Chuyện Việt Nam Thứ Ba 21/8/2023: *TT Biden sẽ ký kết quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam? *Binh sĩ Mỹ xây tặng dãy phòng học mới cho học sinh Phú Yên *Đại án Việt Á: Nhân dân trông đợi gì? *Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở nghiêm trọng do ăn cắp cát

Share this post on:

Quê Hương tổng hợp

Báo Politico: TT Biden sẽ ký kết quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam

Liên Thành 

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/USVSVN.jpg

Báo Politico của Mỹ trích dẫn các nguồn tin cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam trong chuyến thăm vào giữa tháng 9 tới đây.

Theo Politico, thỏa thuận này sẽ cho phép hợp tác song phương mới, thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam phát triển lĩnh vực công nghệ cao trong các lĩnh vực bao gồm sản xuất chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Một nguồn tin quen thuộc với các kế hoạch nói với Reuters hôm thứ Sáu ngày 18/8 rằng, TT Biden đang cân nhắc chuyến đi vào tháng 9 tới Việt Nam.

Ông Biden cho biết trong tháng này ông sẽ sớm đến Việt Nam. Tòa Bạch Ốc chưa xác nhận kế hoạch cho chuyến đi. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters vào thứ Bảy. Ngày 17/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, bà Phạm Thu Hằng không xác nhận hay phủ nhận chuyến thăm tiềm năng của TT Biden.

Bà Hằng phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ rằng: “Lãnh đạo cấp cao 2 nước đã nhất trí và 2 bên đang trao đổi các biện pháp để tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ 2 nước theo hướng ổn định, thực chất, lâu dài, hướng tới tầng mức quan hệ mới khi điều kiện phù hợp và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới”

Tại một cuộc gặp vào tháng 4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ khi Washington tìm cách củng cố quan hệ với các đối tác ở châu Á trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc muốn gia tăng sức ảnh hưởng ở khu vực.


Trong quan hệ quốc gia với quốc gia, không có tình cảm mà chỉ có lợi ích

Trương Nhân Tuấn – 21/8/2023

The deal adds to President Joe Biden’s string of successful diplomatic initiatives aimed to reassert U.S. influence in Asia in the face of China’s growing economic, diplomatic and military muscle in the region. | Alex Brandon/AP Photo

Báo chí VN loan tin “Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký thoả thuận nâng cấp quan hệ Mỹ – Việt Nam từ đối tác toàn diện thành đối tác chiến lược trong chuyến thăm tới Việt Nam vào tháng Chín tới”. Tin này được ghi lại từ một trang báo bên Mỹ.

Theo tôi, nếu VN và Mỹ nâng cấp quan hệ lên một bậc, thì quan hệ Việt-Mỹ vẫn dưới các quan hệ Việt-Trung và Việt-Nga một bậc. Có thể điều này sẽ không làm hài lòng TT Biden.

Ý kiến của tôi là, nếu đúng là như vậy, TT Biden có thể sẽ không qua thăm VN (như đã ghé thăm Campuchia tháng 12 năm 2022). Bộ trưởng ngoại giao A. Blinken có thể thay thế TT Biden qua VN để ký các kết ước về “quan hệ chiến lược”.

Ta có thể so sánh vị trí địa lý của VN ở Biển Đông như Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen. Biển Đen quan trọng với Nga thế nào thì Biển Đông quan trọng với TQ như vậy.

Quan hệ VN với TQ khá giống quan hệ của Thổ với Nga. Thổ nhờ đã dựa vào Mỹ mà trở thành một “cường quốc bậc trung”, không chỉ về kinh tế mà còn về tiềm năng quốc phòng. Vũ khí (drones) của Thổ sáng chế trợ giúp cho Ukraine cho thấy vô cùng hữu hiệu. Nghe đâu lính Ukraine đã có bài hát ca ngợi drone Bayraktar của Thổ. Thổ có ranh giới với LX (nay là ranh giới với Aizerbaidjan và Georgie), vốn là một quốc gia có lãnh thổ trên cả hai lục địa Châu Á -Châu Âu. Nhưng Thổ vẫn gia nhập khối Liên minh Bắc đại tây dương (NATO).

Ta thấy ý kiến của TT Biden là luôn muốn quan hệ đối tác VN-Mỹ phải ngang hàng với quan hệ Việt-Trung hay Việt Nga.

