Khủng hoảng SVB và Ngân hàng Signature sẽ lây lan ra toàn hệ thống tài chính Mỹ?

Share this post on:
Khủng hoảng SVB và Ngân hàng Signature sẽ lây lan ra toàn hệ thống tài chính Mỹ?

Một người đàn ông đứng bên ngoài Ngân hàng First Republic ở trung tâm thành phố San Francisco, Mỹ. (Ảnh: Lear Zhou/The Epoch Times)

 Bình luậnBảo Nguyên • 19:38, 14/03/23

Những ngày qua, giới quan sát đang ‘nín thở’ trước những diễn biến trong hệ thống tài chính của Mỹ, chờ đợi theo dõi sự lây lan từ vụ sụp đổ nhanh chóng của SVB và Ngân hàng Signature. Lo ngại gia tăng khi người gửi tiền cũng đang ồ ạt rút tiền khỏi Ngân hàng First Republic. Những vấn đề mang tính hệ thống của ngành tài chính Mỹ đã trở nên quá rõ ràng.

Xem nhanh

  1. Điều gì đã xảy ra tại SVB và Ngân hàng Signature?
  2. Rủi ro lãi suất và thanh khoản
  3. Rủi ro của hệ thống
  4. Rút tiền hàng loại tại First Republic
  5. So sánh First Republic và SVB
  6. Điểm tích cực
  7. Các ngân hàng tìm cách trấn an người gửi tiền
  8. Sợ hãi lây lan
  9. Cuộc khủng hoảng có lan rộng?

Trên tờ MarketWatch, Phó giáo sư kinh tế tại Đại học Indiana, ông Vidhura S. Tennekoon cho rằng, nhiều ngân hàng khác tại Mỹ sẽ phải đối mặt với số phận tương tự Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Ngân hàng Signature. Nhưng trước hết, điều gì đã xảy ra với hai ngân hàng này?

Điều gì đã xảy ra tại SVB và Ngân hàng Signature?

SVB và Ngân hàng Signature đã sụp đổ với một tốc độ chóng mặt – nhanh đến mức chúng có thể trở đưa vào sách giáo khoa về việc rút tiền hàng loạt kinh điển tại ngân hàng, thứ xảy ra khi có quá nhiều người gửi tiền rút tiền từ ngân hàng cùng một lúc. Sự sụp đổ tại SVB (cổ phiếu giảm 60,41% trước khi ngừng giao dịch) và Ngân hàng Signature (cổ phiếu giảm 22,87%) là hai trong số ba sự sụp đổ lớn nhất trong lịch sử ngân hàng Mỹ, sau sự sụp đổ của Washington Mutual vào năm 2008.

Làm thế nào điều này có thể xảy ra khi ngành ngân hàng đang có lượng dự trữ vượt mức kỷ lục – hay lượng tiền mặt được nắm giữ vượt quá yêu cầu của cơ quan quản lý?

Mặc dù loại rủi ro phổ biến nhất mà một ngân hàng thương mại phải đối mặt là việc vỡ nợ tăng vọt – được gọi là rủi ro tín dụng – nhưng đó không phải là điều đang xảy ra ở đây. Có hai rủi ro lớn khác mà nhà cho vay phải đối mặt: rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản.

Rủi ro lãi suất và thanh khoản

Một ngân hàng phải đối mặt với rủi ro lãi suất khi lãi suất tăng nhanh trong một khoảng thời gian ngắn. Đó chính xác là những gì đã xảy ra ở Mỹ kể từ tháng 03/2022. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã ráo riết tăng lãi suất – tăng 4,5 điểm phần trăm cho đến nay – nhằm kiềm chế lạm phát tăng vọt. Kết quả là, lợi tức nợ đã tăng với tốc độ tương xứng.

Lợi tức trái phiếu kho bạc chính phủ Mỹ một năm (đang là 4,318%) đạt mức cao nhất trong 17 năm là 5,25% vào tháng 03/2023, tăng từ mức dưới 0,5% vào đầu năm 2022. Trong khi đó, lợi tức trái phiếu kho bạc 30 năm (đang là 3,691%) đã tăng gần 2%.

