Võ Thái Hà tổng hợp
Trung Quốc: Tình hình ở Gaza ‘rất nghiêm trọng’, xung đột bắt đầu lan ra khu vực
23/10/2023
Đặc phái viên Trung Quốc Trác Tuyển (Zhai Jun) và Tổng thống Palestine Mahmud Abbas.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời đặc phái viên Trung Đông của nước này cho biết, Trung Quốc xem tình hình ở Gaza là “rất nghiêm trọng” với nguy cơ xung đột trên bộ quy mô lớn ngày càng gia tăng và vì xung đột đã bắt đầu lan ra khu vực, theo Reuters.
Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đặc phái viên Trác Tuyển (Zhai Jun), người đang thăm Trung Đông, lưu ý đến xung đột dọc biên giới Israel-Lebanon và Israel-Syria.
Điều này “tiên liệu đáng lo ngại”, ông nói.
Ông Trác kêu gọi cộng đồng quốc tế “hết sức cảnh giác” và hành động ngay lập tức kêu gọi các bên liên quan tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế và tránh thảm họa nhân đạo nghiêm trọng, đồng thời “nỗ lực chung để kiểm soát tình hình”.
Ông Trác cũng được dẫn lời nói rằng Trung Quốc sẵn sàng làm “bất cứ điều gì có lợi” để thúc đẩy đối thoại, đạt được lệnh ngừng bắn và khôi phục hòa bình, cũng như thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.
Hồi tuần trước, ông Trác đã chỉ ra nguyên nhân của cuộc khủng hoảng Israel-Gaza là do thiếu sự đảm bảo cho các quyền của người Palestine khi ông gặp người đồng cấp Nga ở Qatar, một trung gian trong cuộc xung đột.
Ông Trác cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước Ả Rập.
Ông dự kiến sẽ đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào ngày 23/10 để tham dự Đối thoại Quan hệ Trung Quốc-Ả Rập và Đối thoại Văn minh Trung Quốc-Ả Rập lần thứ 10, nơi ông sẽ có bài phát biểu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng đặc phái viên Trác cũng có kế hoạch tiếp tục thăm “các bên liên quan ở Trung Đông” khi được hỏi liệu ông có thăm Israel hay vùng lãnh thổ Palestine hay không.
Theo đài CCTV, ông dự định tới thăm Ả Rập Xê Út, Jordan và các nước khác trong khu vực.
Trước chuyến đi, ông Trác đã có cuộc gọi điện đàm với người đứng đầu Bộ Ngoại giao của Palestine, Israel, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Na Uy, cũng như với các đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu.
CCTV dẫn lời ông Trác cho biết, Trung Quốc đã cung cấp và sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho người Palestine thông qua LHQ và thông qua các kênh song phương để giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Israel ném bom Gaza, chiến tranh lan sang các mặt trận khác
23/10/2023
Israel ném bom Gaza bằng nhiều cuộc không kích.
Hôm 23/10, Israel ném bom Gaza bằng nhiều cuộc không kích hơn, trước một chiến dịch trên bộ được dự đoán vào vùng đất bị bao vây của người Palestine, giữa lúc Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng dân thường hết đường tìm nơi trú ẩn, theo Reuters.
Người dân cho biết, trong dấu hiệu cho thấy xung đột đang lan rộng, máy bay Israel cũng tấn công miền nam Lebanon trong đêm và quân đội Israel đụng độ với người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
Thêm hàng viện trợ được đưa qua biên giới vào Gaza hôm 22/10 nhưng cơ quan nhân đạo LHQ cho biết đây chỉ là một phần nhỏ trong số cần thiết để giúp đỡ người dân đang tuyệt vọng vì thiếu lương thực, nước, thuốc men và nhiên liệu.
Cơ quan y tế ở Gaza cho biết ít nhất 4.600 người thiệt mạng trong vụ ném bom kéo dài hai tuần qua của Israel sau cuộc tấn công vào ngày 7/10 của phiến quân Hamas nhằm vào các cộng đồng miền nam Israel, khi ấy làm 1.400 người thiệt mạng và 212 người bị bắt làm con tin.