Trao đổi kinh tế hai bên VN-TQ đã lên hơn 175 tỉ đôla nhưng VN nhập siêu hơn 60 tỉ đôla từ TQ. Với Mỹ, VN là nước mà Mỹ thâm thủng 120 tỉ đôla, đứng hàng thứ ba trong quan hệ với các quốc gia khác.

Về an ninh quốc phòng, VN luôn bị TQ đe dọa và lấn lướt, đặc biệt ở Biển Đông. TQ xâm lăng lãnh thổ HS của VN. TQ đánh VN và chiếm một số đảo VN ở TS. TQ yêu sách toàn bộ quần đảo TS của VN cũng như 80% hải phận ở Biển Đông. TQ cấm không cho VN khai thác các mỏ khí đốt ở mỏ Cá voi xanh hay ở các lô thuộc bãi Tư chính. TQ cho mở rộng và quân sự hóa đảo Tri tôn, thuộc HS của VN. Từ đó TQ không chỉ đe dọa an ninh quốc gia VN mà còn bóp nghẹt an ninh năng lượng của VN. Hệ quả khiến VN thiếu năng lượng, không cung cấp đủ cho các nhà máy, xí nghiệp của các đối tác nước ngoài đặt tại VN. TQ còn cho đặt căn cứ hải quân trên lãnh thổ Campuchia, trực tếp đe dọa VN từ sườn Tây-Nam.

Không có Mỹ và các đồng minh của Mỹ tranh đấu với TQ để giữ quyền “tự do hải hành” trên Biển Đông thì rất có thể TQ đã thâu tóm toàn bộ Biển Đông, như Nga thâu tóm toàn bộ biển Azov.

VN có tới ngàn lẻ một lý do để nâng tầm quan hệ với Mỹ lên ngang hàng với TQ và Nga.

Vướng víu duy nhứt khiến VN không đặt Mỹ ngang hàng với TQ và Nga, chỉ có thể là “tình cảm ý thức hệ”.

Vấn đề là trong quan hệ quốc gia với quốc gia không có tình cảm mà chỉ có lợi ích mà thôi.

Dầu sao tôi cũng mong TT Biden thăm viếng VN, đồng thời với Bộ trưởng bộ quốc phòng Lloyd Austin.


Binh sĩ Mỹ xây tặng dãy phòng học mới cho học sinh Phú Yên 

VOA Tiếng Việt – 21/8/2023

Đại sứ Mỹ Marc Knapper, lãnh đạo PP23, cùng thầy cô và học sinh trường tiểu học Hòa Định Tây ở Phú Yên. Photo Facebook Pacific Partnership.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper, lãnh đạo PP23, cùng thầy cô và học sinh trường tiểu học Hòa Định Tây ở Phú Yên. Photo Facebook Pacific Partnership. 

Các binh sĩ Mỹ phục vụ cho Đoàn Đối tác Thái Bình Dương 2023 (Pacific Partnership 2023 – PP23) vừa hoàn tất việc xây dựng và đã bàn giao dãy phòng học mới tại Trường tiểu học Hòa Định Tây, trong chuỗi các hoạt động nhằm xây dựng tình bạn mới và bền vững với Việt Nam. 

Các nhà lãnh đạo của PP23, cùng với ông Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã đến dự lễ cắt băng khánh thành ba phòng học mới được xây dựng trong thời gian diễn ra chương trình PP23 ở tỉnh Phú Yên của Việt Nam, trang Facebook chính thức của PP cho biết hôm 19/8.

Ba phòng học có tổng diện tích khoảng 107 m² do 29 thành viên đội thi công thuộc Đội PP23 thực hiện trong 47 ngày liên tục từ đầu tháng 7/2023 đến ngày 18/8. Các thành viên trong đoàn còn làm khuôn viên sân, đường bê tông dẫn vào lớp học để con đường đến trường an toàn hơn. 

“Phòng học mới sẽ góp phần nâng cao cơ hội học tập cho con em huyện Phú Hòa, để các em tự tin xây dựng tương lai Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh niềm tin chung rằng tương lai thành công nằm ở sự chuẩn bị cho thế hệ tương lai để giải quyết những thách thức mà các em sẽ phải đối mặt – dù ở cấp địa phương, quốc gia hay toàn cầu,” Đại sứ Knapper phát biểu.

Truyền thông Việt Nam dẫn lời bà Claudine Calouri, Đại tá Hải quân Hoa Kỳ, tư lệnh chương trình PP, cho biết: “Những ngày đoàn làm việc tại đây, chúng tôi cảm thấy sự thân thiện của các bạn. Các thầy cô tại trường thường xuyên đến công trình hỏi thăm và hỗ trợ những thứ cần thiết. Hy vọng nếu được quay trở lại Việt Nam, chúng tôi sẽ thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa hơn nữa”.

