Trung Quốc: Đệ nhất công thần hòa đàm Bắc Bình vì sao bị hại cả ba đời?

Share this post on:

Mộc Lan | DKN

Mục lục bài viết

  • Những điểm nghi ngờ của “Vụ án phản quốc”
  • Người duy nhất không bỏ phiếu cho Mao Trạch Đông?
  • Ba thế hệ bị liên lụy
  • Người nhà Trương Đông Tôn đều gặp đại nạn.

Trương Đông Tôn, người được Mao Trạch Đông ca ngợi là “Công thần số một giải phóng hòa bình Bắc Bình”, đã bị cuốn vào một vụ án phản quốc kỳ lạ năm 1951. Gia đình tinh anh ba thế hệ bị bức tử bức điên, mà tội phản quốc cho đến nay vẫn chưa có tội chứng, rốt cuộc đó là chuyện gì?

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng quý vị đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!

Trương Đông Tôn là nhân chứng và là sứ giả bên thứ ba của các cuộc đàm phán Bắc Bình giữa Cộng sản đảng và Quốc dân đảng vào đầu năm 1949. Trương Bá Câu, một trong bốn công tử của Trung Hoa Dân Quốc, đã viết thế này: “Tiên sinh Trương Đông Tôn xướng nghị hòa bình, đã mạo hiểm vào thành, đôn đáo hòa giải các bên để bảo toàn… chỉ trong thời gian cạn một ly rượu, đã hóa giải sương mù thành ánh sáng.” Mao Trạch Đông đương thời cũng ca ngợi: “Giải phóng hòa bình Bắc Bình, tiên sinh Trương là công đầu.”

Trương Đông Tôn

Nhưng không lâu sau khi ĐCSTQ kiến chính, Trương Đông Tôn liền bị cuốn vào cái gọi là “vụ án phản quốc” kỳ lạ, toàn gia đình ba thế hệ đều bị liên lụy, bản thân ông cuối cùng chết thảm trong Nhà tù Tần Thành.

Làm thế nào mà công thần số một trong nháy mắt đã trở thành tội nhân? Hôm nay, chúng ta căn cứ trên bài báo “Trương Đông Tôn và thời đại của ông” được viết bởi Đái Tình, con gái nuôi của nguyên lão ĐCSTQ Diệp Kiếm Anh, một ký giả nổi tiếng, cùng những ghi chép khác, để hồi ức lại đoạn quá khứ này.

Những điểm nghi ngờ của “Vụ án phản quốc”

Trương Đông Tôn sinh năm 1886, người huyện Tiền Đường, phủ Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, là triết gia, nhà bình luận chính trị, nhà báo nổi tiếng Trung Quốc, từng du học tại Đại học Đế quốc Tokyo, Nhật Bản. Ông trước sau đảm nhiệm giáo sư tại trường công lập Thượng Hải Trung Quốc, Đại học Quang Hoa, Đại học Chính trị Quốc lập và Đại học Yến Kinh. 

Sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền vào năm 1949, Trương Đông Tôn chọn lưu lại Trung Quốc đại lục, liên tiếp giữ các chức vụ Ủy viên Chính hiệp Toàn quốc, Ủy viên Chính phủ Trung ương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Chính vụ viện ĐCSTQ, và là thường ủy Trung ương Đồng minh Dân chủ Trung Quốc.

Nhưng những ngày tươi đẹp chẳng được bao lâu, đến năm 1951, ông đã “dính chuyện”.

Theo bài báo “Vụ án Trương Đông Tôn bán thông tin tình báo” trong kỳ thứ ba của “Sử chí Công an Bắc Kinh” năm 1992, đầu năm 1949, Cục Công an Bắc Kinh đã “khui” vụ án gián điệp Mỹ Vương Chính Bá (tên khác là Vương Chí Kỳ). Vương Chính Bá khai rằng Trương Đông Tôn đã “bán thông tin tình báo” cho cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là ông Stuart Leighton.

Có bạn có thể đặt câu hỏi: Vào đầu năm 1949 trước khi ĐCSTQ thành lập chính phủ, ở Bắc Kinh liệu đã có cục công an chưa? Đúng vậy, căn cứ theo hồ sơ của Bộ Công an ĐCSTQ, ngay từ ngày 17 tháng 12 năm 1948, Cục Công an Bắc Kinh đã lặng lẽ tuyên bố thành lập tại thành Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, đương thời gọi là Cục Công an thành Bắc Bình. Vào đầu năm 1949, quân đội Cộng sản tiến vào thủ đô, thì hơn 1.000 nhân viên từ Cục Công an Bắc Bình mới tiến vào thành phố.

