THUỞ BAN ĐẦU – Truyện ngắn – Ngô Minh Hằng

Share this post on:

Truyện ngắn

tinh 1d.jfif

Nếu  một hình ảnh nào đó cứ luôn  chập chờn  trong trí tưởng, làm cô bé cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, và nếu trong cuốn vở, trước một bài toán khó hay một bài vạn vật không dễ nuốt trôi mà cô bé vẫn  còn có thì giờ  để viết tên “người ấy” trong nỗi buồn vui vô cớ  thì như  thế đã gọi  là yêu chưa nhỉ?

Chắc chưa đâu. Yêu gì mà dễ thế!  Yêu là chuyện của người lớn chứ đâu phải là chuyện của cô bé tuổi mới mười lăm!  Vả lại, mới gặp “người ta” có vài lần, lại mắc cở qúa,  người ấy hỏi, cô bé có trả lời được gì đâu! Lần đầu gặp người ấy là ngày nhóm của cô bé và một nhóm học sinh  trường bạn đi lạc quyên cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung.

Nhóm bạn, người ấy làm trưởng nhóm.  Nhóm cô bé, chị Thanh  làm trưởng. Sau khi đụng  đầu nhau ở khu thương xá Nguyễn Huệ, hai nhóm trưởng đề nghị đi chung cho vui và chia đôi tiền quyên được.  Cuộc gặp gỡ chỉ đơn giản thế. Nhưng con  Thu,  lớp cô,  thấy chị Thanh bằng lòng đi chung thì nheo mắt  ranh mãnh và nói nhỏ với con Trâm, lớp Đệ ngũ B  là chị Thanh bị điện giật rồi hai đứa rũ ra cười. May mà chị Thanh không nghe được chứ nếu không thì thế nào về cũng bị chị ký đầu hay nặng hơn, lên phòng bà giám thị. 

 Đang liến thoắng nói cười với bạn, cô bé bỗng bắt gặp đôi mắt người ấy chăm chú nhìn mình. Một luồng điện lan nhanh trong châu thân. Cô bé thấy nhịp tim mình bấn loạn và mặt nóng bừng. Không soi gương nhưng cô bé biết chắc là mặt mình đỏ lắm. Thật lạ, từ khi cha sinh mẹ đẻ, chưa bao giờ cô bé có cái cảm giác lạ lùng kỳ khôi như vậy. Người ấy hình như cũng bối rối khi gặp  tia nhìn của cô bé nên nhẹ mỉm cười. Chỉ  mấy phút sau, cô bé đã thấy người ấy đi bên cạnh  và nhờ cô bé cầm giúp cuốn sổ ghi tiền  làm cô bé càng thêm lúng túng. Thấm thía lời của Thu, cô bé than thầm: ” Thu ơi, Ai bị điện giật? Mi nói lộn người rồi!”   Sau đó, người ấy còn tỏ ra rất hào phóng bằng cách dốc hết cả tiền riêng để bao cả bọn  mười bốn  đứa mỗi đứa một ly sinh tố . Lại bạo dạn bỏ thêm đường cho cô bé mà không để ý đến ánh mắt dỗi hờn của chị Thanh. Thế  là suốt buổi sáng còn lại, chị Thanh  và cô bé, tuy rằng hai tâm trạng nhưng hai người cùng mất tự nhiên và  ít nói hẳn đi.

Tưởng thế rồi thôi, cơn gió lạ nhẹ nhàng như làn khói mỏng ấy sẽ tan vào không gian và chẳng để lại dấu vết nào trong tâm hồn  thủy tinh nếu không có lần gặp gỡ thứ hai.

 Lần thứ hai gặp lại người ấy  là lần  cô bé đi bán báo cho trường nhân dịp lễ Giáng Sinh. Khi nhận ra  người ấy, một cô bé hay cười, hay nói bỗng nhiên trở thành  vụng về, luống cuống,  suýt đánh rơi xấp báo khi người trưởng ban báo chí của  trường  ra tiếp.  Người  ấy cũng lúng túng một chút rồi lấy lại bình tĩnh ngay,  mỉm cười và nhận cả một trăm số báo. Chỉ hơn  một tuần sau, người ấy đem tiền đến lớp tìm cô bé trả không thiếu một xu teng. Kết qủa là nhóm của cô bé được xếp hạng nhất trong việc bán báo gây quỹ cho buổi liên hoan  tất niên. 

