Thời sự Thứ ba 29/11/2022: Phản kháng ở Trung Quốc, Tập trong ‘ngõ cụt; Kỷ nguyên vàng Anh – Trung Quốc kết thúc; Macron gặp Biden..

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp


Tổng thống Ukraine: Nga sẽ không ngừng tay tới khi nào hết phi đạn – 29/11/2022 – Reuters 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thăm binh sĩ tại Kherson, Ukraine, ngày 14/11/ 2022.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thăm binh sĩ tại Kherson, Ukraine, ngày 14/11/ 2022. 

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cảnh báo người dân Ukraine nên chuẩn bị tinh thần đón thêm một tuần lạnh giá và tăm tối tàn khốc sắp tới, đồng thời dự đoán các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng sẽ không dừng lại cho đến khi Moscow hết phi đạn.

Kể từ đầu tháng 10, Nga đã tiến hành các cuộc oanh tạc bằng phi đạn quy mô lớn hầu như hàng tuần vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, đợt sau tai hại hơn đợt trước, thiệt hại đang chồng chất trong khi mùa đông giá rét đang bắt đầu.

Trong bài diễn văn đêm qua, ông Zelenskyy dự đoán các cuộc tấn công mới trong tuần này có thể tồi tệ như tuần trước, vốn là tuần tồi tệ nhất khiến hàng triệu người không có sưởi, nước hoặc điện.

“Chúng ta hiểu rằng những kẻ khủng bố đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công mới. Chúng ta biết điều này là sự thật”, ông Zelenskyy nói trong bài phát biểu video hàng đêm của mình. “Đáng tiếc là chừng nào họ còn phi đạn, chừng đó họ vẫn không buông tha.”

Kyiv cho biết các cuộc tấn công, mà Nga thừa nhận nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, nhằm mục đích gây hại cho dân thường, cấu thành tội phạm chiến tranh. Moscow phủ nhận ý định làm tổn thương dân thường nhưng tuần trước tuyên bốt sự đau khổ của dân thường sẽ không chấm dứt trừ khi Ukraine nhượng bộ các đòi hỏi của Nga, nhưng không nói cụ thể những đòi hỏi đó là gì.

Tại Kyiv, tuyết rơi và nhiệt độ dao động quanh mức đóng băng khi hàng triệu người trong và xung quanh thủ đô Ukraine phải vật lộn với sự gián đoạn nguồn cung cấp điện và hệ thống sưởi do các đợt không kích của Nga gây ra.

Công ty điều hành lưới điện quốc gia Ukrenergo ngày 28/11 cho biết buộc phải trở lại tình trạng cúp điện khẩn cấp thường xuyên ở các khu vực trên cả nước sau thất bại trong nỗ lực sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng.

Một tuyên bố của Ukrenergo cho biết các đơn vị năng lượng tại một số nhà máy điện đã phải ngừng hoạt động khẩn cấp và nhu cầu về điện đang tăng lên giữa trời đông băng tuyết.

“Một khi nguyên nhân của việc ngắt điện khẩn cấp được loại bỏ, các tổ máy sẽ hoạt động trở lại, điều này sẽ làm giảm thâm hụt trong hệ thống điện và giảm số lượng hạn chế cho người tiêu dùng”, tuyên bố cho biết.

Ở tiền tuyến, mùa đông đang mở ra một giai đoạn mới của cuộc xung đột, với chiến tranh chiến hào dữ dội dọc theo các vị trí kiên cố, sau nhiều tháng quân Nga rút lui.

Với việc các lực lượng Nga đã rút lui ở phía đông bắc và rút qua sông Dnipro ở phía nam, chiến tuyến trên đất liền chỉ còn khoảng một nửa chiều dài so với vài tháng trước, khiến các lực lượng Ukraine khó tìm được các đoạn đường phòng thủ kém để mở một bước đột phá mới.

Ông Zelenskyy cho biết giao tranh ác liệt dọc theo một phần mặt trận phía tây thành phố Donetsk, nơi Nga đã tập trung tấn công ngay cả khi quân đội của họ rút đi nơi khác, và cả hai bên đều có thương vong lớn với ít thay đổi về vị trí.

Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong bản cập nhật hàng ngày hôm 28/11 rằng các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga ở Bakhmut và Avdiivka trong khu vực đó.


Điện Kremlin phủ nhận kế hoạch rút khỏi nhà máy điện hạt nhân

Điện Kremlin phủ nhận việc Nga có bất kỳ kế hoạch nào rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, mà Nga đã kiểm soát từ đầu cuộc chiến gần tiền tuyến trên một hồ chứa trên sông Dnipro.

Người đứng đầu cơ quan điều hành năng lượng hạt nhân của Ukraine, Petro Kotkin, hôm 28/11 nói có những dấu hiệu cho thấy Nga có thể rút khỏi. Nhưng phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, ngày 28/11 khẳng định “Không cần phải tìm kiếm những dấu hiệu không có và không thể có bất kỳ dấu hiệu nào.”

Nga cho biết họ đã sáp nhập khu vực này và đặt nhà máy dưới sự kiểm soát của cơ quan năng lượng hạt nhân Nga.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hiệp quốc, IAEA, đã kêu gọi phi quân sự hóa nhà máy và khu vực xung quanh để ngăn chặn thảm họa hạt nhân.

Tại Kherson, một thành phố phía nam đã không có điện hoặc nhiệt kể từ khi lực lượng Nga rút khỏi vào đầu tháng này, thống đốc khu vực Yaroslav Yanushevych cho biết 17% khách hàng hiện có điện. Các quận khác sẽ sớm được kết nối.

Các lực lượng Nga rút lui đã bắn phá từ bên kia sông, giết chết hàng chục thường dân.

Ukraine đã giành được lợi thế trên chiến trường một phần nhờ triển khai các hệ thống phi đạn phương Tây cho phép nước này nhắm vào các vị trí của Nga ở phía sau tiền tuyến, vô hiệu hóa một phần lợi thế về hỏa lực pháo binh của Moscow.

Trong ví dụ mới nhất về viện trợ quân sự của phương Tây cho Kyiv, Hoa Kỳ đang xem xét đề nghị của Boeing cung cấp cho Ukraine những quả bom chính xác nhỏ, giá rẻ, có thể lắp vào các phi đạn có tầm bắn 150 km, đưa nhiều mục tiêu hơn của Nga vào tầm bắn.

Hệ thống do Boeing đề nghị là một trong khoảng nửa chục kế hoạch đưa vũ khí mới vào sản xuất cho Ukraine và cho các đồng minh Đông Âu của Mỹ, các nguồn tin trong ngành công nghiệp này cho biết.


Thủ tướng Sunak: ‘Kỷ nguyên vàng’ giữa Anh với Trung Quốc đã kết thúc – 29/11/2022 – Reuters 

Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak. 

Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 28/11 tuyên bố ‘kỷ nguyên vàng’ trong quan hệ với Trung Quốc đã kết thúc, đồng thời cho rằng thách thức mang tính hệ thống của Bắc Kinh đối với các lợi ích và giá trị của Anh ngày càng trở nên cấp tính.

Trong bài phát biểu chính sách đối ngoại quan trọng đầu tiên của mình, ông Sunak cho biết cách tiếp cận của Anh đối với Trung Quốc cần phải tiến hóa và Bắc Kinh đang “cạnh tranh một cách có ý thức để giành ảnh hưởng toàn cầu bằng cách sử dụng tất cả các đòn bẩy của quyền lực nhà nước”.

“Hãy nói rõ rằng, cái gọi là ‘kỷ nguyên vàng’ đã qua, cũng như ý tưởng ngây thơ rằng thương mại sẽ dẫn đến cải cách xã hội và chính trị,” ông Sunak phát biểu tại khu tài chính của London.

Một số người trong Đảng Bảo thủ của ông Sunak đã chỉ trích ông Sunak, coi ông không diều hâu với Trung Quốc bằng người tiền nhiệm Liz Truss. Năm ngoái, khi còn là bộ trưởng tài chính, ông đã kêu gọi một chiến lược tinh tế đối với Trung Quốc để cân bằng các mối quan tâm về nhân quyền trong khi mở rộng quan hệ kinh tế.