Vậy thì, sau khi Vương Chính Bá khai nhận đã phát sinh chuyện gì? Bài báo nói tiếp, rằng sau hơn một năm trinh sát của Văn phòng Thẩm vấn thuộc Cục Công an Bắc Kinh, đã “tiến một bước chứng thực” rằng Trương Đông Tôn đã lấy “Ngày tháng cụ thể Trung Quốc xuất binh viện Triều Tiên kháng Mỹ” và “Dự toán kinh tế tài chính quốc gia” và các cơ mật cốt lõi khác của quốc gia, biên soạn thành tin tình báo, phái người mang đến Hồng Kông, sau đó chuyển giao cho Leighton Stuart.

Bài báo viết: “Vốn dĩ, tội hành của Trương Đông Tôn là nghiêm trọng, chứng cứ xác tạc, hoàn toàn có thể bị bắt và trừng phạt theo pháp luật. Tuy nhiên, Trung ương đảng và Mao Chủ tịch đã không làm điều này, mà chọn dùng một biện pháp hoàn toàn mới, tức là ‘giáo dục’, thông qua vụ án này không chỉ giáo dục bản thân Trương Đông Tôn, mà còn giáo dục người khác, đặc biệt là giới trí thức, những người có tư tưởng sùng Mỹ nghiêm trọng.”

Bài báo không chỉ khẳng định thông tin Trương Đông Tôn bán thông tin tình báo cho Mỹ, mà còn không quên gia công thêm câu “đảng ta khoan dung đại lượng”. Tuy nhiên, sự thực có phải như vậy không?

Liên quan đến vụ án này, có rất nhiều điểm nghi vấn.

Điểm nghi vấn thứ nhất, vì Vương Chính Bá thú tội vào đầu năm 1949, vậy thì, Trương Đông Tôn hẳn phải “bán thông tin tình báo” cho ông ta trước đầu năm 1949. Nhưng trước đầu năm 1949, ĐCSTQ không hề đưa ra quyết định xuất binh đến Triều Tiên, cũng không lập dự toán ngân sách tài chính quốc gia, làm sao Trương Đông Tôn có thể “bán” hai “bí mật quốc gia cốt lõi” không hề tồn tại này?

Điểm nghi vấn thứ hai, Vương Chính Bá, người đã khai ra Trương Đông Tôn rốt cuộc là ai? Là gián điệp Mỹ, gián điệp Liên Xô hay gián điệp của ĐCSTQ? Thậm chí cho đến nay không hề có bằng chứng xác tạc nào được nhìn thấy. Kết cục cuối cùng của ông ta là gì? Cũng không hề có tư liệu chính xác. Liệu có phải ông ta bị xử tử bí mật? Ngoại giới cũng không hề hay biết.

Điểm nghi vấn thứ ba, Lương Sấu Minh trong “Đời tôi có ước nguyện vô tận” đã hồi ức lại, bản thân ông đã từng hướng Mao Trạch Đông hỏi ý kiến nên xử lý Trương Đông Tôn thế nào. “Thật bất ngờ, (Mao) chủ tịch đối với việc này không thấy tức giận, mà trả lời tôi rằng: Việc này Bành Chân sẽ báo cáo chi tiết cho tôi. Bành Chân muốn bắt anh ta, tôi nói không nên. Loại tú tài văn nhân này không thể tạo phản được.”

Phản quốc là một đại tội, có thể bị xử tử hình. Chuyện lớn như vậy, tại sao Mao Trạch Đông lại “không thấy tức giận”?

Hơn nữa, sau khi Trương Đông Tôn bị nhận định là “tội phản quốc”, ĐCSTQ chỉ triệt tiêu chức vụ của ông trong chính quyền trung ương, vẫn cho phép ông làm giáo sư trên danh nghĩa tại Đại học Yến Kinh. Chẳng phải điều này quá không phù hợp với tác phong hành sự của ĐCSTQ sao?

Người duy nhất không bỏ phiếu cho Mao Trạch Đông?

Về việc phát sinh “vụ án phản quốc” này, một quan điểm cho rằng nó có liên quan đến việc Trương Đông Tôn không bỏ phiếu cho Mao Trạch Đông.

Vào tháng 9 năm 1949, Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Chính hiệp Toàn quốc ĐCSTQ bầu cử chủ tịch chính phủ trung ương, có 576 đại biểu bỏ phiếu, Mao Trạch Đông đã giành được 575 phiếu. Mọi người đều cho rằng Mao khiêm tốn nên không bỏ phiếu cho chính mình nên bị mất một phiếu. Nhưng tình huống thực tế là Mao đã bỏ phiếu cho chính mình.

(Mao Trạch Đông – Ảnh: Flickr)

Vậy ai đã không bỏ lá phiếu đó? Theo khảo sát của phóng viên Đái Tình, có người cho rằng đó là Trương Đông Tôn, và ông đã bị Mao Trạch Đông tra ra.

