Võ Thái Hà tổng hợp
Nga đưa tàu chiến trang bị tên lửa siêu thanh vào trực chiến
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triển khai một tàu khu trục được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh tới Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương nhằm phô trương lực lượng quân sự khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Ngày 4/1, ông Putin tham gia một buổi lễ thông qua hội nghị truyền hình để đánh dấu việc hạ thủy tàu chiến Đô đốc Gorshkov. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và chỉ huy tàu khu trục Igor Krokhmal cũng tham gia sự kiện này.
“Con tàu được trang bị hệ thống tên lửa siêu thanh mới nhất – ‘Zircon’ – không có hệ thống nào tương tự,” ông Putin nhấn mạnh trước khi ra lệnh cho con tàu chính thức được đưa vào phục vụ chiến đấu.
“Tôi muốn gửi lời chúc thủy thủ đoàn… thành công trong việc phục vụ lợi ích của Tổ quốc,” ông nói thêm.
Theo thông số ban đầu, tên lửa Zircon có tầm bắn trên 1.000km. Tốc độ Mach 8 của Zircon là một lợi thế bởi tàu đối phương có thể bị tấn công trước khi kịp phát hiện ra tên lửa này.
Bộ trưởng Shoigu cho hay, tàu khu trục này sẽ đi đến Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.
Ông nói thêm, con tàu có khả năng thực hiện “các cuộc tấn công chính xác và mạnh mẽ nhằm vào kẻ thù trên biển và trên đất liền”; trong khi các tên lửa siêu thanh trên tàu có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào và có tầm bắn hơn 1.000 km.
Trước đó, Nga đã phóng thử tên lửa Zircon từ tàu chiến và tàu ngầm hồi năm ngoái, trong bối cảnh cuộc chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh nóng lên với Mỹ và Trung Quốc.
“Trọng tâm chính của nhiệm vụ sẽ là chống lại các mối đe dọa đối với Nga và hỗ trợ hòa bình và ổn định khu vực cùng với các nước thân thiện,” ông Shoigu lưu ý.
“Trong các cuộc tập trận, thủy thủ đoàn sẽ được huấn luyện triển khai vũ khí siêu thanh và tên lửa hành trình tầm xa,” ông tiếp tục.
Các cuộc thử nghiệm đã diễn ra bất chấp việc Moscow đang phải chịu tổn thất nặng nề về người và thiết bị trong cuộc xâm lược Ukraine kéo dài gần một năm qua.
Các nhà phân tích nhận định, đặc điểm chính của vũ khí siêu thanh không phải là tốc độ – thứ đôi khi có thể bị các đầu đạn tên lửa đạn đạo truyền thống bắt kịp hoặc vượt qua – mà là khả năng cơ động của chúng.
Loại vũ khí này được coi là một biện pháp hữu hiệu để đạt được lợi thế trước bất kỳ đối thủ nào, bởi chúng có khả năng tránh được các lá chắn tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm.
Minh Ngọc (Theo Al Jazeera)
Đài Loan lên kế hoạch phát gần 200 USD cho người dân trong dịp Tết 2023
Ông Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang), người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan, cho biết rằng chính quyền đang có kế hoạch phát 195 USD cho mỗi người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2023, theo hãng tin Reuters.
“Thành quả kinh tế năm nay sẽ được chia sẻ cho mọi công dân, từ trẻ đến già”, ông Tô Trinh Xương, người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan, cho biết. “Chúng tôi muốn chúc phúc cho tất cả mọi người trong dịp Tết Nguyên đán”.
Ông Tô cho hay rằng tổng cộng 140 tỷ Đài tệ (hơn 4,5 tỷ USD), một phần từ nguồn thu thuế, dự kiến được phân phát dưới dạng tiền mặt cho người dân. Mỗi người Đài Loan sẽ được nhận 6.000 Đài tệ (tương đương với 195 USD). Kế hoạch này nhiều khả năng sẽ được cơ quan lập pháp Đài Loan thông qua.
Nền kinh tế Đài Loan (vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, đã tăng trưởng 6,45% trong năm 2021) đạt tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Đài Loan được xem là “cái nôi” của các sản phẩm công nghệ toàn cầu, trong đó có chip bán dẫn.
Kinh tế Đài Loan tăng trưởng ổn định trong đại dịch COVID-19 nhờ nhu cầu chip cho các thiết bị điện tử tiêu dùng tăng cao, do xu hướng làm việc tại nhà do giãn cách. Chính quyền cũng lên kế hoạch trích thêm 380 tỷ Đài tệ (12,4 tỷ USD) tiền thuế từ năm 2022 nhằm bảo vệ hòn đảo khỏi các cú sốc kinh tế toàn cầu, trong đó có trợ cấp giá điện, bảo hiểm lao động và y tế.
