Tin tức thế giới ngày Thứ hai 31 tháng 5 năm 2021 – Võ Thái Hà tóm lược

Share this post on:

Báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin về chủng virus “lai tạo” giữa Ấn Độ và Anh tại Việt Nam

Báo chí quốc tế vào sáng Chủ nhật (giờ Việt Nam) đồng loạt đưa tin về chủng virus mới phát hiện ở Việt Nam, được cho là lai tạo giữa chủng Ấn Độ – Anh và “rất nguy hiểm.”

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế Việt Nam. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cho biết các nhà khoa học đã phát hiện ra biến thể mới khi đang kiểm tra cấu trúc gen của virus COVID-19 trên các bệnh nhân mới nhiễm, Reuters dẫn lại thông tin từ Vnexpress. Ông Long cho biết biến thể mới này dường như có khả năng lây truyền cao [qua không khí] và có thể lây lan dễ dàng hơn các chủng khác.

“Việt Nam đã phát hiện một biến thể COVID-19 mới kết hợp các đặc điểm của hai biến thể lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ và Anh”, ông Long cho biết hôm thứ Bảy, theo Reuters.

“Chủng mới là một biến thể của Ấn Độ với các đột biến ban đầu thuộc biến thể của Vương quốc Anh, nó rất nguy hiểm,” ông nói trong một cuộc họp của chính phủ.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về biến thể mới cho thấy virus này có thể tự nhân lên rất nhanh. Ông Long nói rằng điều đó có thể giải thích lý do tại sao Việt Nam lại bùng phát dịch nhanh đến vậy trong thời gian gần đây, với trên 30 tỉnh thành có ca nhiễm, Associated Press đưa tin.

Mặc dù những thay đổi nhỏ về gen đối với virus COVID-19 là phổ biến, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới chỉ đưa ra lưu ý về 4 biến thể virus, hai trong số này là biến thể B117 (biến thể ở Anh) và cùng với B16172 (biến thể lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ). Hai chủng còn lại lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi và Brazil.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cả các biến thể của Anh và Ấn Độ có thể lây truyền nhanh hơn tới 50% so với các chủng khác.

Hôm thứ Bảy, một quan chức của WHO nói với Newsweek rằng tổ chức này vẫn chưa đưa ra đánh giá liên quan đến biến thể mới của Việt Nam.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19 cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng nhiều biến thể sẽ tiếp tục được phát hiện khi virus phát tán và tiến hóa, đồng thời với việc năng lực giải mã trình tự gen được nâng cao trên toàn thế giới”.

Bà Van Kerkhove nói rằng mỗi biến thể cần phải được cơ quan này đánh giá thích hợp.

“Văn phòng quốc gia của chúng tôi đang làm việc với Bộ Y tế Việt Nam và chúng tôi mong chờ sẽ sớm có thêm thông tin. Từ những gì chúng tôi hiểu, biến thể mà họ phát hiện là biến thể B16172 có thể có thêm một đột biến, tuy nhiên chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin sau ngay sau khi chúng tôi nhận được,” bà Van Kerkhove nói thêm.

Việt Nam cho đến nay đã phát hiện ít nhất 7 biến thể virus corona, theo Reuters. Chúng bao gồm: B1222, B1619, D614G, B117 (biến thể từ Anh), B1351, A231 và B16172 (biến thể từ Ấn Độ).

Mặc dù Việt Nam đã duy trì thành công tương đối trong việc chống lại đại dịch, nhưng quốc gia này đã chứng kiến ​​hơn 3.500 trường hợp nhiễm virus mới trong những tuần gần đây.

Việt Nam đã ban bố lệnh cấm trên toàn quốc đối với tất cả các sự kiện tôn giáo sau khi ít nhất 93 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus tại một Hội thánh ở TP. HCM, theo AP. Trên khắp các khu vực đô thị lớn, chính quyền đã cấm tụ tập đông người, đóng cửa các công viên công cộng và ngừng hoạt động của các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ và spa.