Khi lợi tức của chứng khoán tăng lên, giá của nó sẽ giảm xuống. Lãi suất tăng nhanh như vậy trong một thời gian ngắn đã khiến giá trị thị trường của các khoản nợ đã phát hành trước đó – cho dù là trái phiếu doanh nghiệp hay trái phiếu kho bạc chính phủ – giảm mạnh, đặc biệt là đối với các khoản nợ dài hạn.

Ví dụ: lợi tức trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng 2% có thể khiến giá trị thị trường của nó giảm khoảng 32%.

SVB có một phần lớn tài sản của mình – 55% – được đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định [chứng khoán đem lại thu nhập cố định cho người nắm giữ], chẳng hạn như trái phiếu chính phủ Mỹ.Một nhân viên nói với người dân rằng trụ sở chính của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã đóng cửa ở Santa Clara, California, Mỹ, vào ngày 10/03/2023. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Tất nhiên, rủi ro lãi suất dẫn đến giảm giá trị thị trường của chứng khoán không phải là vấn đề lớn miễn là chủ sở hữu có thể giữ nó cho đến khi đáo hạn, tại thời điểm đó, nó có thể giúp người nằm giữ thu về mệnh giá ban đầu mà không bị lỗ. Khoản lỗ chưa thực hiện vẫn ẩn trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng và biến mất theo thời gian.

Nhưng nếu chủ sở hữu phải bán chứng khoán trước khi đáo hạn vào thời điểm giá trị thị trường thấp hơn mệnh giá, khoản lỗ chưa thực hiện sẽ trở thành khoản lỗ thực tế.

Đó chính xác là những gì SVB đã phải làm vào đầu năm nay khi khách hàng của họ, đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt, bắt đầu rút tiền gửi – trong khi lãi suất dự kiến thậm chí sẽ còn tăng cao hơn.

Điều này dẫn chúng ta đến rủi ro thanh khoản.

Rủi ro thanh khoản là rủi ro mà một ngân hàng sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ của mình khi đến hạn mà không bị tổn thất.

Ví dụ: nếu bạn chi 150.000 USD tiền tiết kiệm của mình để mua một ngôi nhà và trong tương lai, bạn cần một phần hoặc toàn bộ số tiền đó để giải quyết một trường hợp khẩn cấp khác, thì bạn đang đối mặt với vấn đề rủi ro thanh khoản. Một lượng lớn tiền của bạn hiện đang nằm trong ngôi nhà và không dễ đổi thành tiền mặt.

Khách hàng của SVB đã rút tiền gửi của họ với quy mô vượt quá mức mà ngân hàng có thể chi trả bằng cách sử dụng dự trữ tiền mặt của mình, và vì vậy để giúp đáp ứng các nghĩa vụ của mình, ngân hàng đã quyết định bán 21 tỷ USD trong danh mục đầu tư chứng khoán của mình với khoản lỗ 1,8 tỷ USD. Sự cạn kiệt vốn chủ sở hữu đã khiến nhà cho vay này cố gắng huy động hơn 2 tỷ USD vốn mới.

Lời kêu gọi tăng vốn chủ sở hữu đã gây sốc cho các khách hàng của SVB, khiến họ mất niềm tin vào ngân hàng và vội vã rút tiền mặt. Một đợt rút tiền ồ ạt như thế này có thể khiến ngay cả một ngân hàng khỏe mạnh cũng phải phá sản trong vài ngày, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số hiện nay.

Điều này một phần là do nhiều khách hàng của SVB có số tiền gửi cao hơn 250.000 USD được bảo hiểm bởi Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang – và vì vậy họ biết tiền của mình có thể không an toàn nếu ngân hàng sụp đổ. Khoảng 88% tiền gửi tại SVB không được bảo hiểm.

Ngân hàng Signature gặp phải một vấn đề tương tự, vì sự sụp đổ của SVB đã khiến nhiều khách hàng của họ rút tiền gửi do những lo ngại tương tự về rủi ro thanh khoản. Khoảng 90% tiền gửi của nó không được bảo hiểm.