Dự kiến, tăng trưởng kinh tế Đài Loan sẽ chậm lại trong năm 2022 và 2023. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Đài Loan đã hạ ước tính tăng trưởng GDP trong năm 2022 xuống còn 2,91% so với 3,51% hồi tháng 9. Trong khi đó, năm 2023, Ngân hàng Trung ương đã dự báo GDP của nước này tăng trưởng 2,53%.
Phan Anh
Chính phủ mới nhậm chức của Israel vướng vào căng thẳng tôn giáo
Chuyến thăm của bộ trưởng an ninh quốc gia Israel tới một trong những địa điểm tôn giáo gây tranh cãi nhất thế giới đã cho thấy xu hướng cực đoan của chính phủ mới của Binyamin Netanyahu. Hôm thứ Ba, Itamar Ben-Gvir, lãnh đạo một đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong liên minh của ông Netanyahu, đã đến thăm Núi Đền ở Jerusalem, ngay gần nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa, bất chấp cảnh báo về biểu tình bạo lực. Dù cho đến nay chưa có biểu tình, nhưng chuyến thăm của ông, vốn bị các nước Ả Rập lên án, đã khiến chuyến đi của ông Netanyahu tới UAE vào tuần tới phải hoãn lại.
Ông Ben-Gvir có quyền kiểm soát cảnh sát và lực lượng “vệ binh quốc gia” bán quân sự mới, trong khi các bộ trưởng cực hữu khác có kế hoạch mở rộng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây. Điều này có nguy cơ làm leo thang căng thẳng Israel-Palestine. Ông Netanyahu, người vốn đang bị xét xử vì tội tham nhũng, giờ đây cảm thấy phải hàm ơn các đối tác cực đoan của mình và khó kiềm chế họ.
Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa trong năm 2023
Triều Tiên chào năm mới bằng một vụ thử nghiệm “hệ thống tên lửa nhiều ống phóng siêu lớn.” Nhà độc tài Kim Jong Un khoe rằng nó có thể bắn đầu đạn hạt nhân đến bất cứ nơi nào trên bán đảo Triều Tiên. Ông cũng kêu gọi “tăng theo cấp số nhân” kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Điều này cho thấy Triều Tiên muốn 2023 cũng như năm trước: thử nghiệm vũ khí mới và mài giũa khả năng sử dụng chúng. Hàn Quốc và Mỹ nhiều khả năng sẽ không thay đổi chiến lược phản ứng – đưa ra những lời đe dọa nghiêm khắc và phô trương lực lượng tương xứng. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeul nói nước ông nên xem xét đình chỉ thỏa thuận hạn chế tập trận quân sự ký 5 năm trước với Triều Tiên. Bảy mươi năm sau hiệp định đình chiến năm 1953, bán đảo Triều Tiên vẫn là một trong những nơi bất ổn nhất trên Trái đất.
Khai mạc triển lãm điện tử tiêu dùng CES
Triển lãm Điện tử Tiêu dùng sẽ khai mạc tại Las Vegas vào thứ Năm. Khoảng 100.000 người từ hơn 170 quốc gia sẽ được trải nghiệm các thiết bị mới nhất từ hơn 3.000 công ty. Bên cạnh các buổi ra mắt thông thường của các sản phẩm công nghệ tiêu dùng, sự kiện này cũng sẽ chứng kiến các nhà sản xuất ô tô trình diễn những tính năng mới đầy hào nhoáng. GM và Mercedes-Benz đã công bố những cải tiến đối với xe điện vào năm ngoái. Năm nay, một trong những tâm điểm sẽ là cuộc đua quanh Đường đua Tốc độ Las Vegas của các xe điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo.
Nhưng chương trình diễn ra đúng vào thời điểm khó khăn của ngành công nghệ. Giá cổ phiếu giảm mạnh trong năm 2022, với chỉ số công nghệ Nasdaq giảm khoảng một phần tư. Các công ty từ Amazon cho đến Zillow đều phải sa thải nhân viên. Và năm 2023 mang lại ít hy vọng phục hồi: các nhà phân tích dự báo 40 trong số 100 công ty công nghệ lớn nhất thế giới sẽ bị giảm doanh thu. Rõ ràng đây không phải là không khí phù hợp cho một bữa tiệc, cho dù là ở Vegas.
