Võ Thái Hà tổng hợp
Ông Biden gọi chính sách kinh tế của thủ tướng Anh là ‘sai lầm’ – James Landale
Phóng viên ngoại giao BBC
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ông Biden nói rằng ông không phải là người duy nhất thấy chính sách cắt giảm thuế của bà Thủ tướng Anh Liz Truss là ‘một sai lầm’
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gọi các chính sách kinh tế ban đầu của bà Liz Truss là “một sai lầm”.
Trong một sự can thiệp bất thường, ông nói rằng tình trạng hỗn loạn kinh tế diễn ra sau khi chính phủ Anh công bố kế hoạch ‘ngân sách ngắn hạn’ là “có thể dự đoán được”.
Nói chuyện tại một cửa hàng kem ở Oregon, ông Biden được các phóng viên hỏi về nỗ lực của thủ tướng Anh trong việc muốn thúc đẩy tăng trưởng bằng việc cắt giảm thuế – điều mà phóng viên gọi là “kế hoạch nhỏ giọt mà bà ấy đã phải từ bỏ”.
Tổng thống trả lời: “Ồ, đó là chuyện có thể đoán trước được. Tôi không phải là người duy nhất nghĩ rằng đó là một sai lầm.”
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng ý tưởng cắt giảm thuế đối với giới siêu giàu vào một thời điểm – dù sao thì tôi nghĩ rằng – tôi không đồng ý với chính sách này, nhưng Vương quốc Anh sẽ phán xét chứ không phải tôi.”
Ông Biden từ lâu đã chỉ trích thuyết kinh tế nằm trọng tâm trong chính sách của Thủ tướng Anh Liz Truss, cụ thể là việc cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp và người giàu nhằm tạo ra tăng trưởng để sự giàu có “nhỏ giọt xuống” tất cả các ngành nghề trong xã hội.
Tuy nhiên, việc một tổng thống Hoa Kỳ chỉ trích nhà lãnh đạo của một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ là điều bất thường.
‘Chúng ta trở thành trò cười’
Trong quá khứ, ông Biden đã bị chỉ trích là làm không đủ mức để hỗ trợ quan hệ Anh-Mỹ, thay vào đó ông thích tập trung mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Dublin, Paris và Berlin.
Nhưng ông không đơn độc trên đấu trường thế giới khi cảm thấy khó hiểu về cách thức nước Anh đang được quản lý và các lựa chọn được đưa ra bởi các chính trị gia của nước này.
Các ngoại trưởng và các nhà ngoại giao Anh nói rằng có phí tổn ngoại giao cho tình trạng hỗn loạn chính trị ở Anh, và cũng có một cái giá kinh tế phải trả.
Một số nhà lãnh đạo thế giới thậm chí còn rất vui vẻ cười nhạo sự chi tiêu của nước Anh.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã nói chuyện với Sunday Times về những lo ngại mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế bày tỏ về tình trạng nền kinh tế Anh.
“Nếu quý vị cần kinh nghiệm ứng phó với IMF thì chúng tôi sẵn sàng trợ giúp!” ông nói đùa, ám chỉ đến tình trạng bất ổn tài chính của chính Hy Lạp và sự hỗ trợ từ cơ quan quốc tế này đối với Athens.
Các nhà ngoại giao từ các nước đang gặp bất ổn kinh tế nói đùa rằng đồng tiền của họ nay mạnh hơn đồng bảng Anh.
Và điều quan trọng, các nhà ngoại giao nước ngoài cảm thấy có thể phá vỡ một trong những quy tắc đầu tiên của ngoại giao và chỉ trích các chính sách đối nội của chính phủ nước sở tại, chẳng hạn như Đại sứ Đức tại London, Miguel Berger, người đã bày tỏ lo ngại về các kế hoạch kinh tế của chính phủ Anh.
Các nhà ngoại giao và các quan chức nói rằng họ tiếc nhớ vai trò Anh từng giữ trên trường thế giới, nói rằng họ mong muốn được thấy điều mà một số người mô tả là “nước Anh già nua” mang lại vẻ bình tĩnh, ổn định trên trường thế giới.
