Quang cảnh Cảng Victoria, Hong Kong, vào ngày 27/06/2017. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images)
Bình luậnJenny Li • Angela Bright • 18:06, 05/05/23
Căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, tình cảnh của cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc tại Mỹ là rất ảm đạm. Trở về niêm yết tại Hong Kong có vẻ là một lựa chọn tốt hơn lúc này.
Xem nhanh
- Tình cảnh ảm đạm của cổ phiếu khái niệm
- Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc
- Rút lui về Hong Kong
Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China đã giảm 8 phiên liên tiếp – chuỗi giảm điểm dài nhất trong hơn một năm – trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Trong khi đó, bị đe dọa bởi Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài của Mỹ, các công ty Trung Quốc đã dịch chuyển một lượng lớn cổ phần sang niêm yết tại Hong Kong.
Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China, thước đo kết quả hoạt động trên thị trường chứng khoán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, đã giảm 10% từ 6.997 xuống 6.292 trong sáu ngày giao dịch liên tiếp kết thúc vào ngày 25/04. Mặc dù chỉ số này đã phục hồi lên 6.570 điểm từ ngày 25/04 đến ngày 28/04, nó vẫn thấp hơn 427 điểm so với ngày 17/04 và thấp hơn 771 điểm so với ngày 30/03.
Cổ phiếu Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ đã mất hơn 100 tỷ USD giá trị trong tháng 4.
Tình cảnh ảm đạm của cổ phiếu khái niệm
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế tư nhân Trung Quốc từ lâu đã là một yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế tư nhân của Trung Quốc đã bị suy yếu khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tập trung vào củng cố quyền lực, ông Davy Jun Huang, một nhà kinh tế học tại Mỹ, nói với The Epoch Times. [Cổ phiếu khái niệm Trung Quốc là cổ phiếu của các công ty có hoạt động vận hành lớn ở Trung Quốc, được niêm yết ở nước ngoài].
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, lợi nhuận của các công ty công nghiệp tư nhân – bao gồm các nhà sản xuất, công ty khai thác mỏ và công ty điện lực với doanh thu kinh doanh chính hơn 20 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 2,9 triệu USD) – đã giảm 7,2% vào năm 2022. Đây là lần sụt giảm đầu tiên kể từ khi dữ liệu bắt đầu được theo dõi vào năm 1997. Ngược lại, lợi nhuận tại các doanh nghiệp nhà nước (SEO) tăng trong năm thứ hai liên tiếp với mức tăng 3%.
Kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, chính quyền này đang thúc đẩy một nền kinh tế xã hội được dẫn dắt bởi “nền kinh tế thuộc sở hữu nhà nước”, một hiện tượng mà Bắc Kinh mô tả là “doanh nghiệp nhà nước tiến lên, khu vực tư nhân lùi bước”. Quan hệ đối tác công – tư tạo tiền đề cho quốc hữu hóa. Ví dụ, China Unicom và Tencent thành lập một liên doanh mới; China Mobile gia nhập JD.com; China Telecom hợp tác với Alibaba.
Hầu hết 252 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đều thuộc sở hữu tư nhân. Một số ít SEO còn lại – bị đe dọa bởi các điều khoản của Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài – đã nói rằng họ sẽ hủy niêm yết tại Mỹ. Đạo luật này yêu cầu các công ty tiết lộ các thành viên ĐCSTQ trong ban giám đốc của công ty trong các báo cáo hàng năm của họ. Nó cũng yêu cầu các công ty tiết lộ việc liệu điều lệ công ty của họ có chứa bất kỳ nội dung nào liên quan đến Hiến pháp Trung Quốc hay không.
Vào tháng 08/2022, China Life Insurance Co., PetroChina Co., Sinopec, Aluminium Corporation of China và Sinopec Shanghai Petrochemical Co., Ltd. đã đưa ra tuyên bố tiết lộ ý định hủy niêm yết của họ.
