Những điều cần biết về “Cách ly”, “Cô lập” trong đại dịch Covid-19 (Quarantine – Isolation) – BS Đỗ Văn Hội

Share this post on:

(Quarantine – Isolation)

BS Đỗ Văn Hội

Tóm lược theo CDC (Cập nhật ngày 30 tháng 8 năm 2021)

(Xem tóm lược ở cuối bài)

Lời nói đầu: Bệnh dịch Covid-19 (coronavirus 2019) phát xuất từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, là một bệnh rất dễ lây từ người này sang người khác qua các vật li ti bay trong không khí do bệnh nhân ho hoặc hắt xì làm văng ra, hoặc qua sự tiếp xúc với những nơi thường đụng tới như mặt bàn, núm cửa, bàn ghế, tủ…

Đa số bệnh đều nhẹ và tự khỏi. Một số người lớn tuổi, hoặc mắc một số bệnh kinh niên, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh nặng cần phải được điều trị trong bệnh viện.

Hiện nay có loại biến thể siêu vi Delta, rất dễ lây và gia tăng số bệnh nhân nặng.

Cách hay nhất để tránh bệnh là chích ngừa, giữ gìn vệ sinh căn bản và theo những lời khuyên dưới đây: rửa tay thường xuyên, tay dơ không sờ vào mặt, ho đúng cách (ho vào khuỷu tay hoặc khan giấy), tránh tiếp xúc gần người bệnh, áp dụng giãn cách xã hội (6 feet tức 2 mét), đeo khẩu trang nơi đông người… Khi tiếp xúc gần với bệnh nhân, hoặc nghi mắc bệnh, hoặc đã mắc bệnh, nên tránh làm lây cho người người khác bằng áp dụng phương pháp CÁCH LY hoặc CÔ LẬP (trình bày trong bài này). Chích ngừa đầy đủ (nếu có thể) tránh mắc bệnh, hoặc nếu có mắc cũng chỉ bị nhẹ và không nguy hiểm đến tính mạng.

GHI CHÚ VỀ TỰ XÉT NGHIỆM: Hiện nay có loại tự xét nghiệm không cần toa có bán tại các nhà thuốc tây, tên thương mại: BinaxNOW Ag. Mỗi hộp có 2 tests, kết quả trong vòng 15 phút, có thể tự làm dễ dàng.

Chúng tôi xin trình bày những điều cần biết về sự CÁCH LY và CÔ LẬP để làm giảm lây truyền bệnh trong xã hội.

Cách ly (quarantine) = là ở tại nhà, dành cho những người đã tiếp xúc với virus hoặc với bệnh nhân covid-19, nhưng không có triệu chứng.

Cô lập (isolation) = tách rời người nhiễm covid-19 ra khỏi những người lành để tránh lây bệnh.

CÁCH LY (Quarantine)

Cách ly có nghĩa là ở tại nhà, mục đích làm giảm sự lây truyền bệnh.

Ai cần cách ly?

  • Những người đã ở gần bệnh nhân mắc bệnh trong vòng 6 feet từ 15 phút trở lên (hoặc hơn 24-giờ) và chưa được chích ngừa đầy đủ.
  • Người nuôi bệnh hoặc gặp bệnh nhân hàng ngày.
  • Những người sau đây không cần cách ly:
    • Những người đã chủng ngừa đầy đủ và không có triệu chứng. Tuy nhiên những người này nên được xét nghiệm trong vòng 3-5 ngày. Nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng (ở trong nhà – indoor) trong 14 ngày hoặc cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Nếu dương tính là đã mắc bệnh cần áp dụng ở phần sau.
    • Người đã mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng trước, nay đã khỏi và không còn các triệu chứng (ví dụ như ho hay hụt hơi).

Cần làm gì khi cách ly

  • Ở tại nhà trong 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh COVID-19.
  • Theo dõi các triệu chứng: đo nhiệt độ tối thiểu ngày 2 lần (100.4◦F), ho, hụt hơi (khó thở), hoặc các triệu chứng khác của COVID-19
  • Giữ khoảng cách (nếu có thể) với người sống chung, đặc biệt là những người có nguy cơ cao bị bệnh nặng vì COVID-19 (có những bệnh sẵn như cao máu, tiểu đường, bệnh thận, ung thư…).
  • Ăn uống, sinh hoạt bình thường, nghỉ ngơi, ngủ đầy đủ.

Thời gian cách ly

  • 14 ngày kể từ khi tiếp cận với bệnh nhân covid-19.
  • Nếu có triệu chứng thì tiếp tục cách ly, lập tức liên lạc với cơ quan y tế công cộng địa phương hoặc bác sĩ của mình. Nên xét nghiệm (tự làm).