Trước đây, Anh được các nhà ngoại giao coi là một trong những quốc gia tuân thủ quy trình hợp lý và pháp quyền, và có xu hướng đứng về phía hợp lý trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Một ngoại trưởng châu Âu nói với tôi vào cuối tuần này: “Hãy đánh thức nước Anh! Thế giới đang bị bốc cháy. Chúng tôi cần bạn.”
Sự bất ổn quốc tế đã được ghi nhận bởi các đảng đối lập chính ở Anh, với chính trị gia phụ trách đối ngoại của đảng đối lập, David Lammy, nói rằng tình trạng hỗn loạn gần đây đã “khiến nền kinh tế Anh trở thành một lỗ hổng quốc tế”.
“Tổng thống Biden biết sự điên rồ nguy hiểm của nền kinh tế nhỏ giọt từ trên xuống dưới”, vị nghị sĩ tiếp tục. “Những bình luận của ông ấy khẳng định tai tiếng mà Đảng Bảo thủ mang lại cho chúng ta.”
BBC đã liên hệ với chính phủ để đề nghị đưa ra bình luận về việc này.
Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Xê-út ‘kinh ngạc’ với cáo buộc của Mỹ – 17/10/2022
Thái tử kế vị Ả-rập xê-út Mohammed bin Salman tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm hồi tháng 7. (Ảnh: Getty)
Ngày 16/10, Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Xê-út nói rằng ông và các quan chức hàng đầu của nước này cảm thấy “kinh ngạc” vì những cáo buộc rằng nước này phối hợp với Nga để khiến OPEC đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
“Dù quyết định của OPEC+, được đưa ra bằng sự đồng thuận, chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế, một số người cáo buộc Ả-rập Xê-út đứng về phía Nga”, Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Xê-út Khalid bin Salman viết trên Twitter ngày 16/10.
“Iran cũng là một thành viên của OPEC, có phải điều này cũng cho thấy Ả-rập Xê-út đứng về phía Iran?” ông Salman viết tiếp.
Quyết định giảm 2 triệu thùng dầu/ngày, bắt đầu từ tháng 11, được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo phương Tây khác thúc giục thành viên của tổ chức tăng sản lượng để giảm giá mặt hàng quan trọng này, và cũng để giảm nguồn thu nhập chính của Nga.
Sau khi OPEC+ thông báo quyết định, các quan chức Nhà Trắng nói rằng Mỹ sẽ đánh giá lại quan hệ với Ả-rập Xê-út.
“Chúng tôi tin rằng với quyết định mà OPEC+ đưa ra tuần trước, Ả-rập Xê-út chắc chắn đang phối hợp với Nga”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Piere nói trong cuộc họp báo thường kỳ tuần này. “Lúc này không phải thời điểm đứng về phía Nga, nhất là với chiến dịch quân sự ở Ukraine”, bà Pierre nói.
Ngày 16/10, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Tổng thống Biden không có kế hoạch gặp Thái tử kế vị Ả-rập xê-út Mohammed bin Salman tại thượng đỉnh G20 trong tháng tới.
“Tổng thống sẽ không hành động vội vã, ông ấy sẽ làm việc có phương pháp, có chiến lược, và sẽ tham vấn với các thành viên của cả hai đảng, sẽ làm việc với Quốc hội để đánh giá các lựa chọn”, ông Sullivan nói với CNN.
Tuần trước, Ả-rập Xê-út thông báo gói hỗ trợ nhân đạo trị giá 400 triệu USD dành cho Ukraine. Thái tử Mohammed bin Salman có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky hôm 13/10.
Theo Fox News
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 đã khai mạc tại Bắc Kinh
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu khai mạc với cam kết “thống nhất” Trung Quốc bằng cách đặt Đài Loan dưới sự kiểm soát của đại lục. Ông nói Bắc Kinh sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để dập tắt “các phong trào ly khai,” thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết. Ông Tập cũng bảo vệ chính sách zero-covid, gọi các biện pháp ngăn chặn virus là “cuộc chiến toàn dân.” Bất chấp quy ước các nhà lãnh đạo Đảng chỉ phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm, đại hội dự kiến sẽ trao cho ông Tập một nhiệm kỳ thứ ba.