Hôm 23/10, quân đội Israel cho biết trong 24 giờ qua họ đã tấn công hơn 320 mục tiêu ở Gaza, bao gồm một đường hầm là nơi ẩn náu của các chiến binh Hamas và hàng chục trạm chỉ huy và giám sát.
Israel cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã phá hủy các địa điểm “có thể gây nguy hiểm cho quân đội đang chuẩn bị ở ngoại vi Gaza cho một cuộc tấn công trên bộ” cũng như hàng chục vị trí phóng súng cối và phi đạn chống tăng.
Truyền thông Palestine đưa tin các cuộc tấn công của Israel tập trung vào trung tâm và phía bắc Dải Gaza.
Văn phòng nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết khoảng 1,4 triệu trong số 2,3 triệu dân số của Gaza hiện đã phải di cư trong nước, nhiều người phải tìm nơi ẩn náu trong những nơi trú ẩn khẩn cấp quá đông đúc của LHQ.
Israel ra lệnh cho người dân Gaza rời miền bắc để tránh bị cuốn vào cuộc giao tranh. Nhưng OCHA cho biết bằng chứng thực tế cho thấy hàng trăm, có thể hàng nghìn người đã chạy trốn hiện đang quay trở lại miền Bắc do bị oanh tạc ở miền Nam và thiếu nơi trú ẩn.
Những lo ngại rằng cuộc chiến Israel-Hamas có thể bùng phát thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông đã gia tăng vào cuối tuần qua khi Washington cảnh báo về rủi ro đáng kể đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực và tuyên bố triển khai mới các hệ thống phòng không tiên tiến.
Dọc biên giới phía bắc của Israel với Lebanon, nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn đã đụng độ với lực lượng Israel để bày tỏ ủng hộ Hamas trong sự leo thang bạo lực biên giới nguy hiểm nhất kể từ cuộc chiến Israel-Hezbollah năm 2006.
Bạo lực lây lan
Sáng sớm 23/10, máy bay Israel đã tấn công hai đơn vị Hezbollah ở Lebanon đang có kế hoạch phóng tên lửa chống tăng và rocket về phía Israel, quân đội nước này cho biết. Quân đội Israel cũng cho biết họ đã tấn công các mục tiêu khác của Hezbollah, bao gồm một khu nhà và một trạm quan sát.
Hôm 23/10, Hezbollah cho biết một trong những chiến binh của họ đã thiệt mạng nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Quân đội Israel cho biết 7 binh sĩ đã thiệt mạng ở biên giới Lebanon kể từ khi cuộc xung đột mới nhất bắt đầu.
Các quan chức an ninh Iran nói với Reuters rằng chiến lược của Iran là để các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông như Hezbollah theo đuổi các cuộc tấn công hạn chế vào các mục tiêu của Israel và Mỹ nhưng để tránh leo thang lớn sẽ lôi kéo Tehran.
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh kêu gọi quốc tế đoàn kết để ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel vào Gaza và cho phép viện trợ. Đoàn xe thứ hai gồm 14 xe cứu trợ đã tiến vào cửa khẩu Rafah từ Ai Cập đến Gaza vào tối ngày 22/10.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định trong một cuộc điện đàm rằng hiện sẽ tiếp tục có thêm dòng viện trợ vào Gaza.
Văn phòng nhân đạo của LHQ cho biết khối lượng viện trợ đến nay chỉ bằng 4% mức trung bình hàng ngày trước khi xảy ra chiến sự và chỉ đạt một phần rất ít so với mức cần thiết.
Mỹ, Nhật, Hàn lần đầu cùng nhau tập trận không quân
23/10/2023
Máy bay B-52H tại căn cứ không quân ở sân bay Cheongju Airport ngày 19/10/2023.
Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản hôm 22/10 tổ chức cuộc tập trận trên không kết hợp đầu tiên trong nỗ lực gửi một thông điệp cứng rắn tới Triều Tiên, theo VOA News.
Việc Mỹ tổ chức các cuộc tập trận trên không với Nhật Bản hoặc với Hàn Quốc không phải là điều mới mẻ. Nhưng trước đây ba nước này chưa bao giờ tổ chức một cuộc tập trận chung như vậy.
Đó là khi một máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay cạnh các máy bay chiến đấu của Nhật và Hàn Quốc ngay phía nam Bán đảo Triều Tiên.
Ông Philip Goldberg, Đại sứ Mỹ tại Seoul, gọi đây là “kỷ nguyên mới” trong quan hệ quốc phòng.
Mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh thân cận của Mỹ nhưng mối quan hệ song phương của họ vẫn căng thẳng do những tranh chấp lịch sử.
Nhưng vào tháng 8, ba nước đã đồng ý tổ chức nhiều cuộc tập trận phòng thủ hơn để chống lại Triều Tiên.
Học giả Park Won-gon ở Seoul cho biết, điều đặc biệt quan trọng là máy bay ném bom B-52 có khả năng hạt nhân đã tham gia cuộc tập trận tuần này.
Ông Park cho biết Bình Nhưỡng đặc biệt lo ngại các máy bay chiến lược như B-52, vì chính những máy bay ném bom như thế này đã tàn phá miền Bắc trong Chiến tranh Triều Tiên.
Triều Tiên cũng chỉ trích sự hợp tác quân sự Mỹ-Nhật-Hàn.
Trong bài xã luận hôm 20/10, truyền thông nhà nước Triều Tiên gọi cuộc tập trận trên không này là một hành động khiêu khích “chiến tranh hạt nhân có chủ đích”.
Triều Tiên nhanh chóng mở rộng số lượng vũ khí hạt nhân trong những năm gần đây và hiện thường xuyên đe dọa tiến hành tấn công phủ đầu nếu cần thiết.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel: Hamas sẽ không còn tồn tại sau 3 tháng
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tham dự một cuộc họp báo tại Berlin, Đức vào ngày 28 tháng 9 năm 2023 sau khi ký tuyên bố chung với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius về việc Đức có ý định mua hệ thống tên lửa phòng thủ Arrow 3 của Israel. (Nguồn ảnh: Maja Hitij/Getty Images)
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hôm Chủ Nhật (22/10) đã nói với các thành viên Không lực quốc gia rằng hoạt động trên thực địa tại Gaza có thể mất ba tháng, nhưng cuối cùng Hamas sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.
“Điều này cần là hoạt động trên mặt đất cuối cùng tại Gaza, bởi vì lý do đơn giản là sau hoạt động đó sẽ không còn Hamas nữa”, Bộ trưởng Gallant nói tại trụ sở Không lực Israel tại Tel Aviv hôm 22/10 và được nhiều phương tiện truyền thông loan tin.
“Sẽ mất một tháng, hai tháng, ba tháng, nhưng cuối cùng sẽ không còn Hamas”, ông Gallant khẳng định.
Ông Gallant nói thêm rằng: “Trước khi kẻ thù nhìn thấy lực lượng thiết giáp và bộ binh, thì chúng đang chứng kiến bom đạn của Không lực”. Bộ trưởng ca ngợi các thành viên Không lực cho đến nay đã tác chiến “chính xác và chất lượng cao”.
Sau khi Hamas bất ngờ tấn công vào Israel hôm 7/10, quân đội Nhà nước Do Thái đã huy động khoảng 360.000 quân dự bị và đã bắt đầu vạch ra kế hoạch xâm lược Gaza. Mặc dù Bộ trưởng Gallant gần đây nhiều lần tuyên bố rằng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã sẵn sàng tiến hành một hoạt động quân sự trên thực địa như vậy, nhưng lệch tấn công xâm lược chính thức vẫn chưa được ban hành.
