Thời sự Thứ Ba 21/11/2023: *BT Quốc phòng Mỹ thăm Kyiv, thêm viện trợ quân sự. *TNS Cộng Hòa kêu gọi TT Biden không nhượng bộ Trung Quốc. *Trung Quốc, Nhật Bản bán hàng tỷ USD công khố phiếu Hoa Kỳ. *Ngoại giao Trung Đông của Trung Quốc. *Biển Đông : Bắc Kinh không thực tâm về COC. *Xung đột Israel – Hamas bao phủ thượng đỉnh BRICS. *Đài Loan: Dân Tiến Đảng chọn bà Tiêu Mỹ Cầm làm PTT

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Kyiv, công bố thêm viện trợ quân sự 

21/11/2023 

Reuters 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenzkyy (phải) họp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Kyiv ngày 20/11/2023.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenzkyy (phải) họp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Kyiv ngày 20/11/2023. 

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá 100 triệu đô la cho Ukraine trong chuyến thăm không báo trước tới Kyiv ngày 20/11, cam kết sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tính bền vững của viện trợ quan trọng từ Hoa Kỳ.

Ông Austin loan báo gói viện trợ sau một ngày họp với các quan chức Ukraine. Đợt viện trợ mới nhất bao gồm các loại vũ khí như vũ khí chống tăng, hệ thống đánh chặn phòng không và Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS).

Ông Austin, đi cùng với vị tướng hàng đầu của Mỹ ở châu Âu, được chụp ảnh mỉm cười và bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Việc này đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông Austin tới Kyiv kể từ tháng 4 năm 2022.

“Thông điệp mà tôi mang đến cho ông hôm nay, thưa Tổng thống, là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sát cánh với quý vị. Chúng tôi sẽ sát cánh với quý vị lâu dài”, ông Austin nói với ông Zelenskyy sau chuyến tàu đêm từ Ba Lan đến Ukraine.

Ông Zelenskyy nói với ông Austin rằng chuyến thăm của ông Austin là “một tín hiệu rất quan trọng” đối với Ukraine.

“Chúng tôi tin tưởng vào sự hỗ trợ của quý vị,” ông Zelenskiy nói với ông Austin.

Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 44 tỷ đô la viện trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022.

“Tôi nghĩ họ đã sẵn sàng chiến đấu vào mùa đông”, ông Austin nói với các phóng viên sau cuộc gặp.

Ông Austin nói thêm: “Họ đã làm rất tốt vào năm ngoái. Năm nay, chúng tôi kỳ vọng họ sẽ làm như vậy, dựa trên những gì… Tổng thống Zelenskyy đã nói, họ thậm chí còn mạnh hơn”.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh sự chia rẽ ngày càng tăng về viện trợ cho Ukraine tại Quốc hội Hoa Kỳ, với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 11 năm 2024. Một số nhà lập pháp Mỹ đang ưu tiên viện trợ cho Israel ngay cả khi các quan chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng Washington có thể hỗ trợ đồng thời cả hai đồng minh.

Trong một tuyên bố ngày 20/11, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã kêu gọi các nhà lập pháp phê duyệt thêm viện trợ.

Ông Blinken nói: “Điều quan trọng là Quốc hội phải hành động để hỗ trợ Ukraine bằng cách thông qua đề nghị tài trợ bổ sung của Tổng thống”.

“Giúp Ukraine tự vệ… giúp ngăn chặn xung đột lớn hơn trong khu vực và ngăn chặn sự xâm lược trong tương lai, điều này giúp tất cả chúng ta an toàn hơn.”

Một cách riêng tư, một số quan chức hàng đầu của Ukraine đã bày tỏ lo ngại rằng việc cung cấp viện trợ quân sự có thể bớt thường xuyên hơn, phản ánh sự bất an ngày càng lớn về mức độ hỗ trợ cần thiết để duy trì cuộc chiến chống lại Nga. Ngân sách Ukraine năm tới thâm hụt hơn 40 tỷ đô la và cần phải bù đắp.


Các Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa lên tiếng về việc Biden gặp Tập.

https://vietquoc.org/

Published 20/11/2023

https://lh3.googleusercontent.com/pw/ADCreHfhYFaInfCbgKziscy1IviMXWUZ3wjnsV8S4YhyF9mXJBQMsB941zZ2e7_ATlDj-sTmQOKaLtgK3HY75L0X1RseREyMt0IR4WaabvJjxemf4gReb0E8Bwew8ztr1P8h1GudHY1WCKN7STUh4QK0DAjbvA=w511-h351-s-no?authuser=0

Thượng Nghị Sĩ Jim Risch

Gần hai chục thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Cộng Hòa đã kêu gọi Tổng Thống Joe Biden không “nhượng một tấc (inch)” về chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tại Điền Trang Filoli.
Được đứng đầu dẫn dắt bởi TNS Jim Risch, thành viên cao cấp của Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện, 22 thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện cho biết trong một tuyên bố rằng “điều tối quan trọng là Biden và chính quyền của ông không nhượng bộ một tấc về chính sách của Mỹ đối với Đài Loan”.
Biden và Tập ở San Francisco để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Hợp Tác Kinh Tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm nay, được tổ chức từ ngày 16 – 17/11/2023 sau khi Hội Nghị Bộ Trưởng APEC được tổ chức hai ngày trước đó.
Tuyên bố cho biết: “Một số vấn đề cấp bách hơn việc bảo đảm Đài Loan có khả năng và đào tạo cần thiết để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Cộng. Các lợi ích an ninh kinh tế và quốc gia quan trọng của Hoa Kỳ cũng như tương lai của toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều đang bị đe dọa ở đây”.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa chỉ trích cuộc gặp dự kiến của Biden với Tập Cận Bình là “một thông điệp rõ ràng rằng chính quyền này sẽ theo đuổi việc thiết lập lại nền kinh tế với Trung Cộng bên trên việc củng cố an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”.

“Niềm tin của chính quyền rằng một mối quan hệ kinh tế vững chắc sẽ ổn định toàn bộ mối quan hệ Mỹ-Trung là hoàn toàn sai lầm, và đó chính xác là điều mà Đảng Cộng sản Tàu (ĐCST) muốn chúng ta tin”.