Thị trưởng Kyiv Vitalii Klitschko: ‘Nga tấn công bằng drone vũ trang’ – Elsa Maishman – BBC News
17/10/2022
Giới chức thủ đô Ukraine nói Nga dùng các loại drone vũ trang để tấn công Kyiv, gây ra các vụ cháy nổ và làm nhà dân ở khu trung tâm bị hư hại.
Nguồn hình ảnh, Kyiv City
Chụp lại hình ảnh,
Ukraine công bố hình họ gọi là ‘drone tự sát’ – kamikaze drone – loại tự nổ khi trúng mục tiêu, bay vào Kyiv
Viết trên mạng xã hội Telegram, thị trưởng Vitalii Klitschko của Kyiv nói có ít nhất bốn vụ nổ trong thành phố, trong khi người dân nói có 5-6 vụ.
Được gọi là ‘kamikaze drone’, các phương tiện bay, không người lái này sẽ phát nổ khi trúng mục tiêu.
Ông Klitschko nói chính quyền yêu cầu dân xuống hầm tránh bom, và đăng hình trên mạng xã hội một drone bị bắn hạ.
Trước đó, BBC đưa tin có ít nhất ba vụ nổ đã được nghe thấy ở thủ đô Kyiv của Ukraine, sau khi còi báo động vang lên.
Thị trưởng Vitalii Klitschko cho biết các tòa nhà dân cư ở khu trung tâm Shevchenkivskiy đã bị hư hại.
Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Zelensky, cho biết các cuộc tấn công do drone kamikaze gây ra.
Vụ tấn công xảy ra một tuần sau khi thủ đô Kyiv bị một số tên lửa của Nga bắn trúng vào giờ cao điểm, trong một cuộc tấn công quy mô toàn quốc khiến 19 người thiệt mạng.
Các vụ nổ hôm thứ Hai xảy ra vào khoảng 07:00 giờ địa phương (04:00 GMT), phóng viên BBC Paul Adams, người đang ở thành phố cho biết.
Bảo vệ Kyiv
Viết trên trang Telegram, ông Klitschko cho biết họ đang ở quận Shevchenkivskiy, nơi bị ảnh hưởng bởi một số cuộc tấn công vào tuần trước.
Ông cho biết lực lượng cứu hộ đã có mặt tại chỗ và yêu cầu người dân ở lại các nơi trú ẩn.
Ông Yermak nói trên Telegram rằng cuộc tấn công là từ drone kamikaze và Ukraine cần thêm hệ thống phòng không “càng sớm càng tốt”.
Các drone, được cho là do Iran cung cấp cho Nga, có thể bay lơ lửng trong nhiều giờ trước khi lao vào mục tiêu và phát nổ.
Ukraine nói rằng Nga đã sử dụng chúng trước đây.
Iran phủ nhận cung cấp chúng cho Nga và Nga không bình luận gì.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các cuộc không kích tuần trước là để trả đũa vụ đánh bom cây cầu quan trọng nối Nga với Crimea mà ông đổ lỗi cho Ukraine.
Đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến, trung tâm Kyiv là mục tiêu tấn công trực tiếp.
Đầu tuần này, ông Putin nói rằng không cần thiết phải tiến hành thêm các cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine.
Ông Putin nói, hầu hết các mục tiêu được chỉ định đều đã bị tấn công, đồng thời nói thêm rằng mục tiêu của ông không phải là phá hủy đất nước Ukraine.
