Đô đốc Hoa Kỳ nói ‘cuộc chiến Mỹ-Trung’ là không thể tránh khỏi
Đô đốc Hoa Kỳ nói ‘cuộc chiến Mỹ-Trung’ là không thể tránh khỏi (ảnh: Youtube/DKN.TV).
Chỉ huy lực lượng Thủy quân lục chiến David Berger nói trên diễn đàn Viện Brookings ngày 18 tháng 5, rằng Cuộc chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là không thể tránh khỏi. Việc khai triển Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ có thể làm chậm lại việc Trung Quốc sẵn sàng mở rộng biên giới và bắt nạt các nước láng giềng, theo Vision Times.
Hội thảo với chủ đề: “Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và chiến tranh trong tương lai”.
Ông Berger đã nói: “Tôi không đồng ý với những người nghĩ rằng chiến tranh với Trung Quốc là không thể xảy ra. Tôi không thuộc về phe đó. Tôi nghĩ cả hai bên có thể đang thực hiện một số biện pháp không thể tránh khỏi”.
Trong quá khứ ông Berger, người đã nghiên cứu về Trung Quốc trong 10 năm, nói rằng: “Họ rõ ràng có chiến lược, có kế hoạch. Họ đang cung cấp nguồn lực cho kế hoạch này. Tôi nghĩ rằng họ đang làm mọi cách để đạt được mục tiêu của mình. Và họ đã tiết lộ những mục tiêu này là gì”.
Lúc đó ông đã đoán rằng cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục.
Theo trang web của Viện Hải quân Hoa Kỳ, một hiệp hội chuyên nghiệp quân sự phi lợi nhuận tư nhân, cho biết Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ hiện đang trải qua một giai đoạn thử nghiệm và tổ chức lại quy mô lớn, với trọng tâm là theo kịp “bước tiến uy hiếp” của ĐCSTQ và cuối cùng giành chiến thắng trong cuộc chiến khi nó xảy ra.
Ông Berger tin rằng việc sử dụng Thủy quân lục chiến hùng mạnh ở “tuyến đầu” sẽ như một lực lượng ngăn chặn các lợi thế địa lý của Trung Quốc, và điều này có thể làm chậm lại ham muốn mở rộng biên giới và bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc.
Ông nói: “Chúng ta cần duy trì tự do trên biển, trên không và trong mọi lĩnh vực. Nếu bạn là Hoa Kỳ, bạn cần một đội quân viễn chinh rất tốt, và rất cơ động để xuất hiện trong các khu vực mà họ sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào”.
Ông cho biết nếu việc uy hiếp và ngăn chặn thất bại và cuộc chiến bắt đầu quá nhanh, các quân chủng khác sẽ không được huy động kịp, Thủy quân lục chiến phải sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức. Nếu ĐCSTQ chọn tấn công Đài Loan, Hoa Kỳ nên chuẩn bị cho khả năng cuộc xung đột này sẽ mở rộng ra tất cả các khu vực và xa hơn cả Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Ông Berger cũng nói thêm rằng để hoàn thành sứ mệnh răn đe ĐCSTQ hoặc đánh bại ĐCSTQ khi chiến tranh nổ ra, Hoa Kỳ phải phát triển mối quan hệ với các đồng minh trong khu vực.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước cuộc họp chung của Thượng viện và Hạ viện vào ngày 28 tháng 4, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng Hoa Kỳ hoan nghênh sự cạnh tranh với Trung Quốc và không tìm cách gây xung đột với Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, giống như Hoa Kỳ ở châu Âu thông qua NATO, và Hoa Kỳ làm điều đó “không phải để dẫn đến xung đột, mà là để ngăn chặn xung đột”.
Ông Biden cũng công khai cảnh báo Trung Quốc và Nga, đồn thời ca ngợi việc hợp tác với Đài Loan.
Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin ngày 19/5 rằng, khi ông Biden dự lễ tốt nghiệp Học viện Cảnh sát biển Hoa Kỳ, ông tuyên bố Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò lớn hơn để đảm bảo rằng “mọi quốc gia” đều tuân thủ các quy tắc quốc tế về hàng hải và phát ra cảnh cáo với cả Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Biden nói rằng ông đã thảo luận với chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Putin về vấn đề vi phạm lâu nay đối với các nguyên tắc hàng hải cơ bản như tự do hàng hải. Ông nói rằng những nguyên tắc này là “nền tảng của nền kinh tế toàn cầu và an ninh toàn cầu”.