Tuy nhiên, các giới chức hành chính chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cuộc họp sẽ nhằm mục đích thiết lập lại nền kinh tế.

Biden nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng mục tiêu của ông trong cuộc gặp với ông Tập sẽ là bình thường hóa liên lạc giữa hai cường quốc đặc biệt là nối ại những đường dây nóng quân sự.

Khi được hỏi làm thế nào ông xác định thành công cho cuộc họp hôm thứ Tư, Biden nói, “để quay trở lại hoạt động bình thường”.

Điều đó bao gồm “việc trao đổi thư từ, có thể nhấc điện thoại và nói chuyện với nhau nếu xảy ra khủng hoảng, có thể bảo đảm rằng quân đội của hai bên vẫn liên lạc với nhau” ông Biden nói như vậy.

TT Biden còn nói tiếp “Như tôi đã nói với bạn, chúng tôi không cố gắng tách rời khỏi Trung Cộng” và “Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là thay đổi mối quan hệ tốt đẹp hơn”.

Cuộc gặp ngày 15/11/2023 là cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ tháng 11/2022 bên lề cuộc họp G20 được tổ chức tại Indonesia, và cuộc gặp gỡ của họ đã thu hút sự chú ý đáng kể do căng thẳng hiện có giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong khi đó, khi được yêu cầu bình luận về phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Cộng rằng họ muốn thấy “những hành động cụ thể” về sự ủng hộ của Mỹ đối với chính sách “One China” tại cuộc họp, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia John Kirby đã nhắc lại lập trường của Washington về vấn đề này.

Ông John Kirby nói.

“Không có gì thay đổi” vời chính sách “One China” của Trung Cộng, “Rõ ràng là chúng tôi không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan. Chúng tôi chắc chắn muốn thấy nền dân chủ của Đài Loan được tiếp tục phát triển. Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ căng thẳng xuyên eo biển này được giải quyết đơn phương hoặc làm đảo lộn hiện trạng một cách đơn phương, chắc chắn là không bằng vũ lực”.

Admin https://vietquoc.org

https://focustaiwan.tw/cross-strait/202311150005


Cựu đại sứ Ukraine tại Mỹ: Kyiv phải chuẩn bị ứng phó tình hình mất hỗ trợ từ Washington

Gia Huy (Theo RT)

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/vukhiete.jpg

Ông Valeriy Chaly, cựu đại sứ Ukraine tại Mỹ, nhận định, sự phản đối của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đang thách thức những nỗ lực của Nhà Trắng trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Ông Chaly cảnh báo, Ukraine nên chuẩn bị ứng phó với tình huống xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị tiềm ẩn ở Mỹ, vốn có thể làm suy yếu sự hỗ trợ quân sự tiếp tục của Hoa Kỳ dành cho quốc gia Đông Âu này.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Espresso trong tuần này, ông Chaly, người từng là đại sứ Ukraine tại Washington từ năm 2015 đến năm 2019, đã bình luận về chuyến thăm Washington gần đây của một phái đoàn Ukraine nhằm tìm cách vận động Quốc hội Mỹ hỗ trợ thêm tài chính cho Kyiv. Theo nhà ngoại giao này, Ukraine cảm thấy đang rơi vào trạng thái bấp bênh.

Phát biểu với đài truyền hình Ukraine, ông tiết lộ: “Trong số ba kịch bản mà từ lâu chúng tôi đã nói đến, vì một lý do nào đó, chính phủ chúng tôi đã cân nhắc kịch bản lạc quan nhất, và bây giờ những gì đang xảy ra thực sự lại là kịch bản xấu nhất.”

Ông Chaly đã chỉ ra mối quan ngại rằng Đảng Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ, do tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson lãnh đạo, sẽ trì hoãn việc cung cấp việc viện trợ cho Kyiv. Ông bày tỏ lo lắng: “Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Rõ ràng là sẽ có sự sụt giảm [về viện trợ cho Ukraine].”

Tuy nhiên, cựu đại sứ Ukraine cho hay, ông chắc chắn rằng phương Tây sẽ không ngừng viện trợ cho Ukraine trong tương lai gần. Ông nói: “Tôi kỳ vọng mức hỗ trợ này sẽ không giảm mạnh cho đến mùa hè [năm sau].” Đồng thời ông lưu ý rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Kyiv ít nhất cho đến tháng Bảy năm sau.

Nhà ngoại giao kỳ cựu này cảnh báo: “Tuy nhiên bây giờ chúng ta phải nghĩ đến mùa thu năm sau khi Hoa Kỳ rất có thể sẽ rơi vào một cuộc khủng chính trị, khi đó chúng ta sẽ rất khó chốt ngân sách cho năm.”

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt gói viện trợ trị giá 106 tỷ đô la tập trung chủ yếu cho Ukraine và Israel. Tuy nhiên, nhiều thành viên Đảng Cộng hòa đã phản đối chính sách “tờ séc trắng” của chính quyền Biden đối với Ukraine và cho biết họ muốn xử lý hai vấn đề này một cách riêng biệt.

Hôm thứ Sáu (17/11), Tổng thống Biden đã ký một dự luật chi tiêu tạm thời để ngăn chặn việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Dự luật này không bao gồm khoản ngân sách bổ sung nào dành cho Israel và Ukraine.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga – Ukraine vào tháng 2/2022, Hoa Kỳ đã cung cấp khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 44 tỷ đô la cho Kyiv. Tuy nhiên, gần đây Nhà Trắng đã cảnh báo rằng nguồn ngân quỹ có sẵn đang cạn kiệt trong bối cảnh Quốc hội Mỹ rơi vào tình trạng bế tắc chính trị.

Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, vì điều này sẽ chỉ kéo dài xung đột và khiến phương Tây trở thành một bên trực tiếp tham gia vào cuộc chiến này.


Dữ liệu mới của Bộ Ngân khố: Trung Quốc, Nhật Bản đã bán hàng tỷ USD công khố phiếu Hoa Kỳ trong tháng Chín 

Andrew Moran 

Thứ ba, 21/11/2023 – Vân Du biên dịch

Đầu tư ngoại quốc vào công khố phiếu Hoa Kỳ giảm do những lo ngại về tài khóa. 