Belarus: Xuất hiện video kêu gọi nam giới đến “kiểm tra dữ liệu” tại văn phòng nhập ngũ
Đoạn video về một thông báo điện tử tại một bến xe buýt ở Belarus kêu gọi nam giới trong độ tuổi nhập ngũ đến trung tâm nhập ngũ đã dẫn đến suy đoán về việc liệu việc huy động [quân sự] có thể diễn ra ở quốc gia có nhà lãnh đạo là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không.
Lời kêu gọi xuất hiện trên bảng hiệu kỹ thuật số treo trên ban công tầng một của phòng chờ tại trung tâm giao thông ở thành phố Barysau (Barysaw), nằm ở vùng Minsk, cách thủ đô khoảng 45 dặm về phía đông bắc.
Thông báo kỹ thuật số bằng tiếng Nga chạy trên màn hình có nội dung: “Tất cả công dân nam từ 18 đến 60 tuổi phải đến văn phòng nhập ngũ hoặc ủy ban điều hành khu vực để xác minh dữ liệu.”
Đoạn clip, tính đến chiều thứ Tư đã nhận được hơn 157.000 lượt xem, được đăng trên Twitter bởi Hanna Liubakova, một nhà báo từ Minsk và là thành viên không thường trú tại nhóm chuyên gia cố vấn của Hội đồng Đại Tây Dương. Cô đã viết bình luận: “Cái quái gì vậy?”
Belarus đã được sử dụng làm bàn đạp cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga mặc dù cho đến nay ông Lukashenko đã phủ nhận sự tham gia trực tiếp của Belarus vào cuộc chiến.
Tuy nhiên, căng thẳng lại gia tăng vào tuần trước khi Belarus đổ lỗi cho Ukraine về vụ tên lửa đi lạc ở biên giới của họ, cho rằng vụ việc có thể là một hành động khiêu khích của lực lượng vũ trang Ukraine.
Bà Liubakova cho hay, mặc dù chính quyền Belarus thông báo rằng không có kế hoạch huy động quân, nhưng quá trình kiểm tra tư cách nhập ngũ ở nước này đã bắt đầu vào tháng 10 năm 2022. Điều này dẫn đến việc những người đàn ông Belarus bị triệu tập đến văn phòng đăng ký quân sự và nhập ngũ qua thư hoặc điện thoại, Newsweek đưa tin.
“Thông báo tại một trạm xe buýt là mới nhưng nó giống như một cách khác để lôi kéo mọi người đến các văn phòng nhập ngũ,” bà Liubakova nói.
Bộ Quốc phòng Belarus cho biết vào tháng 10 rằng việc kiểm tra hàng năm giấy chứng nhận của những người chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ được hoàn thành vào cuối năm nhưng sẽ không có sự kiện động viên nào được triển khai.
Bà Liubakova nói rằng vào tháng 12, “tuyên truyền và nhiều quảng cáo khác nhau xuất hiện với áp phích và video kêu gọi nam giới đến văn phòng nhập ngũ để kiểm tra”, điều này cho thấy quá trình này đã được kéo dài.
“Có thể hiểu đây là sự chuẩn bị tiềm năng cho việc huy động trong tương lai,” bà Liubakova, theo Newsweek, “Tuy nhiên, hiện tại không có dấu hiệu bắt đầu huy động thực sự ở Belarus, mặc dù chúng tôi không thể loại trừ một kịch bản như vậy.”
Bà Liubakova cũng cho biết có rất nhiều hoạt động tuyên truyền chống phương Tây ở Belarus, và chế độ này đang tìm cách đưa ra câu chuyện rằng quân đội NATO đang ở biên giới sẵn sàng xâm lược. “Đó là lý do tại sao chế độ đang kiểm tra dữ liệu của mọi người như họ tuyên bố,” bà nói.
Nhật Minh (theo Newsweek)
Mỹ đang trên đà trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới vào năm 2023
Một tàu chở dầu đang hoạt động trên biển (Ảnh: Atta Kenare/AFP/GettyImages)
Theo dữ liệu theo dõi tàu do tờ Bloomberg thu thập được, Hoa Kỳ đang trên đà vượt qua Qatar để trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới vào năm 2023. Hoa Kỳ và Qatar đều đã vận chuyển 81,2 triệu tấn LNG vào năm ngoái.
Năm 2022 chứng kiến cuộc cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn ở châu Âu trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ cho sưởi ấm và sản xuất điện của các quốc gia. Hoa Kỳ sở hữu nguồn cung khí đốt dồi dạo, bất chấp việc giá khí đốt trên toàn cầu tăng vọt, theo tờ Bloomberg.