Ông Biden nói: “Khi quốc gia cố gắng gian lận hệ thống hoặc để các quy tắc có lợi cho họ, nó sẽ khiến mọi thứ mất cân bằng. Vì điều này, chúng tôi kiên quyết yêu cầu những khu vực trên thế giới vốn là huyết mạch của giao thương và di chuyển tàu bè phải duy trì hòa bình, bất kể đó là Biển Đông hay Vịnh Ả Rập, đồng thời cả Bắc Băng Dương cũng ngày càng liên quan”.
Tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng Bắc Cực ở Iceland.
Ông Biden cũng đặc biệt đề cập đến mối quan hệ đối tác mới giữa Cảnh sát biển Hoa Kỳ và Đài Loan, nói rằng điều này “sẽ giúp đảm bảo rằng chúng tôi ở vị trí tốt để ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa chung trong khu vực và thực hiện các sứ mệnh môi trường nhân đạo có phối hợp”.
Hạt nhân Bắc Triều Tiên, trọng tâm thượng đỉnh Mỹ – Hàn
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trao đổi với tổng thống Mỹ Joe Biden nhân Thượng đỉnh Khí hậu trực tuyến ngày 22/04/2021. AP – Lee Jin-wook
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In là nguyên thủ quốc gia thứ hai trên thế giới được tổng thống Joe Biden tiếp đón tại Nhà Trắng. Tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ hợp tác kinh tế và y tế sẽ là những hồ sơ chính trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Hàn chiều ngày 21/05/2021.
Hãng tin Anh Reuters lưu ý, sau thủ tướng Nhật Bản đến lượt tổng thống Hàn Quốc trực tiếp hội kiến tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden kể từ khi ông lên cầm quyền. Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy châu Á là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Washington.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, thảo luận với các đồng minh của Mỹ về an ninh khu vực làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là đối với ngành công nghệ bán dẫn và chíp điện tử, kềm hãm khủng hoảng dịch Covid-19, và thuyết phục Seoul hỗ trợ những nỗ lực của Washington trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu : đó là những hồ sơ nguyên thủ hai nước sẽ thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh chiều nay tại Nhà Trắng. Kết thúc buổi làm việc, tổng thống Biden và Moon sẽ có cuộc họp báo chung.
Reuters nhắc lại tổng thống Moon Jae In đến Washington lần này trong bối cảnh sắp kết thúc nhiệm kỳ và ông mong muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình « không thể đảo ngược » trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng làm thế nào để thuyết phục Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán và từ bỏ tham vọng nguyên tử ?
Ngoài ra, một số nhà phân tích cho rằng, ở vào thời điểm hiện tại, xung đột Israel-Palestin đang là hồ sơ nóng thu hút chú ý của chính quyền Biden. Bắc Triều Tiên tuy là một hồ sơ nhạy cảm, nhưng không chắc là một ưu tiên đối với Washington vào lúc này. Phát ngôn viên phủ tổng thống Mỹ Jen Psaki trong cuộc họp báo hôm 20/05/2021 gián tiếp công nhận điều đó, khi tuyên bố bà « không chờ đợi tổ chức một thượng định Joe Biden – Kim Jong Un là một ưu tiên » của chủ nhân Nhà Trắng.
Theo lời một nhà quan sát được hãng tin AFP trích dẫn, khác với hai đời tổng thống tiền nhiệm, Joe Biden không bị vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên ám ảnh như dưới thời chính quyền Trump, nhưng ông cũng không đi theo « chiến lược kiên nhẫn đợi chờ » như dưới thời tổng thống Obama.
Trong lĩnh vực y tế, tổng thống Hàn Quốc đang chịu áp lực lớn vào lúc dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại. Tại Washington lần này, ông Moon Jae In hy vọng đạt được một thỏa thuận với Mỹ về việc cung cấp vac-xin.
