Lý do Tập Cận Bình không còn được gọi là “lãnh tụ nhân dân”

Share this post on:

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi no longer described as ‘people’s leader’ in China,” Nikkei Asia, 24/11/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nhà lãnh đạo cố gắng nở nụ cười ngoại giao, nhưng hành động công khai phê phán Thủ tướng Canada đã làm hỏng mất hình ảnh của ông.

Một tháng sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ngừng gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là “lãnh tụ nhân dân.” Không một tài liệu nào mới được xuất bản trên các trang web của chính phủ Trung Quốc nhắc tới cụm từ này.

Đó là một diễn biến đáng ngạc nhiên, vì cụm từ này đã được sử dụng nhiều lần trước và trong thời gian diễn ra đại hội toàn quốc. Một quan chức cấp cao tại Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương, một cơ quan của đảng, đã gọi Tập là “lãnh tụ nhân dân” tại một cuộc họp báo. Truyền thông Trung Quốc đã sử dụng thuật ngữ này hàng ngày trong thời gian diễn ra đại hội. Người ta thậm chí còn phát sóng một bài hát có tựa đề “lãnh tụ nhân dân.”

Một nguồn tin ám chỉ rằng đã có một thỏa thuận ngầm, bắt đầu hạn chế sử dụng cụm từ này kể từ bây giờ.

Xét đến diễn biến này, tuần lễ ngoại giao vừa kết thúc ở Indonesia và Thái Lan có lẽ sẽ mang một ý nghĩa mới. Suy cho cùng, ở Trung Quốc, ngoại giao chỉ là một phần mở rộng của chính trị trong nước.

Thuật ngữ “lãnh tụ” đã được Ngoại trưởng Vương Nghị, hiện là thành viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực, sử dụng khi ông tóm tắt những thành tựu của chuyến đi.

Ông nói, “Cộng đồng quốc tế một lần nữa đánh giá cao phong thái xuất chúng và tầm nhìn thế giới của Chủ tịch Tập Cận Bình với tư cách là lãnh tụ của một đảng lớn và một nước lớn, đồng thời đã chứng kiến một Trung Quốc phi thường, chân thành, được yêu mến và tôn trọng”.

Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bangkok, Thái Lan: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (đang giơ tay) được đề bạt vào Bộ Chính trị như một phần thưởng cho lòng trung thành của ông với Tập Cận Bình. © AP

Thoạt nhìn, việc Vương sử dụng thuật ngữ này dường như là sự tiếp nối của những lời khen ngợi dành cho Tập trong thời gian trước khi diễn ra đại hội toàn quốc. Nhưng ngôn từ chính trị cụ thể của Vương đã phản ánh vị trí mong manh của Tập.

Việc Vương gọi Tập là “lãnh tụ của một nước lớn” khác xa với việc là “lãnh tụ nhân dân,” vốn gợi nhớ đến người cha lập quốc Mao Trạch Đông. Vì không thể sử dụng “lãnh tụ nhân dân,” “lãnh tụ của một nước lớn” là phương án thay thế tốt nhất mà Vương có thể nghĩ ra.

Các hãng truyền thông lớn của nhà nước như Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo, và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã không đưa ra lý do tại sao họ ngừng sử dụng danh xưng “lãnh tụ nhân dân.” Nếu họ làm vậy, họ sẽ khiến Tập mất mặt. Đó là một chủ đề cấm kỵ.

Tuy nhiên, lý do dẫn đến thất bại chính trị của Tập vẫn rõ ràng. Nó liên quan đến điều lệ đảng đã được sửa đổi – với toàn văn được công bố bốn ngày sau khi đại hội toàn quốc kết thúc.

Khẩu hiệu “hai xác lập,” thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Tập, đã không được đưa vào điều lệ đảng, ngay cả khi nó đã được hô vang hàng ngày trong đại hội.

Việc khẩu hiệu chính vắng mặt trong bản sửa đổi điều lệ đảng dường như có sức nặng lớn hơn những gì truyền thông nước ngoài nghĩ.