Hàn Quốc tập trận Hoguk, sẵn sàng đối phó với đe dọa Bắc Triều Tiên
Phi cơ F-15K của Không quân Hàn Quốc thả bom (JDAM) xuống một mục tiêu tại trường bắn Jikdo ở biển Hoàng Hải. Ảnh chụp ngày 04/10/2022, do bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cung cấp. AFP – HANDOUT
Quân đội Hàn Quốc hôm nay 17/10/202 bắt đầu đợt tập trận thường niên “Hoguk” (Vệ quốc) trong bối cảnh các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên ngày càng gia tăng.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) hôm nay cho biết đợt tập trận hiệp đồng binh chủng Hoguk, kéo dài đến thứ Sáu tuần sau, 28/10/2022, diễn ra trên toàn quốc, với sự tham gia của lục quân, hải quân, không quân và thủy quân lục chiến. Cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội và cải thiện khả năng hoạt động phối hợp.
Phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, đại tá Kim Jun Rak, trong một cuộc họp báo, nhấn mạnh là quân đội đang duy trì các chuẩn bị, và ”theo dõi sát các hoạt động của Bắc Triều Tiên”. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh gần đây Bình Nhưỡng liên tục cho thử nghiệm tên lửa đạn đạo, vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An và thỏa thuận quân sự liên Triều 2018, được ký kết với mục tiêu giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Yonhap, trước nhiều mối đe dọa của Bắc Triều Tiên, nhiều đơn vị thuộc mọi binh chủng của quân đội sẽ được huy động vào các cuộc thao dợt ngày và đêm trên thực địa, nhằm nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ ”trong thời chiến cũng như thời bình”. Một số cuộc thao dợt sẽ có sự tham gia của cả lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa hai quân đội Mỹ – Hàn.
NATO tập trận hạt nhân
NATO sẽ tiến hành tập trận hạt nhân hàng năm, mang tên Steadfast Noon, vào thứ Hai. Diễn ra ở Bỉ, sự kiện này bị hoãn từ đầu năm vì Nga xâm lược Ukraine, và có sự tham gia của 14 trên 30 thành viên của liên minh. Dù không có đầu đạn thật, diễn tập sẽ bao gồm máy bay phản lực có thể mang bom hạt nhân. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gọi hoạt động này là “huấn luyện thường xuyên” để giữ cho chính sách răn đe được “an toàn, an ninh và hiệu quả.”
Tuy nhiên tập trận năm nay sẽ có khác hơn vì cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai đe dọa dùng vũ khí hạt nhân khi triển vọng xâm lược của ông xấu đi. Người đứng đầu GCHQ, cơ quan tình báo Anh, cho biết tuần trước rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ tấn công, nhưng lo ngại về leo thang là có thật. NATO dự đoán Nga sẽ sớm tổ chức tập trận hạt nhân của riêng mình, mang tên Grom.
Liên minh đang đánh cược là việc tiến hành tập trận hạt nhân sẽ giúp duy trì sức mạnh răn đe của họ. Ông Stoltenberg nói việc tránh leo thang đòi hỏi phải có “hành vi chắc chắn và có thể dự đoán được.” Ai cũng mong ông đúng.
Trung Quốc muốn đẩy mạnh xâm nhập thị trường xe điện châu Âu
Khi các khoản chi vào triển lãm tỏ ra không còn hiệu quả, nhiều nhà sản xuất ô tô sẽ không quá mặn mà tham dự triển lãm ô tô vào thứ Hai này tại Paris, lần đầu được tổ chức lại ở thành phố kể từ năm 2018. Trong những công ty tham gia có Renault và Peugeot của Pháp, với Peugeot thuộc sở hữu của Stellantis. Đáng chú ý hơn là sự xuất hiện của BYD và Great Wall Motors, hai thương hiệu Trung Quốc sẽ dùng sự kiện này để phô trương những dòng xe điện được họ kỳ vọng thâm nhập vào thị trường châu Âu.