Câu chuyện chỉ đơn giản có thế thôi mà cái mồm con Mai, con Hạnh đã thêu dệt đủ điều.  Nguy thật,  cô bé phải xóa tên người ấy trong tập nháp để phi tang mới được kẻo hai đứa này mà biết là chúng nó to họng lắm. Chúng nó lại có tài thêm mắm dặm muối nữa cơ. Con Mai mà đi rao truyền rồi con Hạnh thêm phần phụ họa thì  chuyện sẽ to không thể tưởng. Cả bàng dân thiên hạ rồi ai cũng biết hết thôi. Cơ khổ cho cô bé, nếu người ấy chỉ đưa tiền báo thôi thì đâu có chuyện gì để nói.  Đằng này, ngoài bao thư  đựng tiền lại còn thêm  một bao thư  khác.  Bao thư này không có tiền mà có một sức mạnh vô hình làm cô bé cứ  mừng  lo vui sợ lộn tùng phèo. Mà nào có phải đây là lần đầu cô bé nhận được bao thư như thế đâu. May mà hai đứa nó chưa biết chuyện này. Trước đây, mỗi khi nhận được những bao thư  giấu trong lòng vở  hay  trao tay vội vã thì cô bé vội vàng  khoe ngay với hai đứa bạn thân.  Rồi cả bọn chụm đầu vào cùng đọc và cười lăn ra với nhau trước tài phụ họa tài tình của Hạnh. Nhưng lần này thì khác. Không hiểu sao, cô bé không làm thế. Không thể coi thường lá thư  của người ấy như thế được. Cô bé nâng niu lá thư như một báu vật. Cô tìm một chỗ kín đáo nhất trong  cặp táp để giấu. Nói là giấu, thế mà,   buổi học nào cô bé cũng phải vài lần  làm bộ thò tay vào trong cặp  như  thể tìm vật gì. Rồi cô đặt  những ngón tay trên bao thư  xoa nhè nhẹ để thấy lòng dậy lên một niềm vui thầm kín. Con Mai từ ngày thấy người ấy đến tận lớp tìm cô thì đâm ra tò mò hơn. Nó để ý nên thấy cô bé cứ cho tay vào trong cặp hoài mà chẳng thấy lấy cái gì ra. Lần này nó thấy cô bé lại cho tay vào cặp  thì vội la lên:

–             Mày tìm cái gì trong ấy mà cứ mò hoài vậy Ty?  Thư  tình hả? À, con này ghê thật. Mày giấu tụi tao!

Cô bé hoảng sợ chối bai bải vì lo tuị bạn qủy sứ không tha cho cô. Nhỡ mà bọn nó lấy thư người ấy ra mà phụ đề Việt ngữ, làm trò cười như thường lệ thì cô bé đau lòng lắm. Thế là suốt buổi học còn lại cô bé không dám rờ tới chiếc cặp vì sợ bạn nghi. Không. Nhất định không để cho chúng nó biết được lá thư này.   Không ai có quyền lấy lá thư này làm thú vui, làm trò cười, dù không ác ý. Cô bé sợ chúng nó biết lắm. Vì hai đứa ấy mà biết được thì không biết là những chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Thế nên  cô bé giấu biến và chỉ đọc  lén một mình. Chỉ giấu có một lá thư nhỏ nhoi vô tội mà không hiểu sao cô bé  lại có mang mang  mặc cảm phạm tội mới lạ lùng. Cô lo lắng, cô suy tư.  Cô mơ hồ nghĩ  là  cô đã làm một  điều gì ghê gớm lắm.  Chết thật!  Ấy là chưa kể đến mẹ mà biết được là thế nào cũng được nghe giảng bài đạo đức, có khi cả mấy tiếng cũng không chừng.  Hôm nọ, chỉ một đoạn đường  từ nhà đến chợ, cô bé đang xách giỏ giống  như  cô Tấm hiền thục đảm đang  thì bỗng dưng có một chàng từ đâu chạy đến  làm quen,  hỏi thăm chuyện trời trăng mây nước và còn hộ tống cô bé suốt đoạn đường. Vì là những lời thăm hỏi rất đàng hoàng  nên vốn  lịch sự,  cô bé phải trả lời. Chị Trang, chị họ cô bé cũng đi chợ, bắt gặp. Không biết  chị  về nói với bác  Ân sao đó mà Bác Ân –  nghe mẹ nói  tuy về làm dâu trước mẹ nhưng mẹ lại được ông bà nội thương hơn nên vốn từ lâu, vẫn ngầm ghen ghét –  Một hôm đến chơi, tiện dịp, bác đem chuyện này ra mách mẹ. Thế là sau khi bác Ân về, mẹ gọi cô bé lên gác,  giảng luân lý  đạo đức cho cô bé gần một buổi chiều. Oan ơi Thị Kính.  Cô bé đâm giận  Bác Ân và giận cả chị Trang.  Làm sao mà cô bé hiểu  được rằng chỉ vì cái tội xinh hơn chị Trang mà cô bé bị bác Ân và chị Trang có nhiều ác cảm.  Cô bé chỉ biết rằng, sau đó, cô bé không thèm nói chuyện với chị Trang cả mấy tháng trời.

