Trung Quốc: Dân số giảm là vấn đề còn tệ hại hơn cả suy thoái kinh tế

Share this post on:

Liên Thành 28/01/2023 585 lượt xem

Theo bài viết phân tích này được đăng trên Tạp chí Phố Wall mới đây; Các nhà kinh tế cho rằng dân số đang giảm là một thách thức lớn phía trước đối với Trung Quốc sau khi chính phủ nước này công bố con số tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc mới đây nói ám chỉ rằng kinh tế nước này có thể đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách zero-Covid, vốn đã hạn chế tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong phần lớn thời gian của năm 2022, tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế trong năm nay. Sự thay đổi của chính sách phòng chống dịch diễn ra sau các cuộc biểu tình quy mô lớn, nhưng nó có thể giúp Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế.

Chính quyền Bắc Kinh đang trông chờ vào sự phục hồi kinh tế mạnh trong bối cảnh ngày càng nhiều quan chức Trung Quốc cho rằng làn sóng Covid mới nhất đã chạm đỉnh và đang hạ nhiệt. Một số chuyên gia cố vấn của chính phủ cho biết các nhà lãnh đạo có thể công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5-5,5% cho năm 2023 tại kỳ họp vào tháng 3 tới.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos mới đây, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, đã tìm cách truyền tải một thông điệp tới các nhà đầu tư và các giám đốc điều hành doanh nghiệp tham dự sự kiện này. Đó là: Kinh tế Trung Quốc sẽ trở lại xu hướng tăng trưởng bình thường trong năm 2023 khi nước này mở cửa trở lại.

Cũng tại diễn đàn Davos, ông Nicolas Aguzin – Giám đốc điều hành của sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông – cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ có tác động tích cực đối với thị trường toàn cầu trong năm nay.

Kevin Rudd, giám đốc điều hành của hãng Asia Society, cho rằng nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 5% trở lên trong năm 2023, thì đó thực sự sẽ là chỗ dựa vững chắc cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, các biện pháp gần đây của Trung Quốc đã không giải quyết được một loạt các thách thức mà nền kinh tế này đang phải đối mặt. Do đại dịch COVID-19, một số thách thức trong số đó đã trở nên trầm trọng hơn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng dân số già đi nhanh chóng, tăng trưởng năng suất chậm lại, nợ cao và bất bình đẳng xã hội gia tăng, là những yếu tố sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ tới.

Trung Quốc mới đây công bố tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 3%, tốc độ thấp thứ hai kể từ năm 1976. Số liệu của chính phủ cũng cho thấy dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ năm 1961.

Cụ thể, dân số Trung Quốc đã giảm 850.000 người vào năm 2022 xuống còn 1,412 tỷ người. 

Sự sụt giảm dân số diễn ra sớm hơn dự kiến của chính quyền Bắc Kinh, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử Trung Quốc, vì nó sẽ tác động sâu sắc tới nền kinh tế và vị thế là công xưởng thế giới của Trung Quốc.

Dù có quy mô lớn thứ 2 thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển, có mức thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình, và dĩ nhiên thấp hơn nhiều so với Mỹ và các nước giàu có khác. 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã có tham vọng đưa nền kinh tế vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với việc dân số giảm, các nhà kinh tế cho rằng nhiệm vụ này đang trở nên khó khăn hơn đối với Trung Quốc.

Roland Rajah, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Lowy Institute ở Sydney, cho biết khả năng một ngày nào đó kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ ngày càng xa vời.

Kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào lực lượng sản xuất của công xưởng Trung Quốc, và người tiêu dùng Trung Quốc đại diện cho một thị trường đang phát triển đối với ô tô và hàng xa xỉ do phương Tây sản xuất. Do đó, dân số giảm đồng nghĩa với việc số lượng người tiêu dùng giảm, nhất là vào thời điểm Trung Quốc đang chịu áp lực thúc đẩy tăng trưởng thông qua tiêu dùng hơn là đầu tư và xuất khẩu.

