Tin tức thế giới ngày Thứ tư 19 tháng 5 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp

Share this post on:

Việt Nam : Chiều 19/5: Cả nước có thêm 109 ca mắc Covid-19

Theo Bộ y tế tính từ 12h đến 18h ngày 19/5 có 111 ca mắc mới, trong đó có 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh,109 ca mắc ghi nhận trong nước. Riêng Bắc Giang có 78 ca.

09 ca mắc ghi nhận trong nước gồm:

Cụ thể các ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (78 ca), Bắc Ninh (21 ca), Điện Biên (6) ca, Đà Nẵng (2 ca), Hồ Chí Minh (1 ca), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (1 ca).

Thành phố Đà Nẵng

– CA BỆNH BN4580 ghi nhận tại Thành phố Đà Nẵng: nữ, 31 tuổi, địa chỉ tại quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng; đang được tiếp tục điều tra thông tin dịch tễ.

– CA BỆNH BN4581 ghi nhận tại Thành phố Đà Nẵng: nữ, 37 tuổi, địa chỉ tại Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam; là F1 của BN3545, đã được cách ly trước đó.

Kết quả xét nghiệm ngày 18/5/2021 của các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Thành phố Hồ Chí Minh

– CA BỆNH BN4583 ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh: nữ, 34 tuổi, địa chỉ tại quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh; là F1 của BN4514, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 18/5/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh viện K cơ sở Tân Triều

– CA BỆNH BN4584 ghi nhận tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (là F1 đã được cách ly trong bệnh viện từ trước).

Điện Biên

– CA BỆNH BN4585-BN4590 ghi nhận tại tỉnh Điện Biên: trong đó 4 ca là F1, 2 ca là F2 đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 18/5/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

Bắc Ninh

– CA BỆNH BN4591-BN4605, BN4607-BN4612 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: là các trường hợp F1 đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 18-19/5/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

Bắc Giang

– CA BỆNH BN4613-BN4690 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang: liên quan Khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Nội Hoàng, Song Khê, chủ yếu là F1 công nhân công ty Hosiden, 2 ca ở cộng đồng trong huyện phong tỏa (Việt Yên). Kết quả xét nghiệm ngày 17-18/5/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

Xung đột Israel – Gaza : Pháp trình dự thảo nghị quyết yêu cầu ngừng bắn

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và đồng nhiệm Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi, trước cuộc họp qua video với Vua Jordani, Abdullah II, tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 18/05/2021. AP – Sarah Meyssonnier

Nỗ lực ngoại giao quốc tế tiếp tục để tìm giải pháp cho xung đột Israel – Gaza, đã kéo dài hai tuần. Hôm qua, 18/05/2021, Pháp đệ trình lên Hội Đồng Bảo An (HĐBA) một dự thảo nghị quyết yêu cầu ngừng bắn. Dự thảo của Paris được đệ trình một hôm sau khi tổng thống Mỹ lần đầu tiên dè dặt ủng hộ một « lệnh ngưng bắn ».

Theo phủ tổng thống Pháp, sau cuộc họp giữa tổng thống Emmanuel Macron, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sissi và quốc vương Jordani Abdallah II, « ba bên đã thống nhất về ba yếu tố căn bản. Đó là ngừng nổ súng, đã đến lúc đình chiến, và Hội Đồng Bảo An cần nắm lấy hồ sơ này », thông qua một nghị quyết. Pháp đã trình bày dự thảo nghị quyết trong một cuộc họp kín hôm qua, cuộc họp thứ tư trong vòng 8 ngày. Từ nhiều ngày nay, Paris đã thúc đẩy ngừng bắn khẩn cấp, với môi giới Ai Cập. Khi được hỏi khi nào Pháp sẽ đề nghị HĐBA bỏ phiếu, một nhà ngoại giao xin giấu tên cho biết là « sớm nhất có thể ».

Phản ứng về dự thảo nghị quyết của Pháp, ông Trương Quân (Zhang Jun), đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng 5/2021, khẳng định Bắc Kinh ủng hộ « các nỗ lực chấm dứt khủng hoảng, lập lại hòa bình ». Đại diện của Nga tại LHQ, ông Dmitry Polyanskiy, cũng cho biết Matxcơva cũng nghiêng về ủng hộ nghị quyết này.

Cho đến nay, Hoa Kỳ liên tục ngăn chặn ba dự thảo tuyên bố chung của Hội Đồng Bảo An, do Trung Quốc, Tunisia và Na Uy đề xuất. Hiện chưa rõ Mỹ sẽ phản ứng ra sao với dự thảo nghị quyết yêu cầu ngừng bắn của Pháp. Washington có thể sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn nghị quyết này. Nghị quyết của HĐBA, để được thông qua, cần ít nhất 9 trên 15 quốc gia thành viên ủng hộ, và không có phủ quyết của một trong 5 thành viên thường trực.