Lợi thế của Seoul trong thượng đỉnh Mỹ – Hàn đầu tiên dưới thời Biden
Tổng thống Moon Jae In và bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, trong chuyến công du Hoa Kỳ ngày 20/05/2020. AP – Manuel Balce Ceneta
Một năm trước khi mãn nhiệm, tổng thống Moon Jae In kỳ vọng nhiều vào đối thoại đầu tiên với đồng nhiệm Joe Biden để thúc đẩy trở lại tiến trình đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên. Mục tiêu sau cùng là « vãn hồi hòa bình một cách lâu dài » trên bán đảo. Hàn Quốc có những lá chủ bài nào trong tay để thuyết phục Hoa Kỳ khởi động lại đối thoại với chính quyền Kim Jong Un ?
Theo các nhà quan sát, tổng thống Hàn Quốc đang nắm giữ ít nhất bốn lợi thế để mặc cả với Hoa Kỳ. Trước hết, chỉ riêng việc tổng thống Joe Biden dành hai cuộc tiếp xúc đầu tiên với các nguyên thủ quốc tế cho thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga rồi tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đủ cho thấy châu Á chiếm một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Washington. Chính quyền Biden từ đầu nhiệm kỳ liên tục nỗ lực thắt chặt quan hệ với hai đồng minh Đông Bắc Á là Tokyo và Seoul để thành lập một « mặt trận đoàn kết » đối phó với mối đe dọa Trung Quốc.
Kinh tế là lá chủ bài thứ hai tổng thống Hàn Quốc đang nắm giữ. Tháp tùng tổng thống Moon Jae In đến Mỹ lần này là một phái đoàn hùng hậu các doanh nhân, trong đó có nhiều chủ tịch tổng giám đốc các tập đoàn chip điện tử, công nghệ bán dẫn, công nghệ viễn thông… Đó là những lĩnh vực mà chính quyền Biden đang coi là một công cụ trong cuộc đọ sức về kinh tế và công nghệ với Trung Quốc và cũng là vũ khí để triệt hạ kế hoạch đầy tham vọng « Made in China 2025 » của Bắc Kinh. Điều phối viên của tổng thống Hoa Kỳ về chính sách đối ngoại trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell đã nói rõ : Bảo đảm an ninh trong chuỗi cung ứng và cải thiện hợp tác về mặt công nghệ là một trong những ưu tiên của thượng đỉnh Biden-Moon đầu tiên tại Washington lần này.
Trên đài RFI Việt ngữ hồi tháng trước, chuyên gia về Nhật Bản tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI Céline Pajon đã giải thích : « Chính quyền Biden có một tầm nhìn chiến lược về sự đối đầu Mỹ-Trung. Chiến lược đó bao hàm từ quân sự đến địa chính trị, nhân quyền, thương mại (…) và giờ đây là công nghệ ». Theo bà Pajon, ở điểm cuối cùng này, « Nhật Bản cùng với Hàn Quốc đang chiếm một vị trí trung tâm ». Tokyo cũng như Seoul đều đang dẫn đầu nền công nghệ mới thuộc về tương lai, như trí thông minh nhân tạo, công nghệ bán dẫn, mạng viễn thông thế hệ 5, thậm chí là thế hệ 6.
Lợi thế thứ ba của Hàn Quốc là Mỹ đang muốn Seoul năng động nhiều hơn nữa trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, mà chính quyền Biden xem là một công cụ để khẳng định thế thượng phong của Hoa Kỳ với thế giới. Hàn Quốc vừa thông báo đề ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 24,4 % lượng khí thải CO2 so với thời điểm 2017 và trên hồ sơ này, đặc sứ về môi trường của tổng thống Biden là John Kerry đang kỳ vọng là mục tiêu này của Seoul sẽ phải được « tăng lên gấp đôi ».
Cuối cùng, cho dù hiện tại, hạt nhân Bắc Triều Tiên có thể không là một hồ sơ nóng của ngành ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng sau nhiều lần thất bại, Washington vẫn theo đuổi mục tiêu chận đứng tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trên hồ sơ này, Hàn Quốc là một trong những mắt xích chính. Hơn nữa, Seoul từng là nhịp cầu đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng dưới thời chính quyền Trump. Theo giới phân tích, đành rằng sau ba lần Donald Trump và Kim Jong Un bắt tay, kết quả vẫn chưa đi đến đâu, nhưng đó đã là một « điểm khởi đầu ».