Chuyện không có gì còn thế, nay chuyện “có gì” như thế này mà đến tai mẹ thì cô bé biết ăn nói làm sao? Từ ngày chị Tâm đi lấy chồng, mẹ dường như khó khăn hơn với cô bé.  Hơi một tí là mẹ lại bảo lớn rồi, phải thùy mị, phải dịu dàng, phải đứng đắn, phải …rồi mẹ kể ra có đến một trăm thứ phải… mới được là con gái ngoan. Cô bé than thầm. Gớm, làm được con gái ngoan của mẹ khó quá! Sao mà lắm cái “phải” thế này! Chị Tâm ơi, giá chị  ế chồng thì đỡ khổ cho bé biết chừng nào. Ngày chị còn ở nhà, mẹ có khó khăn với  bé thế đâu.   Tại chị Tâm cả. Tại vắng chị nên mẹ  bắt cô bé lớn  chứ riêng cô bé,  cô bé chưa thấy mình lớn.  Đã thế, cô bé còn ngoan ngoãn và  đứng đắn  nữa cơ. Chỉ tại mẹ không biết đấy thôi. Ngày hai bận đi và về, chưa kể những lần mẹ sai đi chợ hay đi công việc gì cho mẹ,  bao nhiêu  con trai gợi chuyện làm quen nhưng mà cô bé đứng  đắn  lắm  nên  chỉ trả lời trong những trường hợp… đặc biệt mà thôi.  Nhất là những buổi tan trường,  biết là có người đi theo nhưng vì đứng đắn nên cô bé làm bộ tỉnh bơ  như không để ý đến những gì  đang xảy ra chung quanh.  Chả thế mà đôi khi, cô bé vô tình đưa tay nghiêng đầu  vuốt tóc, qua đuôi mắt, cô bé nhìn thấy dáng bộ ngây ngô lúng túng như người ăn vụng bị bắt gặp qủa tang  của một  cậu con trai nào đó mà bắt tức cười.  Còn dịu dàng và thùy mị ư ? Mẹ khó quá. Vì như thế hết vui đi, nhưng thôi, cô bé cũng đành phải  hứa với mẹ là cô bé sẽ cố gắng tập từ từ…

Nếu câu chuyện chỉ có thế thì cũng chả có gì nhiều để nói. Nhưng đàng này,  cô bé lại vẫn tiếp tục  nhận được lá thư thứ hai, thứ ba, thứ tư  của người ấy. Trong mỗi lá thư, người ta  đều hỏi tại sao cô bé không trả lời. Và trong lá thư mới nhất, người ta  lại còn đòi gặp  cô bé mới nguy chứ. Đến lúc này thì cô bé không còn giữ bí mật được  nữa mà cô bé đành phải cầu cứu bạn. Nghĩ thế rồi cô bé xin  mẹ tiền, hẹn với Hạnh và Mai cuối tuần đến nhà cô, cô mời đi ăn bò viên. Ở đầu  hẻm nhà cô, có một hàng bò viên  ngon lắm và bọn cô là khách quen của chú Phò. Nước lèo chú nấu cứ  thơm phức ngọt ngào. Miếng bò viên chú làm cứ  mịn màng gợi cảm. Cho vào miệng nhai thì cứ giòn sần sật.