Ngoài ra, đoàn PP23 còn sửa chữa một số hạng mục cho Trường tiểu học Lê Quý Đôn, Trường tiểu học Trần Phú, Trường tiểu học Hòa Hội ở huyện Phú Hòa.

Cùng ngày 18/8, Chương trình PP23 bế mạc tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Knapper cho biết PP23 là minh chứng rõ ràng cho cam kết hợp tác an ninh và ngoại giao nhân dân của các thành viên, thể hiện lợi ích chung của các bên đối với ổn định và an ninh khu vực thông qua các hoạt động nhằm tăng cường năng lực ứng phó thiên tai và hỗ trợ nhân đạo khi cần thiết.

Trước đó, hôm 9/8 đã trở lại tỉnh Phú Yên để bắt đầu sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo và sẵn sàng ứng phó thiên tai.

Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết lần quay trở lại Việt Nam thứ 12 này, chương trình thường niên, đa quốc gia, lớn nhất được tiến hành ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, giúp những người tham gia, bao gồm cả nhân viên Hoa Kỳ và Việt Nam, cùng hợp tác để tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai và thúc đẩy tình bạn mới và bền vững.


APG-tuyến cáp quang biển có băng thông lớn nhất tiếp tục gặp sự cố

RFA – 21/8/2023

APG-tuyến cáp quang biển có băng thông lớn nhất tiếp tục gặp sự cố

Người dùng internet tại một quán cà phê ở Hà Nội hôm 25/8/2017 (minh họa) 

Reuters 

Tuyến cáp quang biển có băng thông lớn nhất đang kết nối với Việt Nam – Asia Pacific Gateway (APG) liên tục phát sinh lỗi mới, đã tám tháng qua chưa khôi phục.

Đại diện nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam (ISP) cho truyền thông hay tin trên trong ngày 20/8, nói thêm, APG phải lùi lịch khôi phục sau khi tiếp tục bị lỗi ở các nhánh S1.9 và S9.

APG gặp sự cố từ cuối năm 2022, đến tháng 6/2023, tuyến cáp quang biển này tiếp tục bị lỗi trên nhánh A1.7. Hiện tuyến này, theo ISP, đã mất dung lượng trên hướng kết nối từ Việt Nam đi Singapore và chưa có lịch khắc phục cụ thể.

Trước đó, đơn vị quản lý tuyến cáp này dự định hoàn thành việc sửa chữa vào đầu tháng 9/2023.

APG là một trong năm tuyến cáp quang biển của Việt Nam, kết nối từ trạm cập bờ Đà Nẵng đến hai trung tâm Internet của khu vực là Hong Kong và Singapore.

Có năm tuyến cáp quang biển từ Việt Nam ra quốc tế gồm APG, IA, AAG, AAE-1 và SMW3. Từ đầu năm 2022 cả năm tuyến trên đều gặp sự cố khiến việc truy cập Internet của người dùng trong nước bị ảnh hưởng lớn. Đến nay, theo truyền thông loan, bốn tuyến cáp đã hoạt động trở lại bình thường, ngoại trừ APG.

Theo thống kê của Speedtest trong tháng 7, tốc độ Internet di động trung bình của Việt Nam đạt 48,29 Mpbs, tăng năm bậc và đứng thứ 45 toàn cầu. Tốc độ Internet cố định đạt 93,66 Mbps, đứng thứ 46.

Đại diện ISP tại Việt Nam từng cho biết trên tờ VnExpress rằng quá trình sửa cáp quốc tế gặp nhiều thách thức, trong đó có việc xin phép các nước để tiếp cận vị trí cáp. Các tuyến đều thuộc sở hữu và quản lý của các liên minh, gồm nhiều doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy, các nhà mạng Việt Nam không thể chủ động trong việc khắc phục.

Hôm cuối tháng 12/2021, theo báo cáo của Internet Việt Nam, cáp quang biển tại Việt Nam bình quân gặp sự cố khoảng 10 lần mỗi năm, mỗi lần sửa có thể kéo dài cả tháng. Điều này khiến nhà mạng viễn thông trong nước chỉ khai thác, sử dụng được 3/4 công suất của tuyến cáp đó.