Trên thực tế, nếu không xảy ra vụ nổ và hỏa hoạn vào giữa năm 2022 tại một nhà máy xuất khẩu khí đốt then chốt ở Freeport thuộc tiểu bang Texas, thì Hoa Kỳ đã sớm trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới. Sự kiện này đã làm gián đoạn khoảng 1/5 công suất xuất khẩu khí đốt của châu Âu, đồng thời làm gia tăng căng thẳng đối với nguồn cung khí đốt vốn đã mong manh của lục địa già này.
Theo Rystad Energy, một tổ chức phân tích ngành dầu khí hàng đầu thế giới, việc dự án Freeport LNG hoạt động hết công suất đã giúp cho xuất khẩu của Hoa Kỳ cán mốc 86 triệu tấn vào cuối năm 2022 và chính thức giúp Hoa Kỳ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Theo Rystad Energy, khi công suất của Freeport LNG được khôi phục hoàn toàn vào năm 2023, sản lượng LNG của Mỹ sẽ tăng 11%, vượt xa sản lượng hiện tại của các nhà sản xuất hàng đầu Qatar và Úc hàng triệu USD. Úc hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba trên thế giới.
Tuy nhiên, để Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu thị trường cho đến cuối thập kỷ này, các doanh nghiệp Mỹ cần bắt tay vào việc xây dựng các nhà máy xuất khẩu LNG mới, theo tờ Bloomberg.
Qatar có thể giành lại vị trí dẫn đầu sau khi kế hoạch mở rộng North Field bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2027, dự kiến sẽ nâng công suất hóa lỏng khí của đất nước này lên 126 triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, với xu hướng hiện tại, nếu các nhà cung cấp Hoa Kỳ có thể duy trì mức tăng nguồn cung thông qua vận hành các nhà máy mới, quốc gia này vẫn có thể duy trì vị thế dẫn đầu.
Nhu cầu toàn cầu về LNG tiếp tục tăng trưởng đều đặn, đạt mức cao kỷ lục hàng năm kể từ năm 2015. Các nền kinh tế châu Âu và thị trường châu Á mới nổi phụ thuộc rất nhiều vào LNG để phục vụ cho nhu cầu phát điện và sưởi ấm.
Hoa Kỳ mới bắt đầu xuất khẩu LNG vào năm 2016 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn thế giới, đánh dấu một bước nhảy vọt giúp quốc gia này trở thành cường quốc trên thị trường xuất khẩu khí đốt chỉ sau bảy năm.
Một tàu chở dầu Mỹ cập cảng Đức
Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên siêu lạnh thường xuyên đầu tiên của Hoa Kỳ đã cập cảng Đức vào ngày 3/1, đánh dấu một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm hỗ trợ Đức thay thế nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
Tàu chở dầu Maria Energy đã cập cảng Wilhelmshaven ở Biển Bắc hôm 3/1. Sau đó, các lô hàng LNG sẽ được chuyển đổi thành khí đốt tại một nhà ga nổi đặc biệt. Buổi khánh thành nhà ga này có sự tham dự của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Đức đã vật lộn để tìm một giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Cảng Wilhelmshaven là một trong nhiều nhà ga tương tự đang được Đức xây dựng để giúp nước này ngăn chặn tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Quốc gia Tây Âu này cũng tạm thời kích hoạt lại các nhà máy điện đốt than và dầu cũ, đồng thời kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này cho đến giữa tháng 4/2023.
Các nhà vận động môi trường cho biết, họ sẽ phản đối sự hiện diện của tàu chở dầu Mỹ. Họ cho rằng Đức không nên nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí đốt thu được từ quá trình thủy lực cắt phá (fracking).
Fracking là quá trình tạo ra các vết nứt trong đá và thành đá bằng cách bơm chất lỏng chuyên dụng vào các vết nứt để buộc chúng mở thêm. Các khe nứt lớn hơn cho phép nhiều dầu và khí chảy ra khỏi các thành tạo và vào giếng, từ đó chúng có thể được chiết xuất dễ dàng.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh
Tình báo Ukraina: Tàu quân sự Nga bị chặn
Những người phản đối chiến tranh đã ngăn chặn sự di chuyển của các đoàn tàu dân sự và quân đội trên đoạn đường sắt xuyên Siberia (Nguồn: UNN).
Truyền thông quốc gia Ukraina UNN cho biết, Tại Nga, vào đêm ngày 4 tháng 1 theo giờ địa phương, những người phản đối chiến tranh đã ngăn chặn sự di chuyển của các đoàn tàu dân sự và quân đội trên đoạn đường sắt xuyên Siberia. Đây được cho là trường hợp kháng cự thứ sáu vào năm 2023, theo trích dẫn thông tin từ Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine trên Telegram .
