếu nền kinh tế Nga và khả năng gây chiến của Nga ở Ukraine.

Không có gì bí mật khi nền kinh tế Nga tiếp tục hoạt động, trong khi cuộc xâm lược Ukraine của Moscow — hiện đang bước vào tháng thứ 11 — không có dấu hiệu chậm lại.

Ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết hôm 31/01: “Các nước thù địch không đủ can đảm để nhận ra rằng các lệnh trừng phạt tệ hại của họ đã thất bại.”

“Các lệnh trừng phạt này không hề hiệu quả,” ông Medvedev nói thêm trong các bình luận được hãng thông tấn TASS của Nga trích dẫn. “Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đang dự báo tăng trưởng kinh tế ở Nga trong năm nay.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự một cuộc họp với các quan chức hàng đầu ủng hộ ngành hàng không ở Nga trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt, hôm 31/03/2022. (Ảnh: Mikhail Klimentyev, Sputnik, Kremlin Pool Photo/AP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự một cuộc họp với các quan chức hàng đầu ủng hộ ngành hàng không ở Nga trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt, hôm 31/03/2022. (Ảnh: Mikhail Klimentyev, Sputnik, Kremlin Pool Photo/AP)

Cùng ngày, Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đã chủ trì một diễn đàn trực tuyến với nhan đề “Tác động thiết thực của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.” Sự kiện này có sự góp mặt của một số thành viên tham gia hội thảo cho rằng bất chấp những tuyên bố ngược lại, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga.”

Bà Elina Ribakova, phó kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế cho biết: “Các lệnh trừng phạt này đang khởi tác dụng.”

Tuy nhiên, bà nói thêm, [chúng ta] không nên xem các lệnh trừng phạt như một “cây đũa thần” ngay lập tức sẽ khiến nền kinh tế Nga “tan rã.”

Một tham luận viên khác, ông Vladimir Milov, phó chủ tịch vận động quốc tế tại Tổ chức Nước Nga Tự do, cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Chuyên gia: Còn quá sớm để đánh giá

Mặc dù thừa nhận rằng nền kinh tế Nga đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể, nhưng ông Milov cũng khẳng định rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã có một “tác động lớn.”

“Bối cảnh này khá ảm đạm đối với chính phủ Nga,” ông nói, đồng thời tuyên bố rằng hoạt động kinh tế ở Nga đã giảm từ 5 đến 10% do hậu quả trực tiếp của các lệnh trừng phạt.

Theo ông Ferit Temur, nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và là chuyên gia về các vấn đề của Nga, còn quá sớm để nói liệu các lệnh trừng phạt có tác động nghiêm trọng được đến nền kinh tế hay năng lực quân sự của Nga hay không.

“Các lệnh trừng phạt thường khởi tác dụng hoàn toàn trong trung hạn và dài hạn,” ông Temur nói với The Epoch Times. “Nga chủ yếu tự túc về cả tài nguyên dưới lòng đất và trên mặt đất.”

“Hầu hết các nước phương Tây đều có các mối bang giao thương mại với Nga về mặt phụ thuộc vào chuỗi cung ứng,” ông nói thêm. “Không có chuyện họ sẽ thay thế chuỗi cung ứng này bằng các quốc gia có nguồn thay thế khác trong thời gian ngắn như vậy.”

‘Kiên nhẫn mang tính chiến lược’

Theo ông Milov, nguyên là thứ trưởng năng lượng Nga hồi năm 2002, các đồng minh phương Tây của Kyiv đang “đi đúng hướng” về chính sách trừng phạt chung của họ. Tuy nhiên, ông nói rằng sẽ “mất một thời gian” trước khi các lệnh trừng phạt này khởi tác dụng rõ ràng hơn.

Vì lý do này, ông cho biết, “lời khuyên tốt nhất” dành cho các nhà hoạch định chính sách phương Tây “là thực hiện sự kiên nhẫn mang tính chiến lược.”

Trong một báo cáo được công bố hôm 31/01, IMF cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã giảm 2.2% trong năm ngoái. Tuy nhiên, IMF nói thêm rằng nền kinh tế của Nga có thể sẽ tăng trưởng 0.3% trong năm 2023.

IMF tiếp tục dự đoán rằng vào năm 2024, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng tới 2.1%. Để so sánh, nền kinh tế Hoa Kỳ được dự báo chỉ tăng trưởng 1% trong cùng thời kỳ, theo IMF.