Cho đến nay, Việt Nam đã tiêm 2,9 triệu liều vắc-xin COVID-19 và hiện đang đàm phán với các đối tác để có đủ vắc-xin tiêm cho 80% dân số.

Tính đến thứ Bảy, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 6.396 ca nhiễm và 47 ca tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Kinh tế Ấn Độ bị covid nhấn chìm

Hôm nay Văn phòng Thống kê Quốc gia Ấn Độ sẽ công bố số liệu tăng trưởng GDP quý đầu năm và cả năm tài chính 2020-21. Các con số sẽ không mấy lạc quan.

Sau khi covid khiến nền kinh tế suy thoái -24,4% trong quý hai năm ngoái, quá trình phục hồi diễn ra rất chậm chạp. Có người hy vọng năm nay sẽ phục hồi nhanh hơn. Nhưng Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ dự đoán con số hôm nay của quý cuối sẽ chỉ ở mức 1,3%, và cả năm là -7,3%. Làn sóng covid thứ hai của Ấn Độ, đạt đỉnh vào đầu tháng này, là nghiêm trọng hơn nhiều so với đợt đầu tiên. Dù không có lệnh phong tỏa toàn quốc nào, song nhiều đợt phong tỏa cấp địa phương đã nhấn chìm nền kinh tế. Các số liệu thống kê độc lập cho thấy doanh số bán lẻ tháng 4 giảm xuống còn một nửa so với trước đại dịch, trong khi lưu lượng hàng không giảm còn 1/10 so với tháng 1. Nếu GDP tăng trưởng vừa đủ trong năm nay để cân bằng suy thoái của năm ngoái, thì đó là do Ấn Độ rất may mắn.

Bế tắc chính trị của Israel sắp được khơi thông

Naftali Bennett, một triệu phú công nghệ chuyển sang làm chính trị gia, sắp trở thành thủ tướng tiếp theo của Israel. Đêm qua, nhà lãnh đạo của đảng dân tộc chủ nghĩa Yamina đã tuyên bố tìm cách thành lập liên minh với đảng Yesh Atid trung dung của Yair Lapid. Chặng đường vừa qua rất dài và mệt mỏi cho người Israel. Cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3 đã là lần thứ tư chỉ trong hai năm.

Nhưng cuộc đua vẫn chưa ngã ngũ. Bennett và Lapid còn phải hoàn tất các điều khoản với sáu đảng khác trong liên minh của họ, bao gồm các đảng cánh tả theo chủ nghĩa Zion và một đảng Hồi giáo bảo thủ. Phân bổ nội các và ngân sách một cách chiến lược có thể làm hài lòng các cử tri của họ. Nếu sau đó liên minh mới tiếp tục vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ban đầu, thì Israel cuối cùng cũng sẽ có chính phủ. Sau đó câu hỏi sẽ là giữ được bao lâu.

Liên Hiệp Quốc chuẩn bị cho Hội nghị COP26

Hôm nay, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc có liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ bắt đầu một hội nghị trực tuyến kéo dài gần ba tuần. Mục đích của họ là chuẩn bị cho COP26, một hội nghị lớn về khí hậu của Liên Hợp Quốc dự kiến ​​diễn ra vào tháng 11 tới ở Glasgow.

Họ có rất nhiều việc phải làm. Đại dịch covid-19 khiến các công việc chuẩn bị bị trì hoãn, nhưng các cuộc đàm phán COP26 thành công là rất quan trọng. Người ta kỳ vọng các nước sẽ hoàn thiện các quy tắc cần thiết để thực hiện thỏa thuận Paris 2015, cũng như tăng cường cam kết về phát thải khí nhà kính và nhiệt độ tăng. Thật ra đã có một số cam kết như vậy.

Nhưng có một câu hỏi cấp bách: ai là người tài trợ. Đầu tháng này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhắc nhở các nước giàu rằng họ từng hứa hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo để giúp họ hành động vì khí hậu. Ông nói, thành công của COP26 “phụ thuộc vào việc đạt được đột phá về thích ứng và tài chính”.

