Trung Quốc, cô đơn, kết nối, khởi xướng, xuống đường – Phạm Đình Bá

Share this post on:

29/11/2022

Beijing, China, November 28, 2022: Protesters took to the streets in multiple Chinese cities after a deadly apartment fire in Xinjiang province sparked a national outcry as many blamed COVID restrictions for the deaths. (Photo by Kevin Frayer/Getty Images)

Theo Aaron Sarin một nhà văn tự do ở Anh những người bất đồng chính kiến ở TQ bị cô lập nhưng họ không bị cô lập như trước đây.

“Tôi tự nghĩ rằng có nhiều người Trung Quốc cũng muốn tự do và dân chủ. Nhưng họ ở đâu? Tôi có thể tìm bạn ở đâu? Gặp nhau làm sao nhận ra nhau?” – theo Kathy, một sinh viên TQ ở London

Đã một tháng kể từ Cuộc biểu tình Cầu Sitong, và trong khi nhiều người ở TQ chưa bao giờ nghe nói về “Anh Cầu” (Bridge Man), thì đã có những dấu hiệu về cuộc cách mạng nhân bản mà anh ta mong muốn. Chính sách Không-Covid đang tiến gần đến điểm đột phá. 

Các đội chống bạo động và vòi rồng đã được triển khai ở Quảng Châu sau khi người dân bị cách ly thoát khỏi khu vực phong tỏa, phá dỡ các hàng rào kiểm soát và lật đổ một chiếc xe công an – nhiều năm bị nhốt đã dần dần nhường chỗ cho phẫn nộ. Đã có những cảnh hỗn loạn tương tự ở Trịnh Châu, biểu tình ở Nam Kinh, Lan Châu và Trùng Khánh. Thủ đô Bắc Kinh mới bị phong tỏa, và sự bất mãn đang âm ỉ ở đó.

Thành phố Ürümqi ở Tân Cương đã phải chịu những cách ly nặng nề nhất trong hơn ba tháng, và vào ngày 24/11/2022, cư dân của một tòa nhà cao tầng đã bị thiêu chết trong một vụ hỏa hoạn. Đối với họ, cũng như đối với nhiều người TQ trong ba năm qua, phong tỏa có nghĩa là bị chính quyền nhốt kín. Và mặc dù thực tế là đảng đang cố gắng ngăn chặn tin tức về thảm kịch này, nhiều người biết về nó. Ở Ürümqi, những đám đông phẫn nộ đang bất chấp các hạn chế và cách ly để phản đối. Từ Thành Đô ở phía Tây đến Thượng Hải ở phía Đông, dân tập hợp để kêu gọi Tập Cận Bình từ chức – một sự leo thang chưa từng có về phản đối chính trị.

Tất nhiên, nhiều người sẽ kiên nhẫn chờ đợi ở nhà, tin tưởng nhà nước sẽ làm điều đúng đắn. Nhưng ngay cả niềm tin của những công dân kiểu mẫu như thế này cũng đang bị lung lay. Họ đã nhìn thấy, trên máy truyền hình của họ, một cái nhìn sống động về thế giới bên ngoài TQ. Trước sự ngạc nhiên của họ, nó chẳng giống thế giới mà họ đang sống: một giải đấu bóng đá toàn cầu không bắt buộc đeo khẩu trang, không có giãn cách xã hội, không có cảnh xếp hàng mệt mỏi bên ngoài các trạm xét nghiệm, và không có dấu hiệu của những người lính chống Covid mặc đồ bảo hộ mà người TQ gọi là “Người bao trắng lớn.” Sự tương phản là chói tai giữa TQ và những nước khác.

Chính sách Không-Covid càng tồn tại lâu, thì sự căng thẳng sẽ tăng lên đối với trụ cột tuyên truyền—“Đảng và nhân dân là một”. Cuộc sống đã trở nên vô lý đối với công dân TQ; đối với nhiều người nó đã trở thành bi kịch. Họ không thể che giấu mãi sự thật rằng đảng đang gây ra tình trạng này cho họ, và ngay cả những người tin vào đảng CS nhất cũng sẽ bắt đầu nghi ngờ rằng tất cả chỉ là một âm mưu khác của Mỹ – để chống cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hiện tại, cơn thịnh nộ của họ hướng vào chính sách không-Covid. Nhưng khi các cuộc biểu tình bị dập tắt và chính sách tiếp tục, sẽ có vẻ hợp lý hơn nếu họ hướng cơn thịnh nộ đó vào ĐCSTQ. Chúng ta cứ từ từ để theo dõi chuyển đổi.

