Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (giữa) nói chuyện cùng với Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) tại một cuộc họp báo trong hội nghị thượng đỉnh AUKUS tại Căn cứ Hải quân Point Loma ở San Diego, California, hôm 13/03/2023. (Ảnh: Jim Watson/AFP qua Getty Images)
Tác giả Emel Akan và John Haughey
- Thứ ba, 14/03/2023
- Một lời cảnh báo đối với Trung Quốc
- Không đề cập về căn cứ Tây Úc
- Hoa Kỳ sẽ chia sẻ các bí mật
- Không đề cập đến khoáng sản trọng yếu
SAN DIEGO — Úc sẽ mua tới năm tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân trong thập niên tới vốn nằm trong một thỏa thuận rất được mong đợi đã được Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Úc Anthony Albanese, và Thủ tướng Anh Rishi Sunak chính thức công bố hôm 13/03 ở California.
Theo thỏa thuận này, Úc sẽ mua ba tàu ngầm tấn công lớp Virginia vào đầu những năm 2030, cùng với một tùy chọn mua thêm hai chiếc nữa — có thể là các tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles — như một phần của hiệp ước an ninh ba bên được gọi là AUKUS.
Các tàu ngầm này sẽ được bổ sung vào hạm đội sáu tàu ngầm cũ kỹ của Úc nhằm đối phó với thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi nước này đang xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo dọc theo các tuyến hàng hải và đường hàng không.
Ông Biden, ông Albanese, và ông Sunak đã chính thức xác nhận thỏa thuận này tại Căn cứ Hải quân Point Loma, một căn cứ tàu ngầm tấn công của Hải quân Hoa Kỳ ở San Diego, như một phần của dự án [tàu ngầm] AUKUS.
“Hoa Kỳ đã bảo vệ sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nhiều thập niên qua vì lợi ích to lớn của các quốc gia trong khu vực này,” TT Biden tuyên bố khi đứng trước tàu ngầm tấn công USS Missouri. “Một lần nữa chúng ta đang cho thấy các nền dân chủ có thể mang lại an ninh và thịnh vượng cho chính chúng ta như thế nào, không chỉ cho chúng ta mà còn cho toàn thế giới.”
“Hôm nay, một chương mới trong mối bang giao giữa quốc gia chúng tôi, Hoa Kỳ, và Vương quốc Anh bắt đầu,” ông Albanese nói, đồng thời lưu ý rằng chính phủ liên bang Úc sẽ chi từ 268 tỷ đến 368 tỷ USD cho đến năm 2055 cho chương trình này, vốn sẽ tạo ra 20,000 việc làm trực tiếp cho người Úc.
“Nền an ninh trong tương lai của chúng tôi sẽ được xây dựng và duy trì không chỉ bởi lòng dũng cảm và tính chuyên nghiệp của lực lượng quốc phòng của chúng tôi, mà còn bởi sự làm việc chăm chỉ và chuyên môn thành thạo của các nhà khoa học và kỹ sư, kỹ thuật viên và lập trình viên, thợ điện và thợ hàn của chúng tôi,” ông cho biết. “Đối với Úc, nỗ lực toàn quốc này cũng mang đến một cơ hội cho cả quốc gia.”
Một lời cảnh báo đối với Trung Quốc
Trong một tuyên bố chung, ba nhà lãnh đạo này đã đưa ra một lời cảnh báo cho Trung Quốc, đồng thời ca ngợi các tàu ngầm này là một biện pháp kiềm chế cần thiết đối với các hoạt động của chế độ này ở Biển Đông.
Tuyên bố trên đã gọi thỏa thuận này là “sáng kiến lớn đầu tiên của AUKUS,” vốn đã bắt đầu vào năm 2021 với mục tiêu trao đổi nhiều hơn về công nghệ hải quân và hợp tác giữa người Mỹ, Anh, và Úc.
Theo AUKUS, hải quân các nước này sẽ tham gia vào lực lượng tuần tra chung bằng tàu ngầm ở Biển Đông để chống lại sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Các đợt điều động luân phiên tàu ngầm tấn công của Hải quân Hoa Kỳ sẽ tăng từ một tàu ở Tây Úc lên bốn tàu vào năm 2030. Người Anh cũng sẽ điều động vĩnh viễn một tàu ngầm đến Tây Úc, nơi Hải quân Hoa Kỳ đã và đang tìm kiếm một căn cứ trong nhiều thập niên.
Theo tuyên bố chung, hiệp ước này cũng sẽ cung cấp một lớp tàu ngầm mới, được gọi là SSN-AUKUS, trong đó Vương quốc Anh sẽ sản xuất chiếc SSN-AUKUS đầu tiên cho Hải quân Hoàng gia vào những năm 2030, và Úc sẽ cung cấp chiếc tàu ngầm được chế tạo tại Úc cho Hải quân nước này vào đầu những năm 2040.
Ông Sunak đã mô tả SSN-AUKUS là “một trong những tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tiên tiến nhất mà thế giới từng biết.” Ông cho biết AUKUS sẽ “không thể diễn ra nếu không có công nghệ và trình độ chuyên môn tiên tiến của Hoa Kỳ” và thiết kế “hàng đầu thế giới” của Anh.