Hiệu Minh – Cổ phiếu VinFast: Chuyện chứng khoán và chó Nhật 

Mấy hôm nay tin nóng về cổ phiếu VinFast (VFS) làm tôi nhớ một thời trai, không chơi chứng khoán nhưng từng liều mình giúp chó Nhật lên ngôi được vài tuần.

Buôn chó Nhật 

Đầu những năm 1990 Hà Nội có phong trào nuôi chó Nhật bán cho Trung Quốc lãi khủng. Vợ chồng bác hàng xóm về hưu nhưng vẫn cần cù kiếm tiền. Có bao nhiêu tiết kiệm hai bác rút hết đầu tư mở cửa hàng bán lặt vặt, lại mở thêm dịch vụ trò chơi điện tử nên cũng dư dật đồng ra đồng vào. Lúc rỗi việc tôi sang làm chục phút điện tử thư giãn, mắt không rời cô con gái út xinh xinh bán hàng.

Bẵng đi vài tuần, tôi đến chơi thấy nhà đóng cửa. Tivi và trò chơi điện tử đã bán hết, cửa đóng kín. Tôi vỡ lẽ, nhà bác chuyển sang kinh doanh chó Nhật theo phong trào với hy vọng đổi đời.

Nhà bác mua hai “cô chó”, giá 5 triệu một “cô”, rất xinh, lông trắng muốt, mặt gẫy, đầu rẽ ngôi, đầu bảng lúc bấy giờ. Lúc đó 5 triệu/cây vàng, mua mảnh đất 200 mét vuông ven đô với khoảng 2-3 cây vàng.

Phải nhờ chuyên gia rất khó khăn mới được đôi này vừa ý. Vừa được vài hôm đã có người hỏi mua lại với giá 6,5 triệu một con nhưng hai bác nhất quyết không bán.

Các bác còn hỏi vay tôi thêm cây vàng để mua một “cô” nữa. Cả cơ nghiệp của tôi có hơn một cây, nhưng vì nể lại đang muốn tán con gái nên tôi nghiến răng đồng ý, tuy trong lòng rất phân vân chỉ sợ họ lỗ nặng. Bác gái còn rủ tôi mua một con nuôi cùng “để hai bác ở nhà trông cho, cháu không phải lo gì hết”.

Thôi thì đủ các loại cao lương mỹ vị dành cho các “cô” chó. Chó uống sữa tươi Mộc Châu, xơi trứng vịt lộn rồi ăn thịt bò xào trong khi gia chủ chỉ ăn rau muống luộc chấm mắm. Lấy giống cho chó đắt hơn cả mua vé máy bay vào Sài Gòn.

Rồi hai “cô” đầu có thai. Dân buôn nghe tin lại đến đòi mua 10 triệu một con. Nếu bán thì đã lãi gấp hai lần trong vòng mấy tháng. Hai bác tính toán nếu để chúng đẻ con sẽ lãi gấp năm, gấp mười, cầm trăm triệu như chơi.

Thấy “tính cua trong lỗ” lãi quá, tôi cũng phát sốt. Tuy nhiên, vốn tính “ăn non” nên ngày nào sang chơi tôi cũng khuyên bán đi. Đơn giản là tôi sang tán cô con gái bị chó gâu gâu ầm ĩ, cả làng biết, nên ghét bọn chó Nhật bé tí mà sủa rất to.

Rồi tin thị trường chó “cung” cao hơn “cầu” đến. Đúng lúc ấy, hai “cô” chó lại sinh hạ cho 8 cún con xinh đẹp như trong mộng, bán cả mớ có thể được hai chục triệu. Cả nhà nghe tin chó xuống giá nhờ tôi phóng xe cà tàng lên phố tìm người mua. Nhưng ai cũng lắc đầu và khuyên “mang cho đi là vừa, bên Tầu họ không tiêu thụ nữa”.

Không nói bạn đọc cũng biết là kết quả thế nào rồi. Chỉ biết sau đó tôi không dám sang nữa vì cô gái út nhìn tôi là lạ như thủ phạm gây nên nạn buôn chó Nhật. Và nhà ấy có 11 con chó Nhật, tất cả đồng thanh sủa lúc tôi bấm chuông.


Câu chuyện chứng khoán

Đầu tháng 2/2007, tôi đi công tác ở Jakarta, gặp mấy anh bạn WB từ Hà nội đến dự. Lâu lắm mới gặp nhau, tay bắt mặt mừng, rủ nhau đi ăn uống. Chọn một chỗ khá sang trọng, các anh ấy bảo “Hôm nay để chúng tớ chiêu đãi Việt kiều vì bọn tớ vừa trúng chứng khoán”.