Thông báo của Tình báo Quốc phòng Ukraine viết: “Vào đêm ngày 4 tháng 1 tại Nga, những người phản đối một lần nữa ngăn chặn sự di chuyển của các đoàn tàu dân sự và quân đội trên đoạn Đường sắt xuyên Siberia ở vùng Krasnoyarsk. Trong năm mới 2023, đây ít nhất là trường hợp thứ sáu xuất hiện việc trì hoãn, ngăn chặn trên đường sắt ở các khu vực khác nhau của Nga, dẫn đến vi phạm lịch trình di chuyển của các cấp quân sự”.
Theo UNN, Cần lưu ý rằng vào năm 2022, khoảng 40 trường hợp như vậy đã được ghi nhận, cũng như các trường hợp phá hủy máy biến áp và đầu máy đường sắt. Tình báo Ukraine lưu ý rằng sự tăng cường đáng kể của “những người phản đối chiến tranh trên các tuyến đường sắt” ở Nga đã diễn ra sau khi chế độ Putin tuyên bố huy động một phần.
Hội An
Hàn Quốc đẩy mạnh phát triển ‘máy bay không người lái tàng hình’
“[Tổng thống Yoon] kêu gọi tăng tốc phát triển máy bay không người lái tàng hình trong năm nay và nhanh chóng thiết lập một hệ thống tiêu diệt máy bay không người lái,” thư ký báo chí Kim Eun-hye cho biết hôm 4/1.
Ông cũng ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng thành lập một đơn vị chuyên về máy bay không người lái toàn diện, chuyên thực hiện các nhiệm vụ đa năng, bao gồm giám sát, trinh sát và tác chiến điện tử; đồng thời xây dựng một hệ thống sản xuất hàng loạt máy bay không người lái cỡ nhỏ, khó bị phát hiện.
Quyết định mới này được đưa ra sau khi một số máy bay không người lái của Triều Tiên xâm nhập vào không phận Hàn Quốc vào tuần trước, khiến tổng thống phải khiển trách các quan chức quân đội Hàn Quốc khi không thể hạ gục chúng. Vụ việc đã thúc đẩy ông Yoon yêu cầu các quan chức quốc phòng phát triển “khả năng phản ứng áp đảo vượt quá mức tương xứng” – và đe dọa phá vỡ thỏa thuận quân sự năm 2018 với nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong Un.
Thỏa thuận năm 2018 được ký kết bên lề hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, kêu gọi chấm dứt “mọi hành động thù địch”.
Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Yoon nhấn mạnh, Bình Nhưỡng đã nhiều lần vi phạm thỏa thuận với các vụ phóng tên lửa và cảnh báo rằng ông có thể hủy bỏ nó. Sau khi nhậm chức, ông tuyên bố số phận của thỏa thuận phụ thuộc vào hành động của Triều Tiên.
“Trong cuộc họp, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chỉ thị cho Văn phòng An ninh Quốc gia xem xét đình chỉ hiệu lực của thỏa thuận quân sự quân sự ngày 19 tháng 9 nếu Triều Tiên thực hiện một hành động khiêu khích khác xâm chiếm lãnh thổ của chúng tôi,” thư ký Kim nói trong một cuộc họp ngắn.
Về cơ bản, Tổng thống Yoon có quan điểm cứng rắn hơn với Triều Tiên so với người tiền nhiệm theo chủ nghĩa tự do của mình là ông Moon Jae-in.
Ông Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Di sản, cựu phó giám đốc CIA phụ trách Hàn Quốc, nhận xét với Washington Examiner: “Tôi nghĩ ông ấy khá lo lắng khi quân đội Hàn Quốc không thể bắn hạ tất cả những [máy bay không người lái của Triều Tiên]… Sự việc này có thu hút quá nhiều sự chú ý của giới truyền thông, dường như đặt câu hỏi về khả năng quân sự của Hàn Quốc.”
Tuy nhiên, phản ứng của Yoon dường như cũng đã được dự đoán từ lâu, liên quan đến việc ông nhiều lần chỉ trích thỏa thuận năm 2018 và luôn mong muốn mở rộng lực lượng máy bay không người lái. Bộ trưởng Quốc phòng Lee nói với các nhà lập pháp Hàn Quốc hồi tháng 10: “Chúng tôi không mong muốn chỉ có một bên tuân thủ thỏa thuận, khi mà Triều Tiên không làm như vậy.”