Dữ liệu mới của Bộ Ngân khố: Trung Quốc, Nhật Bản đã bán hàng tỷ USD công khố phiếu Hoa Kỳ trong tháng Chín

Hình minh họa Euro, HKD, USD, yên Nhật, bảng Anh và tiền giấy 100 nhân dân tệ của Trung Quốc hôm 21/01/2016. (Ảnh: Jason Lee/Illustration/Reuters) 

Dữ liệu mới cho thấy vào thời điểm chính phủ Hoa Kỳ đang chứng kiến ​​sự quan tâm mờ nhạt đối với công khố phiếu ở trong nước, thì các nhà đầu tư ngoại quốc cũng đang hạn chế tiếp xúc với nợ Hoa Kỳ. 

Theo báo cáo TIC hàng tháng của Bộ Ngân khố, đầu tư ngoại quốc — từ các ngân hàng trung ương, tổ chức tài chính, và nhà đầu tư tư nhân — vào nợ chính phủ Hoa Kỳ đã giảm khoảng 100 tỷ USD xuống còn 7.605 ngàn tỷ USD trong tháng Chín. Sự sụt giảm này xảy ra ở cả trái phiếu, kỳ phiếu, và tín phiếu. 

Nhật Bản, quốc gia nắm giữ lượng công khố phiếu Hoa Kỳ lớn nhất thế giới, đã giảm 28.5 tỷ USD, tương đương với 2.55% lượng nắm giữ của họ, để xuống còn 1.087 ngàn tỷ USD. Con số này giảm gần 3% so với cùng thời kỳ năm trước. 

Trung Quốc tiếp tục giảm lượng nắm giữ công khố phiếu Hoa Kỳ, bán đi hơn 27 tỷ USD, tương đương 3.4%, để sở hữu 778.1 tỷ USD. Tỷ lệ nắm giữ của Trung Quốc đã giảm khoảng 15% trong 12 tháng qua khi Bắc Kinh cố gắng chống đỡ đồng nhân dân tệ đang suy yếu. Trong ba tháng qua, Trung Quốc đã bán được hơn 47 tỷ USD, tốc độ bán nhanh nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ năm 2019. 

“Có thể Trung Quốc đang tụt hậu với việc tăng lãi suất dài hạn của Hoa Kỳ. Tăng trưởng ở Trung Quốc đang chậm lại vì các lý do mang tính chu kỳ và cấu trúc, đồng thời xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ cũng thấp hơn,” ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo, viết hồi tháng Mười. “Kết quả là, Trung Quốc có ít tiền hơn để mua công khố phiếu. Trên thực tế, Trung Quốc đã bán 300 tỷ USD công khố phiếu kể từ năm 2021 và tốc độ bán của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn trong những tháng gần đây.” 

Nhiều loại công khố phiếu đang giao dịch ở mức lợi suất 5% hoặc gần 5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm. 

Trong khi đó, Vương quốc Anh là một trong những nước bán ròng lớn nhất trong tháng Chín, từ bỏ lượng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ trị giá khoảng 30 tỷ USD, giảm tổng lượng nắm giữ xuống còn 668.9 tỷ USD. 

Có thể kể đến các quốc gia khác cắt giảm mức độ liên quan đến nợ chính phủ Hoa Kỳ như Canada (15 tỷ USD), Đài Loan (5 tỷ USD), Ấn Độ (3 tỷ USD), Hồng Kông (6 tỷ USD), và Nam Hàn (5 tỷ USD). 

Mặt khác, một số thị trường đã tăng lượng nắm giữ để tận dụng lợi suất cao hơn, chẳng hạn như Luxembourg (8 tỷ USD), Singapore (3 tỷ USD), Saudi Arabia (5 tỷ USD), và Đức (6 tỷ USD). 

Tổng cộng, các nhà đầu tư ngoại quốc sở hữu khoảng ⅓ tổng số nợ tồn đọng của chính phủ Hoa Kỳ, giảm từ khoảng 43% vào một thập niên trước. 

Các nhà phân tích thị trường cho rằng diễn biến này báo hiệu thế giới không còn hứng thú với công khố phiếu như trước nữa. Có nhiều nguyên do khác nhau, từ căng thẳng địa chính trị cho đến lo ngại về lộ trình tài khóa của Hoa Thịnh Đốn. 

Nhưng các nhà quan sát cảnh báo rằng dù thế nào đi nữa, xu hướng đảo chiều đột ngột trong sự quan tâm của quốc tế đối với công khố phiếu Hoa Kỳ đến không đúng lúc vì Bộ Ngân khố đang phát hành hàng ngàn tỷ công khố phiếu để giúp quản lý thâm hụt ngân sách, nợ quốc gia, và chi phí lãi vay đang ngày càng tăng. 

Sự quan tâm đến nợ của Hoa Kỳ giảm dần

Tháng trước (10/2023), Bộ Ngân khố thông báo rằng chính phủ sẽ vay 776 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm tài khóa 2024, giảm so với doanh số bán nợ 1.01 ngàn tỷ USD của quý trước. Trong ba tháng đầu năm 2024, Bộ Ngân khố dự kiến ​​​​sẽ vay 816 tỷ USD. 

Trong một thông báo riêng, Bộ Ngân khố tiết lộ sẽ tăng quy mô phát hành công khố phiếu để giúp chính phủ liên bang quản lý gánh nặng nợ ngày càng tăng và chi phí lãi suất ngày càng tăng. Hành động đầu tiên đã xảy ra vào đầu tháng này khi Bộ Ngân khố bán đấu giá 112 tỷ USD. Nhu cầu đã cho thấy những tín hiệu trái chiều. 

Đối với cuộc đấu giá trị giá 48 tỷ USD liên quan đến kỳ phiếu kỳ hạn 3 năm, các đại lý sơ cấp — các tổ chức tài chính thu thập nguồn cung mà các nhà đầu tư không mua — chiếm 16% tổng doanh số bán. 