Hôm qua, sau một phiên họp khẩn giữa các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu, khối này đã ra một tuyên bố chung, kêu gọi Israel và Palestine ngừng bắn. Tuyên bố có sự tham gia của 26 trên 27 thành viên Liên Âu. Duy có Hungary từ chối ủng hộ. Ngày mai, thứ Năm 20/05, ngoại trưởng nhiều quốc gia thành viên LHQ sẽ đích thân tham dự một thảo luận khẩn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về xung đột Israel – Gaza.

Quân Israel tiếp tục oanh kích

Về tình hình tại chỗ, quân đội Israel tiếp tục không kích vào dải Gaza hôm nay ngay từ lúc bình minh, đặc biệt tại vùng phía nam, giáp ranh với Ai Cập. Quân đội Israel cho biết mục tiêu tấn công trong những ngày gần đây chủ yếu là các đường hầm, mà lực lượng Hamas dùng để vận chuyển vũ khí, đạn dược. Theo cơ quan y tế tại Gaza, tổng cộng có ít nhất 216 người chết, trong đó có 63 trẻ em, trong các cuộc oanh kích của Israel. Cảnh sát Israel cho biết, các hỏa tiễn bắn từ dải Gaza sang Israel khiến 12 người chết. Khoảng 90% hỏa tiễn của Hamas bị hệ thống phòng không Israel ngăn chặn.

Theo LHQ, dải Gaza – do lực lượng Hamas kiểm soát, với 2 triệu dân, bị Israel phong tỏa nghiêm ngặt từ 15 năm nay, có nguy cơ lâm vào « khủng hoảng nhân đạo ». Cho đến nay, khoảng 72.000 người phải sơ tán, 2.500 người mất nơi ở do bom đạn tàn phá.

Tổng bãi công tại Đông Jerusalem và Cisjordani

Kể từ hôm qua, 18/05/2021, người Ả Rập – Israel và Palestine tại Đông Jerusalem và Cisjordani khởi sự cuộc tổng bãi công chưa từng có, để chống lại các đàn áp, và trước hết là chống lại các cuộc tấn công của Israel nhắm vào dải Gaza. Phóng sự của thông tín viên Sami Boukhelifa từ Jérusalem :

« Abu Nacer chuẩn bị đóng cửa hiệu ăn của ông. Bãi công là cách duy nhất đối với thương gia ở Đông Jerusalem này để bày tỏ tình đoàn kết. Ông nói : ‘‘Hơn cả một cuộc bãi công, đây là một ngày để tang, để tưởng niệm những người chết tại Gaza. Cầu Chúa giúp họ ! Giá như người Palestine chúng tôi tại Jerusalem có thể làm được nhiều hơn để giúp họ, nhưng chúng tôi đang sống trong vùng chiếm đóng’’.  

Ngược lại, những người Ả Rập Israel là các công dân của Nhà nước Do Thái. Sự tham gia của họ trong những tuần gần đây vào các cuộc phản kháng chống lại sự chiếm đóng của Israel là điều chưa từng có.  

Diễn biến mới này khiến Abu Nacer ngạc nhiên. Ông nói : ‘‘Lần đầu tiên tôi cảm thấy dân Palestine thuộc đủ thành phần đoàn kết đến như vậy. Người Ả Rập Israel cũng ủng hộ chúng tôi, chúng tôi cũng ủng hộ họ’’.  

Rebhi, chủ một cửa hiệu kế bên, cũng quyết định sẽ đóng cửa hàng. Ông nói : ‘‘Tôi lo rằng Intifada, cuộc nổi dậy lớn tiếp theo sẽ không chỉ nhắm vào người Israel, mà còn chống lại cả chính quyền Palestine (PNA, có trụ sở tại vùng Cijordani). Những người lãnh đạo chính quyền này – vốn là chính quyền của chúng tôi – đã giúp Israel đàn áp chúng tôi, đặc biệt là hợp tác với Israel về mặt an ninh’’.  

Trong các cuộc biểu tình, giới trẻ Palestine tham gia đông đảo, giống như thương nhân này. Mục tiêu của họ là chống lại ách áp bức Israel, nhưng cũng là để chống lại sự “đồng lõa” của các lãnh đạo chính quyền Palestine PNA, mà họ coi là những kẻ phản bội ».

Nghị Viện Châu Âu kiến nghị dừng thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc

Trụ sở Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp. Ảnh chụp ngày 06/10/2020. AFP – SEBASTIEN BOZON

Nghị Viện Châu Âu dự kiến sẽ thông qua một kiến nghị vào ngày mai, 20/05/2021, chính thức yêu cầu đình chỉ tiến trình phê chuẩn thỏa thuận đầu tư Liên Âu-Trung Quốc, sau các biện pháp trừng phạt “vô căn cứ và tùy tiện” của Bắc Kinh nhắm vào các nghị sĩ châu Âu vào đầu năm nay.