Máy bay không người lái đã nổi lên như một “mặt hàng nóng” trên thị trường vũ khí quốc tế trong những năm gần đây, một xu hướng được thúc đẩy hơn nữa khi thế giới chứng kiến Ukraine sử dụng hiệu quả máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để tàn phá các điểm quân sự và đường tiếp tế của Nga trong cuộc chiến ở Kyiv.
Minh Ngọc (Theo Reuters, Washingtonexaminer)
WHO: Trung Quốc báo cáo thiếu nghiêm trọng về số ca nhập viện và số ca tử vong do COVID
Ông Mike Ryan, giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO (AP)
Một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dữ liệu chính thức của Trung Quốc đang phản ánh chưa đầy đủ tác động thực sự của đợt bùng phát virus corona ở nước này, đồng thời chỉ trích định nghĩa “rất hạn hẹp” của nước này về các trường hợp tử vong do COVID.
Ông Mike Ryan, giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, nói với các phóng viên hôm thứ Tư: “Chúng tôi tin rằng những con số hiện tại được công bố từ Trung Quốc phản ánh chưa đầy đủ tác động thực sự của căn bệnh này đối với số ca nhập viện, số ca nhập viện ICU, đặc biệt là về số ca tử vong.”
Các bình luận được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang áp đặt các hạn chế đi lại đối với du khách đến từ Trung Quốc sau sự gia tăng mạnh các ca nhiễm COVID ở nước này. Các bệnh viện và lò hỏa táng đã quá tải kể từ khi Bắc Kinh vào tháng trước đột ngột dỡ bỏ các hạn chế cứng rắn kéo dài hơn 3 năm qua.
Một bác sĩ cao cấp tại một trong những bệnh viện hàng đầu của Thượng Hải cho biết 70% dân số của siêu đô thị hiện có thể đã bị nhiễm COVID-19, truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Ba.
Các chuyên gia y tế quốc tế đã dự đoán ít nhất một triệu ca tử vong liên quan đến COVID ở Trung Quốc trong năm nay nếu không có hành động khẩn cấp nào được thực hiện.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ ghi nhận 22 trường hợp tử vong do COVID kể từ tháng 12 và đã thu hẹp đáng kể các tiêu chí để phân loại các trường hợp tử vong như vậy. Nó chỉ tính những trường hợp liên quan đến viêm phổi hoặc suy hô hấp do COVID gây ra. Điều này có nghĩa là số liệu thống kê của chính Bắc Kinh về làn sóng lây nhiễm hiện nay được nhiều người coi là không phản ánh thực tế.
Ông Ryan chỉ ra rằng định nghĩa mà Bắc Kinh đang sử dụng “yêu cầu phải có suy hô hấp” liên quan đến COVID thì một ca tử vong mới được ghi nhận là tử vong do COVID.
“Đó là một định nghĩa rất hẹp,” ông nói.
Ông lưu ý rằng, trong ba năm qua, Trung Quốc đã áp dụng các quy định khắt khe nhất về COVID-19. “Thực tế đối với Trung Quốc là nhiều quốc gia [hiện cảm thấy] họ không có đủ thông tin để làm cơ sở đánh giá rủi ro,” ông nói. “Chúng tôi vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ,” ông nói thêm.
Cơ quan của Liên Hợp Quốc sẽ gặp lại các nhà khoa học Trung Quốc vào thứ Năm như một phần của cuộc họp ngắn hơn giữa các quốc gia thành viên về tình hình COVID-19 toàn cầu.
Trong khi đó, trong một cuộc họp ngắn trước đó vào thứ Tư, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại rằng cơ quan này “lo ngại” về sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc, thúc giục Bắc Kinh một lần nữa cung cấp dữ liệu nhanh chóng và thường xuyên về số ca nhập viện và tử vong, cũng như giải trình tự virus theo thời gian thực.
Cũng trong ngày thứ Tư, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết ông lo ngại về cách Trung Quốc xử lý đại dịch COVID-19.
Trung Quốc đã đảo ngược chính sách “Zero COVID” vào tháng trước sau khi các cuộc biểu tình nổ ra ở hơn 20 thành phố của nước này sau vụ cháy chung cư ở Tân Cương khiến ít nhất 10 người thiệt mạng vào ngày 25/11. Người ta cho rằng các nạn nhân đã bị nhốt trong căn hộ của họ như một phần của các biện pháp phong tỏa do COVID, nhưng các nhà chức trách đã phủ nhận.