Một tấm biển kêu gọi “hai xác lập” được treo tại Bắc Kinh vào ngày 13/10. “Hai xác lập” đã không được đưa vào điều lệ đảng trong tháng đó. (Ảnh của Yusuke Hinata)

Dù tuổi đã cao, Vương Nghị vẫn được đề bạt vào Bộ Chính trị như một phần thưởng cho lòng trung thành của ông với Tập.

Sau lời nhận xét của Vương, Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo, và CCTV đã bắt đầu sử dụng cụm từ “lãnh tụ của một đảng lớn và một nước lớn.”

Một ví dụ điển hình là Tạp chí Cầu Thị, tạp chí lý luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Nhưng cụm từ “lãnh tụ của một đảng lớn và một nước lớn” trên thực tế là một cụm từ thay thế, nhằm che đậy thất bại chính trị của Tập Cận Bình.

Vương còn thực hiện một động thái bất thường khác. Trong phần tóm tắt về chính sách ngoại giao của Tập, Vương đã thêm danh hiệu trang trọng “giáo sư” cho vợ của Tập là Bành Lệ Viện, và ca ngợi những đóng góp của bà đối với “ngoại giao nước lớn” của Trung Quốc.

Dù đã xây dựng được một nội các đầy những người trung thành với mình, nhưng Tập vẫn không hài lòng với kết quả của đại hội toàn quốc. Nếu cụm từ “lãnh tụ nhân dân” được ghi vào điều lệ đảng, thì điều đó cho thấy Tập đã vượt qua Đặng Tiểu Bình, người đã thúc đẩy chính sách “cải cách và mở cửa.”

Để vượt qua vấn đề chính trị trong nước, Tập cần xây dựng lại nền ngoại giao của Trung Quốc trong bối cảnh bị quốc tế cô lập.

Một cách mà Vương Nghị thể hiện lòng trung thành của mình với Tập Cận Bình là nhắc đến vợ của Tập, Bành Lệ Viện, kèm danh xưng “giáo sư,” ca ngợi những đóng góp của bà cho “ngoại giao nước lớn” của Trung Quốc. © Reuters

Vào ngày 14/11, Tập đã có cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bali, Indonesia. Ông cũng có cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với Fumio Kishida của Nhật Bản tại Bangkok vào ngày 17/11.

Tập bắt tay Kishida cùng với một nụ cười không thể nhầm lẫn. Đằng sau động thái này là mong muốn chứng minh rằng Trung Quốc đã thoát khỏi sự cô lập quốc tế.

Nhưng vẫn còn phải xem liệu quan hệ Trung-Nhật có cải thiện một cách thuận lợi trong tương lai hay không.

Trung Quốc có thể sẽ lựa chọn thái độ ‘chờ xem’ liệu chính quyền Kishida có thực sự không ổn định và yếu kém, khi ba bộ trưởng nội các đã từ chức trong vòng hơn một tháng.

Nếu Trung Quốc quyết định rằng chính quyền Kishida mạnh và sẽ tồn tại lâu dài, họ sẽ trở nên tích cực hơn về mặt ngoại giao đối với Nhật Bản, bất kể họ có thích nước láng giềng hay không.

Fumio Kishida và Tập Cận Bình tiếp xúc nhau ở Bangkok. © Kyodo

Trong khi đó, nhận thức đối với Trung Quốc đã thay đổi sau hơn hai năm rưỡi Tập quyết định không ra nước ngoài vì coronavirus.

Số lượng các quốc gia thực sự nhiệt tình với Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc dẫn đầu đã sụt giảm. Trung Quốc thậm chí còn không đề cập đến sáng kiến này trong các tuyên bố mà họ đưa ra về các cuộc đối thoại song phương giữa Tập và các nhà lãnh đạo nước ngoài, được tổ chức trong chuyến công du Đông Nam Á của ông.

Điều này cũng đúng với khẩu hiệu ngoại giao “cộng đồng chung tương lai vì nhân loại.” Trung Quốc chỉ có thể tuyên bố rằng họ chia sẻ vận mệnh với một vài quốc gia trong chính sách ngoại giao song phương của mình.