Tuy nhiên, cuộc gặp dự trù giữa ông Sunak và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng này ở Bali bất thành và tuần trước, London đã cấm không cho sử dụng các camera an ninh do Trung Quốc sản xuất tại các tòa nhà chính phủ nhạy cảm.

“Chúng ta nhận ra rằng Trung Quốc đặt ra một thách thức mang tính hệ thống đối với các giá trị và lợi ích của chúng ta, một thách thức ngày càng tồi tệ hơn khi nước này tiến tới chủ nghĩa độc đoán lớn hơn”, ông nói, đề cập đến tuyên bố của BBC rằng một trong những nhà báo của họ đã bị cảnh sát Trung Quốc hành hung.

“Tất nhiên, chúng ta không thể bỏ qua tầm quan trọng của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới – đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu hoặc các vấn đề như biến đổi khí hậu. Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản và nhiều nước khác cũng hiểu điều này.”

Ông Sunak nói dưới sự lãnh đạo của ông, nước Anh sẽ không chọn “nguyên trạng” và sẽ đối đầu với các đối thủ quốc tế “không phải bằng lời lẽ đao to búa lớn mà bằng chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ”.

Về Ukraine, ông cho biết chính phủ Anh sẽ duy trì viện trợ quân sự cho Kyiv vào năm tới, duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ của các cựu thủ tướng Boris Johnson và Truss.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ sát cánh cùng Ukraine trong thời gian dài nhất có thể. Chúng ta sẽ duy trì hoặc tăng viện trợ quân sự vào năm tới. Và chúng ta sẽ cung cấp hỗ trợ mới cho lực lượng phòng không”, ông loan báo.

Vào tháng 9, Anh cho biết họ là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Hoa Kỳ, cung cấp khoản viện trợ 2,3 tỷ bảng Anh (2,8 tỷ đô) trong năm nay.

Ông Sunak nói Anh cần thực hiện cách tiếp cận dài hạn giống như các đối thủ và các nước cạnh tranh chẳng hạn như Nga và Trung Quốc.

Ông nói: “Đối mặt với những thách thức này, chủ nghĩa ngắn hạn hoặc mơ tưởng sẽ không đủ. Chúng ta không thể dựa vào các lập luận hoặc các cách tiếp cận của Chiến tranh Lạnh, hay chỉ dựa vào cảm tính về quá khứ”.


Chính trị gia Đức nhìn thấy Tập trong ‘ngõ cụt’ – Neue deutsche China-Strategie Deutsche Politiker sehen Xi in der “Sackgasse” 

29/11/2022, 10:29 Uhr (aktualisiert) N-tv – Phan Ba, dịch

Chính phủ liên bang Đức đang lập một chiến lược mới cho Trung Quốc. Và chiến lược này cần phải chú ý đến việc lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ lại có sự phản đối công khai và rõ ràng. Các chính trị gia chuyên về đối ngoại của Đức tin chắc rằng những cuộc biểu tình này không chỉ là nhằm để phản đối các biện pháp nghiêm ngặt chống corona.

Các chính trị gia đối ngoại của Đức nhìn thấy một phẩm chất mới trong các cuộc biểu tình ở Trung Quốc và e ngại một phản ứng gay gắt từ chính phủ ở Bắc Kinh. Chính trị gia chuyên về đối ngoại của đảng SPD Nils Schmid nói rằng chính sách corona cực kỳ nghiêm ngặt ở Trung Quốc chỉ có thể được thực thi bằng quyền lực của một chế độ độc tài và từ lâu đã vượt quá “giới hạn của những gì có thể chấp nhận được”. Phó lãnh đạo nhóm nghị sĩ của đảng FDP Alexander Graf Lambsdorff cho biết: “Tôi từ lâu đã tin rằng chính sách không Covid của Đảng Cộng sản Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại. Áp lực trong dân chúng ngày càng tăng như trong nồi hơi và bây giờ đã bộc phát ra ngoài. Trong đó, liên kết giữa những cuộc biểu tình phản đối corona với yêu cầu đòi tự do và dân chủ trong khuôn viên của Đại học Thanh Hoa cho thấy một phẩm chất mới.”

Trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều này chỉ có thể được coi là mối đe dọa đối với yêu sách toàn quyền của chính họ, Lambsdorff nói với Thông tấn xã Đức. “Do đó, người ta phải e ngại một phản ứng rất gay gắt từ chế độ. Các cuộc biểu tình vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Sẽ thật ngây thơ khi tin rằng chúng có thể dẫn đến những thay đổi cơ bản ở giai đoạn này.” Tại Trung Quốc, chính sách nghiêm ngặt về corona vào cuối tuần đã dẫn đến những cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Hàng trăm người biểu tình đã xuống đường ở thủ đô Bắc Kinh và các thành phố triệu dân khác.

“Không có những cuộc biểu tình nào như vậy được biết đến cho đến nay”.

Mit massiver Polizeipräsenz versucht die Regierung, jeglichen öffentlichen Protest im Keim zu ersticken.

(Foto: REUTERS)

Người phát ngôn về chính sách đối ngoại của nhóm nghị sĩ SPD, Schmid, nói: “Các cuộc biểu tình cho thấy nhu cầu có tự do là phổ quát.” Người dân Trung Quốc muốn có thể được phát triển tự do như bất kỳ nơi nào khác. “Từ lâu rồi, việc ngoan cố bám chặt vào chính sách cô lập không còn có thể được giải thích chỉ bởi vì Corona, mà nó có tác dụng ngăn cách xã hội Trung Quốc với thế giới và phục vụ cho việc giữ vững quyền lực của Đảng Cộng sản.”

Tổng thư ký đảng FDP Bijan Djir-Sarai nói với các tờ báo của nhóm truyền thông Funke: “Cho đến nay người ta không biết đến những cuộc biểu tình nào giống như thế này. Chúng cho thấy mức độ bất mãn hiện tại đối với các chính sách đàn áp của Đảng Cộng sản.” Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức to lớn về chính sách đối ngoại và kinh tế. “Bây giờ cộng thêm vào đó là những khó khăn chính trị lớn trong nước. Chiến lược Trung Quốc của chính phủ Đức phải tính đến điều này.”

Chính phủ liên bang Đức hiện đang thiết lập một chiến lược mới đối với Trung Quốc. Theo một hồ sơ đầu tiên, nhân quyền cần nên đóng một vai trò lớn hơn. Ngoài ra, phải giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu, ví dụ như đối với nguyên liệu thô. Quan hệ với Đài Loan cần phải được mở rộng.

Chính trị gia nước ngoài thuộc đảng Xanh Jürgen Trittin giải thích rằng chính sách không Covid do Tập Cận Bình ban hành, cùng với chiến lược tiêm chủng thất bại, đang khiến Trung Quốc đi vào ngõ cụt. “Lần đầu tiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt với sự chỉ trích một cách rộng rãi chính phủ của họ.”

https://www.n-tv.de/politik/Grosse-Proteste-in-China-Deutsche-Aussenpolitiker-sehen-Xi-in-der-Sackgasse-article23747271.html?fbclid=IwAR2g0QCLZeoS9QfYSpqxB2B7pge6jNLGHiGsBei4vw3aAz2j9d4j43qiGCA


Tổng thống Pháp tới Washington để thảo luận về Ukraina và chính sách thương mại

29/11/2022

French President Emmanuel Macron welcomes US President Joe Biden before their meeting at the French Embassy to the Vatican in Rome on October 29, 2021. (illustration) AFP – LUDOVIC MARIN 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay, 29/11/2022 đã đến Washington và sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước hai ngày, từ sáng thứ Tư 30/11.   

Năm 2018, ông Macron đã có chuyến công du Mỹ cấp Nhà nước theo lời mời của tổng thống Donald Trump. Do vậy, lần này là chuyến thăm cấp Nhà nước thứ hai của ông Macron, một « vinh dự » mà nguyên thủ Pháp hy vọng có thể tận dụng để thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến tại Ukraina, bảo vệ châu Âu trước chính sách bảo hộ thương mại Mỹ. Nguyên thủ Pháp cũng hy vọng củng cố lại mối quan hệ song phương Paris – Washington bị rạn nứt sau vụ phá vỡ hợp đồng bán tầu ngầm cho Úc. 