Các anh còn hỏi thăm lương bổng của tôi bên Mỹ. Tôi nói ngắn gọn ở Mỹ không ai tiết kiệm được, có bao nhiêu lương chuyển vào ngân hàng, sau đó chuyển khoản trả tiền thuê nhà và phần còn lại ra thẳng shopping mall luôn, chả thấy tờ “xanh” nào vào ví mình. Họ cười, khuyên tôi bỏ việc WB về Hà Nội tham gia chứng khoán “lãi vô cùng tận”.

Về Hà Nội tôi tìm cái sổ tiết kiệm có 70 triệu để chơi cổ phiếu. Tiếc thay cái chìa khóa két để chỗ nào không nhớ, thế là nhìn bạn bè hân hoan. Nhưng năm sau tôi về, các bạn rủ tôi đi ăn cơm bình dân, uống trà vỉa hè và chia tiền vì…cổ phiếu chết sạch anh ạ. May mà anh không tìm ra chìa khóa két.

Chuyện buôn chó Nhật năm xưa và cách kinh doanh chứng khoán, tôi thấy na ná giống nhau, không hiểu gì nên chưa bao giờ tôi biết mua bán loại hàng này. 

Về hưu, thỉnh thoảng thăm lại chốn xưa, người đẹp đã đi lấy chồng, lặng lẽ qua nhà hai bác, chợt nhớ tiếng sủa của lũ chó Nhật ế cứ tưởng mình có giá.

HIỆU MINH 19.08.2023


Đại án Việt Á: Nhân dân trông đợi gì?

Trần Thanh Cảnh

20/8/2023

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/11-3.jpeg

Thế là vụ đại án vô tiền khoáng hậu có tên VIỆT Á sẽ bị đưa ra xét xử trong thời gian tới đây. Kết luận điều tra đã công bố. Các nghi phạm đã trong nhà giam. Chỉ còn đợi “thăng đường”!

Đây là một vụ án mà nhân dân cả nước nhìn vào. Và trông đợi sẽ có nhiều điều hơn nữa được bóc trần ra tại tòa, hơn những cái người ta công bố, bởi:

1. Cho đến giờ phút này, danh tính của kẻ nắm giữ 80 % cổ phần Việt Á vẫn trong vòng bí mật! Bí mật, nhưng dân cả nước đều đã đoán chắc được là ai đó! Ai đó giữ 80% cổ phần Việt Á, kẻ đó chính là TRÙM CUỐI của vụ “kit test covid” này! Tòa án mà không xử nổi, không chỉ được đích danh kẻ đó, công bố cho nhân dân cả nước biết, thì…nhân dân cả nước sẽ lưu danh cả tòa và kẻ đó bằng sử sách!

2. Cần thiết phải truy ra, kẻ nào đã chủ trương chống dịch sai lầm “zero covid”? Bởi đây chính là nguồn cơn đầu tiên cho những tai họa tiếp theo giáng xuống đầu dân ta, đặc biệt là đồng bào trong TP.HCM!

3. Vụ này không chỉ đơn thuần là vấn đề tiền bạc và lũng đoạn nhà nước. Nó trầm trọng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều! Bởi test kit rởm cho kết quả sai lạc, dẫn đến người dương tính giả bị bắt nhốt cách ly cùng người dương tính thật: thế là lây nhiễm, giả thành thật! Còn kết quả sai từ bệnh nhân nhiễm virus thật lại cho âm tính: dẫn đến không cách ly, không điều trị, lây lan ra cộng đồng, phát bệnh điều trị không đúng phác đồ, dẫn đến chết oan!

4. Thu nhập từ test kit covid của Việt Á quá cao, siêu lợi nhuận! Nên dẫn đến cả ngành Y tế mà cầm đầu là Nguyễn Thanh Long, say mê đi test để kiếm tiền, không còn kẻ nào nghĩ đến việc phát thuốc cứu dân, để mặc cho 43 ngàn đồng bào TP.HCM chết dịch mà phần lớn trong số đó là chết oan uổng! Tòa cần phải truy tố họ tội giết người chứ không phải là tham nhũng hay ăn hối lộ! Phải có những kẻ đền tội để rửa mối oan ngất trời của hàng chục ngàn sinh linh kia!