Bên ngoài TQ, “Anh Cầu” được biết đến nhiều hơn. Bên trong TQ, những người bất đồng chính kiến có nhiều bất bình to lớn hơn là chỉ về chính sách Không-Covid. Một nhóm những người bất đồng chính kiến ẩn danh đã sử dụng tài khoản Instagram CitizensDailyCN để theo dõi các áp phích chống Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng trong những tuần gần đây. 

Một trong những quản trị viên của CitizensDailyCN gợi ý rằng việc đăng tin để kết nối là “bước đầu tiên để xây dựng một cộng đồng.” Bước tiếp theo diễn ra nhanh chóng, khi CitizensDailyCN ra mắt các nhóm trò chuyện Telegram ở nhiều thành phố khác nhau trên thế giới. Telegram được chọn vì nó cho phép người dùng tách số khỏi tên, khiến các mạng kiểm duyệt của đảng khó theo dõi mọi người hơn.

Hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đã tham gia các nhóm trò chuyện này, tận hưởng cơ hội trao đổi quan điểm chỉ trích ĐCSTQ. Giờ đây, các cuộc trò chuyện đang được sử dụng để tổ chức các cuộc biểu tình chống Tập tại các thành phố trên khắp thế giới. Những người biểu tình này là biểu tượng của Thế hệ “Anh Cầu” mới nổi: mọi người vốn đã tức giận, nhưng “Anh Cầu” đã hy sinh tù đày để khích lệ họ. Và vì vậy, ở New York, các sinh viên mặc những bộ đồ liền thân của “Người bao trắng lớn” — một sự chế giễu các đội an ninh Covid ở quê nhà— và diễu hành qua các đường phố kêu gọi chấm dứt sự cai trị của Tập Cận Bình.

Sự bất mãn lan rộng đến đâu? Mỗi người đại lục mà tôi (Aaron Sarin) đã nói chuyện trong năm qua đều phản đối Không-Covid và — quan trọng hơn — là phản đối Tập Cận Bình. Tâm trạng của họ là chủ bại hơn là cách mạng. Họ không thấy hy vọng nào cả. 

Nhưng tôi chắc chắn nhìn thấy hy vọng, bởi vì sự bất mãn thẳng thắn gia tăng so với vài năm trước. Những con số thực sự về mức phản đối rất khó đánh giá. Tôi nhớ đã từng hỏi một phụ nữ TQ nhiệt thành chống ĐCSTQ (cô ấy gọi đảng là “quỷ”) rằng cô ấy có thể nói chuyện với bao nhiêu người bạn về chính trị mà không cần kiểm duyệt bản thân. “Giống như ba đến bốn,” cô ấy trả lời. Trong bối cảnh, cô ấy nói với tôi rằng cô ấy có khoảng 50 người bạn.

Tất nhiên, dân chúng không phân chia rõ ràng thành “đã bị cải tạo” và “không bị tẩy não”. Hệ thống truyền bá của đảng thường tạo ra những kết quả thất thường. Phần lớn công dân chọn nhiều điểm từ tuyên truyền để tạo ra một hệ thống niềm tin cho cá nhân họ. Tuy nhiên, vẫn có một thiểu số đáng kể không tin vào tuyên truyền. Một thiểu số đáng kể khác đã anh dũng xoay sở để nhìn thấu toàn bộ sự việc. Vì vậy, dùng kinh nghiệm của bạn tôi, chỉ sáu phần trăm tâm trí của TQ được tự do?

Kathy, một thành viên của thế hệ đối kháng mới dẫn cảm hứng từ “Anh Cầu”, ước tính rằng con số này có lẽ gần ba phần trăm. Như cô ấy đã giải thích với tờ New York Times, cô ấy có thể nói về chính trị với chỉ một trong số 30 bạn cùng lớp của cô ấy ở Trung Quốc. Hầu hết thời gian, bạn bè của Kathy là “những người bình thường, thậm chí tốt bụng”. Nhưng ngay sau khi Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, “một chương trình nhúng trong rô-bốt đã được bật lên” và “mọi người bắt đầu đăng cùng một ngôn ngữ kinh khủng trên mạng xã hội” – họ la hét và than thở rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân đã không bắn hạ máy bay của Pelosi.