Đợt bán công khố phiếu kỳ hạn 10 năm trị giá 40 tỷ USD đã có kết quả tốt hơn một chút, trong đó các đại lý sơ cấp mua ít hơn 15% nguồn cung. Việc bán công khố phiếu kỳ hạn 30 năm trị giá 24 tỷ USD đã có mức độ quan tâm thấp đến tệ hại, buộc các nhà kinh doanh sơ cấp phải mua 25% số trái phiếu được phát hành. Trong khi trong vòng 12 tháng qua, mức mua trung bình là 12%. 

Ngoài ra, lợi suất đã lên cao hơn mong đợi trước khi các cuộc đấu giá bắt đầu. 

Ông Slok cho rằng “chi phí vốn có thể sẽ cao hơn vĩnh viễn,” viện dẫn việc phát hành công khố phiếu, chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của Nhật Bản, sự hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với nợ chính phủ Hoa Kỳ, và việc thắt chặt định lượng của Hệ thống Dự trữ Liên bang. Để thu hút thêm đầu tư, Hoa Kỳ có thể cần phải giữ lãi suất ở mức cao. 

Các quốc gia khác vẫn đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, dẫn đến lợi suất cao hơn trên toàn cầu. Ví dụ, công khố phiếu Anh kỳ hạn 2 năm có lãi suất khoảng 4.5%. Ngân hàng Nhật Bản đang đặt nền móng cho việc chấm dứt chính sách kiểm soát lợi suất trái phiếu kỳ hạn 7 năm, do đó gần đây đã khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt 0.77%, mức cao nhất trong một thập niên. 

Niềm tin vào công khố phiếu Hoa Kỳ đang bị xói mòn khi hai trong số ba hãng xếp hạng hàng đầu hạ bậc xếp hạng đối với Hoa Kỳ trong vòng một năm, khiến thị trường tài chính bất ngờ. Hồi tháng Tám, Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm nợ của Hoa Kỳ từ AAA xuống AA+, dự đoán về tình trạng suy thoái tài khóa trong ba năm tới. Trong tháng này, Moody’s đã hạ đánh giá của hãng về triển vọng tín dụng của Hoa Kỳ từ “ổn định” xuống “tiêu cực,” nhấn mạnh những thách thức tài chính và sự hỗn loạn chính trị của Hoa Thịnh Đốn. 

Các nhà kinh tế đã từ bỏ hy vọng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, rằng Hệ thống Dự trữ Liên bang sẽ can thiệp. Bởi vì ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đang giảm bảng cân đối kế toán bằng cách cắt giảm lượng nắm giữ công khố phiếu, nên khó có khả năng các cơ quan quản lý tiền tệ sẽ đảo ngược lộ trình và chạy đến giải cứu Hoa Thịnh Đốn.

Các cuộc đấu giá công khố phiếu đã trở thành sự kiện quan trọng đối với Wall Street. Nếu nhu cầu vẫn tiếp tục yếu đi, thì liệu lợi suất công khố phiếu có vượt quá 5% vào năm 2024 không?

https://www.epochtimesviet.com


Cuộc tranh luận về lãi suất của Fed

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chấm dứt việc tăng lãi suất? Vào thứ Ba, cơ quan này sẽ công bố biên bản cuộc họp mới nhất, vốn được tổ chức vào ngày 01/11. Các nhà đầu tư và nhà phân tích sẽ soi xét từng lời nói của các quan chức. Trước đó, một phần nguyên nhân khiến Fed hạn chế tăng lãi suất là vì lợi suất trái phiếu đã tăng đột biến. Biên bản cuộc họp có thể cho thấy rằng Fed xem các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn này là đã giúp họ đạt được mục tiêu của mình.

Tuy nhiên, cách giải thích này sẽ đặt ra nhiều câu hỏi mới, bởi lợi suất đã giảm gần nửa điểm phần trăm kể từ khi cuộc họp diễn ra. Nếu áp dụng logic tương tự, Fed có thể sẽ phản ứng với các điều kiện tài chính được nới lỏng gần đây bằng cách tăng lãi suất một lần nữa. Tuy nhiên, vẫn còn những dữ liệu khác sẽ được đưa vào tính toán của cơ quan này, đáng chú ý nhất là sự sụt giảm bất ngờ của lạm phát vào tháng trước. Tranh luận sẽ còn tiếp tục cho đến giữa tháng 12, thời hạn tiếp theo để Fed quyết định mức lãi suất.


Ngoại giao Trung Đông của Trung Quốc

Trong hơn ba thập niên qua, Mỹ là trung gian duy nhất trong xung đột Ả Rập-Israel. Tuy nhiên, sau khi thất vọng trước việc Mỹ từ chối kêu gọi ngừng bắn sau 5 tuần diễn ra cuộc chiến của Israel ở Gaza, các nhà lãnh đạo Hồi giáo đang ra hiệu rằng họ có những lựa chọn thay thế. Vào thứ Ba, các quan chức Ai Cập, Indonesia, Jordan, Palestine, và Ả Rập Saudi sẽ kết thúc các cuộc gặp ngoại giao tại Trung Quốc, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du các thủ đô nước ngoài. Trung Quốc đang muốn đảm nhiệm vai trò mới. Khi các nhà lãnh đạo Hồi giáo đến Bắc Kinh vào thứ Hai, người đồng cấp Trung Quốc của họ, Vương Nghị, đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Ông nói “Israel nên ngừng trừng phạt tập thể người dân Gaza”.

Các bước đột phá ngoại giao của Trung Quốc tại Trung Đông đã mang lại kết quả vào đầu năm nay, khi nước này làm trung gian cho thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai kẻ thù lịch sử là Iran và Ả Rập Saudi. Nhưng giải quyết cuộc xung đột kéo dài 75 năm của Israel với người Palestine là công việc khó khăn hơn. Hôm thứ Hai, đại sứ Israel tại Trung Quốc nói rằng những nỗ lực gây áp lực lên Israel về cách nước này tiến hành chiến tranh là “có động cơ chính trị.” Và Israel đã nói rõ rằng họ sẽ không từ bỏ lựa chọn hòa giải của Mỹ.