Các nguồn tin quân sự Israel đầu tiên đã nói với tờ The Times của Anh Quốc rằng thời tiết xấu nhiều mây đang cản trở kế hoạch hoạt động trên mặt đất, trong khi các báo cáo truyền thông khác dẫn lý do Israel trì hoãn xâm nhập Gaza là bởi vì lo ngại rủi ro gây thương vong lớn cho thường dân Israel hoặc lo ngại bị các chiến binh Hezbollah can thiệp.
Hôm thứ Sáu (20/10), hãng tin Bloomberg báo cáo rằng Mỹ và một số quốc gia đồng minh của Mỹ tại châu Âu đang gây sức ép lên Israel phải hoãn hoạt động quân sự trên mặt đất tại Gaza cho đến khi việc thả tự do cho con tin được đàm phán.
Trong khi đó, oanh tạc cơ của Israel vẫn đang tiếp tục ném bom đạn xuống Gaza trong hơn hai tuần qua. Phát ngôn viên IDF Daniel Hagari đã nói rằng chiến dịch không kích có thể được tăng cường trước khi triển khai hoạt động trên mặt đất.
Chiến dịch không kích của Israel vào Gaza từ ngày 7/10 cho đến nay đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng mà họ cho là do Hamas sở hữu. Theo Bộ Y tế Palestine, các cuộc không kích của Israel vào Gaza cho đến nay đã khiến gần 4.700 người thiệt mạng và hơn 14.000 người bị thương, đa số là dân thường.
Mặc dù Israel khẳng định rằng thường dân tại Gaza sẽ được an toàn nếu họ sơ tán về phía nam của dải đất hẹp này, nhưng các máy bay quân sự của Nhà nước Do Thái được cho là vẫn nhắm tới các mục tiêu ở nam Gaza, gồm cả một trại tị nạn và các tòa nhà dân sự tại thành phố Khan Younnis.
Gaza là một dải đất hẹp nằm bên bờ Địa Trung Hải và bị vây quanh bởi Ai Cập và Israel. Nhà nước Do Thái Israel đã chiếm đóng và xây các khu định cư tại Gaza từ năm 1967 đến năm 2005. Trong những năm qua, Israel đã tiếp tục cung cấp các nhu yếu phẩm như nước và điện tới vùng lãnh thổ có đông đảo người Palestine sinh sống này.
Bộ trưởng Gallant, trong bài phát biểu với các nhà lập pháp tại Ủy ban Đối Ngoại và Quốc phòng của Quốc hội Israel hôm thứ Sáu (20/10), đã nói rằng Israel sẽ không còn “chịu trách nhiệm cho cuộc sống hàng ngày tại Dải Gaza” một khi các cuộc chiến tranh hiện tại kết thúc.
Hải Đăng
Hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ Palestine ở Paris
Ngày 19/10/2023, người dân tham dự một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và nhóm Hồi giáo Palestine Hamas, tại Place de la Republique ở Paris, Pháp. (Ảnh: Chụp màn hình video)
Ngày 22/10, 15.000 người biểu tình ủng hộ người Palestine đã được tổ chức tại Place de la République ở Paris. Đây là lần đầu tiên sở cảnh sát Paris cho phép biểu tình.
Theo AFP, nhiều người đã đưa gia đình đi cùng. Họ lên án vụ “thảm sát” do Israel thực hiện ở Gaza. Paris đã triển khai một lượng lớn lực lượng cảnh sát và đóng các con đường gần Place de la République để ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Maya, một sinh viên đến biểu tình cùng bạn bè, nói với AFP rằng không cần phải là người Palestine mới cảm nhận được những gì đang xảy ra ở Gaza. Đối với cô, mọi người tụ tập lại vì họ quá thất vọng đến nỗi không biết phải làm gì.
Maya cũng cho rằng Chính phủ Pháp có thể đóng vai trò ngoại giao. Họ phải có lập trường vững chắc hơn là áp dụng một quan điểm duy nhất ủng hộ Israel.