Trung Quốc, nơi có ngành công nghiệp xe hơi lớn nhất thế giới, đang sản xuất xe điện với tốc độ hơn hẳn mọi quốc gia khác. Một số nhà sản xuất Trung Quốc đã đặt châu Âu vào tầm ngắm. Hãng Nio gần đây đã giới thiệu ba mẫu xe điện ở Berlin, và sẽ sớm phổ biến rộng rãi ở lục địa. Hiện cứ 20 chiếc xe điện được bán ở châu Âu thì có một chiếc là của Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô của châu Âu, vốn đã phải vật lộn với đại dịch và quá trình chuyển đổi sang điện khí hóa, đứng trước một thế lực cạnh tranh đáng gờm.
Đảng Quốc đại của Ấn Độ bầu lãnh đạo mới
Vào thứ Hai, các thành viên đảng Quốc đại, đảng đối lập chính của Ấn Độ, sẽ bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng mới. Đây hứa hẹn là lần đầu tiên sau gần 25 năm đảng này có chủ tịch mới không thuộc gia tộc Gandhi, vốn từ lâu đã điều hành đảng như một doanh nghiệp gia đình. Hai ứng viên chính là Shashi Tharoor, một cựu chuyên gia ngoại giao có tài ăn nói trôi chảy, và Mallikarjun Kharge, một nhân vật 80 tuổi kỳ cựu là thân tín của gia đình Gandhi.
Ông Tharoor tin rằng một thế hệ lãnh đạo mới không thuộc vào tay nhà Gandhi có thể đưa đảng Quốc đại trở lại thời kỳ đỉnh cao. Với chưa đầy hai năm nữa là diễn ra tổng tuyển cử, đảng Quốc đại rất cần thay đổi. Trong hai cuộc bầu cử vừa qua, đảng này đã bị đảng Bharatiya Janata (BJP) theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo áp đảo hoàn toàn. Trong lần gần nhất vào năm 2019, BJP thậm chí đạt số phiếu gần gấp đôi Quốc đại.
Nhưng những kỳ vọng của ông Tharoor có thể là vô ích. Tiến trình đi đến bầu cử lãnh đạo đảng đã thể hiện sự kém cỏi và chia rẽ thường thấy trong đảng suốt nhiều năm. Quan trọng hơn, gia đình Gandhi khó có thể sẽ nhường quyền kiểm soát. Ông Kharge được dự đoán thắng một cách dễ dàng.
Thủ tướng Anh Liz Truss đứng trước nguy cơ mất ghế
Chỉ mới hai tuần trước, sự nghiệp chính trị đỉnh cao của Jeremy Hunt dường như đã đi đến hồi kết. Là một cựu ngoại trưởng dễ mến và kĩ tính, ông đã hai lần tranh cử thất bại vào vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Giờ đây ông bỗng trở thành người đàn ông quyền lực nhất nước Anh. Vào ngày 14 tháng 10, thủ tướng Liz Truss đã sa thải đồng minh Kwasi Kwarteng và bổ nhiệm ông Hunt làm bộ trưởng tài chính mới. Ông được giao nhiệm vụ lấy lại niềm tin của thị trường trái phiếu sau khi kế hoạch cắt giảm thuế của ông Kwarteng đưa thị trường vào khủng hoảng.
Nhưng chỉ thay đổi một phần là không đủ để làm yên lòng thị trường. Vì vậy vào cuối tuần qua, ông Hunt đã nói rõ phải thay đổi nhiều hơn nữa, bao gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu chính phủ. Với ông Hunt ngồi ở ghế lái, bà Truss giờ đây chỉ còn là thủ tướng trên danh nghĩa. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ đang tìm cách ép bà từ chức. Tất cả cho thấy Westminster tuần này sẽ rất huyên náo.
Nối gót Phố Wall, chứng khoán Hong Kong rơi về mức thấp nhất trong 11 năm qua vì so sợ Fed
Một người đàn ông lớn tuổi đi ngang qua tấm áp phích quảng cáo đồng CNY của Trung Quốc (đồng CNY) ở Hong Kong vào ngày 18/08/2011. (Ảnh: Laurent Fievet / AFP / Getty Images)
Trước khả năng Cục dự trữ liên Bang Mỹ sẽ tăng lãi suất điều hành lên cao kỳ vọng ban đầu của thị trường vì lạm phát lõi của Mỹ tăng cao, giá dầu có nguy cơ tăng trở lại do OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, chỉ số giá đồng USD tăng vọt, dòng tiền đổ vào trú ẩn ở tài sản USD, thị trường chứng khoán Hong Kong rơi về mức thấp nhất trong 11 năm qua.