Vào tháng 1 năm nay, China Eastern Airlines và China Southern Airlines cũng cho biết họ sẽ nộp đơn hủy niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán New York.
Một khi bảy công ty SEO Trung Quốc này bị hủy niêm yết khỏi Mỹ, cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc chỉ còn liên quan tới các công ty tư nhân.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc
Ngoài triển vọng ảm đạm đối với các công ty tư nhân của Trung Quốc, các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức do căng thẳng giữa Mỹ và ĐCSTQ.
Vào ngày 20/04, Bloomberg đưa tin rằng, Tổng thống Joe Biden dự định ký một sắc lệnh hành pháp hạn chế đầu tư của các công ty Mỹ vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Trung Quốc. Mỹ đã thảo luận về biện pháp này trong gần hai năm và có kế hoạch hành động trong hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Nhật Bản vào tháng 5.
Cùng thời điểm đó, bài phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tại Đại học Johns Hopkins về quan hệ kinh tế Mỹ – Trung đã xác nhận ý định của ông Biden. Bà Yellen cho biết, Washington đang xem xét một kế hoạch nhằm hạn chế các khoản đầu tư nước ngoài nhất định của Mỹ vào các công nghệ nhạy cảm cụ thể có ý nghĩa an ninh quốc gia quan trọng.
Bà nói: “Những biện pháp an ninh quốc gia này không được thiết kế để chúng ta có được lợi thế kinh tế cạnh tranh, hoặc kìm hãm quá trình hiện đại hóa kinh tế và công nghệ của Trung Quốc”.
“Chúng được thúc đẩy bởi những cân nhắc đơn giản về an ninh quốc gia. Chúng ta sẽ không thỏa hiệp đối với những vấn đề này, ngay cả khi chúng buộc chúng ta phải đánh đổi bằng các lợi ích kinh tế”.
Theo ông Huang, việc bà Yellen và Liên minh châu Âu định vị lại quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc cũng là yếu tố cơ bản tạo ra sự suy yếu của cổ phiếu khái niệm Trung Quốc.
Một ngày sau bài phát biểu của bà Yellen, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh kiên quyết phản đối việc ông Biden ký một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc.
Động thái của ông Biden đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến dịch kinh tế kéo dài nhiều năm nhằm chống lại các hành vi thương mại bất công của ĐCSTQ. Mỹ vốn đã áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Gần đây hơn, ông Biden đã tìm cách hạn chế xuất khẩu các công nghệ then chốt của Mỹ sang Trung Quốc.
Căng thẳng trên eo biển Đài Loan vẫn đang ở mức gay gắt, và điều này có ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – Trung. Vào tháng 4, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã phớt lờ mối đe dọa trả đũa từ ĐCSTQ và gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ở California. Ông McCarthy là quan chức cấp cao nhất của Mỹ gặp một nhà lãnh đạo Đài Loan trên đất Mỹ trong nhiều thập kỷ. Khi trở lại Đài Loan, bà Thái nhanh chóng gặp phái đoàn quốc hội lưỡng đảng do ông Michael McCaul (Cộng hòa – Texas), chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, dẫn đầu.
Vào tháng 11/2022, trong chuyến thăm trung tâm chỉ huy tác chiến quân sự của ĐCSTQ, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội chuẩn bị cho chiến tranh.
“Toàn bộ quân đội phải… tập trung mọi nỗ lực vào cuộc chiến và hướng mọi công việc của mình vào đó”, ông Tập nói.
Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đang chuyển một lượng lớn cổ phần sang Hong Kong.
Rút lui về Hong Kong
Đến cuối tháng 3, hơn 53% cổ phiếu đang lưu hành của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding đã được đăng ký với Hệ thống thanh toán bù trừ trung tâm của Hong Kong. Khi Alibaba niêm yết tại Hong Kong vào tháng 11/2019, chỉ 2,7% cổ phiếu đang lưu hành của họ được đăng ký tại thành phố này.