Nhưng dù có nhiều lợi thế như vậy, chưa chắc tổng thống Moon Jae In sẽ dễ dàng thuyết phục được đồng nhiệm Joe Biden và chuyến công du Hoa Kỳ lần này cũng đặt nguyên thủ Hàn Quốc trong thế tế nhị không kém. Bởi vì, thứ nhất, vẫn tồn tại một số bất đồng trong quan hệ giữa Washington và Seoul, chẳng hạn như việc chia sẻ gánh nặng tài chính trong việc quân đội Mỹ đồn trú tại bán đảo Triều Tiên, hay hợp đồng cung cấp vac-xin cho Hàn Quốc.
Thứ hai, đến Washington lần này, tổng thống Moon Jae In cũng ý thức được rằng, chủ trương của Mỹ lôi kéo các đồng minh Nhật Hàn vào liên minh để « đối phó với đe dọa Trung Quốc » đặt Seoul trong thế khó xử. Hàn Quốc muốn tránh làm phật lòng một đối tác kinh tế và thương mại quan trọng như Trung Quốc. Có lẽ chính vì thế mà một ngày trước thượng đỉnh với đồng nhiệm Biden, phát biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ, tổng thống Moon Jae In đã nhấn mạnh đến « tầm mức quan trọng của sự ổn định » trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Nguyên thủ Hàn Quốc đã không nhắc đến « trọng lượng của mối liên hệ giữa Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên ».
Tương tự như Nhật Bản, dù là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, Hàn Quốc cũng luôn tỏ ra thực tế cả về ngoại giao lẫn chiến lược và chắc chắn Seoul không quên nguyên tắc cơ bản, đó là « Mỹ thì xa, Trung Quốc thì gần ».
G20 họp thượng đỉnh về covid-19
Hôm nay, nhóm các nước G20 sẽ họp trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Toàn cầu. Năm nay, cuộc họp tập trung vào các bài học kinh nghiệm của đại dịch covid-19. Nhóm dự kiến sẽ công bố một bản “Tuyên bố Rome”, bao gồm các ý tưởng được thiết kế để giúp ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Họ cũng sẽ nghe kết quả của một cuộc điều tra độc lập về cách WHO xử lý covid-19. Các nhà điều tra này kết luận có quá nhiều nước phản ứng quá chậm nhằm ngăn virus lây lan, và do đó đã không thể ngăn được nhiều ca tử vong không cần thiết.
Trước hội nghị thượng đỉnh, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết sức khỏe phải là một “lợi ích công cộng toàn cầu”. Nhưng luật sáng chế thường không quan tâm lắm tới việc đó. Trong tháng này, chính quyền Biden cho biết họ sẽ ủng hộ tạm ngưng các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin covid-19 nhằm tăng sản xuất vắc-xin ở các nước nghèo hơn. Nhưng Reuters có một tài liệu bị rò rỉ cho thấy G20 thay vào đó đã ủng hộ việc “góp chung bằng sáng chế”, theo đó các nhà sản xuất vắc-xin sẽ tự nguyện chia sẻ bằng sáng chế của mình.
Cuộc đua vào ghế tổng thống Ý bắt đầu
Tổng thống Ý Sergio Mattarella trong tuần này đã báo hiệu sự bắt đầu cuộc đua thay thế ông cho tới lúc ông mãn nhiệm vào tháng 2 năm sau. Với lý do đã già và mong muốn nghỉ hưu, ông Mattarella dập tắt những suy đoán rằng ông có thể tiếp tục nhiệm kỳ hai.
Điều đó quan trọng, vì nếu Mario Draghi muốn hoàn tất tham vọng trở thành nguyên thủ quốc gia, ông sẽ phải từ chức thủ tướng trong khoảng tám tháng tới. Điều này sẽ cản trở công việc của một chính phủ mà nhiều người kỳ vọng sẽ xoay chuyển được nền kinh tế lớn yếu nhất trong khu vực đồng euro bằng cải cách sâu rộng. Ông Draghi có thể có đủ thời gian để đưa ra các chính sách nhưng không đủ thời gian để thực hiện chúng. Việc ông từ nhiệm cũng có thể kích hoạt một cuộc tổng tuyển cử. Và trong bối cảnh liên minh cánh hữu dân túy-bản địa dẫn đầu các cuộc thăm dò, mọi cải cách mà ông Draghi thông qua đều có thể dễ dàng bị lật ngược.