Chỉ số chứng khoán Hang Seng trên sàn giao dịch Hong Kong đã giảm 154 điểm tương đương 0,93% xuống 16.433 vào đầu phiên giao dịch hôm nay (thứ Hai, ngày 17/10/2022), mức điểm thấp nhất trong 11 năm qua.
Tại đại lục, chỉ số chứng khoán của 300 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn giao dịch Thượng hải còn giảm mạnh hơn, CSI300 rơi về mức 3819 điểm, giảm 0,6% trong phiên giao dịch hôm nay, và giảm 21,65% so với cùng kỳ 2021.
Sự biến động của Hang Seng và CSI300 song hành với sự biến động trên thị trường chứng khoán Phố Wall. Chỉ số S&P 500 rơi về mức 3.583,07 điểm, giảm 86,84 (tương ứng giảm 2.37%) so với phiên giao dịch trước. Chỉ số Dow Jones hôm nay rơi về mức 29.634,83 điểm, mất 403,89 điểm, tương ứng giảm 1,34%.
Các thị trường chứng khoán suy giảm mạnh sau khi tín hiệu từ biến động địa chính trị, kinh tế vĩ mô cho thấy Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất lên 0,75% (hoặc thậm chí hơn) trong kỳ hợp chính sách vào tháng 11 tới đây.
Các lý do thúc đẩy Fed tăng lãi suất điều hành quá nhanh như vậy là vì:
Thứ nhất, số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn trong tuần vừa qua, điều này khuyến khích Fed kiên trì với mục tiêu kiềm chế lạm phát;
Thứ hai, số liệu lạm phát đáng thất vọng của Mỹ được công bố cuối tuần trước. Mặc dù lạm phát chung so cùng kỳ năm trươc giảm nhẹ nhưng chỉ số lạm phát lõi tăng mạnh (6,5%, tháng trước là 6,3%). Điều này phản ánh giá cả hàng hoá của Mỹ, trừ lương thực và năng lượng) đã không ngừng tăng cao, thiết lập mặt bằng giá cả mới. Lạm phát hàng năm chỉ tạm thời giảm do giá dầu và năng lượng ổn định hơn. Nhưng tất cả chỉ là tạm thời nhờ xả kho dầu thô dự trữ chiến lược của Mỹ.
Thứ ba, giá dầu giảm chỉ là tạm thời khi khối OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 2 triệu thùng/ngày vào tháng 11/2022 tới đây. Việc cắt giảm này tương ứng với 2% cung dầu toàn cầu. Điều này sẽ đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao hơn. Như vậy, lạm phát Mỹ không có nhiều cơ hội giảm. Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất điều hành mạnh tay hơn.
Chỉ số giá đồng USD là DXY tăng trở lại, đạt mức 113,03 điểm, tăng hơn 20% trong năm 2022.
Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương (BoE) của Vương quốc Anh cảnh báo rằng lãi suất có thể phải tăng nhiều hơn mức kế hoạch của cơ quan này trong vài tháng trước.
Ngược lại với hành động của Fed và BoE, Trung Quốc đã không lãi suất để ngăn dòng tiền ngoại tệ chạy khỏi Bắc Kinh do lo ngại về suy thoái kinh tế, tắc nghẽn tín dụng BĐS. Hôm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố không thay đổi lãi suất đáo hạn Các khoản vay trung hạn, duy trì ở mức lãi suất thấp là 2,75%/năm tháng thứ hai liên tiếp.