Rủi ro của hệ thống

Ngày nay, tất cả các ngân hàng đều phải đối mặt với rủi ro lãi suất đối với một số tài sản do họ nắm giữ do chiến dịch tăng lãi suất của Fed. Điều này đã dẫn đến khoản lỗ chưa thực hiện là 620 tỷ USD trên các bảng cân đối kế toán của ngân hàng tính đến tháng 12/2022. Nhưng các ngân hàng dường như không phải đối mặt với rủi ro thanh khoản đáng kể.

Mặc dù SVB và Signature tuân thủ các yêu cầu theo quy định, nhưng thành phần tài sản của họ không tương xứng với mức trung bình của ngành.

Signature chỉ có hơn 5% tài sản bằng tiền mặt và SVB có 7%, so với mức trung bình của ngành là 13%. Ngoài ra, 55% tài sản của SVB là chứng khoán có thu nhập cố định so với mức trung bình của ngành là 24%.

Quyết định của chính phủ Mỹ về việc hỗ trợ tất cả các khoản tiền gửi SVB và Signature bất kể quy mô của chúng sẽ khiến cho các ngân hàng có ít tiền mặt hơn và nhiều chứng khoán hơn trên sổ sách của họ khó có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu thanh khoản vì việc rút tiền ồ ạt do hoảng loạn đột ngột.

Tuy nhiên, với hơn 1 nghìn tỷ USD tiền gửi ngân hàng hiện không được bảo hiểm, Phó giáo sư kinh tế Tennekoon tin rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ còn lâu mới kết thúc.

Trên thực tế, các nhà quản lý tài chính và chính phủ Mỹ đang rất lo ngại sự sụp đổ của SVB và Ngân hàng Signature sẽ lan rộng, và đã tiến hành các biện pháp mạnh tay nhằm trấn an người dân. Rõ ràng, thị trường đang rất nhạy cảm, và viễn cảnh đổ vỡ dây chuyền là rất có thể xảy ra, nhất là khi người ta đang quan sát thấy những diễn biến tương tự như của SVB và Signature trên thị trường.

Rút tiền hàng loại tại First Republic

Một người đi bộ đi ngang qua trụ sở Ngân hàng First Republic vào ngày 13/03/2023 tại San Francisco, California, Mỹ. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Khách hàng của First Republic – ngân hàng có trụ sở chính tại San Francisco chuyên phục vụ các khách hàng và doanh nghiệp lớn – đã xếp hàng dài tại nhiều chi nhánh ở California vào ngày 13/03 sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Ngân hàng Signature vào cuối tuần qua.

Đứng đợi bên ngoài chi nhánh Phố Montgomery của First Republic ở San Francisco vào ngày 13/03, một chủ doanh nghiệp ở California tên là Chad nói với The Epoch Times rằng ông ấy đang lo lắng về việc liệu ông ấy có thể rút hơn 1 triệu USD được cất giữ tại ngân hàng hay không. Chủ doanh nghiệp vừa hoàn tất việc chuyển tiền từ SVB – nơi ông ấy cũng là khách hàng – và hiện đang cố gắng đa dạng hóa nơi gửi tiền.

“Chúng tôi cũng đã chuyển một số tiền vào Wells [Fargo]”, ông ấy nói. “Chúng tôi đã phân tán rủi ro của mình”.

Tuy nhiên, ông Chad cho biết những sự kiện gần đây đã làm lung lay niềm tin của ông đối với các ngân hàng nhỏ trong khu vực.

Đầu tuần, giá cổ phiếu của First Republic đã giảm 78%, đạt 18 USD một cổ phiếu, trước khi tăng trở lại trên 35 USD.

Khách hàng Lance Keefer, một cựu nhà thầu xây dựng, ghé qua chi nhánh ngân hàng của ông ở Brentwood, California. Cuộc trò chuyện trên mạng xã hội đã thúc đẩy ông ấy đến gặp trực tiếp ngân hàng để đảm bảo rằng tiền của ông ấy an toàn.

Ông Keefer nói với NTD, hãng truyền thông liên kết với The Epoch Times: “Điều đó khiến tất cả chúng tôi có một chút lo lắng”.

Một số khách hàng khác cũng xếp hàng vào sáng 13/03 trước khi chi nhánh Brentwood mở cửa.