Thực sự vụ đại án Việt Á này không những ở nước Việt Nam chưa từng có. Trên thế giới cũng chưa từng thấy một vụ án nào mà cái mức độ vô luân, tàn ác, vô liêm sỉ, hủ bại của cả một hệ thống quan chức cùng vào hùa với nhau bóp nặn máu mủ dân lành, đục khoét ngân khố quốc gia và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nhiều người dân vô tội đến vậy! Đây là vụ án sẽ vĩnh viễn không bao giờ phai mờ trong lịch sử, dù sau đây tòa có xử và tuyên án như thế nào đi chăng nữa…

Nên chúng ta sẽ bình tĩnh theo dõi, đợi tòa xét xử! Và mong rằng tòa sẽ nghe thấu tiếng nói của nhân dân cả nước, tiếng rên rỉ căm hờn của mấy chục ngàn linh hồn đồng bào ta đã chết oan uổng trong đại dịch covid, để ra phán quyết chính trực, công minh!


Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở nghiêm trọng do cát tặc

Lê Thiệt /SGN
20/8/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/04-sat-lo-1.jpg

Sạt lở bờ sông đe dọa tính mạng, tài sản người dân tại Thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Lao Động 

Ngày 20 Tháng Tám, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, chỉ tính 3 năm gần đây, toàn tỉnh đã xảy ra 35 vụ sạt lở nhiều khu vực dân cư dọc tuyến sông Bạc Liêu – Cà Mau, “nuốt chửng” gần 200 căn nhà. Thiệt hại ước tính gần 23 tỷ đồng.

Theo báo Lao Động, để hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra, tỉnh Bạc Liêu cần đến 3.400 tỷ đồng (hơn 142 triệu đôla Mỹ) để đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở cấp bách. Đó là chưa kể các công trình di dân tái định cư tại vùng sạt lở đến nơi an toàn.

Thị xã Giá Rai là nơi có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, đã cuốn theo một số công trình, nhà cửa của các hộ dân xuống lòng sông. UBND xã khuyến cáo người dân nên di dời khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Tuy nhiên hầu hết người dân sinh sống nơi đây đều khó khăn, không có đất nơi khác nên họ chẳng biết di dời đi đâu. Việc này cũng nằm ngoài khả năng và trách nhiệm của chính quyền xã.

Nguyên nhân gây sạt lở mà ai cũng biết, đó là nạn cát tặc đã hoành hành ở các con sông vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hàng chục năm nay. Có người nói bọn cát tặc như con rắn 9 đầu trong thần thoại, cứ chặt đầu này, nó mọc đầu khác. Cách hình dung đó nói lên sự bất lực của chính quyền, tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng chính quyền địa phương là 1 trong 9 cái đầu rắn đó.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/04-sat-lo-2.png

Sạt lở bờ sông Trà Ôn – một nhánh của sông Hậu tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long làm 8 nhà dân bị kéo xuống sông – Ảnh: Tiền Phong 

Một luật sư nhận định rằng, nói chính quyền “buông lỏng kỷ cương”, hay “không có biện pháp hữu hiệu” ngăn chặn nạn cát tặc là nói “trớ” đi nguyên nhân thật. Nhiều người dân cho biết khi họ phát hiện cát tặc lộng hành, gọi điện cho chính quyền địa phương, thì bọn cát tặc lẳng lặng rời đi, rồi công an xã, huyện mới tới. Y như chúng được thông báo “lánh mặt” trước vậy.

Khi lực lượng công an xã rút về, chúng quay trở lại tiếp tục hút cát, như không có gì xảy ra.

Điều này chỉ có thể giải thích rằng, bọn cát tặc đã “bắt tay ăn chia” với công an, UBND xã, huyện, làm cạn kiệt nguồn cát. Thế thì sạt lở là điều tất yếu xảy ra.

Thêm nữa, hiện nay tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu cát đắp nền làm ảnh hưởng tiến độ. Chính quyền trung ương đã cho phép khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu để làm cao tốc. Theo ý kiến của các nhà khoa học, nếu tiếp tục khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ làm trầm trọng sạt lở và sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, không chỉ Bạc Liêu mới cần 3.400 tỷ đồng để chống sạt lở, mà các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều cần, nên con số có thể lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng (!?) Có người ví chuyện cát tặc, khai thác cát làm cao tốc, rồi sạt lở, như chuyện con rắn đói quá ăn đuôi của nó. Rồi có một ngày, cả khu vực dân cư rộng lớn này sẽ đổ sụp xuống lòng sông, mang theo nhiều đô thị trù phú. Sẽ có nhiều người dân chết rồi mà vẫn không biết tại sao mình phải chết!