Cuộc họp mặt được tổ chức bởi hiệp hội “Tập hợp toàn quốc vì một nền hòa bình công bằng và bền vững giữa Palestine và Israel”, gồm nhiều tổ chức thiên tả như phong trào Attac, các nghiệp đoàn CGT, Solidaires, Đảng Nước Pháp Bất Khuất, là bên đưa ra lời kêu gọi nói trên.
Hôm qua (21/10), biểu tình ủng hộ người Palestine đã diễn ra nhiều nơi tại Pháp, như Marseilles, Metz, Rennes, Montpellier hay Lyon. Khoảng một ngàn người tham gia biểu tình tại Lyon.
Một lá cờ Palestine lớn được căng lên tại quảng trường trung tâm, trước tòa thị chính thành phố. Người biểu tình hô vang: “Gaza, chúng tôi có mặt!”, hay “Palestine sẽ chiến thắng!”. Cả hai cuộc biểu tình tại Lyon và Montpellier diễn ra chỉ ít giờ sau khi quyết định cấm biểu tình của các sở Cảnh sát địa phương bị Tòa án hành chính bác bỏ.
Biểu ngữ mà họ giương cao ở Place de la République kêu gọi Chính phủ Pháp yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức.
Một số biểu ngữ “Ngăn chặn vụ thảm sát” cũng được nhìn thấy tại cuộc tụ tập. Người biểu tình tố cáo sự trả đũa của quân đội Israel ở Gaza. Cuối cùng họ yêu cầu thành lập 2 nhà nước ở Trung Đông, và kêu gọi hòa bình lâu dài ở Trung Đông.
Một tấm biểu ngữ tại cuộc biểu tình có nội dung: “Nhà nước Palestine + Nhà nước Israel = hòa bình gấp đôi.”
Một số thành viên của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France insoumise – LFI) cũng có mặt tại cuộc biểu tình. Họ vô cùng lấy làm tiếc về sự vắng mặt của Đảng Xã hội cánh tả và Đảng Xanh trong cuộc biểu tình.
Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, ông Manuel Bompard, lãnh đạo Đảng Nước Pháp Bất Khuất, cho biết ông rất tiếc về tất cả các biện pháp hoặc nỗ lực gây chia rẽ.
Ông nghĩ cuộc tụ họp này thể hiện các giá trị phổ quát. Sự vắng mặt của một số đối tác trong liên minh cánh tả là điều đáng ngạc nhiên. Bằng cách này, họ tách mình ra khỏi xã hội, các tổ chức công đoàn và liên minh cánh tả.
Ngày 18/10, Tham Chính Viện ra phán quyết, khẳng định chính phủ (tức bộ Nội Vụ) không có quyền cấm tất cả các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine. Việc quyết định cấm biểu tình hay không, thuộc về thẩm quyền của từng sở Cảnh sát địa phương, tùy theo nguy cơ “gây rối loạn trật tự công cộng”.
Tham Chính Viện nhấn mạnh: “Không có lệnh cấm nào là hợp pháp nếu chỉ dựa trên công điện (cấm biểu tình của bộ trưởng bộ Nội Vụ), hay chỉ duy nhất với lý do là biểu tình ủng hộ Paletine”.
Tuy nhiên, bản thân quyết định cấm biểu tình của sở Cảnh sát địa phương cũng có khả năng bị Tòa án Hành chính bác bỏ, như hai trường hợp biểu tình ở Lyon và Montpellier hôm 22/10, và tại Paris hôm 19/10.
Israel thông báo Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ thăm Israel vào tuần này. Hành trình của Thủ tướng Hà Lan dự kiến vào thứ Hai (23/10) và Tổng thống Pháp Macron vào thứ Ba (24/10) sẽ tới thành phố Tel Aviv của Israel để gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Cung điện Elysee đã xác nhận tin tức này.
Chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron tới Israel sẽ diễn ra hơn 2 tuần sau khi Hamas tiến hành các cuộc tấn công chết người vào lãnh thổ Israel, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, trong đó có 30 công dân Pháp.
Ông Macron cho biết 7 người Pháp vẫn mất tích. Trong đó, một phụ nữ trẻ đang bị bắt làm con tin và 6 người khác được cho là con tin, nhưng không chắc chắn.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đến thăm Israel. Hôm thứ Bảy (21/10) Thủ tướng Ý, bà Giorgia Meloni cũng đến thăm Israel.
Tổng thống Pháp bày tỏ sự ủng hộ vững chắc đối với người Israel và “quyền tự vệ” của họ, nhưng cũng kêu gọi Israel đáp trả “nhắm mục tiêu” vào Hamas ở Gaza, để thường dân Palestine không bị tổn hại.
Bộ Y tế Gaza hôm Thứ Bảy báo cáo rằng tính đến nay Israel đã giết chết ít nhất 4.385 người Palestine, trong đó có hàng trăm trẻ em, khiến hơn một triệu trong số 2,3 triệu người của vùng lãnh thổ nhỏ bé này phải rời khỏi nhà.
Bình Minh
Quốc hội Mỹ có chi 106 tỷ đô cho Ukraine, Israel, an ninh biên giới như Biden muốn?
October 21, 2023
Tổng thống Joe Biden
Tòa Bạch Ốc ngày 20/10 yêu cầu Quốc hội cấp gần 106 tỷ đô la để tài trợ cho các kế hoạch đầy tham vọng đối với Ukraine, Israel và an ninh biên giới Hoa Kỳ, nhưng không có chiến lược để có được nguồn tiền từ Quốc hội vốn đang lâm vào thế khó.
Yêu cầu tài trợ của Tổng thống Joe Biden được đưa ra vài ngày sau khi ông đến thăm Israel và cam kết đoàn kết khi nước này bắn phá Gaza sau cuộc tấn công của các phần tử hiếu chiến Hamas khiến 1.400 người thiệt mạng ở miền nam Israel.
Bằng cách gộp nguồn tài trợ của Israel với Ukraine, an ninh biên giới, hỗ trợ người tị nạn, các biện pháp chống lại Trung Quốc và các ưu tiên gây tranh cãi sôi nổi khác, tổng thống Đảng Dân chủ đang hy vọng ông đã tạo ra một dự luật chi tiêu an ninh quốc gia cần phải thông qua để có thể giành được sự ủng hộ trong Hạ viện hỗn loạn.
Hạ viện mà đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát vào năm ngoái, đã không có người lãnh đạo trong 18 ngày.
Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ngày càng hoài nghi về sự cần thiết phải tài trợ cho cuộc chiến giữa Ukraine với Nga và đe dọa sẽ ngừng hoạt động chính phủ hoàn toàn để chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách kinh niên và chi tiêu tài chính của Mỹ do khoản nợ 31,4 ngàn tỷ đô la gây ra.
Giám đốc ngân sách của ông Biden, Shalanda Young, cho biết trong một bức thư gửi quyền Chủ tịch Hạ viện Patrick McHenry: “Thế giới đang theo dõi và người dân Mỹ có lý do chính đáng mong đợi các nhà lãnh đạo của họ đoàn kết và thực hiện những ưu tiên này”. “Tôi kêu gọi Quốc hội giải quyết chúng như một phần của thỏa thuận lưỡng đảng toàn diện trong những tuần tới.”
Trong cuộc gọi với các phóng viên, bà Young cho biết vai trò của Tòa Bạch Ốc là đề ra các nhu cầu và lợi ích của đất nước, chứ không phải can thiệp vào cuộc tranh giành chức chủ tịch hạ viện.
Bà nói: “Chúng tôi đang thực hiện công việc của mình ở đây bằng cách cho Quốc hội biết những nhu cầu quan trọng là gì và chúng tôi mong đợi họ hành động và hành động nhanh chóng”.