                                                 oo0oo

Ăn xong  tô bò viên, trước  khi ghé thăm  hàng sâm bửu lượng , Mai nhìn cô bé cười cười:

–             Bé Ty, bây giờ ta và con Hạnh đã ăn bò viên của mi rồi. Đút lót thế, ta cho là tạm đủ. Trước khi ăn tráng miệng, ta muốn mi cho bọn ta biết là có phải  mi  đang bị anh chàng nào cho leo cây, cần bọn ta đi tìm nó, cho nó một đường gươm tuyệt hảo của bản cô nương phải không nào?

Đợi một lúc, không thấy cô bé trả lời. Nhìn lại, thấy  cô bé vẫn im lặng, nghiêm trang. Vẻ hiu hiu tự đắc của Mai tức khắc xìu ngay như bong bóng hết hơi. Mai nhìn cô  bé  thêm vài giây rồi phá ra cười:

–             Hạnh ơi, Có lẽ mi đoán không sai. con Bé Ty thất tình thật  mày ạ. Mấy tuần nay nó bị tẩu hoả nhập ma. Trước đây, có bao giờ nó biết trình diễn bộ mặt đưa đám nhiêm trang khổ sở thế này đâu! 

Hạnh vốn chậm chạp, đến lúc ấy, Hạnh mới ngưng húp nước lèo và ngước lên nhìn  vào mặt cô bé, đầu gật gật, chậm rãi  từng câu như  một quan tòa đang tuyên án trong một phiên tòa quan trọng:

–             Đúng. Chỉ có bộ mặt thất tình mới diễn tả đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố như thế. Nói đi, Bé Ty, mi thất  tình ai,  nói ra để ta  và con Mai đi trả thù cho.

Cô bé, lúc ấy, vẫn không trả lời và không hiểu có phải là đã nêm qúa nhiều ớt vào  tô bò viên hay không mà tự dưng mắt cô cay ướt.  Thấy thế, Hạnh và Mai phát hoảng. Những nghịch ngợm thông thường biến mất, Hạnh vội bỏ hẳn  tô nước bò viên xuống bàn:

–             Thật có chuyện gì  sao Ty? Tại sao Ty khóc. Tại sao vậy?  Cho Hạnh  xin lỗi nhé, tại thấy Ty không trả lời  nên mình đùa cho vui vậy mà. Chuyện gì vậy?

Mai nóng nảy hơn:

–             Thì nói cho tuị tao chia sẻ cho chứ cứ ngồi im, hỏi không nói lại khóc thì ai mà biết đường nào mà rờ!

Hạnh ôn tồn:

–             Con Mai này, mày ồn ào quá. Để  từ từ Ty nói. Chưa bao giờ nó lạ thế này, chắc phải có chuyện gì làm nó buồn lắm đó.

Thấy hai đứa bạn tỏ vẻ lo lắng, cô bé nghĩ  là vai đào thương  cô thủ diễn  quá tuyệt vời nên  đã làm mềm được  những trái tim bằng đá. Nhưng để cho chắc ăn, cô bé bèn sụt sịt thêm vài cái nữa trước khi  thả quả bóng thăm dò:

–             Ty…Ty  có một chuyện khá quan trọng, cần ý kiến của hai bạn. Mà Ty không biết  bắt đầu như thế nào.

Mai nóng ruột:

–             Cái con này lúc này nó làm sao ấy, Thì mi đã bắt đầu đó thôi khỉ ạ!

–             Ty…Ty…

Rồi cô bé nói thật nhanh:

–             Ty…Mà tuị bay hứa là giữ bí mật cho tao nhé. Bố mẹ  tao mà biết,  các cụ tụng là tao  chết mất.

–             Ta hứa.

–             Ừ, ta cũng hứa. Nói đi!

–             Tuị bay nhớ  Thế không? Thế  Cao Thắng  đó. Thế bán báo hộ bọn mình hôm Noel năm ngoái đó!

Hạnh và Mai nhìn nhau  rồi nhao nhao lên một lượt:

–             Nhớ, nhớ, sao? Nói mau đi!