Ngoài ra, cổ phiếu đang lưu hành của JD.com tại Hong Kong đã tăng lên 55% từ con số 5% khi mới niêm yết; Cổ phiếu đang lưu hành của Ideal Motors tại Hong Kong đã tăng lên 38% từ 5% khi mới niêm yết; Cổ phiếu đang lưu hành của NetEase tại Hong Kong đã tăng lên 18% từ 4% khi mới niêm yết; Cổ phiếu đang lưu hành của Baidu tại Hong Kong đã tăng lên 23% từ 6% khi mới niêm yết.Một gian hàng của Baidu (trái) tại triển lãm Light of Internet trước thềm Hội nghị Internet Thế giới lần thứ 5 ở Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào ngày 06/11/2018. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)
Lý do lớn nhất khiến các cổ phiếu khái niệm Trung Quốc tháo chạy khỏi Mỹ là việc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) thực thi Đạo luật về trách nhiệm giải trình đối với các công ty nước ngoài vào tháng 12/2021. Đạo luật này yêu cầu các công ty nước ngoài niêm yết tại Mỹ phải được kiểm tra kỹ lưỡng bởi Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB). Các công ty nước ngoài được niêm yết tại Mỹ bị buộc phải tiết lộ mối quan hệ của họ với các chính phủ nước ngoài và phải chứng minh rằng họ không thuộc sở hữu hoặc nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ nước ngoài. Nếu hai yêu cầu này không được đáp ứng, SEC có quyền cấm hoạt động giao dịch chứng khoán của công ty trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ.
ĐCSTQ từ lâu đã ra lệnh cho các công ty kiểm toán của các công ty Trung Quốc không được chuyển giấy tờ kiểm toán cho các cơ quan quản lý của Mỹ. Trong cơ chế không công bằng này, gian lận trong các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc xuất hiện không ngừng, và sự can thiệp và kiểm soát của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp rất khó bị người ngoài phát hiện. Vào tháng 08/2022, dựa trên Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài, PCAOB đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải cho phép PCAOB tiến hành kiểm tra và điều tra theo các tiêu chuẩn của Mỹ.
Rút ra bài học từ lịch sử bị ĐCSTQ dắt mũi, Chủ tịch SEC Gary Gensler cảnh báo: “Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn: Thực tế sẽ quyết định mọi thứ” [nói về tương lai bị hủy niêm yết của các công ty Trung Quốc sau thỏa thuận. Thỏa thuận đã mở ra khả năng tiếp tục được giao dịch tại Mỹ]. Ông cho biết thỏa thuận chỉ có ý nghĩa nếu PCAOB có thể kiểm tra và điều tra kỹ lưỡng thông tin của các công ty kiểm toán ở Trung Quốc. Nếu không, khoảng 200 công ty niêm yết của Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với việc bị trục xuất khỏi Mỹ.
Trước lập trường quyết đoán của Mỹ, nhiều công ty Trung Quốc đã trở nên rụt rè và tìm cách rút lui về Hong Kong. Vào tháng 07/2022, Tập đoàn Alibaba tuyên bố sẽ coi Hong Kong là nơi niêm yết sơ cấp. Hàng chục công ty Trung Quốc khác được niêm yết tại Mỹ cũng đã hoàn thành việc niêm yết tại Hong Kong.
Hơn nữa, việc niêm yết một công ty trên thị trường chứng khoán Hong Kong giúp các ông lớn của ĐCSTQ dễ quản lý tình hình hơn nhiều so với ở Mỹ.
“Một số lượng đáng kể cổ phiếu Trung Quốc hiện không được giao dịch tích cực ở Mỹ và các nhóm lợi ích đặc quyền đối với những chứng khoán này có ít khả năng kiểm soát dư luận về đầu tư ở Mỹ hơn nhiều so với ở Hong Kong”, ông Huang nói. “Xét đến việc lừa đảo những người bị dắt mũi, quay trở lại Hong Kong tốt hơn là ở lại Mỹ”.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Xem thêm:
Theo ntdvn.net