Thế độc quyền của Nvidia đang bị đe dọa

Trong một cuối tuần đầy biến động khi Sam Altman bị sa thải khỏi OpenAI, thế giới đã chứng kiến những “kẻ khai sinh” và “kẻ diệt vong” AI tranh giành quyền thống trị. Một cuộc chiến AI khác cũng đang diễn ra song song: Nvidia, một nhà sản xuất chip, sẽ báo cáo kết quả hàng quý vào thứ Ba. Tập đoàn này gần như độc quyền về chất bán dẫn AI và giá cổ phiếu của nó đã tăng hơn 200% kể từ đầu năm. Nhưng áp lực lên sự thống trị của nó đang gia tăng.

Vì lý do an ninh quốc gia, chính phủ Mỹ đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt đối với chip AI được bán cho Trung Quốc, vốn chiếm 1/5 doanh thu của Nvidia. Các hạn chế thương mại này có thể thúc đẩy khách hàng đi tìm nhà cung cấp mới. Baidu, một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, được cho là đang mua nhiều chip AI hơn từ Huawei, một công ty khác của Trung Quốc, thay vì Nvidia. Tại quê nhà, những gã khổng lồ điện toán đám mây của Mỹ, như Alphabet, Amazon, và Microsoft, đang ngày càng cố gắng sử dụng chip AI được thiết kế nội bộ. Dù kết quả của Nvidia hiện tại có thể gây ấn tượng nhưng tình hình có thể thay đổi nhanh chóng. Cứ nhìn trường hợp của Altman.

Chad sẽ là quốc gia tiếp theo ở Dải Sahel rơi vào hỗn loạn?

Vào thứ Ba, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ thảo luận về Sahel. Dải đất khô cằn ở phía nam Sahara không hề an toàn. Kể từ năm 2020, các nhóm đảo chính đã lật đổ các chính phủ ở Burkina Faso, Mali và Niger, buộc lính Pháp phải rời khỏi các nước này. Bạo lực thánh chiến đang lan tràn và tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga đang ngày càng có ảnh hưởng lớn.

Chad có thể là nước tiếp theo rơi vào tình trạng hỗn loạn. Kể từ khi cha ông bị phiến quân giết chết vào năm 2021, Mahamat Idriss Déby đã cai trị như một nhà độc tài. Nhưng ông cũng có nguy cơ bị lật đổ trong một cuộc đảo chính cung đình, hoặc thậm chí có thể là một cuộc bạo loạn của phiến quân. Sự ủng hộ ngày càng rõ ràng của Déby đối với Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) – một lực lượng bán quân sự đang đối đầu với quân đội chính quy ở nước láng giềng Sudan, và bao gồm nhiều người Chad – đã chia rẽ giới tinh hoa cầm quyền của Chad, vốn có một số người ủng hộ phe chính phủ Sudan. Ngay cả khi RSF giành chiến thắng, các phe phái vẫn có thể tìm cách thay đổi tình hình ở Chad. Biến động ở Chad cũng có thể đặt ra câu hỏi về các căn cứ quân sự Pháp đã có từ lâu ở Chad – và, giống như phần còn lại của Sahel, nó có thể mở ra cánh cửa cho ảnh hưởng lớn hơn của Nga.


Nga mở cửa lại thị trường xăng dầu 

21/11/2023

VNTB – Nga mở cửa lại thị trường xăng dầu Lynn Huỳnh (VNTB) – Đầu tuần này, Nga mở cửa lại toàn bộ thị trường xăng dầu. Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu hôm 21-9. Đến ngày 6/10, Điện Kremlin nới lỏng lệnh cấm, cho phép xuất khẩu dầu diesel bằng đường ống, nhưng vẫn cấm xuất khẩu xăng. Dầu diesel là sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu lớn nhất của Nga, đạt khoảng 35 triệu tấn vào năm ngoái. Gần 3/4 trong số đó được vận chuyển qua đường ống. Nga cũng xuất khẩu 4,8 triệu tấn xăng vào năm 2022. Các thương nhân cho biết thị trường nhiên liệu ở Nga, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm việc bảo trì tại các nhà máy lọc dầu, tắc nghẽn đường sắt và đồng rúp suy yếu, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nhiên liệu. Nga đã cố gắng khắc phục tình trạng thiếu hụt dầu diesel và xăng trong những tháng gần đây, nhưng lại chuyển sang hạn chế xuất khẩu để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhiên liệu. Việc Nga nối lại xuất khẩu dầu diesel được cho rằng có tác động lớn nhất đến Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, vì đây là hai khách hàng lớn nhất của Nga trong năm nay. Bà Serena Huang, người đứng đầu bộ phận phân tích APAC tại Vortex cho biết: “Khi lệnh cấm được dỡ bỏ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể không cần nhập khẩu thêm dầu diesel từ châu Á, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào tốc độ khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu diesel của Nga”. Các thương nhân cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm diesel có thể đồng nghĩa với việc các lô hàng diesel châu Á lẽ ra sẽ thay thế Nga xuất khẩu sang châu Phi và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng giờ đây sẽ giữ lại khu vực này, bổ sung vào nguồn cung vốn đã dồi dào. Mức chênh lệch giá dầu diesel tương lai ở thị trường châu Âu đã giảm mạnh sau tin tức Nga mở cửa lại thị trường này. Khoản chênh lệch giữa giá lúc đó và giá tương lai trong 6 tháng đã giảm gần 30% xuống còn 80,50 USD/tấn. Sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập các sản phẩm từ dầu của Nga, nước này chuyển hướng xuất khẩu sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Vùng Vịnh và một số nước ở Bắc và Tây Phi. Hãng tin Reuters đánh giá việc bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của Nga trong việc giảm xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu mỏ 300.000 thùng mỗi ngày cho đến cuối năm nay. Ngày 17-11, giá xăng A-95 giao dịch ở mức khoảng 51.700 ruble/tấn và dầu diesel khoảng 56.300 ruble/tấn. Giá bán buôn xăng tại Nga tăng mạnh vào mùa xuân năm 2023 sau khi Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov công bố kế hoạch giảm một nửa số tiền đền bù các công ty dầu mỏ vì đã kiềm chế giá xăng dầu trên thị trường nội địa. Đầu tháng 9, giá xăng A-95 trên Sàn giao dịch nguyên liệu thô và hàng hóa quốc tế St. Petersburg (SPbMTSE) đã lập kỷ lục trong nhiều ngày và lần đầu tiên đạt mức 75.000 ruble/tấn. Giá dầu diesel giao dịch ngày 19/9 đạt mức kỷ lục 75.036 ruble/tấn. Xuất khẩu xăng của Nga thường ở mức thận trọng, trung bình khoảng 300.000-500.000 tấn/tháng. Họ đã tăng lên gần 1 triệu tấn/tháng vào đầu năm; tuy nhiên, do nhu cầu trong nước thấp theo mùa, và một phần góp phần vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước sau đó. Phó giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia của đất nước, ông Alexander Frolov, nói với TASS rằng khoảng 10% xăng sản xuất ở Nga thường xuyên được đưa ra thị trường xuất khẩu, tương đương khoảng 4 triệu-5 triệu tấn/năm. Ông nói thêm rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm là kịp thời do nhu cầu trong nước đang giảm dần. Theo dữ liệu của S&P Global Commodity Insights, sản lượng xăng của Nga hiện vượt quá 40 triệu tấn/năm sau khi nâng cấp nhà máy lọc dầu. Việc Nga mở cửa lại thị trường nhiên liệu đang được giới kinh doanh xăng dầu Việt Nam cho rằng sẽ giúp giá xăng sắp tới đây thêm nhiều cơ hội giảm ở mùa kinh doanh tháng giáp Tết 2024.
Copyright (C) https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-nga-mo-cua-lai-thi-truong-xang-dau/ .