–             Đề tài coi bộ hấp dẫn đó, Bé Ty!

–             Chàng hẹn tao. Tao muốn giữ hẹn lắm. Nhưng …nhưng chưa bao giờ tao giấu mẹ tao điều gì hết. Nhưng mà…cái chuyện này, làm sao mà tao  nói thật với mẹ tao được. Tuị mày có cách  gì giúp tao không để tao vừa đi gặp được Thế  mà vừa không cảm thấy mang tôị nói dối mẹ.

Mai chu chéo:

–             À, Thì ra nàng ăn phải bùa con nhà Thế. Hèn gì! con Bé Ty này coi thế mà ghê thật.  Thế là từ lâu nay mày qua mặt bọn  tao. Tuị bay hẹn hò với nhau bao nhiêu lần rồi? Ở đâu? Nam nữ thọ, thọ bất thân nên không được nắm tay nắm chân nhau  nghe chưa! Nhưng… hôn nhau thì tạm được. Nói thật đi,  tuị bay đã mi nhau mấy cái?  Khai ra. Khôn hồn khai ra rồi bọn tao giúp đỡ cho.

Sợ Mai xúc phạm tới người ấy, cô bé làm mặt giận:

–             Mai, đừng nói thế. Ty nói chuyện đàng hoàng  mà. Tuị bay… con Mai thì chả ai dám hẹn mi rồi, vì mi dữ như qủy sứ. Nhưng còn  Hạnh, mi  ít gì  cũng  đã có  hẹn… thử một đôi lần. Còn tao thì mới lần đầu. Sao tuị mày không thông cảm gì ráo vậy?

Hạnh biết cô bé nhắc  đến vụ cả bọn  giỡn chơi viết thư  hẹn phá Tấn, một cậu con trai cứ tò tò theo Hạnh  cả tháng. Gặp ở đâu cũng theo nhưng  lại chẳng  nói bao giờ.  Mỗi lần bị bọn Hạnh ghẹo thì mặt Tấn lại đỏ hồng như con gái nên phì cười góp ý:

–             Nếu Hạnh bày cho Ty, sau cuộc hẹn, Ty phải kể hết mọi chuyện cho tuị này nghe nhé. Hứa đi.

–             Ty hứa.

–             Thế này, ngày đó,  bọn mình sẽ đi chung. Như  là bất cứ một cuộc đi chơi chung của tụi mình từ hồi nào tới giờ. Đến chỗ Thế đợi,  bọn ta đứng xa xa một chút  để cho mi  nói chuyện. Như  thế, có thể xem như  bọn mình đang đi chơi rồi vô tình  mi gặp Thế, rồi mi dừng lại nói một vài câu chuyện như  mi đã từng  gặp và nói chuyện bất cứ một người bạn nào.  Thế thì đâu có tội gì.  Nhưng  Ty phải căn đồng hồ, chỉ được 5 phút thôi đấy. Vậy là Ty vẫn gặp được chàng mà lại không phải nói dối mẹ để hẹn hò. Chiụ không? Chỉ 5 phút…

Cô bé do dự:

–             Thế vẫn là nói dối. Ty không muốn nói dối mẹ Ty.

Hạnh lý luận:

–             Hạnh chỉ có nghĩ được kế ấy thôi. Nếu có tội thì chỉ có tội không nói hết mọi chuyện  với mẹ chứ không có tội nói dối. Tội ấy nhẹ hơn, nhưng nếu  Ty không chịu thì thôi.

Mai có vẻ trang nghiêm hơn mọi lúc:

–             Ty ơi, Mai thấy ý kiến đó cũng không tệ lắm. Còn không thì chỉ có cách là Ty không gặp chàng  cho  xong.

Cô bé chậm chạp sau một giây yên lặng:

–             Vậy thôi Ty chịu.  Các bạn nhớ giữ bí mật cho Ty nhé.

                                                      oo0oo

Ngày quan trọng của cô bé đã đến.  Hôm ấy, cô bé mặc chiếc áo dài lụa trắng mà cô cưng nhất, chiếc quần trắng cũng rất trắng, ủi thật kỹ. Nếu ai tinh mắt, còn thấy môi cô bé có thêm chút màu  tím hồng nhàn nhạt và ngoài vườn của mẹ, trên giậu, vừa bị  mất đi mấy hạt mồng tơi.