Ngân Hà
Chủng đột biến COVID phổ biến ở Trung Quốc đã xuất hiện tại Malaysia
Chủng biến thể của virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) hiện đang phổ biến ở Trung Quốc đã được tìm thấy ở Malaysia (Reuteur)
Ngày 2/1, Bộ Y tế Malaysia tuyên bố chủng biến thể và chủng đột biến phụ của virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) hiện đang phổ biến ở Trung Quốc đã được tìm thấy ở Malaysia.
Hiện dịch COVID-19 đang lây lan nhanh tại Trung Quốc. Các nước trên thế giới cũng đang đề phòng nghiêm ngặt trước ảnh hưởng lây lan dịch bệnh từ nước này.
Straits Times của Singapore đưa tin, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia là bà Zaliha Mustafa chỉ ra rằng theo thông tin do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp, các biến thể và biến thể phụ của COVID-19 đang phổ biến ở Trung Quốc đã xuất hiện tại Malaysia. Tuy nhiên, bà Zaliha không giải thích chủng virus nào đã được tìm thấy tại nước này.
Bà kêu gọi rằng đã 6 tháng kể từ lần tiêm chủng đầu tiên, người dân nên tiêm nhắc lại mũi thứ hai càng sớm càng tốt, mà không cần chờ vắc-xin nhị giá (chứa 2 chủng huyết thanh của kháng nguyên – những chất khi xâm nhập vào cơ thể người thì được hệ thống miễn dịch nhận biết và sinh ra các kháng thể tương ứng).
Bởi dữ liệu hiện có đã xác nhận rằng vắc-xin đơn giá (chứa một chủng duy nhất của một kháng nguyên duy nhất) có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí ngăn ngừa tử vong, đồng thời cũng có thể giảm tỷ lệ nhập viện.
Kênh truyền thông Malaysia The Edge Markets đưa tin thêm rằng ông Noor Hisham Abdullah, Giám đốc y tế của Bộ Y tế, cho biết khoảng 80% các chủng virus hiện đang lây lan nhanh chóng ở Trung Quốc là BA.5.2 và BF.7.
Hai chủng virus này thuộc phân nhóm của biến thể Omicron BA.5, nhưng chúng chưa được đưa vào danh sách “Chủng được theo dõi” (LUM) của WHO.
Ông Noor Hisham cho biết hiện chưa có dữ liệu chứng minh BA.5.2 và BF.7 sẽ gây bệnh nặng, hoặc làm tăng tỷ lệ tử vong, nhưng người ta tin rằng những bệnh nhân đã hồi phục cũng có thể tái nhiễm.
Ông cho biết tính đến ngày 31/12/2022, Malaysia có tổng cộng 4.148 người được xác nhận nhiễm BA.5.2 và 3 người được xác nhận nhiễm BF.7.
Thủ tướng Pháp yêu cầu du khách Trung Quốc xét nghiệm COVID
AFP đưa tin Chính phủ Pháp đã quy định rằng bắt đầu từ ngày 1/1, tất cả hành khách từ Trung Quốc phải đeo khẩu trang khi vào Pháp, và nhân viên hải quan sẽ ngẫu nhiên yêu cầu hành khách làm xét nghiệm COVID. Trước yêu cầu trên, Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Khi Đài Franceinfo phỏng vấn Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne, bà trả lời: “Tôi cho rằng chúng tôi đang hoàn thành trách nhiệm bảo vệ người dân Pháp bằng cách yêu cầu xét nghiệm COVID.”
Hôm 24/12, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cho biết, việc xét nghiệm RT-PCR nhằm phát hiện COVID-19 sẽ được thực hiện bắt buộc đối với các hành khách đến từ 5 quốc gia, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan.
Vương quốc Anh, Israel và Canada là những cái tên mới nhất gia nhập danh sách các quốc gia yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi lên máy bay.
Bình Minh (t/h)
Từ chính phủ độc tài này sang chính phủ độc tài khác: Âu Châu chuyển sự phụ thuộc năng lượng sang Trung Quốc
Tác giả Naveen Athrappully
Những tấm pin quang năng lớn tại một nhà máy điện mặt trời ở Hami, vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc, 08/05/2013. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER) cảnh báo, việc Âu Châu thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo tuyệt đối trong khi ngừng phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga có thể khiến khối này trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Liên minh Âu Châu (EU) đã dựa vào Trung Quốc để cung cấp phần lớn các tấm pin quang năng. Từ tháng Một đến tháng Tám năm 2022, doanh số bán pin quang năng từ Trung Quốc sang EU đã tăng lên 16 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với 7.2 tỷ USD so với cùng thời kỳ năm trước. Năm 2021, Trung Quốc chiếm 75% sản lượng pin quang năng trên toàn thế giới, trong khi Âu Châu chỉ chiếm 2.8%.