Biển Đông : Bắc Kinh không thực tâm đàm phán về COC, Manila tìm kiếm sự hợp tác khu vực rộng lớn

Minh Anh /RFI

21/11/2023

Tại Hawai, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố, chính phủ của ông tìm cách tiếp cận với các nước Đông Nam Á láng giềng như Việt Nam và Malaysia để thảo luận về một Bộ Quy tắc Ứng xử riêng biệt ở Biển Đông. Nhưng mong muốn của Manila liệu có thể được đáp ứng ?   

Ảnh tư liệu do quân đội Phillippines cung cấp : Tầu hải cảnh Trung Quốc chặn mũi tầu Philippines gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông, ngày 22/10/2023.

Ảnh tư liệu do quân đội Phillippines cung cấp : Tầu hải cảnh Trung Quốc chặn mũi tầu Philippines gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông, ngày 22/10/2023. © AP / Armed Forces of the Philippines 

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, thủ phủ của Hawai hôm thứ Bảy 18/11, tổng thống Philippines trước hết đưa ra nhận định : Tình hình tại những vùng lãnh hải đang có tranh chấp « ngày càng thảm hại » do thái độ lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc, trong khi các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Bắc Kinh về một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông lại rất chậm chạp, hạn chế.  

Một ngày trước đó, tại San Francisco, Hoa Kỳ, sau cuộc trao đổi với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương nhằm thảo luận về những phương cách giảm thiểu các căng thẳng tại những vùng biển có tranh chấp, tổng thống Marcos cho biết cả ông và chủ tịch Tập « đã nỗ lực tìm kiếm các cơ chế để hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông » nhưng không nêu chi tiết.  

Trang mạng The Diplomat ngày 21/11/2023 ghi nhận các hành động gây hấn sách nhiễu của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể từ năm 2022 và liệt kê nhiều sự cố nghiêm trọng ở Biển Đông, đặc biệt trong các vùng biển của Philippines. Trong bài phát biểu tổng thống Marcos còn cho rằng Trung Quốc hiện nay còn « để ý » đến những bãi đá ngầm và vùng nước sâu « ngày càng gần » với bờ biển của Philippines.  

Nói một cách khác tình hình không những không được cải thiện như cam kết của Bắc Kinh cách nay một năm mà ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một năm trước, thủ tướng Trung Quốc thời đó là Lý Khắc Cường, trong cuộc họp ở Phnom Penh, nhằm kỷ niệm 20 năm Tuyên bố « lịch sử » về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DoC), đã cùng với 10 nước thành viên khối ASEAN tái khẳng định tuân thủ « các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước về Luật biển 1982, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á, năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và nhiều nguyên tắc phổ quát khác được luật pháp quốc tế công nhận, làm nền tảng cho các tiêu chuẩn cơ bản cho các mối quan hệ giữa Nhà nước ». Một cam kết mà ông Raymond Powell, giám đốc SeaLight, đánh giá là hàm chứa nhiều tham vọng hơn so với cam kết DOC năm 2002.  

Sebastian Strangio, một cây bút xã luận của The Diplomat, chuyên gia về vùng Đông Nam Á nhận định, lời kêu gọi này của nguyên thủ Philippines về một sự hợp tác mới trong khu vực phản ảnh rõ những thách thức mà ASEAN đang đối mặt trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Bất chấp các nỗ lực từ 2002, khả năng ASEAN đạt được một thỏa thuận về Bộ Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc sau các cuộc đàm phán với Trung Quốc là rất thấp.  

Một mặt là vì ASEAN khó khăn dung hòa các lợi ích của 10 thành viên trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ ở Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc không thực tâm đàm phán để đi đến một thỏa thuận công bằng và mang tính ràng buộc.   

Cũng theo ông Raymond Powell, trong một bài viết trên The Diplomat, nếu như các chính phủ Đông Nam Á tiếp tục bày tỏ « ủng hộ » Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), thì « mối hoài nghi về triển vọng của văn bản này kể từ giờ phải được xem xét nghiêm túc ». Cũng theo chuyên gia này, trong trường hợp tốt nhất, đối với Trung Quốc, « các cuộc đàm phán bị kéo dài đóng vai trò là vỏ bọc chính trị trong khi nước này trên thực tế vẫn mở rộng quyền kiểm soát đối với nhiều yêu sách lãnh hải rộng lớn hơn nữa ».  

