Quê Hương tổng hợp
TT Biden cho hay lãnh đạo Việt Nam muốn gặp ông tại G20 để nâng tầm quan hệ
29/7/2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ở Washington, 25/7/2023.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Sáu 28/7 cho biết nhà lãnh đạo của Việt Nam muốn gặp và hội đàm với ông tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 ở New Delhi để thảo luận về việc nâng tầm quan hệ Việt-Mỹ.
“Tôi nhận được cuộc gọi từ người đứng đầu Việt Nam, rất muốn gặp tôi khi tôi tới G20. Ông ấy muốn nâng tầm chúng tôi thành một đối tác lớn, ngang hàng Nga và Trung Quốc”, ông Biden nói với hàng chục nhà tài trợ ủng hộ chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông tại một sự kiện ở Freeport, bang Maine.
Trong một cuộc gặp hồi tháng 4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bày tỏ mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ của hai nước vào lúc Washington tìm cách củng cố quan hệ với các đối tác ở châu Á để đối trọng lại một Trung Quốc ngày càng lấn át.
Ông Blinken bày tỏ hy vọng rằng việc đó có thể diễn ra “trong những tuần và tháng tới.”
Đại sứ quán Việt Nam tại Washington không trả lời ngay khi được đề nghị bình luận về phát biểu của ông Biden.
Washington đã và đang nỗ lực nâng tầm quan hệ với Hà Nội thành ” đối tác chiến lược” từ mức “đối tác toàn diện” đã có trong một thập kỷ qua, trong khi Việt Nam thận trọng về rủi ro là gây ra bực tức cho Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ cung cấp các nguyên liệu đầu vào chính yếu cho ngành thương mại xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, hoặc rủi ro tương tự với Nga, một đối tác truyền thống khác của Việt Nam.
Các quan chức chưa cho biết nếu hai nước có quan hệ gần gũi hơn có thể sẽ dẫn đến điều gì, nhưng các chuyên gia cho rằng nó có thể bao gồm việc tăng cường hợp tác quân sự và Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho Việt Nam.
Washington và các công ty quốc phòng của Mỹ đã công khai nói rằng họ muốn đẩy mạnh việc cung cấp hàng quân sự cho Việt Nam – cho đến nay phần lớn mới chỉ dừng ở mức là các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện – vào lúc Việt Nam tìm cách đa dạng hóa vũ khí khí tài, tách dần khỏi Nga, nước hiện vẫn là nhà cung cấp chính của Việt Nam.
Tuy nhiên, các thỏa thuận quân sự với Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ có những trở ngại, bao gồm cả khả năng bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ cản trở vì họ chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Trung Quốc tập trận lớn ở Biển Đông
1. Trung Quốc tập trận
Cục Hải sự Hải Nam ngày 28.7 thông báo Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận tại một khu vực rộng lớn ở Biển Đông từ ngày 29.7 đến hết ngày 2.8.
Khu vực tập trận trải dài từ Hải Nam xuống gần Bãi Macclesfield, bao gồm một phần quần đảo Hoàng Sa.
Thông báo này yêu cầu các tàu thuyền không đi vào khu vực trong thời gian diễn ra tập trận.
Song song đó, Cục Hải sự Chiết Giang cũng phát thông báo về một cuộc tập trận ở Biển Hoa Đông từ 29 đến 30.7.
Các thông báo này không cung cấp thông tin chi tiết về nội dung các cuộc tập trận, vốn diễn ra ngay sau khi Đài Loan vừa kết thúc cuộc tập trận Hán Quang thường niên.
Chúng cũng diễn ra trong thời điểm cuộc tập trận đa quốc gia Talisman Sabre 2023 được tiến hành ở Úc. Đây là cuộc tập trận Talisman Sabre lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của hơn 30.000 quân nhân đến từ 13 quốc gia.
Theo Bộ Quốc phòng Úc, Trung Quốc đã triển khai đến hai tàu trinh sát điện tử Type 815 (Đông Điều) đến gần Úc trước khi cuộc tập trận này diễn ra.
2. Mỹ viện trợ quân sự cho Đài Loan
Nhà Trắng ngày 28.7 thông báo Mỹ sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá 345 triệu USD cho Đài Loan nhằm tăng cường năng lực phòng vệ của hòn đảo này.
Gói viện trợ bao gồm các thiết bị trinh sát, tình báo và các loại đạn dược cỡ nhỏ. Số vũ trí, trang bị này sẽ được lấy trực tiếp từ kho vũ khí hiện hữu của quân đội Mỹ. Đây là điểm khác biệt so với các đợt viện trợ trước đây bởi nó giúp bỏ qua giai đoạn sản xuất, qua đó giúp quá trình chuyển giao được rút ngắn đáng kể.