Trước đó, Trương Đông Tôn có sự chia rẽ với Mao Trạch Đông. Trương chủ trương không nghiêng về bên nào giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô, mà đi theo con đường trung gian, trong khi Mao chủ trương “nghiêng về một bên” với Liên Xô. Vào tháng 1 năm 1949, khi Trương Đông Tôn hội kiến Mao Trạch Đông ở Tây Bách Pha, Mao đã phê bình đề xuất đi theo con đường trung gian. Sau khi trở về nhà, Trương nói với gia đình rằng ông không tán thành đối với Mao.

Vì vậy, với tư cách là một phần tử trí thức phái tự do, việc Trương Đông Tôn không bỏ phiếu cho Mao Trạch Đông, về tình và lý đã tạo tiền đề cho “vụ án phản quốc” phát sinh sau này.

Tuy nhiên, Dương Khuê Tùng, giáo sư lịch sử tại Đại học Sư phạm Hoa Đông giữ thái độ e ngại về khả năng “không bỏ phiếu”. Ông cho rằng thuyết pháp này dựa trên ký ức của một số nhân sĩ có liên quan nhiều năm sau, hoặc hồi ức gián tiếp, trong đó chứa đựng những suy đoán cá nhân nên thiếu trọng lượng.

Dương Khuê Tùng nói rằng ông không có đủ bằng chứng để giải khai vụ án lịch sử này. Trong một thời gian dài, các nhà chức trách đã không tiết lộ bất kỳ “bằng chứng tội phạm” nào về mối liên hệ bất chính giữa Trương Đông Tôn với Mỹ, vì vậy mà có nhiều tranh luận trong giới học thuật, và tất cả các bên chỉ có thể thông qua nhiều mảnh ghép lịch sử, tư liệu và hồi ký để ghép lại thành một bức tranh không hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, giới quan chức không công khai “chứng cứ phạm tội”, điều này phải chăng thuyết minh rằng đây lại là một vụ án oan sai khác?

Ba thế hệ bị liên lụy

Hãy tiếp tục nói về những gì đã xảy ra với Trương Đông Tôn. Mặc dù vào năm 1951, ĐCSTQ đối với ông đã không thẳng tay hạ thủ vì sự việc này, nhưng trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”, ĐCSTQ tính sổ nợ cũ nợ mới, Trương Đông Tôn không thoát được kiếp nạn.

Tháng 1 năm 1968, ở tuổi 82, ông bất ngờ bị bắt vì tội “phản quốc” và bị giam trong nhà tù Tần Thành. Tháng 6 năm 1973, ông chết trong ngục.

Người nhà Trương Đông Tôn đều gặp đại nạn.

Vợ ông, Lưu Chuyết Như, đầu tiên bị phê đấu ở đơn vị, sau đó bị “lôi ngược” đến Cục Công an Hải Điến, nơi bà bị giam gần một năm.

Con trai cả của Trương Đông Tôn, Trương Tông Bỉnh, là tiến sĩ của Đại học Cornell và là giáo sư sinh học tại Đại học Bắc Kinh. Ông bị bắt cùng lúc với cha mình, cả hai đều bị giam trong nhà tù Tần Thành. Sau đó ông được trả tự do vào năm 1975 sau bảy năm giam giữ bí mật. Khi xuất ngục, tinh thần ông đã trở nên thất thường.

Con trai thứ hai của Trương Đông Tôn, Trương Tông Toại, là tiến sĩ của Đại học Cambridge Anh quốc, nhà nghiên cứu và thành viên của Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, Trương Đông Toại bị lục soát nhà cửa, bị phê đấu, diễu phố thị chúng, cả thân và tâm đều bị đả kích cực đại. Năm 1969, Trương Đông Toại tan nát cõi lòng, đã tự sát bằng cách uống thuốc ngủ quá liều.

Con trai thứ ba của Trương Đông Tôn, Trương Đông Quýnh, tốt nghiệp Khoa Xã hội học của Đại học Liên Tây Nam, sau đó vào Cao học của Đại học Yến Kinh, nơi ông trở thành môn sinh đắc ý của Phí Hiếu Thông. Trong “Cách mạng Văn hóa”, ông nhiều lần bị phê đấu và bị lăng nhục, năm 1966, ông và vợ Lã Nãi Phác cùng nhau tự sát.

