Thời sự thế giới hôm nay: 21/07/2022

Share this post on:

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nội tình chính phủ của Mario Draghi, Thủ tướng Ý, đã được làm sáng tỏ vào hôm thứ Tư khi các nhà lãnh đạo của hai đảng cực hữu trong liên minh của ông không chịu tham gia cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Draghi đã chiến thắng với tỷ lệ phiếu 95-38, nhưng đó là một chiến thắng vô nghĩa vì bị tẩy chay. Silvio Berlusconi, của Đảng Nước Ý Tiến lên (Forza Italia), và Matteo Salvini, của Liên đoàn phương Bắc, đã yêu cầu loại trừ Phong trào Năm Sao theo chủ nghĩa dân túy khỏi liên minh cầm quyền – một điều kiện mà Draghi từ chối. Ông dự kiến sẽ nộp đơn từ chức vào thứ Năm, một động thái có khả năng thúc đẩy các cuộc bầu cử sớm.

Tổng thống Joe Biden đã công bố các hành động hành pháp khác nhau liên quan đến khí hậu, vài ngày sau khi đạo luật khí hậu mà ông đề xuất được trình lên Quốc hội. Một trong số các chỉ thị là thúc đẩy phát triển năng lượng gió ngoài khơi ở Vịnh Mexico, trước đây là địa điểm đặt các dàn khoan dầu khí, và ở các vùng biển dọc theo bờ biển phía đông nam nước Mỹ. Nhưng Biden đã không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về biến đổi khí hậu, như một số nhà hoạt động kỳ vọng. Một sắc lệnh như vậy sẽ đảm bảo nguồn ngân sách liên bang lớn hơn cho các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, các mục tiêu của nước này ở Ukraine hiện đã vượt ra ngoài khu vực miền đông Donbas, một dấu hiệu cho thấy Nga đang mở rộng các mục tiêu chiến tranh của mình. Lavrov nói với RIA Novosti, một đài truyền hình nhà nước, rằng các mục tiêu của Nga hiện không chỉ bao gồm các khu vực Donetsk và Luhansk ở phía đông, mà còn cả Kherson và Zaporizhzhia ở phía nam. Hôm thứ Ba, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng Nga đang áp dụng “chiêu bài sáp nhập” ở các khu vực mà họ chiếm đóng.

Ủy ban Châu Âu sẽ thúc giục các nước thành viên cắt giảm tiêu thụ khí đốt khoảng 15% trong bối cảnh lo ngại nguồn cung từ Nga sụt giảm. Kế hoạch khẩn cấp được đưa ra sau khi Vladimir Putin tuyên bố rằng khi Gazprom khởi động lại nguồn cung cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 vào thứ Năm, nhưng công suất sẽ giảm đi đáng kể. Đường ống này đã chính thức đóng cửa để bảo trì. Một số người nghi ngờ Nga đang dùng đường ống khí đốt làm công cụ chính trị để trả đũa việc EU ủng hộ Ukraine.

Ukraine sẽ yêu cầu các trái chủ quốc tế gia hạn thời gian trả nợ thêm hai năm – để nước này có thể dùng tiền vào mục đích phòng thủ trước Nga. Chính phủ Ukraine hy vọng sẽ đàm phán xong việc hoãn trả nợ vào giữa tháng 8, trước khi khoản thanh toán 1,2 tỷ USD đến hạn vào đầu tháng 9. GDP của Ukraine ước tính đã giảm khoảng 40% kể từ khi bị Nga xâm lược vào tháng 2.

Rishi Sunak và Liz Truss đã lọt vào vòng cuối cùng của cuộc đua trở thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh, còn Penny Mordaunt bị loại. Người chiến thắng vòng cuối cùng sẽ thay thế Boris Johnson làm Thủ tướng. Hôm thứ Tư, Mordaunt chỉ nhận được 105 phiếu bầu từ các nghị sĩ Bảo thủ. Ngoại trưởng Truss được 113 người ủng hộ, trong khi cựu Bộ trưởng Tài chính Sunak dẫn đầu với số phiếu 137. Hai ứng viên cuối cùng sẽ được bầu chọn bởi khoảng 180.000 thành viên Đảng Bảo thủ, kết quả dự kiến được công bố vào ngày 05/09.

Nghị viện Sri Lanka đã bỏ phiếu bầu Ranil Wickremesinghe làm tân Tổng thống vào thứ Tư. Ông vốn dĩ đang làm tổng thống lâm thời, sau khi Gotabaya Rajapaksa từ chức vào tuần trước. Wickremesinghe được coi là đồng minh của người tiền nhiệm và không được lòng công chúng; ngôi nhà của ông đã bị thiêu rụi trong bối cảnh biểu tình bạo lực khiến cựu tổng thống phải chạy trốn.

TIÊU ĐIỂM

Putin khiến châu Âu lo lắng về khí đốt

Trong mười ngày, các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp châu Âu đã phải nín thở chờ xem liệu Vladimir Putin có cho phép mở lại đường ống dẫn khí đốt theo kế hoạch hay không. Nord Stream 1, vận chuyển hơn một phần ba lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga sang Tây Âu thông qua Đức, đã bị đóng cửa vào ngày 11/07 để bảo trì theo lịch trình, và dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào thứ Năm. Dù đường ống có thể sẽ được mở lại, nhưng công suất sẽ khác xa với mức bình thường của nó.