Quang Nhật
Bàn về giảm phát của Trung Quốc – Law Ka-chung
Bức ảnh chụp một công nhân di cư Trung Quốc đi ngang qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 01/05/2013. (Ảnh: Mark Ralston/AFP)
Giảm phát của Trung Quốc là một trong những hiện tượng kinh tế vĩ mô bắt mắt trong bối cảnh lạm phát cao trên toàn cầu. Nhìn vào các nước BRICS khác: lạm phát mới nhất của Ấn Độ là 7%, Nam Phi là 8%, Brazil là 9%, và Nga là 14%. Trung Quốc? Dưới 3%. Địa ốc và giảm nợ là yếu tố chịu trách nhiệm cho tình trạng giảm phát. Đây là những gì Nhật Bản đã trải qua từ những năm 1990 đến năm ngoái. Cả Nhật Bản giờ đây hiện đang chứng kiến mức lạm phát 3%, còn cao hơn Trung Quốc. Kể từ bây giờ, chúng ta phải giới thiệu một nhãn hiệu mới “Á Châu không kể Trung Quốc” để thay thế cho “Á Châu không kể Nhật Bản.”
Lạm phát (tốc độ tăng giá) là kết quả của việc dư thừa tiền. Nếu tiền tạo ra được hấp thụ bởi các hoạt động thực tế, các sản phẩm tài chính, hoặc các tài sản khác, thì sẽ không có lượng tiền dư thừa để tạo ra lạm phát. Tuy nhiên, Trung Quốc đang trải qua suy thoái kinh tế (suy giảm hoạt động kinh tế) và bán bớt tài sản (giảm nợ), tiền thực sự đã chảy ra từ các thị trường này thay vì ngược lại. Có thể nói, là sẽ có dư thừa thanh khoản (tiền mặt khả dụng) do chính phủ đã thúc đẩy trong nhiều năm. Nhìn vào dữ liệu cung tiền: tăng trưởng của M0 (tiền tệ vật chất) qua từng năm (YoY) đang có xu hướng lên tới 14%, và của M2 là 12%.
Tuy nhiên, tiền sẽ chỉ tạo ra lạm phát nếu nó “lưu chuyển”. Một kho tiền chất đống sẽ không có bất kỳ tác động kinh tế nào. Dòng tiền được đo lường tốt nhất bằng tín dụng. Nhìn vào tăng trưởng các khoản cho vay bằng nhân dân tệ so với cùng thời kỳ năm ngoái: tốc độ này đã giảm từ mức cao nhất 34% vào cuối năm 2019 xuống dưới 11% vào tháng Tám, một mức quay trở lại như mức trong năm 2002, chưa từng thấy trong hai thập niên. Đây chính xác là hiện tượng đã từng xảy ra ở Hoa Kỳ từ năm 2008 đến năm 2015, khi ba vòng nới lỏng định lượng (tăng cung tiền) với lượng tiền rất lớn được bơm vào đã không tạo ra bất kỳ áp lực lạm phát có ý nghĩa nào — lạm phát vẫn dưới mức 2%.
Về nguyên tắc, tăng trưởng cung tiền rộng (M2) nên bao hàm xu hướng của lạm phát với độ trễ từ 1.5 đến 2 năm. Biểu đồ kèm theo cho thấy trường hợp của Trung Quốc, nơi mà tốc độ tăng M2 và CPI theo năm được vẽ cùng với độ trễ 1.5 năm (so sánh khung thời gian của hai trục hoành, số liệu M2 bắt đầu từ 01/1996, còn số liệu CPI bắt đầu 1.5 năm sau, từ 07/1997). Từ năm 2002 đến năm 2015, mối tương quan giữa hai chuỗi (với một độ trễ về thời gian) là chặt chẽ. Kể từ năm 2015, khi thị trường địa ốc của Trung Quốc bắt đầu sụp đổ trong khi các nền kinh tế phương Tây phục hồi, thì tăng trưởng tiền tệ không có nghĩa là lạm phát. Một hiện tượng tương tự như vậy đã được quan sát trước năm 2002.