Hơn nữa, một số nước Đông Nam Á chưa giải quyết được các đòi hỏi chủ quyền và tranh chấp với nhau tại Biển Đông, cản trở việc hình thành một mặt trận thống nhất phản đối các đòi hỏi quá mức của Bắc Kinh. Một Bộ Quy tắc Ứng xử không chính thức giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia có thể sẽ là khúc dạo đầu cho một giải pháp đối với những tranh chấp giữa các nước này, và cho phép đặt nền tảng cho một trong những sự thống nhất rộng lớn trong khu vực về những tranh chấp ở Biển Đông.  

Trước một Trung Quốc chọn « vũ lực » để khẳng định các yêu sách của mình, việc các nước khác phải đầu tư mọi nguồn lực ngoại giao trong đàm phán đa phương thu hẹp dường như hợp lý hơn là trong một khuôn khổ ASEAN vận hành theo cơ chế đồng thuận.   

Nhưng liệu Việt Nam và Malaysia có đủ « can đảm » để nắm lấy cơ hội này hay không, còn là một câu chuyện khác !  


Xung đột Israel – Hamas bao trùm thượng đỉnh BRICS

Chi Phương /RFI

21/11/2023

Nam Phi chủ trì hội nghị thượng đỉnh BRICS, qua hình thức trực tuyến, vào hôm nay, 21/11/2023. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng tham gia cuộc họp này đặc biệt này. Các nước sẽ đưa ra một tuyên bố chung về tình hình ở Cận Đông, đặc biệt là ở Gaza.  

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel ở dải Gaza, quang cảnh nhìn từ miền nam Israel, thứ Ba 21/11/2023.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel ở dải Gaza, quang cảnh nhìn từ miền nam Israel, thứ Ba 21/11/2023. AP – Leo Correa 

Ngoài nguyên thủ của năm nước thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), lãnh đạo của một số nước có khả năng gia nhập khối vào tháng Giêng năm 2024, như Ả Rập Xê Út, Achentina, Ai Cập, Iran, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, Ethiopia, cũng tham dự cuộc họp trực tuyến này.  

Từ Johannesburg, thông tín viên Claire Bargelès tường trình :   

« Lãnh đạo của Nam Phi sẽ là người khai mạc cuộc họp vì quốc gia này vẫn giữ vai trò chủ tịch luân phiên của khối BRICS. Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas là chủ đề mà chính phủ Nam Phi đặc biệt quan tâm. Kể từ đầu cuộc chiến, lãnh đạo Nam Phi đã lên tiếng tố cáo những hành động được mô tả là ‘man rợ’ ở dải Gaza, đảng Đại Hội Dân Tộc Phi cầm quyền vẫn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine. Nam Phi cùng với 4 quốc gia khác cũng yêu cầu Tòa anh Hình sự Quốc tế mở một cuộc điều tra chống lại Israel. Prétoria cũng đã triệu hồi nhân viên ngoại giao của nước này ở Tel Aviv.   

Tuy nhiên lập trường của các đối tác của Nam Phi lại khác nhau. Ví dụ, Ấn Độ và Ethiopia thì bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ở Gaza. Trung Quốc lại muốn thể hiện là một trung gian hòa giải khả dĩ. Còn về phía Nga, điện Kremlin đã xác nhận Vladimir Putin tham gia vào cuộc họp này, Matxcơva đang sử dụng cuộc chiến này để tấn công vào sự bá quyền của Hoa Kỳ.  

Do vậy, cần phải chờ xem nội dung của tuyên bố chung được thông qua vào cuối cuộc họp sẽ ra sao. Dẫu sao thì 5 quốc gia BRICS sẽ có dịp gặp lại nhau vào ngày mai, với sự hiện diện của nhiều nước hơn trong khuôn khổ cuộc họp trực tuyến của khối G20, dự trù diễn ra vào thứ Tư tới. »  

Theo AFP, quan hệ giữa Israel và Nam Phi ngày càng căng thẳng, khi vào hôm qua, Israel đã triệu hồi đại sứ của nước này tại Nam Phi, trong khi đảng Đại Hội Dân tộc Phi thì đề xuất đóng cửa sứ quán của Israel ở Pretoria, cắt đứt quan hệ với Tel Aviv, cho đến khi lệnh ngừng bắn được thực hiện ở Gaza.  


Bầu cử Đài Loan: Dân Tiến Đảng chọn bà Tiêu Mỹ Cầm làm ứng viên phó tổng thống

Hsiao

Nguồn hình ảnh, Văn phòng Nghị sĩ Hsiao Bi-khim

Chụp lại hình ảnh, 

Bà Tiêu Mỹ Cầm sinh ra trong gia đình Đài-Mỹ và từng có quốc tịch Hoa Kỳ

20 tháng 11 2023

Bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), cựu nghị sĩ quốc hội và đại diện ngoại giao chính thức của Đài Loan ở Hoa Kỳ, vừa quyết định sẽ ra tranh cử chức phó tổng thống trong liên danh với ông Lại Thanh Đức.

Sáng ngày 20/11/2023, theo giờ Đài Bắc, bà Tiêu Mỹ Cầm chính thức đệ đơn lên Bộ Ngoại giao Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc) xin thôi chức Đại diện Ngoại giao tại Hoa Kỳ.

Trong buổi chiều cùng ngày, Phó Tổng thống Lại Thanh Đức của Đài Loan lên Facebook công bố bà Tiêu Mỹ Cầm sẽ là ứng viên phó tổng thống cùng liên danh với ông.

Dân Tiến Đảng (DPP) hy vọng với ông Lại Thanh Đức là ứng viên tổng thống và bà Tiêu Mỹ Cầm làm phó cho ông, họ sẽ thắng cử để duy trì quyền lực sau tám năm cầm quyền của bà Thái Anh Văn.

Theo luật của Đài Loan, bà Thái không thể ra tranh cử lần ba, sau hai nhiệm kỳ và các đảng chính trị chỉ còn hạn tới chiều thứ Sáu tuần này (24/11) để chính thức đăng ký các ứng viên ra tranh cử tổng thống và phó tổng thống.

Cuộc đầu phiếu dự kiến vào ngày 13/01/2024 sẽ diễn ra trong bối cảnh quan hệ ba bên: Hoa Kỳ-Trung Quốc và Đài Loan căng thẳng.