Vào tháng 6, Nga đã giảm 60% lượng khí đốt đi qua đường ống. Và Putin đã cảnh báo rằng sản lượng có thể bị cắt giảm hơn nữa. Tổng thống Nga đổ lỗi cho việc đưa một tuabin khí đến Canada để sửa chữa. Nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu nghi ngờ có động cơ chính trị nhiều hơn.

Sự gián đoạn nguồn cung năng lượng hơn nữa sẽ làm tăng chi phí năng lượng vốn đã cao vọt của châu Âu, và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát gia tăng. EU đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất: Ủy ban châu Âu đã đưa ra đề xuất cho các chính phủ cắt giảm tiêu thụ khí đốt khoảng 15%. Một mùa đông khó khăn đang chờ họ phía trước.

Thách thức về chính sách tiền tệ của ECB

Hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB cho biết sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm. Lạm phát tăng mạnh – giá cả tăng với tốc độ hàng năm là 8,6% vào tháng 6 – đã buộc họ phải hành động. Lãi suất phải tăng để hạ nhiệt nền kinh tế của khu vực đồng euro.

Nhưng đừng mong đợi một mức tăng lãi suất lớn. Chiến tranh ở Ukraine đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng năng lượng và hầu hết các chỉ số niềm tin đều đang cho thấy sự suy thoái. Để đạt được cân bằng giữa hạ nhiệt lạm phát và ngăn chặn suy thoái, ECB có lẽ sẽ vẫn tuân theo kế hoạch tăng lãi suất ở mức khiêm tốn 0,25 điểm phần trăm đã được công bố trước đó.

Tuy nhiên, lãi suất chỉ là một phần của vấn đề. Ngân hàng cũng phải công bố chi tiết chương trình mua trái phiếu để đảm bảo rằng lợi tức trái phiếu của các quốc gia đang mắc nhiều nợ – đặc biệt là Ý – không tăng quá cao, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ khác. Bản thân nước Ý cũng đang trải qua một giai đoạn bất ổn chính trị. Tình hình này sẽ kiểm tra các giới hạn chính trị và pháp lý của ECB trong việc thiết kế một chương trình như vậy.

Lý thuyết tiền tệ điên rồ của Thổ Nhĩ Kỳ

Tại Brussels, Washington, và London, chủ đề của cuộc trò chuyện tại các ngân hàng trung ương không phải là có nên tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát hay không, mà là tăng bao nhiêu. Còn ở Ankara, câu chuyện lại hoàn toàn khác.

Khi ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ nhóm họp vào thứ Năm, hầu như chẳng ai mong chờ một sự tăng lãi suất. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, tin rằng lãi suất cao hơn là nguyên nhân gây ra lạm phát cao, chứ không phải là giải pháp cho tình trạng này. Những người dám nghĩ khác, theo lời ông, chỉ là “bọn thất học hoặc quân phản bội.” Ông đã sa thải ba thống đốc ngân hàng trung ương bất đồng ý kiến với mình.

Bằng chứng không đứng về phía Erdogan. Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên gần 80% kể từ khi ngân hàng này giảm lãi suất vào cuối năm ngoái, gây áp lực lên người tiêu dùng. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy hơn một phần ba người Thổ Nhĩ Kỳ không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự quay đầu. Lãi suất ở Thổ Nhĩ Kỳ được tin là sẽ không đổi vào thứ Năm – bởi vì Erdogan đã nói như vậy.

Phiên điều trần cuối cùng về vụ bạo loạn 06/01

Hôm thứ Năm, phiên điều trần thứ tám và cuối cùng của Ủy ban Điều tra Bạo loạn ngày 06/01 của Quốc hội Mỹ sẽ diễn ra – được phát sóng trên truyền hình vào khung giờ vàng. Ủy ban 06/01, được thành lập để điều tra vụ bạo loạn năm 2021 tại Điện Capitol của những người ủng hộ Donald Trump, đã làm việc theo đúng quy trình. Hàng triệu người đã theo dõi các phiên điều trần của ủy ban, lắng nghe một câu chuyện quen thuộc với nhiều chi tiết cáo buộc đan xen. Họ đã nghe những cáo buộc về âm mưu gây áp lực buộc phó tổng thống Mike Pence ‘đánh cắp’ cuộc bầu cử, loại bỏ Tổng Chưởng lý, và thậm chí buộc Cơ quan Mật vụ đưa Trump đến Điện Capitol trong khi bạo loạn đang diễn ra.

Phiên điều trần hôm thứ Năm sẽ mổ xẻ quyết định không hành động của cựu tổng thống trong suốt ngày hôm đó. Mục đích của ủy ban rõ ràng là vạch ra cơ sở để tiến hành một cuộc truy tố liên bang tiềm năng đối với Trump. Một cuộc điều tra của bồi thẩm đoàn riêng biệt ở bang Georgia cũng đang được tiến hành. Bóng đen của cuộc bầu cử năm 2020 sẽ còn bao trùm nền chính trị Mỹ trong một thời gian dài nữa.

Nguồn: Nghiên cứu quốc tế