Bà cũng nói với Quốc hội về kế hoạch đệ trình một yêu cầu tài trợ khác để đối phó với thiên tai, Internet tốc độ cao, chăm sóc trẻ em và trả lương cho lính cứu hỏa vùng đất hoang “trong những ngày tới”.
Khoảng 14,3 tỷ đô la trong yêu cầu tài trợ hôm 20/10 cho năm tài chính 2024 sẽ được dành cho Israel, phần lớn trong số đó để hỗ trợ các hệ thống phòng không và phi đạn của nước này cũng như các hoạt động mua vũ khí khác. Israel đã tuyên bố sẽ quét sạch Hamas, lực lượng cai trị Gaza, sau cuộc tấn công hôm 7/10 của các phần tử hiếu chiến Hồi giáo Hamas.
Ông Jim Jordan, người bảo thủ theo đường lối cứng rắn, một đồng minh của cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, người phản đối viện trợ thêm cho Ukraine, đã nêu lên vấn đề Israel trong nỗ lực lần thứ ba kiếm đủ phiếu bầu cho vị trí lãnh đạo Hạ viện.
Ông Jordan nói: “Chúng ta hoàn thành việc này càng sớm thì càng tốt cho người dân Mỹ, những người mong đợi chúng ta làm việc cho họ cũng như cho bạn bè và đồng minh của chúng ta như nhà nước Israel vĩ đại”.
Ông Biden cũng muốn có hơn 9 tỷ đô la để cứu trợ nhân đạo, bao gồm cả Israel và Gaza, nơi người dân đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ.
(Theo VOA)
Biển Đông: Cảnh sát biển Trung Quốc tấn công tàu Philippines, Manila nói
Nguồn hình ảnh, REUTERS
Chụp lại hình ảnh,
Manila cho biết việc diễn tập mèo vờn chuột trên biển vốn đã trở thành chuyện thường ngày đã dẫn đến một vụ va chạm giữa hai bên
22 tháng 10 2023
Philippines cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc va chạm với tàu tiếp tế của Philippines ở Biển Đông
Tàu Philippines hôm Chủ nhật đang trên đường tới một đồn trú quân sự của mình tại Bãi Cỏ Mây, điểm căng thẳng đã leo thang trong những tuần gần đây.
Manila nói “các thao tác ngăn chặn nguy hiểm” của Bắc Kinh gây rủi ro cho sự an toàn của thủy thủ đoàn Philippines.
Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng Philippines “cố tình gây rắc rối”.
Các tàu Trung Quốc và Philippines thường xuyên chơi trò mèo vờn chuột xung quanh bãi cạn khi một số binh sĩ Philippines ở tiền đồn, một tàu hải quân bị bỏ hoang và đổ nát, cần tiếp tế hàng tháng.
Nhưng chính quyền Philippines cho rằng Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn kể từ khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr nhậm chức vào tháng 6 năm 2022 và tìm kiếm mối liên hệ quân sự chặt chẽ hơn với Washington, đối thủ chính của Bắc Kinh về việc tranh giành sức ảnh hưởng ở vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên.
Trong vụ việc thứ hai cũng xảy ra gần Bãi Cỏ Mây hôm Chủ nhật, chính quyền Philippines cho biết một tàu dân quân Trung Quốc đã va vào một tàu tuần duyên Philippines.
Manila cho biết tàu tiếp tế thứ hai đã có thể tiếp cận đồn trú quân sự của Philippines ở bãi cạn này.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa nơi có Bãi Cỏ Mây. Yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển chồng lấn với yêu sách của các nước khác, bao gồm cả Philippines và Việt Nam.
Năm 2016, tòa án trọng tài quốc tế tại The Hague đã ra phán quyết rằng các yêu sách về vùng biển rộng lớn của Trung Quốc là không có cơ sở, dựa trên vụ kiện do Manila đưa ra. Bắc Kinh đã từ chối công nhận phán quyết này.