Argentina xin hoãn trả nợ

Hôm nay chính phủ Argentina đối mặt ngày đến hạn đầu tiên trong một loạt hạn trả nợ 2,4 tỷ USD cho Câu lạc bộ Paris, một nhóm chủ nợ phi chính thức gồm các nước giàu. Xem ra họ sẽ không trả. Trong chuyến công du châu Âu vào đầu tháng này, Tổng thống Alberto Fernández và Bộ trưởng Kinh tế Martín Guzmán đã thông báo với các chủ nợ rằng vì covid-19, Argentina không thể thanh toán đúng hạn.

Câu lạc bộ Paris, mặc dù từ chối bình luận công khai, có khả năng sẽ kéo dài ân hạn thêm 60 ngày, theo các nguồn tin từ Argentina. Nhưng họ yêu cầu đàm phán trực tiếp, thực chất giữa chính phủ và IMF, cơ quan mà Argentina nợ tới 45 tỷ đô la. IMF ngày càng quan ngại về việc chính phủ thiếu một kế hoạch kinh tế, và muốn được đảm bảo. Họ không chỉ lo ngại Argentina không thể đáp ứng nghĩa vụ trả nợ mà còn vì nước này không có chiến lược giải quyết lạm phát phi mã, nghèo đói gia tăng hay thâm hụt ngân sách.

New Zealand ủng hộ Úc trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Hôm Chủ nhật (30/5), chỉ vài giờ sau khi New Zealand tuyên bố ủng hộ Canberra trong cuộc tranh chấp thương mại Úc – Trung về vấn đề thuế quan lúa mạch, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã đến New Zealand để tham dự các cuộc đàm phán cấp cao giữa hai nước. Điều này cho thấy thiện chí của hai bên trong việc hợp tác giải quyết các khác biệt trong cách tiếp cận với Bắc Kinh.

Việc di chuyển không cần kiểm dịch giữa Úc và New Zealand đã bắt đầu từ tháng trước, cho phép Thủ tướng Morrison và Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên sau 15 tháng.

Các cuộc đàm phán có thể gặp nhiều khó khăn vì quan điểm khác biệt của hai bên đối với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của cả hai quốc gia này. Úc đang bất đồng mạnh mẽ với Bắc Kinh trong khi New Zealand đang thực hiện cách tiếp dễ dãi hơn.

Những tháng gần đây, chế độ cộng sản Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm của Úc như lúa mạch, rượu vang và bia. Hôm thứ Sáu (28/5), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết cơ quan này sẽ thành lập một hội đồng giải quyết tranh chấp để giải quyết vấn đề lúa mạch giữa Úc và Trung Quốc.

Trước chuyến thăm của ông Morrison, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O’Connor cho biết chính phủ của ông ủng hộ Canberra trong cuộc tranh chấp thương mại này.

Truyền thông New Zealand trích dẫn lời của ông O’Connor cho hay, “New Zealand đang tham gia vào cuộc tranh chấp này với tư cách là bên thứ ba bởi vì nó [cuộc tranh chấp] đặt ra các vấn đề mang tính hệ thống có tầm quan trọng đối với hoạt động hiệu quả của hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc.”

Ông nói: “New Zealand không được yêu cầu tham gia với tư cách là bên thứ ba, tuy nhiên chúng tôi đã là bên thứ ba trong hơn 60 vụ kiện của WTO kể từ năm 1995 và không có gì là bất thường nếu chúng tôi tham gia vào các cuộc tranh chấp khi chúng tôi nhìn thấy những thách thức đối với các quy tắc thương mại quốc tế.”

Trong 18 tháng qua, mối quan hệ của Úc với Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ sau khi ông Morrison đi đầu trong việc kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của COVID-19, đồng thới Úc cũng cấm gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Huawei Technologies Co. tham gia mạng viễn thông 5G của nước này.