Đăk Lăk: Đàn voi nuôi từ 502 con, nay chỉ còn 36 con

An Vui /SGN

20/8/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/20.8.23_Anh-11.jpg

Hai con voi nhà được thả về rừng sinh sống tự nhiên dưới sự tài trợ của AAF – Ảnh: Tiền Phong 

Sau 40 năm, đàn voi nuôi (hay voi nhà) ở tỉnh Đăk Lăk từ 502 con, nay chỉ còn 36 con, trong đó huyện Lăk còn 14 con và huyện Buôn Đôn còn 22 con! 

Theo VietnamPlus ngày 20 Tháng Tám 2023, điều đáng báo động là đã hơn 30 năm nay, đàn voi nhà không sinh sản được con, vì thế trong tương lai, đàn voi nhà ở Đăk Lăk sẽ tuyệt chủng.

Đa số những con voi nhà còn lại đều đã lớn tuổi, có phúc lợi hạn chế và thiếu cơ hội được thể hiện hành vi tự nhiên nên tuổi thọ ngắn.

Để bảo tồn đàn voi nhà, Ủy ban tỉnh Đăk Lăk đã phê duyệt đề án “Du lịch voi thân thiện” và hướng đến năm 2026 chấm dứt việc cưỡi voi trong hoạt động du lịch. Nghĩa là hiện nay vẫn còn có dịch vụ cho du khách cưỡi voi ở Đăk Lăk.

Không dưng mà tỉnh Đăk Lăk phê duyệt đề án này, nếu không có tổ chức quốc tế tài trợ!

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/20.8.23_Anh-9-640x499.jpg

Voi được nuôi ở Đăk Lăk bị hành hạ vì phải phục vụ du khách, nên hơn 30 năm nay đàn voi nhà ở tỉnh này không sinh sản thêm con voi nào – Ảnh: VietnamPlus 

Ngày 14 Tháng Bảy 2023, Lao Động phản ảnh dù có nhiều nỗ lực chăm sóc nhưng tất cả các con voi nhà mang thai đều không sanh được voi con, hoặc chết lưu trong bụng mẹ hoặc chết ngạt khi mới sanh.

Lao Động dẫn lời nhiều chuyên viên về voi cho rằng, nguyên nhân chính khiến voi nhà ở Đăk Lăk gặp khó khi sinh sản vì đã già. Hơn thế, hàng chục năm qua, voi nhà Đăk Lăk bị xiềng xích, nuôi nhốt riêng biệt trong không gian hạn hẹp, bị hành hạ vì phải phục vụ du khách, nên mất hết bản năng tự nhiên, việc sinh sản khó hơn voi rừng.

Vì vậy, để cứu đàn voi nhà không bị chết hết, cần phải thả chúng về lại môi trường tự nhiên, mà một trong những nơi đó là Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Nhưng với những người vốn sống nhờ nuôi voi bao năm nay ở Đăk Lăk, việc thả voi vào rừng làm mất hết nguồn thu nhập của họ, là điều không ai muốn!

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/20.8.23_Anh-10-640x426.jpg

Voi nhà đưa du khách qua hồ Lăk – cảnh này không hiểu sao mãi đến năm 2026 mới có thể chấm dứt? – Ảnh: VietnamPlus 

Để cứu đàn voi nhà khỏi nguy cơ tuyệt chủng, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation – AAF) đã ký kết tài trợ tiền cho tỉnh Đăk Lak.

Ngày 15 Tháng Mười Hai 2021, Lao Động đưa tin Ủy ban tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức lễ ký kết hợp tác về chuyển đổi xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi giữa địa phương và AAF.

Theo thỏa thuận hợp tác, tỉnh Đăk Lăk sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà bao gồm du lịch cưỡi voi, các hội thi hay dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng.

Đổi lại, AAF có trách nhiệm vận động các nguồn lực hợp pháp nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để mang lại phúc lợi cho voi và các gia đình vốn mưu sinh nhờ nguồn thu từ voi.

Cụ thể, trong giai đoạn I, từ năm 2016 đến 2018, AAF sẽ tài trợ $50,000. Giai đoạn II, từ năm 2019 đến 2021, tổng mức tài trợ $60,000 dưới hình thức viện trợ không hoàn lại.