Căng thẳng gia tăng ở Argentina vì covid-19 và khủng hoảng kinh tế
Tuần này, một làn sóng covid-19 đột ngột quét qua Argentina. Các ca nhiễm và tử vong mới trong ngày đã phá vỡ kỷ lục. Hôm nay, chính phủ sẽ công bố những hạn chế khẩn cấp nhằm đóng cửa thủ đô Buenos Aires và khu vực lân cận. Chỉ các cửa hàng thiết yếu, siêu thị và tiệm thuốc mới được phép mở cửa. Tụ tập theo nhóm bị cấm và lệnh giới nghiêm hàng đêm sẽ được thực hiện nghiêm ngặt.
Tổng thống Alberto Fernández kỳ vọng các tỉnh do đảng theo khuynh hướng Peron của ông điều hành sẽ làm theo. Nhưng ở những nơi như Mendoza và Santa Fe, ở vùng lõi Argentina, các chính quyền cấp tỉnh do phe đối lập điều hành muốn có quy tắc riêng của họ, một dấu hiệu cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng giữa chính phủ liên bang và ngành nông nghiệp. Nhằm giữ giá thấp trong khi lạm phát tăng mạnh 50% trong năm nay, các quan chức đã cấm xuất khẩu mặt hàng thịt bò nổi tiếng của Argentina. Hôm nay lao động ngành chăn nuôi sẽ bắt đầu đình công một tuần để phản đối. Điều đó đồng nghĩa thêm một tin xấu nữa cho người Argentina: thiếu bít tết.
Israel và Hamas thỏa thuận ngừng bắn qua trung gian của Ai Cập
Trong vòng 10 ngày xung đột, các cuộc không kích của Israel đã làm thiệt mạng 230 người dân Palestine tại dải Gaza. AP – Hatem Moussa
Sau 11 ngày xung đột đẫm máu, tối 20/05/2021, Israel và phong trào Hamas đã đạt thỏa thuận ngừng bắn. Lệnh ngưng chiến bắt đầu có hiệu lực từ 20 giờ, giờ quốc tế, trong khi các nhà ngoại giao vẫn còn đang tranh cãi tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
Trong một thông cáo, chính quyền Israel cho biết đã chấp nhận sáng kiến của Ai Cập về việc hai bên cùng ngừng bắn vô điều kiện. Tiếp đó, phong trào Hamas và Jihad, nhóm vũ trang Hồi Giáo ở Gaza, cũng khẳng định chấp nhận ngừng bắn từ 23 giờ, giờ quốc tế. Sau khi lệnh hưu chiến có hiệu lực, sẽ không có một quả rốc-két nào được bắn đi từ dải Gaza và Israel cũng không tiến hành thêm các vụ oanh kích nào.
Theo các nguồn tin ngoại giao được AFP trích dẫn, Ai Cập sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn. Cairo đã cử hai đoàn đại diện đến Tel-Aviv và đến vùng lãnh thổ Palestine để theo dõi tình hình.
Ngay sau lệnh hưu chiến có hiệu lực, Hamas đã tuyên bố “chiến thắng” trong cuộc đối đầu với quân đội Israel. Hàng nghìn người Palestine tại Gaza City cũng như tại vùng đất bị Israel chiếm đóng Cisjordani đã đổ ra đường ăn mừng. Về phần mình, các lãnh đạo Israel cũng thông báo đã phá hủy hàng trăm km đường hầm ngầm của lực lượng Hamas tại dải Gaza và tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố.
Dù sao lệnh ngừng chiến đã chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu trong vòng 11 ngày, đã làm 230 người chết về phía Palestine, trong đó có hơn sáu chục trẻ em, cùng hàng nghìn người bị thương. Về phía Israel có 12 người thiệt mạng. Phong trào Hamas đã bắn sang Israel hơn 4 nghìn quả rốc-két, trong đó hơn 90% bị bắn chặn. Israel đã tiến hành hơn một trăm đợt oanh kích, phá hủy hàng trăm tòa nhà tại Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu hoan nghênh lệnh hưu chiến, đồng thời ông nhắc lại Hoa Kỳ ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công của Hamas. Ông Joe Biden cũng ngỏ ý sẽ viện trợ cho người Palestine tại Gaza.