Ngược lại, mối quan hệ kinh tế của New Zealand với Trung Quốc lại đang được đẩy mạnh, với việc hai quốc gia này năm nay đã nâng cấp hiệp định thương mại tự do của họ.

Tháng trước, New Zealand cũng cho biết họ cảm thấy “không thoải mái” về việc mở rộng vai trò của nhóm Ngũ Nhãn (Five Eyes), một nhóm tình báo thời hậu chiến bao gồm New Zealand, Hoa Kỳ, Anh, Úc và Canada. Điều này đã làm dấy lên lời đồn đoán rằng Wellington không ủng hộ những chỉ trích gần đây của nhóm này đối với Bắc Kinh.

Nhóm Ngũ Nhãn đã đưa ra nhiều lời chỉ trích đối với chế độ cộng sản Trung Quốc về các vấn đề vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông cũng như việc đối xử tàn bạo của chế độ này đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương.

Trung Quốc với mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán chính thức giữa bà Ardern và ông Morrison sẽ diễn ra vào thứ Hai (31/5).

Trung Cộng cho phép các cặp vợ chồng có ba con

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Thay đổi về chính sách này diễn ra sau khi kết quả điều tra dân số cho thấy dân số TQ tăng chậm nhất trong nhiều thập niên.

Trung Quốc vừa tuyên bố nước này sẽ cho phép các cặp vợ chồng có nhiều nhất là ba con, đánh dấu chấm hết cho chính sách hai con nghiêm ngặt.

Thay đổi này được Chủ tịch Tập Cận Bình duyệt tại một cuộc họp bộ chính trị, truyền thông nhà nước đưa tin.

Động thái này diễn ra sau một cuộc điều tra dân số, được thực hiện 10 năm một lần, cho thấy dân số Trung Quốc ở mức tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ.

Điều tra này tăng sức ép lên Bắc Kinh phải đẩy mạnh cách biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con và tránh chiều hướng dân số giảm.

Chính sách mới sẽ được thực hiện với “các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để cải thiện cơ cấu dân số của đất nước chúng ta, hoàn thành chiến lược chủ động khắc phục dân số đang già đi và duy trì lợi thế về nhân lực,” Tân Hoa Xã viết.

Nhưng một số chuyên gia bày tỏ nghi giờ về tác động của chính sách mới.

“Nếu nới lỏng chính sách sinh đẻ mà có hiệu quả, thì chính sách hai con hiện nay đã có hiệu quả rồi,” ông Vương Châu, một kinh tế gia cao cấp của ngân hàng Commerzbank, nói với Reuters.

“Nhưng ai muốn có ba con? Người trẻ chỉ muốn có hai con là cùng. Vấn đề căn bản là chi phí sinh hoạt quá cao và áp lục cuộc sống quá lớn.”

Khoảng 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở Trung Quốc vào năm ngoái, số sinh thấp nhất được ghi nhận từ những năm 1960

Phân tích của Stephen McDonell

Phóng viên Trung Quốc

Vào một ngày trời mưa ảm đạm ở Bắc Kinh, tôi đang ra ngoài mua cà phê thì nhận được tin.

Người dân bắt đầu xem điện thoại khi các dòng tin nhấp nháy trên màn hình – Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng có ba con.

Nhiều người đặt câu hỏi chính sách ba con làm sao có thể tạo ra thêm em bé khi mà chính sách hai con trước đó không làm được việc này. Và tại sao vẫn cần có hạn chế về sinh đẻ khi xu thế nhân chủng học cho thấy dân số TQ tăng chậm đi?

Những câu hỏi rất hay.

Có người nghĩ rằng, trong số những người sẵn sàng sinh hai con, ít nhất một số phụ huynh sẽ có ba con.

Tuy nhiên, tôi đã phỏng vấn nhiều cặp đôi trẻ về chủ đề này và thật khó mà tìm được ai muốn có gia đình đông con.