Ngoài ra, sự phục hồi của tiêu dùng cũng có thể bị hạn chế do thị trường lao động suy yếu và thị trường bất động sản khủng hoảng. 

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở Trung Quốc, vẫn ở mức cao là 16,7%, ghi nhận vào tháng 12/2022. 

Theo David Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Credit Suisse, thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng khoảng 4%/năm trong 5 năm tới, giảm so với mức khoảng 8%/năm trước đại dịch Covid.

Dân số giảm, kéo theo lực lượng lao động bị thu hẹp, có thể khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nền kinh tế sẽ chỉ phát triển nếu số lượng công nhân tăng lên, hoặc năng suất lao động tăng lên.

Theo S&P Global Ratings, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 0,2%/năm cho đến năm 2030. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã chạm đỉnh vào khoảng năm 2014.

Tổ chức nghiên cứu Conference Board cho rằng năng suất lao động của Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại. Tổ chức này ước tính, từ năm 2009-2019, tăng trưởng năng suất lao động trung bình của Trung Quốc giảm từ mức 2,7% xuống 1,3%.

Ông Andrew Harris, nhà kinh tế của công ty tư vấn Fathom Consulting có trụ sở tại London, cho biết Trung Quốc dường như đang già đi trước khi trở nên giàu có.

Trung Quốc vẫn đang mắc kẹt trong mô hình thúc đẩy tăng trưởng cũ, khi nước này khuyến khích chính phủ và các công ty vay nhiều hơn để đầu tư. Đây là điều mà các nhà kinh tế cảnh báo sẽ không bền vững trong dài hạn.

Tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc đạt mức cao trong thời kỳ đại dịch khi các chính quyền địa phương vay tiền để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nền kinh tế. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng tín dụng của Trung Quốc cho lĩnh vực phi tài chính vào tháng 6/2022 đứng ở mức gần 52 nghìn tỷ Đôla, tương đương 295% GDP.

Các biện pháp thúc đẩy kinh tế mà Trung Quốc đưa ra trong thời gian đại dịch chủ yếu tập trung vào phía cung, chứ không phải phía cầu. Không giống như nhiều quốc gia ở phương Tây, chính phủ Trung Quốc không đầu tư tiền cho các hộ gia đình, thay vào đó tập trung phần lớn vào việc hỗ trợ các công ty sản xuất.

Chuyên gia kinh tế George Magnus tại Đại học Oxford cho rằng những vấn đề mang tính hệ thống tồn tại trong nền kinh tế Trung Quốc trước dịch COVID vẫn còn đó, và đại dịch – theo một cách nào đó – đã làm cho những vấn đề này trở nên tồi tệ hơn.

Mặc dù một số diễn giả tại diễn đàn Davos có vẻ lạc quan, nhưng các nhà đầu tư và giám đốc điều hành doanh nghiệp ở Trung Quốc và nước ngoài vẫn tỏ ra thận trọng về việc chính quyền Bắc Kinh có thể sẵn sàng giảm bớt các biện pháp trấn áp đối với một số lĩnh vực trong vài năm qua và khơi thông lại dòng vốn tư nhân.

Phó thủ tướng Lưu Hạc đã tìm cách trấn an những lo ngại đó. Ông phát biểu tại diễn đàn Davos rằng không có chuyện Trung Quốc muốn áp dụng một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng việc nhà lãnh đạo Tập Cận Bình thúc đẩy hoạt động tự cung tự cấp trong một loạt ngành công nghiệp, và xu hướng áp đặt cách thức hoạt động đối với các công ty tư nhân, sẽ tiếp tục làm suy yếu sự năng động của nền kinh tế này.

Ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng phụ trách châu Á của hãng Capital Economics, cho rằng mong muốn của ông Tập nhằm đảm bảo sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc mở rộng ra toàn xã hội mạnh hơn nhiều so với mong muốn phát triển nền kinh tế thị trường của nhà lãnh đạo này.

Có thể bạn quan tâm:

Theo DKN.TV