Theo báo mạng của Mỹ Politico, bản dự thảo kiến nghị cũng sẽ kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu tăng cường phối hợp với Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi giao dịch thương mại với Đài Loan không nên bị thỏa thuận với Bắc Kinh “bắt làm con tin”.

Nếu được thông qua, kiến nghị của Nghị Viện Châu Âu được cho là sẽ giáng một đòn mạnh hơn vào kỳ vọng ban đầu rằng thỏa thuận – vốn đã được đàm phán trong ròng rã bảy năm nhằm mở cửa thị trường Trung Quốc – có thể bắt đầu được phê chuẩn trong vài tháng tới đây.

Theo dự thảo kiến nghị, vốn được các nhóm chính trị lớn nhất trong Nghị Viện Châu Âu ủng hộ, định chế lập pháp của Liên Âu sẽ bỏ phiếu để đòi hỏi: “Mọi quyết định xem xét Thỏa Thuận Đầu Tư Toàn Diện giữa EU và Trung Quốc, cũng như mọi cuộc thảo luận về việc Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn, đều phải bị tạm ngưng vì lệnh trừng phạt của Trung Quốc được áp dụng”.

Dự thảo cũng sẽ yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhắm vào châu Âu, cũng như đòi Ủy Ban Châu Âu, tức là cơ quan hành pháp của EU, phải tham khảo ý kiến của Nghị Viện trước khi thực hiện bất kỳ bước nào nhằm đúc kết và ký kết Thảo Thuận Đầu Tư với Trung Quốc.

Văn bản còn kêu gọi Ủy Ban Châu Âu biến “cuộc tranh luận xung quanh Thỏa Thuận Đầu Tư UE-Trung Quốc” thành “đòn bẩy để cải thiện việc bảo vệ nhân quyền và hỗ trợ xã hội dân sự ở Trung Quốc”.

Riêng về những lo ngại đối với tình trạng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, kiến nghị của Nghị Viện Châu Âu sẽ nhắc lại yêu cầu là Ủy Ban Châu Âu và Cơ Quan Hành Động Đối Ngoại của Liên Âu “nhanh chóng hoàn thiện bản hướng dẫn về chuỗi cung ứng trong kinh doanh” để giúp các công ty tránh được việc dùng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và nhanh chóng tìm ra nguồn cung cấp thay thế.

Nghị Viện Châu Âu như vậy là muốn tỏ thái độ dứt khoát với Trung Quốc sau vụ Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 5 nghị sĩ, cũng như tiểu ban nhân quyền của cơ quan lập pháp Liên Âu, sau khi 27 quốc gia EU thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức điều hành những trại giam ở Tân Cương, nơi có đa số người Hồi Giáo ở Trung Quốc.

Lên án bức hại nhân quyền: Volkswagen, Adidas rời khỏi Trung Quốc

Sau khi “Luật Chuỗi cung ứng mới” ở Đức được thực thi, các công ty lớn của nước này bao gồm Volkswagen, Adidas, BASF buộc phải rời khỏi Tân Cương, Trung Quốc, Sound of Hope thông tin.

Ngày 3/3 vừa qua, chính phủ Đức đã thông qua dự thảo “Luật Chuỗi cung ứng”. Ý nghĩa cốt lõi của dự thảo là các công ty Đức phải có trách nhiệm bảo đảm rằng họ không gây ô nhiễm môi trường hoặc xâm hại đến quyền con người trong quá trình sản xuất hoặc lắp ráp các bộ phận sản phẩm ở nước ngoài, và các công ty cần phải chịu trách nhiệm về mọi mắt xích trong chuỗi cung ứng của họ.

Dự thảo cũng quy định nếu các công ty không tuân thủ pháp luật, họ có thể phải đối mặt với các hình phạt, bao gồm: Áp dụng khoản tiền phạt 2% doanh thu hàng năm, bồi thường và các biện pháp trừng phạt khác… 

Tờ Süddeutsche Zeitung, phương tiện truyền thông lớn nhất của Đức đưa tin, theo báo cáo từ Ban Nghiên cứu của Quốc hội Đức, rất nhiều thương nhân ở nước ngoài đã trực tiếp mua các sản phẩm do người bị bóc lột sản xuất hoặc hợp tác với các nhà cung cấp sử dụng lao động nô lệ từ việc bóc lột người Duy Ngô Nhĩ để thu lợi.

Báo cáo tiết lộ rằng, địa điểm của một số nhà máy của các công ty Đức rất gần với “trại cải tạo” giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. 