Trương Hạc Từ, cháu trai của Trương Đông Tôn, con trai của Trương Tông Bỉnh, là sinh viên của Đại học Sư phạm Bắc Kinh năm 1963. Ông thành lập một hiệp hội với một số bạn học cấp hai để làm thơ và thảo luận về chính trị, bị kết án “lao động cải tạo” trong 3 năm. Vừa mãn hạn thì lại đến “Cách mạng Văn hóa”, ông bị chụp mũ “phản cách mạng” và phải tiếp tục cải tạo trong trại lao động, tổng cộng 16 năm.

Trương Hựu Từ, cháu trai của Trương Đông Tôn và là con trai của Trương Tông Quýnh, làm công nhân ở Thiên Tân trong Cách mạng Văn hóa. Sau khi cha mẹ tự sát, ông bị kết án 15 năm tù vì cái gọi là “tội hành phản cách mạng” chẳng hạn như “âm mưu trả thù cho cha mẹ”, bị cầm tù 15 năm. Đến năm 1978 khi được “bình phản”, ông đã bị cầm tù hơn 10 năm.

Tại sao toàn gia đình của Trương Đông Tôn lại bị bức hại đến mức như vậy?

Nếu việc ông không bỏ phiếu cho Mao Trạch Đông là đúng sự thực, thì việc ông tiếp tục bị trả thù chính trị trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” là hoàn toàn có khả năng.

Một nguyên do khác là Trương Đông Tôn nhận thức rất thanh tỉnh về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Mác.

Vào ngày 29 tháng 2 năm 1952, Đại học Yến Kinh tổ chức một đại hội giáo viên, sinh viên và nhân viên để phê đấu Trương Đông Tôn, giáo sư Tiễn Bá Tán của Khoa Lịch sử khi đó đã có một bài phát biểu sắc bén, liệt kê nhiều “bằng chứng phạm tội” cũ của Trương Đông Tôn.

Chương Di Hòa trong “Nỗi đau bất thường trong trái tim” đã đề cập rằng Tiễn Bá Tán đã buộc tội Trương Đông Tôn “nhất quán phản Xô, phản Cộng, phản nhân dân”. Ông ta dẫn chứng: Trương Đông Tôn đã viết trong cuốn “Triết học đạo đức” xuất bản năm 1931 rằng: “Chủ nghĩa tư bản sẽ không diệt vong, chủ nghĩa cộng sản là không thể thực hiện được. Nếu thực hiện thì những người lao động sẽ chết đói”, lại viết: “Liệt kê chủ nghĩa Mác như một lý thuyết là một nỗi ô nhục của nhân loại, là một vết nhơ lớn trong lịch sử tư tưởng.” 

Tiễn Bá Tán cũng chỉ ra trong cuốn sách “Luận chiến về phép biện chứng duy vật” xuất bản năm 1934, Trương Đông Tôn đã viết: “Nỗ lực của những người theo chủ nghĩa Mác không những không thành công, mà kết quả sẽ chỉ là thứ vừa phi khoa học vừa phi triết học.”

Trong cuốn sách “Tư tưởng và xã hội” xuất bản năm 1946, Trương Đông Tôn nói: “Chế độ chuyên chính của giai cấp vô sản là không dân chủ, kết quả nhất định sẽ biến thành chuyên chính của một thiểu số người, và đó chắc chắn không phải là chế độ chuyên chính của giai cấp vô sản.”

Làm sao ĐCSTQ có thể chịu đựng được những nhận thức thanh tỉnh này?

Tất nhiên, việc ĐCSTQ trừng phạt phần tử trí thức giai cấp tư sản là điều tất nhiên, Mao Trạch Đông cũng đã có ý tưởng này từ lâu.

Năm 1926, Mao xuất bản “Phân tích các giai cấp trong xã hội Trung Quốc”, chia người Trung Quốc thành 5 giai cấp: đại tư sản, trung tư sản, tiểu tư sản, bán vô sản và vô sản, trong đó giai cấp “đại tư sản” là chỉ giai cấp tư sản, địa chủ lớn, quan lại, quân phiệt và trí thức phái phản động.

Trong đó, “giai cấp trí thức phái phản động” được coi là trọng điểm, bao gồm “đại bộ phận du học sinh Đông Tây, đại bộ phận giáo sư và sinh viên các trường đại học, trường chuyên” v.v., là thuộc về thành phần “phản cách mạng cực đoan”.

Sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền vào năm 1949, hàng chục chiến dịch chính trị đẫm máu và tàn bạo đã được phát động, và hầu như mọi chiến dịch đều bao hàm “phần tử trí thức giai cấp tư sản”. Gia đình Trương Đông Tôn có nền tảng học thuật vững chắc và nhiều kinh nghiệm du học, nên trong thời đại điên cuồng đó, họ đều trở thành những “phần tử trí thức phản động” phải bị “phê đảo phê xú”.

Mời quý vị xem video gốc tại đây.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch

Theo DKN.TV