Trong lễ ký kết, ông Y Giang Gry Niê Knơng, phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh Đăk Lăk nhấn mạnh: “Hiện, quần thể voi (voi nhà và voi rừng) tại Đăk Lăk còn khoảng 140 cá thể, giảm 90% số lượng voi so với năm 1980!”.

Để cứu đàn voi của tỉnh Đăk Lăk, ông phó chủ tịch này mong muốn: “từ năm 2022 – 2026, AAF sẽ tài trợ cho Trung tâm bảo tồn voi $231,000 như cam kết để thực hiện công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh”!

Sau lễ ký kết đó, AAF đã cùng với Vườn Quốc gia Yok Đôn… giúp nhiều con voi nhà thoát khỏi cảnh “xiềng xích” trở lại rừng xanh, bằng cách ký hợp đồng với chủ nuôi. Khi họ đồng ý đưa voi vào Yok Đôn sống và tham gia mô hình du lịch thân thiện với voi thì người chủ hằng ngày vẫn được chăm sóc voi và được trả thù lao tương xứng để trang trải cuộc sống.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/20.8.23_Anh-11a-640x427.jpg

Du khách ngoại quốc thích thú khi ngắm nhìn sinh hoạt của đàn voi trong rừng Yok Đôn – Ảnh: Lao Động 

Theo ông Trần Đức Phương, phó Giám đốc Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn, mô hình du lịch thân thiện với voi được đơn vị và AAF phối hợp thực hiện từ năm 2017.

Với mô hình này, voi không phải cõng khách mà được tự do tìm kiếm thức ăn, tự do sinh hoạt trong rừng để du khách ngắm nhìn. Hiện có tám con voi được người dân ký hợp đồng với AAF, đưa vào Vườn Quốc gia Yok Đôn để tham gia mô hình du lịch thân thiện với voi.

Ông Phương cho biết: “Cả tám con voi đều được chủ cũ trực tiếp chăm sóc, điều này vừa giúp chủ voi không mất đi nguồn thu nhập, vừa giúp voi có những điều kiện tốt nhất trong môi trường chăn thả tự nhiên”.

Cũng theo ông Phương, chỉ tính riêng năm 2022, đã có hơn 2,000 lượt khách tham gia du lịch thân thiện với voi tại trung tâm. Có nhiều du khách bỏ ra nhiều ngày chỉ để đi theo voi, nhìn voi tìm thức ăn, tắm và sinh hoạt trong rừng.

Ông Phương hồ hởi nói: “Đây là tín hiệu đáng mừng để chúng tôi tiếp tục. Đến năm 2026, chúng tôi sẽ phối hợp cùng AAF đưa về rừng 15 con voi nhà”.

Nếu chỉ trông chờ vào chính quyền, có lẽ đàn voi nhà ở Đăk Lăk sẽ hoàn toàn tuyệt chủng.


Đồng Nai dừng thanh tra tất cả các dự án, gói thầu liên quan đến công ty của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

21/8/2023 – RFA

Đồng Nai dừng thanh tra tất cả các dự án, gói thầu liên quan đến công ty của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngDân Trí 

UBND tỉnh Đồng Nai hôm 20/8 ra quyết định dừng thanh tra toàn bộ các dự án, gói thầu mua sắm tài sản, trang thiết bị liên quan Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người hiện đang bị truy nã và kết án tù 30 năm vì những sai phạm liên quan đến các gói thầu cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Truyền thông Nhà nước hôm 20/8 dẫn lời lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai xác nhận tin này và cho biết nguyên nhân là do trước đó đã có đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra. Vì vậy, để tránh công tác thanh tra bị chồng chéo, UBND tỉnh Đồng Nai đã đi đến quyết định dừng thanh tra để các cơ quan chức năng xử lý.

Trước đó, vào hồi cuối tháng 4/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định lập đoàn thanh tra các dự án, gói thầu mua sắm tài sản, trang thiết bị do AIC và các đơn vị thành viên của công ty này cung cấp cho Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đây là các dự án và gói thầu do AIC thực hiện từ đầu năm 2011 đến năm 2021. Thời hạn thanh tra là 70 ngày làm việc.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) – vào hồi đầu năm nay đã bị toà án ở Hà Nội tuyên án vắng mặt 30 năm tù về tội “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Số tiền mà bà Nhàn cùng thuộc cấp đưa hối lộ cho các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lên đến gần 44 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án này, một loạt các cựu lãnh đạo của Đồng Nai đã bị bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ bao gồm: cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành và cựu Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ.


XEM THÊM: