Tin tức thế giới Chủ nhật 26 tháng 9 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp

Share this post on:

WHO tạm dừng phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga do lo ngại về quy trình sản xuất

https://news.vietluan.com.au/wp-content/uploads/2021/09/ntdvn_arrival-of-sputnik-v-to-argentina-01.jpg

Vaccine Sputnik V của Nga được chuyển tới Argentina. (Ảnh: Wiwipedia) 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đình chỉ quá trình phê duyệt vaccine COVID Sputnik V của Nga, cho biết quy trình sản xuất vaccine của nước này không đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết.

Theo Euro News, vào tháng 2, Nga lần đầu tiên xin WHO cấp phép cho vaccine của nước này nhưng nó vẫn chưa được đưa vào Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL) của tổ chức này.

WHO cho biết họ đã trì hoãn việc phê duyệt vaccine của Nga cho đến khi một cuộc kiểm tra mới có thể được thực hiện tại một trong những nhà máy sản xuất Sputnik V.

Nhưng cả WHO và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đều cho biết họ vẫn đang chờ dữ liệu đầy đủ từ các nhà sản xuất vaccine Nga.

Phát biểu tại một cuộc họp báo cho Tổ chức Y tế Liên Mỹ, một chi nhánh khu vực của WHO, Trợ lý Giám đốc Jarbas Barbosa cho biết nỗ lực của Nga để cấp phép khẩn cấp đã bị đình chỉ.

Ông cho biết: “Trong khi kiểm tra một trong những nhà máy sản xuất vaccine, họ phát hiện ra rằng nhà máy này không phù hợp với các phương pháp sản xuất mới tốt nhất”.

“Nhà sản xuất [vaccine] cần phải tính đến điều này và thực hiện những thay đổi cần thiết và sẵn sàng cho đợt kiểm tra mới”.

Ông nói thêm: “WHO đang chờ nhà sản xuất gửi tin tức rằng nhà máy đạt tiêu chuẩn”.

Trung Quốc tìm kiếm sự hỗ trợ từ ASEAN sau khi Mỹ – Anh – Úc công bố Thỏa thuận An ninh

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2021/09/pjimage-105-700x366.jpg

Vụ trưởng Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kình Tùng (ảnh: Youtube/shamshad TV).

Trung Quốc đang tìm kiếm “đồng minh” từ Đông Nam Á sau khi Mỹ, Anh và Úc công bố một Thỏa thuận an ninh mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), ông Lưu Kình Tùng (Liu Jinsong), Vụ trưởng Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức các cuộc gặp riêng với các đại sứ từ Philippines, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia tại Bắc Kinh trong những ngày gần đây để thảo luận về liên minh AUKUS mới.

Trong các cuộc họp, ông Lưu đã tố cáo AUKUS là tác phẩm của “các nhóm có động cơ địa chính trị và chủng tộc”.

Với việc cung cấp cho Úc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, AUKUS đánh dấu sự thay đổi chiến lược lớn của Canberra trong đối trọng với Trung Quốc.

Về Đông Nam Á, cho đến nay phản ứng của các quốc gia thành viên đối với Liên minh quốc phòng mới vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Trong số 10 thành viên của ASEAN, Singapore và Philippines phản ứng tích cực về AUKUS, trong khi Indonesia và Malaysia bày tỏ lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang có thể xảy ra trong khu vực.

Việt Nam thì tỏ ra thận trọng, nói rằng sẽ theo dõi tình hình đồng thời kêu gọi tất cả các nước bảo đảm “hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển” trong khu vực.

Các thành viên ASEAN khác, bao gồm Thái Lan, Brunei, Campuchia, Lào và Myanmar, vẫn chưa xác định lập trường của họ.

Aaron Rabena, một nhà nghiên cứu của Tổ chức tư vấn Con đường Tiến bộ Châu Á – Thái Bình Dương có trụ sở tại Manila, lưu ý rằng Trung Quốc có thể sử dụng đòn bẩy kinh tế để bảo đảm các nước láng giềng Đông Nam Á không noi gương Úc.

Ông Rabena nói: “Vì vậy, lợi ích tốt nhất của Trung Quốc sẽ là bảo đảm  rằng các nước trong khu vực sẽ không đứng về phía nào ngay cả khi chỉ là một biểu hiện của sự ủng hộ chính trị, bởi vì sự ủng hộ chính trị cuối cùng có thể dẫn đến hợp tác chính trị và chiến lược”.

Theo nhà nghiên cứu: “Trung Quốc có thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế hoặc các sáng kiến ​​để bảo đảm rằng các nước có liên quan trong khu vực … không liên kết với một liên minh chống Trung Quốc”.

Thủ tướng Ấn Độ: Thế giới phải bảo vệ các đại dương khỏi cuộc chạy đua ‘bành trướng và loại trừ’

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2021/09/pjimage-1-34-700x366.jpg

Hôm thứ Bảy (25/9), Thủ tướng Ấn Độ-Narendra Modi nói rằng, thế giới phải bảo vệ các đại dương khỏi cuộc chạy đua “bành trướng và loại trừ”. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng để củng cố một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, trong đó có liên quan đến sự bành trướng của Trung Quốc khi nước này đang cố tình thể hiện cơ bắp quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, theo trang India Today.

Phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 76, Thủ tướng Modi đã mô tả các đại dương là “di sản chung của chúng ta” và nói, “chúng ta phải ghi nhớ rằng chúng ta chỉ được sử dụng các nguồn tài nguyên đại dương và không được lạm dụng chúng thêm nữa”.

Ông nói thêm: “Các đại dương của chúng ta cũng là huyết mạch của thương mại quốc tế. Chúng ta phải bảo vệ nó khỏi cuộc chạy đua bành trướng và loại trừ. Cộng đồng quốc tế phải cùng lên tiếng để củng cố một trật tự thế giới dựa trên luật lệ”.

Phát biểu bằng tiếng Hindi, ông Modi nói rằng sự đồng thuận rộng rãi đạt được trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ chủ tịch của Ấn Độ hồi tháng 8 đã cho thế giới thấy con đường phía trước của an ninh hàng hải.

Ấn Độ, Hoa Kỳ và một số cường quốc khác trên thế giới đã nói về sự cần thiết phải bảo đảm một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và phát triển mạnh trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường điều động quân sự ở khu vực giàu tài nguyên.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông đang tranh chấp, mặc dù Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền với một phần của nó. Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự ở Biển Đông. Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.

Một ngày trước đó, Bộ tứ bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ – đã cam kết bảo đảm một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”, cũng “bao trùm và có khả năng phục hồi”, vì họ lưu ý rằng khu vực chiến lược quan trọng là nền tảng về sự an ninh và thịnh vượng chung của họ.

“Chúng tôi ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau và với một loạt các đối tác”, các nhà lãnh đạo Bộ tứ cho biết trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc.

Mỹ lên án ý định của Taliban khôi phục hình phạt hành quyết, chặt tay chân 

Reuters 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price ngày thứ Sáu rằng Washington lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất những phát biểu được cho là của một quan chức Taliban, người nói rằng nhóm này sẽ khôi phục hình phạt chặt tay chân và hành quyết ở Afghanistan.

Họp báo qua điện thoại, ông Price phản hồi những phát biểu của thủ lĩnh Taliban Mullah Nooruddin Turabi với hãng tin AP, nói rằng các hình phạt này “là vi phạm nhân quyền rõ ràng.”

“Chúng tôi quyết cùng cộng đồng quốc tế buộc những thủ phạm gây ra những vụ ngược đãi này, hay bất cứ vụ ngược đãi nào, phải chịu trách nhiệm,” ông Price nói.

Washington đã nói rằng bất cứ sự công nhận tiềm năng nào đối với chính phủ mới do Taliban lãnh đạo ở Kabul, thay thế chính phủ được phương Tây hậu thuẫn đã sụp đổ vào tháng trước, sẽ phụ thuộc vào sự tôn trọng nhân quyền.

“Chúng tôi đang theo dõi rất sát,” ông Price nói, “và không chỉ lắng nghe những thông báo được đưa ra mà còn theo dõi rất sát hành vi của Taliban.”

Đức: Bị cắt trợ cấp nếu không chích ngừa COVID-19

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/03-05-2-trieu-nguoi-My-chich-ngua-vaccine-covid-moi-ngay-httpswww.texastribune.org_.jpg

Vẫn còn nhiều người ở các quốc gia chưa chịu đi chích ngừa. Trong hình: Một cư dân ở Texas đang được chích ngừa. Minh họa: Texastribune.org. 

Cơ quan y tế ở Đức vừa thông báo chính quyền các tiểu bang ngừng trả chi phí cách ly, cắt trợ cấp tài chính cho công dân chưa đi chích vaccine ngừa COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Jens Spahn lưu ý việc chích ngừa vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện, nhưng việc không chích “gắn liền với hệ quả về tài chính”. Theo New York Times, quyết định trên nhằm thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng tại quốc gia này.

Chính sách này của chính phủ Đức hướng đến những người phải cách ly sau khi tiếp xúc với F0, hoặc trở về nước từ một số quốc gia có dịch. Nếu chưa chích vaccine, họ sẽ không đủ điều kiện để được chính phủ hỗ trợ tài chính.

Thông báo cho biết các khoản trợ cấp sẽ bị cắt vào ngày 1 Tháng Mười Một tới. Đợt chích vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc gia được công bố rộng rãi, nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Hiện tại, 67% dân số Đức đã được chích ít nhất một liều vaccine COVID-19. Đầu Tháng Chín, số ca nhiễm ở quốc gia này vọt lên cao, nhưng đang có xu hướng giảm dần trong những tuần gần đây.

Chính sách dừng trợ cấp đối với công dân chưa chích vaccine không phải là nỗ lực đầu tiên của chính phủ Đức nhằm đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Tháng trước, các nhà chức trách Đức tuyên bố sẽ kết thúc chương trình xét nghiệm COVID-19 miễn phí. Từ ngày 12 Tháng Mười, những người chưa chích vaccine phải tự trả tiền xét nghiệm. Có giấy chứng nhận âm tính họ mới được vào các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, phòng gym, tiệm làm tóc.

Bắc Kinh bắt giữ công dân Mỹ khi một tập đoàn lớn của Trung Quốc phá sản

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2021/09/pjimage-108-700x366.jpg

Chủ tịch của Tập đoàn HNA Group Trần Phong và Giám đốc điều hành Đàm Hướng Đông (ảnh: Youtube/明镜新闻台). 

Nhà chức trách Trung Quốc vừa bắt giữ một công dân Mỹ đứng đầu HNA Group, tập đoàn của Trung Quốc vừa tuyên bố phá sản.

Theo các nguồn tin của Bloomberg Quint, Đàm Hướng Đông hay còn gọi là Adam Tan – giám đốc điều hành của HNA Group – hiện đang bị cảnh sát ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc giam giữ với “cáo buộc phạm tội ” – là công dân Hoa Kỳ.

Là một trong những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc, HNA Group, đã tuyên bố phá sản. Tập đoàn này sở hữu hãng hàng không lớn Hainan Airlines, hãng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Chủ tịch của Tập đoàn HNA Trần Phong và Giám đốc điều hành Đàm Hướng Đông bị bắt giữ hôm 24/9.

Trước đó, ngày 18/9, chính quyền Bắc Kinh đưa ra kết quả cuối cùng cho việc phá sản và tổ chức lại của HNA. Theo đó, HNA được tách thành 4 lĩnh vực độc lập, các công ty mới sẽ do cổ đông mới lãnh đạo và các cổ đông trước đây đều bị loại khỏi cơ cấu sở hữu và quản lý.

Việc bắt giữ công dân Hoa Kỳ Đàm Hướng Đông diễn ra ngay sau khi mối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Canada bất ngờ tan băng, khi Giám đốc tài chính Tập đoàn Hoa Vi Mạnh Vãn Châu thoát dẫn độ sang Mỹ trở về Trung Quốc, cùng lúc Bắc Kinh thả hai công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig về nước sau gần 3 năm giam giữ.

Hoa Vi : Trung Quốc gián tiếp nhìn nhận chơi trò ngoại giao con tin

Giám đốc tài chính Hoa Vi, bà Mãnh Vãn Châu, rời khỏi tòa án Vancouver, Canada, ngày 24/09/2021. Don MacKinnon AFP 

Vào lúc bà Mạnh Vãn Châu, con gái sáng lập viên Hoa Vi đáp máy bay về Hoa Lục hôm 25/09/2021, hai công dân Canada, Michael Spavor và Michael Kovrig, sau gần 1.000 ngày bị giam giữ tại Trung Quốc cũng trên đường trở về nước. 

Truyền thông Bắc Kinh chào mừng bà Mạnh Vãn Châu trở về và nhấn mạnh đến vai trò then chốt của chính quyền Trung Quốc trong vụ đọ sức về mặt pháp lý, nhưng hoàn toàn im lặng về vụ hai công dân Canada bị giam giữ để mặc cả với Ottawa, đổi lấy tự do cho giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Hoa Vi.

Thông tín viên đài RFI Stéphane Lagarde tường trình :

« Các phương tiền truyền thông Trung Quốc cần có thời gian để thống nhất về từ ngữ sử dụng. Sáng nay, vào lúc máy bay chở bà Mạnh Vãn Châu đã rời khỏi Canada, nhưng tránh bay qua vùng Alaska, thuộc không phận Hoa Kỳ, cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã được khởi động. 

Trong tiếng kèn, tiếng nhạc, Tân Hoa Xã chạy hàng chữ nổi màu vàng trên trang mạng xã hội Vi Bác, chúc mừng bà Mạnh « trở về nhà ». Nhân Dân Nhật Báo và tất cả các tờ báo chính thức đồng loạt ca tụng những nỗ lực của chính quyền để đưa bà Mạnh Vãn Châu, cô con gái tuyệt vời của sáng lập viên tập đoàn viễn thông Trung Quốc, trở về. 

Đúng là Bắc Kinh đã đặt hết trọng lượng vào hồ sơ này. Trung Quốc đã lao vào một cuộc đọ sức ngoại giao với Canada, dùng những đòn trừng phạt thương mại gây thiệt hại hàng tỷ đô la và đẩy quan hệ giữa Bắc Kinh với Ottawa xuống đến mức tệ hại nhất. 

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc tuyệt đối không đả động đến những thỏa thuận về mặt pháp lý để bà Mạnh Vãn Châu được tự do. Bà Mạnh đã phải nhìn nhận rằng Hoa Vi đã vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào Iran. Truyền thông tại Bắc Kinh cũng không hề đả động đến việc Trung Quốc trả tự do cho hai ông Michael Kovrig và Spavor. 

Cả hai đã bị bắt giữ tại Hoa Lục chỉ hai ngày sau khi con gái sáng lập viên tập đoàn Hoa Vi bị quản thúc tại gia ở Vancouver hồi tháng 12/2018. Hai công dân Canada cũng đã lên máy bay trên đường trở về. Đây là bằng chứng cho thấy họ bị sử dụng như những món hàng đổi trác trong vụ này ».