Buổi học hôm ấy thật dài. Nhưng dài đến mấy rồi chuông tan học cũng reo. Cô bé hấp tấp thu dọn sách vở. Chưa ra khỏi lớp mà tim cô bé đã đập sai đi mấy nhịp.  Thế rồi, cuối cùng, dù khó khăn mấy, ba đứa cũng đem được ba… chiếc xe đạp đến điểm hẹn.

Vừa cho xe rẽ vào cổng  công viên Tao Đàn, ba cô đã thấy Thế ngồi trên  xe đạp, một chân để trên bàn đạp, một chân chống xuống đất , tay cầm một quyển sách mở ra nhưng không đọc, đợi chờ. Xa hơn một chút, cũng có một nhóm ba nam sinh mặc đồng phục cạnh ba chiếc xe đạp, đang cười nói. Không ai bảo ai, cả bọn đều im bặt khi thấy ba cô bé xuất hiện từ ngoài cổng.

Phút giây lịch sử  đã đến. Như  lời  hẹn  trước,  Mai và Hạnh  cố tình cho xe chậm lại và rẽ sang một ngả khác. Còn lại một mình, cô bé lúng túng, mặt đỏ bừng, người run lên, chiếc xe đạp  tưởng như muốn ngã.  Thời khắc  như ngưng đọng và không  gian như  muốn vỡ tung. Cô bé nghe rõ từng tiếng đập loạn nhịp của con tim. Hoảng quá, cô bé  muốn rẽ theo hai người bạn nhưng đã trễ.

Cô bé đến gần  người ấy  quá rồi. Có lẽ người ta đã thấy tất cả sự bối rối của mình và đang cười ngạo mình đây – Cô nghĩ thế –  Cả lũ bạn chàng nữa. Họ chẳng đang nhìn  mình chằm chặp là gì!  Trời ơi, ngu quá, sao mình lại  nghe lời người ta xúi dại mà dẫn xác đến chỗ này? Và Trời ơi, sao mình lại  run quá thế ?! Cô bé bỗng cảm thấy giận  mình và giận chàng.  Cô muốn ngưng xe và quay lại nhưng hai bánh xe đạp thì lại cứ bon bon. Cô  giận cả chiếc xe đạp.  Chỉ còn cách người ấy chừng hai mươi thước, mười lăm thước, mười thước…. Trời ơi, mình phải làm sao đây? Dừng lại nói chuyện với người ta hả? Kỳ chết.  Mà nói cái gì mới được chứ? Mình có chuyện gì để nói đâu?  Lũ bạn người ta đang nhìn mình kìa. Ai bảo là con trai không lắm chuyện?  Thế nào mà bọn này  chẳng đồn thổi. Câu chuyện cô bé hẹn hò  mà tung ra thì chỉ có nước độn thổ mà thôi.  Rồi cách chàng năm thước….ba thước…

Bỗng cô bé cắm đầu đạp mạnh. Chiếc xe đạp vọt nhanh, vút  qua mặt người ấy. Chàng chẳng kịp nói gì, chỉ lạ lùng ngơ ngẩn nhìn theo.

                                                         oo0oo

Ra khỏi cổng công viên, cô bé chưa hoàn hồn và vẫn cắm đầu đạp như trốn chạy. Mai và Hạnh không hiểu chuyện gì, vội vã đuổi theo. Khi ra đến đầu đường Lê Văn Duyệt, cô bé mới dừng lại hào hển thở. Mai và Hạnh cũng vừa theo kịp. Không chờ bạn hỏi cớ sự, cô bé thở hắt ra và cười  ngặt nghẽo:

–             Tuị bay ơi, tao vẫn còn là một cô bé, rất bé, và tao vẫn muốn được là một cô bé như thế này. Người ấy cũng vẫn còn là một chú bé. Chúng mày thấy lũ bạn  hộ tống chàng  không? Tao mệt rồi. Trò chơi này với tao còn qúa sớm. Lại nữa,  vỡ tim lúc nào không hay. Tao bỏ cuộc. Thôi, bọn mình ghé chợ Đũi đi, tao đãi chúng mày một chầu chè đậu.

Ngô Minh Hằng