Thủ tướng Anh cho biết: “Lần đầu tiên, điều đó có nghĩa là cả ba hạm đội tàu ngầm đều cùng hoạt động trên cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, giữ cho các đại dương của chúng ta tự do, cởi mở, và thịnh vượng trong nhiều thập niên tới.”
Không đề cập về căn cứ Tây Úc
Ba nhà lãnh đạo này không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy liệu một căn cứ tàu ngầm AUKUS chung — được đồn đại từ lâu ở gần hoặc trên đảo Dirk Hartog—có phải sẽ là một phần của “giai đoạn thứ hai của AUKUS,” trong đó sẽ bao gồm sự hợp tác về vũ khí siêu thanh và các loại vũ khí được khai triển nhanh chóng khác hay không.
“Kế hoạch này được thiết kế để trợ giúp Úc phát triển cơ sở hạ tầng, khả năng kỹ thuật, công nghiệp, và nguồn nhân lực cần thiết để sản xuất, bảo trì, vận hành, và quản lý một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị vũ khí thông thường,” tuyên bố chung cho biết. “Úc hoàn toàn cam kết quản lý có trách nhiệm công nghệ đẩy hạt nhân của hải quân.”
Thương vụ này đã gây ra xích mích giữa các đồng minh phương Tây khi Úc hủy bỏ hợp đồng trị giá 66 tỷ USD với các nhà chế tạo Pháp về việc đóng 12 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel vào năm 2020.
Thỏa thuận mới được đưa ra sau cuộc nghiên cứu kéo dài 18 tháng của hải quân Úc nhằm xác nhận việc bảo đảm một hợp đồng với nhà sản xuất lớp Virginia General Dynamics Corp. cho tối đa năm tàu là lựa chọn tốt nhất của quốc gia này.
Hoa Kỳ sẽ chia sẻ các bí mật
Dự án tàu ngầm AUKUS rất quan trọng vì Hải quân Hoa Kỳ đã không chia sẻ các công nghệ đẩy hạt nhân kể từ khi hợp tác với Anh vào những năm 1950.
Nhưng phần thưởng của sự hợp tác này còn lớn hơn cả nguy cơ chia sẻ các bí mật, ba nhà lãnh đạo này cho biết.
Việc thực hiện AUKUS sẽ “đòi hỏi sự hợp tác về công nghệ và chia sẻ thông tin mới, thẳng thắn,” tuyên bố chung cho biết. “Các quốc gia của chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác ba bên nhằm củng cố khả năng chung của chúng tôi, tăng cường chia sẻ thông tin và công nghệ, tích hợp các cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng của chúng tôi đồng thời củng cố chế độ an ninh của mỗi quốc gia.”
Thỏa thuận này cũng sẽ đưa Úc trở thành quốc gia đầu tiên bên ngoài “Câu lạc bộ năm nước” (“Club of Five”) — Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh, và Pháp — đưa một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ra biển.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã nhấn mạnh sự hợp tác và hội nhập giữa các nhà chế tạo và hải quân khi giới thiệu điều mà Ngũ Giác Đài gọi là “giai đoạn đầu tiên của ‘Con đường Tối ưu.’”
“Một trong những phần quan trọng nhất của mối liên kết đối tác này là tăng cường năng lực tàu ngầm của mỗi quốc gia chúng ta,” ông nói trong một tuyên bố. “Tôi mong muốn được làm việc với đội ngũ của mình và với các đối tác Úc và Anh để tiếp tục hướng tới tầm nhìn chung của chúng ta về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định, an toàn và một thế giới cởi mở của các quy tắc và quyền lợi.”
Không đề cập đến khoáng sản trọng yếu
Trước khi TT Biden đến căn cứ tàu ngầm Point Loma, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã tiết lộ nhiều khía cạnh khác nhau của thỏa thuận này, đồng thời lưu ý rằng hạm đội sáu tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel lớp Collins của Úc về căn bản đã lỗi thời trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và đang chế tạo tàu ngầm với một tốc độ chóng mặt.
Hôm 11/03, ông Albanese nói với các phóng viên khi đến thăm Ấn Độ rằng thỏa thuận SSN-AUKUS là khoản đầu tư quốc phòng lớn nhất trong lịch sử của quốc gia này, đồng thời người lao động ở Nam Úc và Tây Úc sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận này, nói rằng đó là “về việc làm, bao gồm cả việc làm trong sản xuất.
Ông Sunak đã nói với các phóng viên ở Anh, trước khi khởi hành đến Hoa Kỳ, rằng AUKUS đang “ràng buộc mối liên hệ với các đồng minh thân cận nhất của chúng tôi, cũng như mang lại an ninh, công nghệ mới, và lợi thế kinh tế tại quê nhà.”
Mặc dù các nhà lãnh đạo đã không đề cập đến việc AUKUS sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc trao đổi khoáng sản chiến lược và trọng yếu giữa ba quốc gia này, nhưng Úc hiện đang sản xuất một nửa lượng lithium của thế giới, là thành phần chính trong pin xe điện (EV).
Úc đang xuất cảng phần lớn lithium của mình sang Trung Quốc, nơi sản xuất hơn 80% pin EV của thế giới và đang duy trì một vị trí thống trị “từ khâu khai thác mỏ cho đến thị trường.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times