Báo cáo cho biết, sau khi thực hiện dự thảo “Luật Chuỗi cung ứng”, các công ty Đức phải tạm dừng các hoạt động kinh doanh tại Tân Cương và cắt đứt liên hệ với các nhà cung cấp ở khu vực này.

Vì Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan, Anh, Pháp và Liên minh châu Âu đều đã thông qua các nghị quyết lên án tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của chính quyền Trung Quốc, nên Quốc hội Đức hiện đang bắt đầu theo dõi.

Các chuyên gia trong quốc hội Đức cho rằng, cách đối xử của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là phạm tội diệt chủng, phù hợp với định nghĩa trong Điều 2 của Công ước Liên hợp quốc về ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng.

Theo báo cáo, Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Đức đã tổ chức một buổi điều trần hôm 17/5, với sự tham gia của nhà nhân chủng học người Đức Adrian Zenz, người đã bị ĐCSTQ truy tố vào tháng 3 năm nay. Adrian Zenz là một học giả người Đức có sức ảnh hưởng lớn, ông đã nghiên cứu các vấn đề Tân Cương trong những năm gần đây. 

Trong những năm gần đây, ông Zenz là một trong những học giả đầu tiên vạch trần việc ĐCSTQ xây dựng “trại cải tạo” ở Tân Cương thông qua nghiên cứu hình ảnh vệ tinh, tài liệu chính thức của ĐCSTQ và nhân chứng, cũng như việc giam giữ quy mô lớn hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và Kazakhstan.

Hơn 300 nhà báo Ấn Độ đã chết vì COVID-19

Hơn 300 nhà báo Ấn Độ đã chết vì COVID-19 (ảnh minh họa: Youtube/DKN.TV).

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Nhận thức có trụ sở tại Delhi, tổng cộng 238 nhà báo Ấn Độ đã chết vì Covid-19 từ tháng 4/2020 đến ngày 16/5/2021 (đây là những trường hợp đã được xác minh), trang India Today cho hay.

Theo báo cáo, đợt dịch đầu tiên, từ tháng 4-12/2020, virus corona đã đã khiến 56 nhà báo thiệt mạng. Trong khi đó, làn sóng thứ hai đã cướp đi sinh mạng của 171 nhà báo trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2021 đến ngày 16/5/2021. 11 nhà báo còn lại đã chết trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.

Trung bình, 3 nhà báo chết mỗi ngày vào tháng 4/2021. Vào tháng 5, con số trung bình này tăng lên 4 nhà báo mỗi ngày.

Ngoài 238 trường hợp tử vong được xác nhận, Viện Nghiên cứu Nhận thức cho biết còn 82 cái tên khác vẫn chưa được xác minh. Trao đổi với tờ AajTak.in, Tiến sĩ Kota Neelima, cho biết cho đến nay hơn 300 nhà báo đã chết vì COVID. “Trong số đó, chúng tôi đã có thể xác minh 238. Một cuộc điều tra đang được tiến hành liên quan đến phần còn lại”.

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 18/5 thông báo ghi nhận thêm 4.329 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày chết chóc nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát tại quốc gia Nam Á này.

Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 263.533 ca nhiễm mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên hơn 25,2 triệu người.

LHQ: 52.000 người Palestine ở Dải Gaza phải di dời do các cuộc không kích của Israel

Thảm cảnh sau cuộc không kích ở dải Gaza (ảnh: Youtube/TODAY).

Theo thống kê của cơ quan viện trợ Liên Hiệp Quốc, hơn 52.000 người Palestine ở Dải Gaza đã phải di dời do các cuộc không kích của Israel trong những ngày qua, tờ 7News cho hay.

Trong một tuyên bố riêng về cuộc xung đột, tổ chức nhân quyền Amnesty International cho biết Israel không kích các tòa nhà dân cư có thể trở thành tội ác chiến tranh.

Israel cho biết họ chỉ tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp và họ làm tất cả những gì có thể để tránh thương vong cho dân thường.

Jens Laerke, phát ngôn viên của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) tại Geneva, cho biết, khoảng 47.000 người trong số những người phải di tản đã tìm nơi trú ẩn tại 58 trường học do LHQ điều hành ở Gaza.

Phát ngôn viên này còn cho biết 132 tòa nhà đã bị phá hủy và 316 tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng, bao gồm 6 bệnh viện và 9 trung tâm chăm sóc sức khỏe cũng như một nhà máy khử muối, ảnh hưởng đến việc tiếp cận nước uống của khoảng 250.000 người.

Cơ quan Liên Hợp Quốc hoan nghênh việc Israel đã mở một cửa khẩu để tiếp tế nhân đạo, đồng thời kêu gọi mở một cửa khẩu khác.

Margaret Harris, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cấp y tế, nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước và sự lây lan của COVID-19 do người dân di dời chen chúc đến trường học.