3. Lực lượng Tên lửa Trung Quốc
Ngày 28.7, tờ South China Morning Post dẫn hai nguồn tin tiết lộ Ủy ban Kiểm tra kỷ luật của Quân ủy Trung ương Trung Quốc đang điều tra các chỉ huy và cựu chỉ huy của lực lượng Tên lửa, gồm Tư lệnh Lý Ngọc Siêu, cựu Phó tư lệnh Trương Chấn Trung và Phó tư lệnh Lưu Quang Bân. Theo nguồn tin, những nhân vật này hiện đã bị tạm giam.
Cuộc điều tra bắt đầu từ tháng 3, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa nghỉ hưu. Ngụy Phượng Hòa từng là tư lệnh đầu tiên của lực lượng Tên lửa sau khi lực lượng này được đổi tên từ Đệ nhị pháo binh.
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật của Quân ủy Trung ương do ủy viên Quân ủy Trung ương Trương Thăng Dân đứng đầu. Bản thân ông Trương Thăng Dân cũng đi lên từ Đệ nhị pháo binh, từng giữ chức Chủ nhiệm Chính trị của lực lượng này.
Thông tin về cuộc điều tra được tiết lộ ngay sau khi Cục Phát triển trang bị của Quân ủy Trung ương có động thái bất thường là kêu gọi công chúng cung cấp tin báo về nghi vấn tham nhũng và sai phạm trong hoạt động mua sắm vũ khí, trang bị.
Trong một thông báo đăng trên tài khoản mạng xã hội, cục này liệt kê 8 vấn đề mà họ đang xem xét, bao gồm “rò rỉ thông tin về các dự án và đơn vị quân đội” và giúp một số công ty giành được gói thầu.
Quá trình rà soát và điều tra tập trung vào các vi phạm kể từ tháng 10.2017. Tuy thông báo không nói rõ ý nghĩa của thời điểm này song đây là thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức đại hội lần thứ 19, với một dàn Quân ủy Trung ương khóa mới được bầu ra.
Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa, khi đó là Tư lệnh Lực lượng Tên lửa, đã được bầu vào Quân ủy Trung ương ở đại hội này, để rồi sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay Lý Thượng Phúc cũng là Cục trưởng Cục Phát triển trang bị trong giai đoạn 2017 đến 2023.
Bộ Quốc phòng TQ: Tàu, máy bay nước ngoài làm tăng căng thẳng ở Biển Đông, Hoa Đông
Máy bay và tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông (ảnh tư liệu, 2016).
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hôm thứ Bảy 29/7 rằng một số quốc gia thường xuyên điều tàu và máy bay “phô trương lực lượng quân sự vì lợi ích của riêng họ” đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bộ không nêu tên các quốc đó.
Khi bình luận về một báo cáo quốc phòng của Nhật Bản chỉ ra các mối đe dọa từ Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đàm Khắc Phi (Tan Kefei) nói rằng các hành động như nêu trên đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực, ngay cả khi tình hình chung ở Biển Hoa Đông và Biển Đông về tổng thể vẫn ổn định.
Ông Đàm nói rằng bản báo cáo quốc phòng hàng năm của Nhật Bản thể hiện một “nhận thức sai lầm” về Trung Quốc và “cố tình phóng đại cái gọi là mối đe dọa quân sự của Trung Quốc”.
Trung Quốc đã giao thiệp nghiêm khắc với Tokyo, kiên quyết phản đối bản báo cáo, ông nói.
Ông cũng nhắc lại rằng Nhật Bản liên tục can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm các chuẩn mực về quan hệ quốc tế, phá hoại nền tảng quan hệ Trung-Nhật và làm trầm trọng thêm tình hình ở eo biển Đài Loan.
Nhật Bản đã công bố báo cáo quốc phòng hàng năm vào tuần trước, đưa ra một đánh giá ảm đạm về nguy cơ từ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, quan hệ đối tác an ninh của Trung Quốc với Nga và một nước Triều Tiên hiếu chiến.
Trong báo cáo năm ngoái, Nhật Bản mô tả cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế” và làm dấy lên lo ngại rằng việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp đó đã tạo tiền lệ đe dọa an ninh của nước láng giềng Đài Loan, nơi Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình.
Vào tháng 12/2022, Nhật Bản tuyên bố tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới, tăng cường sức mạnh quân đội với quy mô lớn nhất kể từ Thế chiến II.
“Hợp tác Trung-Nga trong lĩnh vực quốc phòng dựa trên cơ sở không liên kết, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bên thứ ba, đồng thời cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới, không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào”, ông Đàm nói.