Rút ngắn thời gian cách ly

Cơ quan quản lý y tế công cộng địa phương sẽ có quyết định về thời hạn cách ly dựa trên điều kiện và nhu cầu tại địa phương. Hãy tuân thủ khuyến cáo của cơ quan y tế công cộng nếu cần phải cách ly. Những lựa chọn để chấm dứt cách ly như sau:

  • Sau 10 ngày (nếu không có xét nghiệm) và không có triệu chứng.
  • Sau 7 ngày nếu xét nghiệm âm tính (xét nghiệm phải làm vào ngày thứ 5 trở về sau)

CÔ LẬP (Isolation)

Cô lập là tách rời người bị nhiễm COVID-19 khỏi những người khác để tránh lây cho họ. Cô lập giúp giảm lây truyền bệnh. Có thể tự cô lập tại nhà, hoặc tại một trung tâm…

Ai cần cô lập

  • Người có triệu chứng: Sốt cao và đau nhức, uể oải… Nếu khó thở cần phải đi cấp cứu.
  • Người có xét nghiệm dương tính dù có triệu chứng hay không
  • Không cần cô lập: Người đã được tiêm chủng đầy đủ và không có các triệu chứng. Tuy nhiên, những người này nên xét nghiệm từ 3 – 5 ngày sau bị nhiễm dù không có triệu chứng. Nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Điều cần làm

  • Theo dõi các triệu chứng thường xuyên. Nếu có dấu hiệu cần cấp cứu (khó thở), hãy đến ngay bệnh viện hay cơ sở cấp cứu.
  • Ở trong phòng riêng, cách biệt với những người khác trong nhà, nếu có thể.
  • Dùng phòng vệ sinh riêng, nếu có thể.
  • Tránh tiếp xúc với những người khác ở trong nhà và thú nuôi.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân như tách, ly, khăn, các đồ dùng ăn uống…
  • Đeo khẩu trang khi cần phải gần người khác nếu có thể.
  • Nghỉ ngơi, ngủ đầy đủ, uống nhiều nước, sinh tố, acetaminophen chống đau…

[Tìm hiểu điều cần làm khi mắc bệnh và thông báo cho những người từng tiếp xúc với mình (bấm vào đây)]

Thời gian cô lập

  • 10 ngày kể từ khi có các triệu chứng lần đầu tiên và
  • Không còn sốt (không dùng thuốc hạ sốt) trong 24 giờ 
  • Không còn các triệu chứng của COVID-19, hoặc triệu chứng đang cải thiện*
  • Phần lớn không cần phải xét nghiệm, ngoại trừ văn phòng y tế khuyên nên làm.

Lưu ý: những hướng dẫn này không áp dụng với người bị bệnh COVID-19 nặng hoặc có hệ miễn dịch suy yếu (suy giảm miễn dịch).

Dành cho Chuyên Viên Y Tế

Nếu quý vị là chuyên viên y tế, quý vị nên thực hiện theo các khuyến cáo liệt kê ở trên để biết khi nào có thể trở lại nơi làm việc.  Thời gian này tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.  Để biết thêm thời gian quý vị có thể quay trở lại làm việc, hãy xem hướng dẫn sau:

Tiêu Chuẩn để Trở Lại Làm Việc dành cho Nhân Viên Y Tế bị Nhiễm SARS-CoV-2 (Hướng Dẫn Tạm Thời)


TÓM LƯỢC

CÁCH LY:

  1. Ở tại nhà,
  2. Dành cho những ai đã tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19
  3. Cách ly trong 14 ngày
  4. Theo dõi nhiệt độ hai lần một ngày
  5. Tránh gần những người khác, đặc biệt tránh xa những người có các bệnh nền sẵn (huyết áp cao, thận, miễn nhiễm kém, tiểu đường, ung thư…

CÔ LẬP:

  1. Ở tại nhà, hoặc trung tâm cô lập. Tách biệt khỏi những người khác,
  2. Dành cho người mắc bệnh covid-19 (dương tính hoặc có triệu chứng rõ rệt)
  3. Tránh gặp những người khác
  4. Đặc biệt không gần những người có bệnh nền sẵn (như trên)

TÓM LƯỢC CHO QUÝ VỊ MẮC BỆNH COVID-9 VÀ CÓ TRIỆU CHỨNG:

  1. Ở tại nhà – Theo dõi triệu chứng. Nếu nặng, đi cấp cứu.
  2. Tránh gần những người khác, đặc biệt những người có bệnh sẵn
  3. Ở trong phòng riêng, làm vệ sinh phòng của mình
  4. Dùng phòng vệ sinh riêng, làm sạch phòng vệ sinh (nếu có thể)
  5. Ở nhà cho đến khi cảm thấy khá hơn
  6. Ở nhà tối thiểu 10 ngày, và không còn sốt trong 24 giờ
  7. Báo cho những người đã tiếp xúc gần với mình để họ có biện pháp

BS Đỗ Văn Hội (hoivando@gmail.com)

(Xin xem tiếp: Cần làm gì để tránh lây truyền nếu mắc bệnh Covid-19)

Xem CDC tiếng Việt:

https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/your-health/quarantine-isolation.html