Sự tồn tại của CitizensDailyCN đã thuyết phục Kathy rằng phải có rất nhiều người TQ như cô ở London. Nhưng làm thế nào để tìm thấy họ? Các nhóm Telegram có rất nhiều người dùng qua biệt danh vì lý do an toàn. Kathy đã cố gắng tham gia các cuộc biểu tình ở London, nơi cô lắng nghe với sự kinh hoàng và phấn khích khi những người TQ đeo mặt nạ hô vang khẩu hiệu của “Anh Cầu” để đòi Tập và ĐCSTQ cút đi. Cô ấy run lên vì sợ hãi, cô ấy khóc, và rồi cô ấy tham gia. Lòng dũng cảm thực sự, như người ta nói, không phải là không sợ hãi, mà là quyết định hành động ngay cả khi sợ hãi.

Câu hỏi về sự chia rẽ và buộc tội trong xã hội TQ gợi lại thảm kịch Phật Sơn của một thập kỷ trước – một sự cố mà vào thời điểm đó dường như định lượng được sự suy đồi đạo đức ở TQ hiện đại. Vào ngày 13/10/2011, Wang Yue, hai tuổi, lang thang trên một con đường ở thành phố Phật Sơn và bị một chiếc xe tải đụng. Người lái xe dừng lại với cơ thể Wang vẫn nằm giữa bánh trước và bánh sau của anh ta, như thể không biết phải làm gì, rồi chỉ đơn giản lái xe cán qua cô một lần nữa và tăng tốc. Trong vòng một phút, chiếc xe thứ hai đã cán nát chân cô và cũng không dừng lại. Khi đứa trẻ mới biết đi nằm thoi thóp và hấp hối, 18 người đã đi ngang qua cô bé. Người đi xe đạp liếc nhìn và chuyển hướng; người đi bộ bước qua xác cô ấy—sự vụ biểu hiệu những tâm hồn đen tối trong xã hội cộng sản. 

Cuối cùng một người nhặt rác đã đến trợ giúp cô bé. Nhưng đến thời điểm này thì đã quá muộn, và Wang đã không qua khỏi trong bệnh viện. Thảm kịch đã gây ra sự phẫn nộ và một số cuộc tìm kiếm tâm hồn rất công khai, cho thấy sự tồn tại của rất nhiều người có lương tâm tích cực. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi điều đó: khi thực sự bị đặt vào tình huống đó, ngoài kia trên đường phố Phật Sơn thay vì ngồi sau bàn máy tính sau khi thực tế, chỉ có một người làm đúng với lương tâm trong cái thiên đường cộng sản.

Một số người bình luận về vụ cô Wang gợi lên một trường hợp nổi tiếng để biện minh về việc không ra tay giúp đỡ cô ấy. Trong trường hợp nầy, một công dân TQ đã cố gắng giúp đỡ nạn nhân của một vụ tai nạn và cuối cùng bị buộc phải trả hóa đơn y tế. Mọi người sợ hãi, vì vậy những người biện hộ cho việc không giúp cô Wang Yue tranh luận. Nhưng điều này không giải quyết được vấn đề. Hai mươi cá nhân, mỗi người đều đưa ra cùng một quyết định cá nhân đáng kinh ngạc rằng mạng sống của một đứa trẻ không đáng bị đe dọa bởi một hóa đơn y tế. Làm thế nào chúng ta có thể giải thích cách hành xử nầy?

Đó hầu như không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần: cùng ngày mà Wang Yue bị nạn, một người Uruguay xa xứ buộc phải lặn xuống một hồ nước ở Hàng Châu để giải cứu một phụ nữ nhảy xuống hồ để tự tử. Những người Trung Quốc ngoài cuộc xếp hàng bên bờ hồ để chụp ảnh người phụ nữ khi cô ấy đang chết đuối, và cô gái Uruguay nhận ra rằng cô ấy cần phải hành động vì không ai khác sẽ làm. Ngay cả khi cô ấy kéo nạn nhân ra khỏi nước và lên bờ, không có ai hỗ trợ. Thay vào đó, những người TQ quay cảnh này trên điện thoại di động và iPad. 

Chỉ vài tuần sau, ở bờ biển phía đông Trung Quốc, một đứa trẻ 5 tuổi bị dầm gỗ rơi xuống từ công trường xây dựng đập vào đầu. Mẹ của cậu bé đã cầu xin những người lái xe, người đi bộ và công an đi ngang qua đưa cậu đến bệnh viện. Tất cả đều phớt lờ cô. Cậu bé đã chết.

Sự coi thường cá nhân là điều đã học được từ thời thơ ấu, thông qua triết lý chống nhân loại của chủ nghĩa cộng sản mà chính quyền có gan gọi là “truyền thống Trung Quốc”. Nó chỉ là một phần khác của quá trình tẩy não; tất cả đều phát ra từ cùng một nguồn giáo dục ngu dân với quyết định chính trị là không dạy học trò cách suy nghĩ nhưng chính quyền chỉ muốn ngu dân để giữ vững quyền lực.

Đây là những gì chúng ta thấy ở TQ hiện đại—hệ tư tưởng cộng sản không có nhiều chỗ cho sự đồng cảm. Nhưng nhiều người chống chủ nghĩa nầy cho rằng ý tưởng về sự đồng cảm có thể được phục hồi. Chúng ta có thể tưởng tượng, một khi ĐCSTQ sụp đổ, sẽ mất hàng thập kỷ để sửa chữa những thiệt hại đã gây ra cho tâm lý của mọi người.

Tuy nhiên, tiến bộ để xây dựng đồng cảm và nhân bản có thể được thực hiện nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên trong thời đại Internet. Chúng ta đã thấy một ví dụ cách đây hai năm, khi công dân TQ bắt đầu sử dụng Clubhouse. Đây là một ứng dụng phần mềm cho phép hàng nghìn người dùng tham gia cùng một phòng trò chuyện. Các nhà chức trách đã chậm bắt kịp Clubhouse, và vì vậy người dân đại lục đã có một cửa sổ bất ngờ với thế giới thực. Họ lắng nghe những người Duy Ngô Nhĩ nói sự thật về nạn diệt chủng ở Tân Cương, mô tả trải nghiệm cá nhân của người thân họ trong các trại tập trung cải tạo.

Nhiều thanh niên TQ đã khóc cùng những người Duy Ngô Nhĩ. Thực tế đột nhiên không được lọc qua ống kính của Đảng; không pha loãng. Sự kìm kẹp tâm trí sắt đá đã biến mất. Không có sự hiện diện của Đảng để nói với mọi người cách xử lý thông tin “đúng đắn”, những con người bình thường thấy mình được tự do nhận ra nhân loại ở nhau. Một số thẳng thắn tuyên bố rằng niềm tin của họ vào chính phủ đã sụp đổ. Ngay sau đó, các nhà chức trách đã biết chuyện gì đang xảy ra trong Clubhouse và người dùng TQ không thể đăng nhập vào Clubhouse nữa. Nhưng có một niềm hy vọng to lớn được rút ra từ tình tiết ngắn ngủi này.

Thật vậy, nhà sử học Taisu Zhang đã bày tỏ sự ngạc nhiên của mình về cách mà chủ nghĩa cộng sản có thể sụp đổ. Chính sách Không-Covid đang làm tăng thêm nỗi đau và mọi người đang mất niềm tin. Con số những người thức tỉnh sẽ tăng lên. Hiện tại, những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc vẫn bị cô lập. Nhưng mức độ cô lập không còn chặt chẽ như trước đây. Bây giờ họ không còn cô đơn, có cách kết nối, có “Anh Cầu” khởi xướng, rồi họ xuống đường để dẹp đi những rác rưởi cộng sản trên đất nước họ.

Những viễn ảnh cho các chế độ cộng sản khác cũng không trong sáng gì trong tiến bộ truyền thông, khuynh hướng cải thiện toàn cầu, và mức hiểu biết và đồng cảm giữa người và người.

Nguồn: https://quillette.com/2022/11/27/the-loneliness-of-the-bridge-man-generation/