Nhiều thế hệ người Trung Quốc đã sống mà không có anh chị em và họ quen với một gia đình nhỏ – cuộc sống khấm khá hơn có nghĩa cha mẹ không cần nhiều con để nuôi họ và các cặp vợ chồng trẻ cnói họ thà có một con và cho chúng nhiều lợi thế hơn là chia sẻ thu nhập của họ để nuôi nhiều con.

Điều tra dân số cho thấy gì?

Điều tra dân số Trung Quốc, được công bố hồi đầu tháng, cho thấy chừng 12 triệu trẻ em được sinh năm ngoái – giảm mạnh so với 18 triệu năm 2016, và là số trẻ em sinh ra thấp nhất từ những năm 1960.

Điều tra này kết thúc vào cuối 2020 khi hàng triệu nhân viên điều tra đã đi gõ cửa từng nhà để thu thập thông tin từ các hộ gia đình.

Với số người được khảo sát là rất lớn, điều tra này được coi là nguồn dữ liệu đầy đủ nhất về dân số Trung Quốc, điều rất quan trọng cho việc lập kế hoạch cho tương lai.

Sau khi kết quả điều tra được công bố, dư luận trông đợi chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng các quy định kế hoạch hóa gia đình.

Chính sách trước đó của Trung Quốc là gì?

Năm 2016, Bắc Kinh chấm dứt chính sách một con gây nhiều tranh cãi và cho phép các cặp vợ chồng có hai con.

Nhưng thay đổi này không đảo ngược được tỷ lệ sinh ngày một giảm mặc dù có sự gia tăng ngay sau khi chính sách này được đưa ra.

Bà Tô Việt, kinh tế gia trưởng từ The Economist Intelligence Unit nói: “Mặc dù chính sách hai con có tác dụng tích cực lên tỷ lệ sinh, nó chỉ có tác dụng ngắn hạn.”

Xu hướng dân số của Trung Quốc trong những năm qua được định hình chủ yếu bới chính sách một con, được đưa ra năm 1979 nhằm giảm mức tăng dân số.

Các gia đình vi phạm quy định phải chịu phạt, bị mất việc và đôi khi bị ép phá thai.

Chính sách một con dẫn đến mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Trung Quốc – một quốc gia vốn có truyền thống trọng nam khinh nữ.

“Điều này gây khó khăn cho thị trường hôn nhân, đặc biệt cho những người đàn ông có ít nguồn lực kinh tế xã hội hơn,” TS Mục Tranh từ khoa xã hội học Đại học Quốc gia Singapore nói.

Chụp lại hình ảnh,

Biểu đồ cho thấy mức tăng dân số theo giới tính. Màu xanh là nam, màu tím là nữ

Liệu Trung Quốc có thể bỏ hạn chế sinh đẻ hoàn toàn?

Từ trước khi có kết quả điều tra dân số, các chuyên gia đã đoán rằng các chính sách hạn chế sinh đẻ sẽ được xóa hoàn toàn – tuy nhiên dường như Trung Quốc đang khá thận trọng.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng nếu chính phủ bỏ hoàn toàn các hạn chế, sẽ có thể dẫn đến “các vấn đề khác” – khoảng cách quá lớn giữa cư dân thành thị và nông thôn.

Phụ nữ sống ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải có thể muốn trì hoãn hoặc tránh sinh con, những người sống ở nông thôn lại thường theo truyền thống và muốn có gia đình đông con, các chuyên gia nói.

Trước đó, các chuyên gia đã cảnh báo rằng bất cứ tác động nào lên dân số Trung Quốc, chẳng hạn giảm dân số, có thể ảnh hưởng lớn tới các nơi khác trên thế giới.

TS Yi Fuxian, nhà khoa học trường Đại học Wisconsin-Madison, nói: “Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh, và nhiều ngành công nghiệp trên thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc. Tác động của việc dân số giảm có thể sẽ trên phạm vi rất rộng.”