Bài báo của IER viết, năng lực sản xuất silicon của Trung Quốc được ước tính sẽ tăng gấp đôi, từ 1.2 triệu tấn năm 2022 lên 2.4 triệu tấn trong năm nay. “Giờ đây, Âu Châu đã không còn mua năng lượng từ một chính phủ độc tài, Nga, mà đang chuyển sang một chính phủ khác, Trung Quốc, nước thống trị thị trường năng lượng mặt trời cùng các thành phần của loại năng lượng này.”
“Âu Châu nên lo lắng nhiều hơn về an ninh năng lượng so với những gì đã thể hiện trong thập niên qua khi họ ngừng sản xuất dầu, khí đốt tự nhiên, và than đá, đóng cửa các nhà máy phát điện nhiên liệu hóa thạch, cắt giảm hợp đồng cho thuê, và cấm khai thác thủy lực và khoan ngang.”
Sản xuất của Âu Châu, sự thao túng của Trung Quốc
Âu Châu không phải lúc nào cũng tụt lại phía sau trong việc sản xuất các tấm pin quang năng. Có một thời, Đức là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Nhưng Trung Quốc đã vượt qua cường quốc kinh tế Âu Châu này về sản xuất pin vào năm 2015 với mạng lưới lao động ‘nô lệ và năng lượng giá rẻ’ của họ, bài báo cho biết.
Các sản phẩm silicon của Trung Quốc hầu hết được sản xuất tại Tân Cương, nơi cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ thiểu số bị cưỡng bức lao động. Từ năm 2011 đến 2018, số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Đức giảm mạnh, từ 300,000 xuống còn 150,000.
Theo một báo cáo hồi tháng Hai năm 2021 của Clean Energy Wire: “Sự sụt giảm việc làm nhìn chung chủ yếu là do sự sụp đổ của ngành năng lượng mặt trời của Đức trong thập niên qua, do nhiều công ty buộc phải ngừng kinh doanh vì các đối thủ cạnh tranh rẻ hơn từ Trung Quốc đang giành lấy phần lớn thị trường.”
Phụ thuộc vào Trung Quốc có nghĩa là Bắc Kinh có thể sử dụng sự phụ thuộc đó để thao túng EU và gây áp lực buộc họ phải chấp nhận một số mối quan tâm lợi ích của mình. Ví dụ, năm 2010, khi Trung Quốc đối mặt với tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, nước này đã cắt mọi hoạt động xuất cảng khoáng sản đất hiếm sang Tokyo.
Sau đó, khi Lithuania thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan, Bắc Kinh đã chặn nhập cảng hàng hóa của Lithuania và gây sức ép với các công ty đa quốc gia có quan hệ với quốc gia Âu Châu này.
Thúc đẩy sản xuất pin quang năng ở Âu Châu
Một báo cáo gần đây do các nhà nghiên cứu của Dịch vụ Nghiên cứu Nghị viện Âu Châu (EPRS) công bố đã chỉ ra rằng các công ty lắp đặt năng lượng mặt trời ở Âu Châu đã dựa vào các thiết bị giá rẻ nhập cảng từ Trung Quốc và các quốc gia Á Châu khác như Việt Nam, Malaysia, và Nam Hàn.
Nếu không có thiết bị giá rẻ như vậy, các kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Âu Châu sẽ không thành hiện thực. Điều này đặt Âu Châu vào một “câu hỏi hóc búa về năng lượng mặt trời.”
Báo cáo này (pdf) cho biết: “Với việc Âu Châu nhập cảng 80% pin quang năng từ Trung Quốc, sự phụ thuộc sẽ chỉ đơn thuần chuyển từ dầu hoặc khí nhập cảng sang thiết bị năng lượng mặt trời nhập cảng, khiến còn nhiều điều cần mong ước trong lĩnh vực năng lượng mặt trời như một nguồn an ninh năng lượng thực sự và quyền tự chủ chiến lược.”
Các nhà nghiên cứu tính toán rằng các công ty sản xuất tấm quang năng (PV) ở EU sẽ khó bắt kịp Trung Quốc trong thế hệ công nghệ PV này.
Báo cáo khuyến nghị EU bảo đảm rằng các nhà sản xuất tấm quang năng Âu Châu có quyền tiếp cận với các nhà đầu tư và viện nghiên cứu và phát triển quốc tế.
Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế do Pháp và Ấn Độ dẫn đầu có thể “vô cùng quan trọng” trong việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ cũng như tìm kiếm các nguồn tài trợ, báo cáo lưu ý.
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Vân Du biên dịch