‘Chiến miêu’ đọ ‘chiến lang’?

Sinh ra ở Kobe, Nhật Bản năm 1971 trong gia đình cha là mục sư người Đài, mẹ là một giáo viên dạy nhạc người Mỹ (Peggy Cooley) , bà Tiêu Mỹ Cầm lớn lên ở Đài Loan nhưng sang Hoa Kỳ học trung học và tốt nghiệp đại học ở Oberlin College, Ohio.

Sau khi có bằng thạc sĩ ngành chính trị học ở ĐH Columbia, New York, bà làm việc tại Văn phòng Liên lạc Đài-Mỹ.

Là người có song tịch, bà phải bỏ hộ chiếu Mỹ để về Đài Loan ra tranh cử vào Hạ viện lần đầu năm 2002.

Bà từng có bốn nhiệm kỳ làm dân biểu và từ 2020 được bổ nhiệm làm đặc sứ (envoy) của Trung Hoa Dân quốc tại Mỹ, chức vụ gần như là đại sứ nhưng không được dùng danh xưng đó vì hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức cấp nhà nước. 

Phát biểu hôm 20/11, bà nhấn mạnh vai trò của ngoại giao Đài Loan trong bối cảnh phải đương đầu với Trung Quốc, điều bà luôn nói từ khi bước vào chính trường. 

Năm 2006, trả lời nhà báo Nguyễn Giang của BBC tại Đài Bắc, bà Tiêu Mỹ Cầm, khi đó là nghị sĩ Quốc hội, đã nói nền dân chủ Đài Loan vẫn tồn tại trong bối cảnh bị Trung Quốc thách thức liên tục:

“Đài Loan đối diện sự đe dọa đáng kể từ Trung Quốc. Hàng ngày, họ tìm cách hạ thấp nền dân chủ của chúng tôi, bằng đủ mọi biện pháp, từ chiến tranh tâm lý, đe dọa quân sự, đến chia rẽ, can thiệp vào nội bộ chính trị Đài Loan.” (xem thêm).

Nay, tự nhận mình là ‘nhà ngoại giao khôn ngoan, đi bước chân mềm mại mà chắc chắn như chiến binh mèo (car warrior)’ bà nhắc khéo về cách làm của Đài Loan, đối chọi với ‘ngoại giao chiến lang’ (wolf warrior) của Trrung Quốc.

Các hãng thông tấn trích lời nhà phân tích Mỹ chuyên về quan hệ Trung-Đài, bà Bonnie Glaser, thuộc Quỹ German Marshall Fund ở Mỹ ca ngợi bà Tiêu Mỹ Cầm đã “làm được những việc nổi bật” cho quan hệ Đài Bắc-Washington.

Hsiao

Nguồn hình ảnh, Văn phòng Hsiao Bi-khim

Chụp lại hình ảnh, 

Bà Tiêu Mỹ Cầm (thứ nhì từ trái sang) trong một sự kiện ở Washington DC

Trong thời gian bà làm việc ở Mỹ, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua các khoản viện trợ lớn cho Đài Bắc.

Các nhà bình luận từ Đài Loan đánh giá rằng liên danh Lại Thanh Đức-Tiêu Mỹ Cầm thể hiện tinh thần “chống lại Trung Quốc, hướng theo Hoa Kỳ”. 

Tuy thế, vì ông Lại Thanh Đức từng bị cho là có phát biểu “cực đoan” theo hướng đòi độc lập cho Đài Loan, việc chọn bà Tiêu Mỹ Cầm, người có quan hệ rộng trong giới cầm quyền Mỹ và Nhật, khiến người ta “yên tâm hơn” là Đài Loan sẽ giữ nguyên trạng như hiện nay, theo tờ Japan Times cùng ngày.

Bà Tiêu Mỹ Cầm được cho là người thân tín của Tổng thống sắp mãn nhiệm Thái Anh Văn, và giống nhau ở chỗ cả hai là nữ, học cao ở Phương Tây và giỏi tiếng Anh. 

Bà Thái Anh Văn luôn khẳng định Đài Loan cần giữ nguyên trạng chứ không tuyên bố độc lập.

Cả hai bà Thái Anh Văn và Tiêu Mỹ Cầm đều từng bị Trung Quốc lên án kịch liệt.

Taiwan

Nguồn hình ảnh, BBC Chinese

Chụp lại hình ảnh, 

Đài Loan sẽ bầu tân tổng thống vào tháng 1/2024-hình bốn ứng viên tổng thống khác nhau: từ trái sang phải: Lại Thanh Đức, Hầu Hữu Nghĩa, Quách Đài Minh và Kha Văn Triết

Liên danh hai đảng không ưa nhau?

Về phía đối lập, mới đây nhất, hai đảng chống Dân Tiến Đảng đã cố gắng lập một liên danh để cùng ra tranh cử tổng thống nhưng bất thành.

Hôm cuối tuần qua, ông Hầu Hữu Nghĩa, ứng cử viên tổng thống của Quốc Dân Đảng (KMT) và ông Kha Văn Triết, ứng viên của đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) đã không đồng ý được ai trong số họ chịu làm ứng viên phó tổng thống.

Sáng kiến mamg tính chiến thuật, lập liên danh Hầu-Kha, do cựu TT Mã Anh Cửu đề xuất để giành tối đa số phiếu cho họ nhằm hợp sức đánh bại hai ứng cử viên của DPP, đã không đạt mục tiêu.

Nếu từ nay tới thứ Sáu tuần này hai bên tiếp tục không đồng ý được việc lập liên danh thì hai đảng này sẽ ra tranh cử riêng rẽ.

Hôm 19/11, ông Kha Văn Triết, cựu thị trưởng Đài Bắc nói ông sẽ vẫn tiếp tục ra ứng cử tổng thống, và không rút lại lời nói rằng ông căm ghét Quốc Dân Đảng “vì đó là một đảng tham nhũng”. 

Việc tỷ phú Terry Gou (Quách Đài Minh) cũng ra tranh cử tổng thống khiến số phiếu của các bên đối lập với Dân Tiến Đảng lại càng bị chia sẻ.