Cho đến sát giờ hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn, các nỗ lực ngoại giao quốc tế vẫn diễn ra hối hả ở Liên Hiệp Quốc. Bị bế tắc tại Hội Đồng Bảo An, các cuộc thảo luận đang được chuyển sang diễn đàn Đại Hội Đồng.
Thông tín viên Carie Nooten từ New York tường trình :
Lệnh ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas có được hôm qua trong lúc các nhà ngoại giao còn đang thảo luận trên diễn đàn của Liên Hiệp Quốc. Cuộc tranh luận do các quốc gia Ả Rập Hồi Giáo khởi xướng. Các nước này tỏ khó chịu về việc Hội Đồng Bảo An không ra được tuyên bố lên án các cuộc tấn công từ 2 bên, cho dù đã có 4 cuộc họp trong 10 ngày.
Giống như nhiều trường hợp trong những năm qua, Hội Đồng Bảo An vẫn bị một thành viên thường trực gây bế tắc. Lần này, Hoa Kỳ từ chối lên án đồng minh Israel. Các nhà ngoại giao chọn cách tranh luận tại Đại Hội Đồng, vốn vẫn bị các thành viên Hội Đồng Bảo An đánh giá thấp. Nhưng đưa vấn đề ra đại Đại Hội Đồng là cách tốt nhất để huy động cộng đồng quốc tế, theo ngoại trưởng Palestine Riyad Al-Maliki.
Cuộc họp Đại Hội Đồng thực sự đã gửi tín hiệu mạnh tới Hội Đồng Bảo An, lãnh đạo Ngoại Giao Palestine nhấn mạnh. Ông nói : « Các vị phải nắm trách nhiệm của mình, phải quyết định với nhau và các vị phải nhìn nhận vấn đề nghiêm túc ! »
Với sự tham gia của 10 bộ trưởng và 95 diễn giả, cộng đồng quốc tế đã gần như nhất trí hoàn toàn về sự cần thiết phải ngừng bắn. Áp lực đã tỏ ra có hiệu quả hơn một văn kiện của Hội Đồng Bảo An, nhất là khi Hoa Kỳ đã không ủng hộ một dự thảo nghị quyết mà Pháp trình Hội Đồng kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch.
Thủ tướng Campuchia: Không dựa vào Trung Quốc thì tôi dựa vào ai?
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Youtube/CGTN).
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng bảo vệ mối quan hệ thân thiết của ông với Trung Quốc, chỉ ra rằng Bắc Kinh đã cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính cho quốc gia của ông, trang Nikkei cho hay.
Trung Quốc là nước bảo trợ chính trị quan trọng và là nguồn hỗ trợ phát triển lớn nhất của Campuchia. Bắc Kinh đã giúp đầu tư hàng tỷ đô-la cho các dự án cơ sở hạ tầng ở đất nước Đông Nam Á này. Điều này đã làm dấy lên những chỉ trích rằng Phnom Penh đã trở nên quá phụ thuộc và trở thành đại diện cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Hun Sen khi phát biểu trong hội nghị Tương lai châu Á của Nikkei đã gọi những lời chỉ trích đó là “không công bằng”.
Ông tuyên bố trong sự kiện: “Không dựa vào Trung Quốc thì tôi dựa vào ai? Nếu không xin Trung Quốc thì tôi xin ai đây?”.
Cũng có những ý kiến cho rằng Campuchia có kế hoạch cất giữ các khí tài quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại các căn cứ [quân sự] ở nước mình. Ông Hun Sen một lần nữa phủ nhận điều này, trong khi chính phủ Trung Quốc đang giúp mở rộng cơ cấu tại một căn cứ hải quân ở Campuchia.
Ông chỉ ra hiến pháp của Campuchia cấm các căn cứ quân sự nước ngoài được đặt trong nước. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Campuchia không đóng cửa với bất kỳ quốc gia nào trong việc viện trợ phát triển.
Trong bối cảnh Campuchia đang chống chọi với đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 mạnh mẽ, thủ tướng cũng đề cập đến nhu cầu cung cấp vắc xin COVID-19 và loại bỏ các hạn chế về vận chuyển hàng hóa và dịch vụ y tế qua biên giới.
Ông nói: “Châu Á cần đặt ưu tiên cao và hết sức quan trọng để bảo đảm rằng vắc-xin và thuốc cung cấp cho COVID-19 là hàng hóa công cộng toàn cầu. Chúng sẽ được cung cấp và phân phối vì mục đích nhân đạo cho mọi quốc gia, đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương”.
Campuchia đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm trùng kể từ tháng Hai. Các cơ quan y tế của nước này đang gấp rút triển khai chiến dịch tiêm chủng và đã tiêm ít nhất một mũi cho hơn 2 triệu công dân.
Ông Hun Sen nhấn mạnh, nước này nhận được một số lô vắc-xin AstraZeneca thông qua chương trình COVAX do Liên hợp quốc hậu thuẫn, tuy nhiên phần lớn nguồn cung cấp vắc-xin cho đất này nước đến từ Trung Quốc. Ông nói: “Không có sự trợ giúp từ Trung Quốc, có thể chúng ta sẽ không có [đủ] vắc-xin cho người dân của mình”.
Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc bị đóng băng, Nghị viện châu Âu ủng hộ Đài Loan
Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc bị đóng băng, Nghị viện châu u ủng hộ Đài Loan (ảnh: Youtube/DKN.TV).
Mặc dù “Hiệp định đầu tư châu Âu-Trung Quốc” đã thảo luận được 7 năm, và đạt được sự đồng thuận vào cuối năm 2020, nhưng những xung đột về nhân quyền ở Trung Quốc và những mối đe dọa thường xuyên gần đây đối với Đài Loan đã khiến châu Âu tin rằng, điều này đã hạn chế sự phát triển chiến lược của cả hai bên, và thỏa thuận dường như không còn ý nghĩa, theo Up Media.
Ngày 20/5, Nghị viện châu Âu tiến hành bỏ phiếu để chính thức thảo luận về một nghị quyết liên quan đến quy trình Thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc, về các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với các tổ chức của EU và các thành viên của Nghị viện châu Âu. Cuộc bỏ phiếu được thông qua và sau đó quá trình thỏa thuận đầu tư song phương sẽ bị đóng băng.
Trong thời gian gần đây, nhiều thành viên của Nghị viện châu Âu đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp thông qua các biện pháp trừng phạt áp đặt khiến cộng đồng quốc tế tin rằng, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang dần dần tan vỡ. EU và tất cả các cơ quan cần phải đoàn kết để chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc vào nền dân chủ châu Âu nhằm bảo vệ các giá trị chung của châu Âu.
Văn bản nghị quyết nêu rõ rằng, quan điểm rõ ràng của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đàn áp dân chủ ở Hồng Kông và các hành động thường xuyên gần đây của Trung Quốc chống lại Đài Loan sẽ hạn chế chiến lược EU-Trung Quốc hiện tại và cản trở sự phát triển của mối quan hệ song phương.
Nghị viện châu Âu cũng kêu gọi Ủy ban châu Âu ra tuyên bố lên án các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với các chính trị gia được bầu, đồng thời cho rằng Nghị viện châu Âu phải hành động và ngừng thảo luận về Hiệp định đầu tư châu Âu trừ khi Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Nếu nghị quyết được quốc hội thông qua, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thời gian hiệp định Đầu tư EU – Trung Quốc có hiệu lực. Theo đó, Ủy ban điều hành phải đàm phán với quốc hội trước bất kỳ hành động nào, chính sách Trung Quốc của EU phải được phối hợp với Hoa Kỳ trong tương lai. Đồng thời, nhấn mạnh rằng, các hiệp định thương mại giữa EU với Đài Loan và các đối tác khu vực khác không nên bị ràng buộc bởi hiệp định EU-Trung Quốc. Điều này cho thấy, châu Âu đang ủng hộ mạnh mẽ lập trường đàm phán và ký kết các hiệp định đầu tư với Đài Loan.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hôm 19/5 rằng: Đây là một thỏa thuận cân bằng, đôi bên cùng có lợi. Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt với những cá nhân và cơ quan của EU, vốn là những người từ lâu đã lan truyền những lời nói dối và thông tin sai lệch liên quan đến Tân Cương, điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc. Hành động này của Trung Quốc là cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia. Yêu cầu phía châu Âu ngừng ngay việc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.