Tín dụng chi phối vận tốc lưu chuyển của tiền, nhưng làm thế nào để tiền lưu chuyển tốt hơn khi không có triển vọng kinh tế sáng sủa là điều chưa rõ ràng. Giảm lãi suất là một giải pháp thông qua hạ giá tín dụng, nhưng rẻ hơn một vài điểm phần trăm căn bản sẽ không ích lợi gì. Ngoài ra, khoản lỗ dự kiến từ việc đi vay có thể lớn hơn mức chi phí khoản vay giảm xuống, dẫn đến việc không muốn vay và đầu tư. Thực tế này cho thấy chỉ khi triển vọng kinh tế được cải thiện về căn bản thì tín dụng mới tăng cao. Và triển vọng sẽ chỉ được cải thiện nếu giá tài sản không còn được định giá quá cao (khi đòn bẩy/vay tài chính giảm tới mức không còn).
Việc điều chỉnh giá chậm chạp có nghĩa là quá trình xóa bỏ đòn bẩy sẽ diễn ra rất chậm. Việc này cũng có nghĩa là một kỷ nguyên thiểu phát kéo dài hoặc thậm chí là giảm phát sẽ trải rộng hơn một thập niên — do việc theo đuổi sự ổn định chính trị bằng mọi giá.
Law Ka-chung
Ông Law Ka-chung là một nhà bình luận về kinh tế vĩ mô và thị trường toàn cầu. Ông đã viết cho nhiều tờ báo và tạp chí chuyên đề và nói về thị trường trên nhiều kênh truyền hình, đài phát thanh và trực tuyến ở Hồng Kông kể từ năm 2005. Ông đưa tin về tất cả các chủ đề kinh tế và tài chính ở Hoa Kỳ, Âu Châu, và Á Châu, từ các lý thuyết kinh tế vĩ mô đến triển vọng thị trường đối với chứng khoán, tiền tệ, tỷ giá, lợi tức, và hàng hóa. Ông là nhà kinh tế trưởng và chiến lược gia tại một chi nhánh Hồng Kông của ngân hàng lớn thứ năm Trung Quốc trong hơn 12 năm. Ông có bằng Tiến sĩ về Kinh tế, Thạc sĩ Toán học và Thạc sĩ Vật lý thiên văn.
Nhật Thăng biên dịch
Pháp yêu cầu đương đơn Việt Nam xin thị thực phải có thông tin nơi sinh trên hộ chiếu
Mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam.
Kể từ ngày 17/10/2022, hồ sơ xin thị thực nhập cảnh vào Pháp phải kèm theo hộ chiếu có thông tin về nơi sinh, phái đoàn ngoại giao của Pháp tại Việt Nam cho biết trong thông báo chính thức hôm 14/10.
Hồ sơ xin thị thực tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 17/10 “nhất thiết” phải kèm theo hộ chiếu có ghi nơi sinh (ở trang 2, 4 hoặc 5).
Thông báo cho biết rằng qui định này áp dụng cho tất cả các hồ sơ xin thị thực, với thời gian lưu trú ngắn hạn hay dài hạn.
Các hồ sơ đã tiếp nhận trước đây không bị ảnh hưởng và sẽ được xử lý bình thường, thông cáo cho biết thêm.
Hôm 12/9, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh cũng ra yêu cầu tương tự: “Kể từ ngày 3/10, tất cả các đương đơn xin thị thực có hộ chiếu mới bìa màu xanh tím than phải có bị chú về nơi sinh trước buổi phỏng vấn”.
Thời gian qua, một số nước như Đức, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Tây Ban Nha tạm thời dừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, với lý do trong hộ chiếu mới màu xanh tím than không ghi nơi sinh. Tuy nhiên, sau đó các nước này cho biết họ sẽ xem xét cấp visa đối với người mang hộ chiếu có bổ sung thông tin nơi sinh trong phần bị chú.
Sau vụ nhiều công dân Việt gặp rắc rối vì một số nước châu Âu từ chối cấp thị thực, Bộ Công an Việt Nam có công văn đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có chức năng cấp hộ chiếu Việt Nam in thêm thông tin nơi sinh vào phần bị chú của hộ chiếu loại này.