Riêng “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” mà Tập đề xuất vào tháng 4 chỉ xuất hiện trong cuộc gặp của Tập với Tổng thống Argentina Alberto Fernandez tại Bali.

Tiếng nói quốc tế của Trung Quốc đã không còn mạnh mẽ như trước đại dịch.

Tập đã không có các cuộc gặp song phương với một số nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Quan hệ với Ấn Độ đặc biệt lạnh nhạt. Tháng 6/2020, Trung Quốc và Ấn Độ đã chứng kiến cuộc đụng độ biên giới chết người đầu tiên sau 45 năm. Dù cả Tập và Modi đều tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, SCO, ở Uzbekistan vào giữa tháng 9, nhưng họ không có cuộc gặp riêng nào.

Nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị đã nói về một Trung Quốc “được yêu mến” khi ông giải thích về việc Tập trở lại chính trường quốc tế trong chuyến công du Đông Nam Á.

Sự thật là chính Tập đã nói về sự thay đổi hướng tới một Trung Quốc “được yêu mến” tại một cuộc họp của các quan chức cấp cao của đảng vào tháng 5/2021, khi ông lo lắng về việc đất nước mang tiếng xấu do chính sách ngoại giao “chiến lang” cứng rắn.

Justin Trudeau trao đổi với Tập Cận Bình, người dường như đang cố đe dọa Trudeau không được nói chuyện với báo chí, tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali, Indonesia. © Reuters

Nhưng chính Tập Cận Bình đã cho thế giới tận mắt chứng kiến ngoại giao chiến lang tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali. Ông đã “dạy” cho Thủ tướng Canada Justin Trudeau một bài, thông qua phiên dịch viên, ngay trước máy quay, về cáo buộc làm rò rỉ thông tin cuộc gặp không chính thức của họ bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20.

“Mọi thứ chúng ta thảo luận đã bị rò rỉ trên mặt báo. Việc đó là không phù hợp. Chúng tôi không làm việc theo cách đó,” Tập nói với Trudeau vào ngày 16/11. “Nếu có sự chân thành, hai bên sẽ có thể giao tiếp với sự tôn trọng lẫn nhau, nếu không thì sẽ không dễ để biết được kết quả.”

Trudeau đáp lại, “Ở Canada, chúng tôi tin tưởng vào đối thoại tự do, cởi mở và thẳng thắn, và đó là điều chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách để chúng ta làm việc cùng nhau một cách xây dựng, nhưng sẽ có những điều chúng ta không đồng ý với nhau.”

Tập ngắt lời Trudeau và nói thẳng thừng, “Hãy tạo điều kiện [để đồng ý với nhau] trước đã,” rồi ông mỉm cười, bắt tay Thủ tướng Canada và rời đi. Nhận xét của Tập nghe giống như một lời đe dọa.

Cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Thủ tướng Trudeau bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về cáo buộc Trung Quốc cài gián điệp và can thiệp vào cuộc bầu cử ở Canada trong cuộc gặp không chính thức với Tập vào ngày 15/11, cuộc hội đàm đầu tiên của họ sau 3 năm 5 tháng.

Không có tự do báo chí ở Trung Quốc. Việc áp đặt đường lối của Trung Quốc, một đường lối vốn chỉ hoạt động bên trong Trung Quốc, cho các quốc gia khác, đơn giản chính là ngoại giao chiến lang.

Dù lúc này Tập đang nở một nụ cười dưới chủ trương xây dựng một Trung Quốc “được yêu mến,” nhưng những đặc điểm của ngoại giao chiến lang vẫn chưa biến mất.

Canada là một thành viên của Nhóm G-7. Hành động trút giận một cách bộc phát và công khai rộng rãi của Tập Cận Bình có thể phản ánh sự bực bội mà vị “lãnh tụ” đã dồn nén trong tháng qua.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Theo nghiên cứu quốc tế