Từ Washington, đặc phái viên đài RFI, Valerie Gas tường thuật : 

Đây là cuộc thăm viếng cấp Nhà nước đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Joe Biden và chính Emmanuel Macron là người được hưởng. Tại điện Elysée, người ta không quên nhắc lại điều đó để chứng tỏ tầm quan trọng của sự kiện, bởi vì Emmanuel Macron còn là vị tổng thống Pháp đầu tiên đã được Washington hai lần mời đến thăm Mỹ ở cấp Nhà nước, nấc cao nhất trong nghi thức lễ tân, một biểu hiện trọng thị hiếm có và đánh giá cao theo như những người thân cận của tổng thống Pháp. Họ ca tụng một mối quan hệ “vô cùng đặc biệt” giữa Pháp và Mỹ, một mối quan hệ từng trải qua một thời kỳ giá lạnh khi Úc hủy bỏ một hợp đồng quan trọng với Pháp và chuyển sang hợp tác với Mỹ, liên quan đến việc cung cấp tàu ngầm.  

Thế rồi, thời gian cũng trôi qua và Emmanuel Macron thực hiện chuyến công du này với tham vọng củng cố một “mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương” mới, rút ra từ những hệ quả cuộc chiến tranh tại Ukraina và bảo đảm cho châu Âu có một chỗ đứng trong cuộc tranh đua toàn cầu nhất là với Trung Quốc. 

Với Joe Biden, tổng thống Macron vào thời điểm hiện tại, ít dùng tới lá bài mối quan hệ cá nhân như ông đã từng làm với Donald Trump dù rằng những người thân cận của ông mô tả mối quan hệ với Biden là thuận hòa và hữu nghị. Tại Washington, một trong số các thách thức đối với Macron là làm thế nào thể hiện sự gần gũi của ông với tổng thống Mỹ.


Tài nguyên nước toàn cầu đứng trước thách thức lớn

Vào thứ Ba, Tổ chức Khí tượng Thế giới sẽ lần đầu tiên công bố một đánh giá về tài nguyên nước toàn cầu. Tại COP27 ở Ai Cập hồi đầu tháng, các chính phủ đã ghi nhận nhu cầu “cấp thiết” đối với việc “bảo vệ, bảo tồn và khôi phục các hệ thống nước.” Ngày càng có nhiều minh chứng cho thấy khan hiếm nguồn nước có liên quan đến nhiệt độ toàn cầu tăng, cũng như việc phải quản lý nguồn cung nước để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các thảm họa thiên nhiên do nóng lên toàn cầu gây ra làm ảnh hưởng đến nguồn nước: hạn hán kéo dài hơn và thường xuyên hơn; trong khi bão và nước biển dâng làm ô nhiễm nước sinh hoạt. Biến đổi khí hậu cũng đang làm cạn kiệt nguồn nước ngọt dự trữ trong sông băng, tuyết và băng vĩnh cửu. Theo Liên Hợp Quốc, đến năm 2050 có 1,6 tỷ người sẽ phải sống cùng nguy cơ lũ lụt (tăng từ 1,2 tỷ người hiện nay), trong khi 3,2 tỷ người khác có thể sống ở các vùng khan hiếm nước (tăng từ 1,9 tỷ người năm 2010). Và thiếu nước cũng ảnh hưởng đến kinh tế: hạn hán ở Anh và châu Âu đang gây thiệt hại khoảng 9 tỷ đô la mỗi năm.


Quân đội Mỹ khó tuyển tân binh

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9 năm 2022, quân đội Mỹ bị thiếu 15.000 người so với mục tiêu 60.000 tân binh. Vào ngày thứ Ba, các lãnh đạo quân đội — bao gồm Thiếu tướng Johnny Davis, người phụ trách việc tuyển quân — sẽ thảo luận về vấn đề này tại Heritage Foundation, một viện nghiên cứu ở Washington. Tại sao lại thiếu hụt? Thị trường việc làm thắt chặt đồng nghĩa người lao động có nhiều lựa chọn hơn. Và đại dịch đã khiến ​​​​tỷ lệ béo phì tăng trong khi kết quả học tập kém đi, qua đó thu nhỏ nhóm tân binh đủ điều kiện.

Nhưng quan trọng nhất là thanh niên không còn mặn mà với quân đội. Quân đội nói chỉ 9% các ứng viên đủ điều kiện thực sự muốn tham gia, mức thấp nhất 15 năm qua. Có thể màn rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan là một phần nguyên nhân. Ngoài ra là môi trường phân cực chính trị: nhiều người cánh tả coi quân đội Mỹ là ngột ngạt và lạc hậu; trong khi những người cánh hữu cáo buộc nó quá cấp tiến. Quân đội đang tăng cường tiếp cận các trường cấp ba và đại học, đồng thời cam kết thưởng cao hơn. Nếu tình hình không thay đổi, một số quân nhân dự bị có thể sẽ được gọi lại.


Pakistan có tham mưu trưởng lục quân mới

Quân đội Pakistan từ lâu đã có nhiều ảnh hưởng chính trị hơn các chính trị gia của đất nước. Nhưng việc bổ nhiệm Syed Asim Munir, người sẽ thay thế Qamar Javed Bajwa làm tham mưu trưởng lục quân vào thứ Ba, dường như ít nhiều là do chính trị đảng phái thúc đẩy. Nhiệm kỳ của tướng Munir trên cương vị là người đứng đầu cơ quan tình báo Pakistan đã bị cắt ngắn vào năm 2019 vì vụ bất hòa với cựu thủ tướng Imran Khan. Bản thân ông Khan đã bị Quốc hội lật đổ vào tháng 4 và kể từ đó luôn tìm cách làm suy yếu chính phủ của Shehbaz Sharif, người kế nhiệm ông.

Có lẽ Sharif bổ nhiệm Munir một phần vì coi ông này là đối trọng với Khan. Song uy tín của quân đội trong lòng cử tri đã bị tổn hại bởi lời cáo buộc của ông Khan rằng các lãnh đạo quân đội âm mưu với Mỹ để loại bỏ ông. Ngoài ra nhiều binh sĩ cấp dưới của quân đội lại là những người ủng hộ thầm lặng của cựu thủ tướng. Tân tham mưu trưởng lục quân sẽ phải rất nỗ lực để lấy lại niềm tin của binh sĩ dưới quyền và người dân Pakistan.


Đặng Sơn Duân – Thế khó cho Tập 

Tập Cận Bình đang ở tình thế éo le. 

Giờ nới lỏng hay xóa bỏ zero Covid thì tự vả vào mặt mình. Người cầm lái vĩ đại không thể muốn quay xe là quay được, còn đâu hình ảnh lãnh tụ anh minh thần thánh. Hai là tạo ra tiền lệ rất không tốt khi phải nhượng bộ vì biểu tình, mà là biểu tình lật đổ chứ không phải bác Tập ơi, cứu chúng cháu!

Nhưng nếu vẫn đâm lao theo lao, thì các cuộc biểu tình có nguy cơ tiếp diễn, lan rộng. 

Chỗ khác biệt so với biểu tình ở các nước khác như Nga, Venezuela hay Iran, mặc dù rầm rộ nhưng dần dần cũng mất động lực và không đạt kết quả, là người dân Trung Quốc hiện cảm thấy cùng đường và quá bức bối, không ngại chửi đích danh Tập. Nên xung lực biểu tình nhiều khả năng sẽ được duy trì nếu zero Covid vẫn tiếp tục. Cái này gợi nhớ đến hình ảnh anh bán trái cây ở Tunisia năm nào.

Một yếu tố mang tính quyết định là ứng xử của các thế lực đối chọi với Tập trong đảng trước tình hình hiện nay. Sau nhiều năm lên bờ xuống ruộng vì Tập, thì đây là cơ hội có một không hai để xếp lại bàn cờ. Giang phái, Đoàn phái, băng đảng an ninh, dầu khí, Hồng nhị đại, Thái tử đảng… hãy đoàn kết lại!

Trong tiêu chí chọn lựa lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, năng lực số một để trở thành lãnh tụ là khả năng dẹp loạn, chứ không phải tài kinh bang tế thế chi cả. Nếu không làm được điều này, thì bị thay thế là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Điểm lại thì Tập đến nay mới phải đối mặt với thử thách thực sự.

Còn các nước láng giềng, như thường lệ, hãy cảnh giác với thủ đoạn chuyển lửa ra bên ngoài,  đặc biệt là Đài Loan!

ĐẶNG SƠN DUÂN 28.11.2022 


Trung Quốc vẫn khẳng định tiếp tục chính sách zero Covid bất chấp các cuộc biểu tình phản đối

28/11/2022

Người biểu tình tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 27/11/2022. AP – Ng Han Guan 

Sau hai ngày phong trào phản kháng chống chính sách zero Covid diễn ra tại nhiều nơi như Quảng Đông, Thành Đô, Hồng Kông, hay Vũ Hán, chiếc nôi của dịch Covid-19, rồi Bắc Kinh và nhất là Thượng Hải, hôm nay, 28/11/2022 chính quyền đã bắt giữ ít nhất 2 người biểu tình tại Thượng Hải. Cơ quan kiểm duyệt xóa vết tích các cuộc xuống đường với những khẩu hiệu đòi tự do và chấm dứt các đợt phong tỏa nghiêm ngặt. 

Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định quyết tâm áp dụng chính sách chống dịch triệt để đến cùng cho đến khi « thành công ». Phát ngôn viên phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, hôm nay, nhấn mạnh : « Dưới sự dẫn dắt của Đảng và sự đồng lòng của nhân dân Trung Quốc, cuộc chiến chống Covid-19 sẽ là một thắng lợi ». Quan chức này đồng thời lên án một một số người đã cố tình « gắn liền vụ hỏa hoạn » tại một chung cử ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương cuối tuần qua với « chính sách chống dịch » của Trung Quốc.

Vụ hỏa hoạn nói trên hôm 26/11/2022 làm 10 người chết là điểm khởi đầu làm rộ lên làn sóng phản đối chính sách y tế nghiêm ngặt Trung Quốc liên tục áp dụng từ 3 năm nay.

Tại Thượng Hải, các cuộc xuống đường diễn ra suốt đêm qua. Thông tín viên RFI, Léo Cirah có mặt tại chỗ tường thuật : 

  « Cuộc biểu tình đã bắt đầu khi một vài người tập hợp trên đường Urumqi, ngay ở trung tâm Thượng Hải. Họ đặt hoa và nến tưởng nhớ nạn nhân trong vụ cháy chung cư ở thủ phủ Tân Cương. Nhưng thông tin đã lan rộng trên các mạng xã hội. Đông đảo thanh niên đã tập hợp về đây ngay trong đêm qua. Và càng đông người thì lại càng có nhiều các khẩu hiệu mang màu sắc chính trị. Mới đầu chỉ là những khẩu hiệu chống chính sách zero Covid-19, rồi mọi người hát quốc ca, một bài ca cách mạng, kêu gọi vùng lên những ai không muốn làm nô lệ.

Nhưng rồi khi một số người hô to đòi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chức, thì đám đông đã hô vang khẩu hiệu này.Một số người tại đây tỏ ra xúc động. Một cuộc biểu tình với quy mô như vậy thật là hãn hữu tại Trung Quốc. Lần đầu tiên từ 9 năm công tác tại đây, tôi mới chứng kiến cảnh tượng này. Điều đó cho thấy dân tình đang bức xúc đến mức độ nào, đặc biệt là đối với giới trẻ trước những biện pháp chống dịch zeo Covid nghiêm ngặt mà Trung Quốc áp dụng triền miên ».

Cảnh sát Thượng Hải từ chối xác nhận với hãng tin Pháp AFP về số người bị câu lưu hôm nay. Một phóng viên của kênh truyền thông Anh BBC bị công an bắt giữ và đánh đập.

Còn tại thủ đô Bắc Kinh hơn 400 thanh niên Trung Quốc đã tập hợp gần con sông Lạng Mã (Liangma) với khẩu hiệu : « Chúng ta tất cả là người Tân Cương ». Trên các mạng xã hội Trung Quốc sáng nay, các từ khóa như « Sông Lạng Mã », hay « Đường Urumqi » đều đã bị xóa.

Nhân Dân Nhật Báo sáng nay không kêu gọi chấm dứt chính sách zero Covid nhưng đã đăng một bài viết cảnh cáo trước nguy cơ « tê liệt » và một sự « mệt mỏi » do các đợt phong tỏa nghiêm ngặt để chống dịch gây nên.