Về phần mình, ông Milov lập luận rằng các yếu tố khác nên được xem xét “ngoài một số chỉ số vĩ mô thường được dùng trong các chỉ số chung.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh về Tương tác và các Biện pháp Xây dựng Niềm tin ở châu Á (CICA), tại Astana, Kazakhstan, hôm 13/10/2022. ( Ảnh: Vyacheslav Prokofyev/Sputnik, Kremlin Pool/AP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh về Tương tác và các Biện pháp Xây dựng Niềm tin ở châu Á (CICA), tại Astana, Kazakhstan, hôm 13/10/2022. ( Ảnh: Vyacheslav Prokofyev/Sputnik, Kremlin Pool/AP)

Ông nói thêm rằng các chỉ số như GDP, tỷ lệ thất nghiệp, và tỷ giá hối đoái của đồng rúp “không thực sự cho thấy những gì đang diễn ra trong nền kinh tế [Nga].”

Kêu gọi sự “giám sát phức hợp hơn” tình hình này, ông Milov chỉ ra các chỉ số khác, chẳng hạn như sản lượng công nghiệp, và doanh thu thuế không phải từ dầu khí, mà theo ông, “cung cấp một bức tranh chi tiết hơn nhiều về tác động của các lệnh trừng phạt.”

Một thành viên tham gia hội thảo khác, ông Charles Lichfield, phó giám đốc Trung tâm Địa Kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, đã kêu gọi sử dụng “các chỉ số mềm” — chẳng hạn như doanh số bán rượu — để xác định liệu các lệnh trừng phạt có hiệu quả hay không.

Theo ông Temur, nhiều người ở phương Tây “vẫn nhìn nhận nước Nga trong khuôn khổ sự hiểu biết kinh tế kinh điển của họ, và đánh giá một cách hời hợt dựa trên một số dữ liệu kinh tế vĩ mô nhất định.”

Ông nói: “Nhưng kể từ cuối những năm 2000, chính phủ ông Putin đã từng bước thúc đẩy nước Nga hướng tới một mô hình kinh tế theo chủ nghĩa nhà nước.”

“Vì vậy, giới tinh hoa cầm quyền của Nga nhận thấy việc rời bỏ mô hình kinh tế tự do phương Tây sẽ có lợi hơn cho lợi ích của chính họ.”

Giám sát sự tuân thủ lệnh trừng phạt

Ông Milov cũng bày tỏ sự thất vọng rằng một số quốc gia bên thứ ba — “Trung Quốc, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ, và các nước khác” — đã từ chối tham gia chính sách trừng phạt của phương Tây.

Ông nói, điều này đã cho phép Nga nhập cảng “những hàng hóa và công nghệ quan trọng bị trừng phạt” mà nếu không thì sẽ không thể có được. Vấn đề lớn nhất hiện nay là tình trạng lách và trốn lệnh trừng phạt.”

Vì lý do này, theo ông Milov, “trọng tâm chính” vào năm 2023 không nên là áp đặt các lệnh trừng phạt mới, “mà là giám sát việc tuân thủ các lệnh trừng phạt đã được đưa ra.”

Về vấn đề này, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên lâu năm của NATO, đã được nhắc đến nhiều lần trong cuộc thảo luận của Hội đồng Đại Tây Dương.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng lên án cuộc xâm lược Ukraine của Moscow vào năm ngoái, nhưng cho đến nay, họ vẫn từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với Nga, quốc gia có bang giao thương mại rộng lớn và một đường biên giới trên biển dài.

Các cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ

Mặc dù vậy, Đảng Công Lý và Phát triển cầm quyền lâu năm của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với các cuộc bầu cử cam go vào tháng Năm, mà nếu đảng này thua cuộc thì có thể dẫn đến những thay đổi chính sách đối ngoại lớn.

“Thay đổi chính trị có thể xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ sau các cuộc bầu cử,” ông Milov nói. “Đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập đang thể hiện xu hướng tham gia cùng phương Tây trong một số lệnh nhất định và có thể tham gia chế độ trừng phạt này.”

Nhưng bất kể kết quả bầu cử như thế nào, ông Temur tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì bang giao với Nga do mối quan hệ kinh tế sâu rộng của hai quốc gia này.

“Tuy nhiên,” ông nói, “Thổ Nhĩ Kỳ có thể tách mình ra khỏi Nga nếu phe đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.”

Về phần mình, ông Lichfield thừa nhận rằng tác động được kỳ vọng ​​của các lệnh trừng phạt đã mất nhiều thời gian hơn so với dự đoán ban đầu.

“Có một cảm giác, có lẽ bởi vì các lệnh trừng phạt là chưa từng có … điều này có nghĩa là nền kinh tế [Nga] sẽ sụp đổ và sẽ có một cuộc đảo chính [ở Moscow].”

Ông nói thêm, “Chúng tôi đã bị cuốn theo ngay từ đầu.”

Adam Morrow

BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH

Ông Adam Morrow đưa tin về cuộc chiến Nga-Ukraine cho The Epoch Times.

Vân Du biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times