Một người gửi tiền khác, ông Robb Strom, đến kiểm tra tài khoản của mình và được thông báo rằng tiền của ông ấy vẫn an toàn và ngân hàng vẫn đảm bảo thanh khoản và đang thực hiện cho vay. Tuy nhiên, ông ấy vẫn rất cảnh giác.

Ông Strom nói: “Khi giá cổ phiếu giảm 60% trong một buổi sáng, điều đó thật đáng lo ngại”.

So sánh First Republic và SVB

Các nhà kinh tế đang chỉ ra những điểm tương đồng giữa các ngân hàng công nghệ đã sụp đổ và First Republic. Một nhà bình luận thị trường gọi sự sụp đổ của SVB là “một cuộc khủng hoảng thanh khoản kiểu cũ của những năm 1930”, nói rằng nó liên quan nhiều đến việc người gửi tiền rút tiền hơn là do các khoản đầu tư thiếu thận trọng của ngân hàng.

Nhà phân tích vĩ mô Jim Bianco viết trên Twitter: “Đây không phải là một cuộc khủng hoảng về khả năng thanh toán như năm 2008. Các khoản nợ khó đòi hoặc các khoản đầu tư kém cỏi đã không xuất hiện”. “Quá nhiều người gửi tiền yêu cầu tiền mặt cùng một lúc và SVB không thể chuyển đổi các khoản vay và chứng khoán thành tiền mặt nhanh như vậy”.

Ông Bianco cảnh báo rằng với “thế giới của ngân hàng di động” không có trở ngại ngày nay, những người gửi tiền có thể yêu cầu 42 tỷ USD vào ngày 10/03 mà không cần phải xếp hàng chờ đợi và nói chuyện trực tiếp với nhân viên giao dịch.

Ông nói: “Điều này sẽ khiến [các] chủ ngân hàng và cơ quan quản lý trên toàn thế giới sợ hãi”. “Toàn bộ cơ sở tiền gửi trị giá 17 nghìn tỷ USD hiện đang rất nhạy cảm với mong đợi thanh khoản ngay lập tức”.

Giống như SVB, First Republic nắm giữ một số lượng lớn tiền mặt của một số ít người gửi tiền, bằng 1/5 số người gửi tiền của các ngân hàng có quy mô tương tự. Hầu hết các khoản tiền gửi này được giữ thay mặt cho các doanh nghiệp với 68% không có bảo hiểm – điều có nghĩa là chúng không được bảo hiểm theo chương trình hoàn trả của Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang – so với 90% của SVB.

Nếu những người gửi tiền của First Republic rút tiền của họ, điều đó có thể gây ra rắc rối cho ngân hàng San Francisco, do vẫn chưa chắc chắn liệu ngân hàng có đủ điều kiện để được áp dụng các biện pháp khẩn cấp của chính phủ hay không.Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell làm chứng trước Ủy ban Hạ viện về Dịch vụ Tài chính trên Đồi Capitol, Mỹ, vào ngày 08/03/2023. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Vào ngày 12/03, Cục Dự trữ Liên bang đã công bố một chương trình cho vay mới để “đảm bảo các ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả những người gửi tiền của họ”. Mặc dù điều này nhằm mục đích dập tắt sự hoảng loạn đang gia tăng, nhưng nó đã không ngăn được sự sụt giá cổ phiếu của First Republic.

Rắc rối có thể nằm ở danh mục tài sản của ngân hàng.

Theo thông báo của Fed, các tổ chức muốn nhận quỹ khẩn cấp phải cầm cố trái phiếu kho bạc Mỹ, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) hoặc “các tài sản đủ điều kiện khác” như là tài sản thế chấp. Mặc dù không rõ tài sản nào khác có thể đủ điều kiện, nhưng First Republic không sở hữu nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc MBS.

Ông Joseph Wang, cựu giao dịch viên tại Bàn giao dịch thị trường mở của Fed, đã viết trên Twitter rằng ngân hàng “không thể hưởng lợi từ gói cứu trợ mới của Fed”. Ông gợi ý rằng điều này có thể được thể hiện ở giá cổ phiếu lao dốc của ngân hàng.

Ông viết, “Bạn cần trái phiếu Kho bạc và MBS đại lý để tiếp cận gói [cứu trợ], và họ hầu như không sở hữu bất kỳ thứ gì”.

Tuy nhiên, ông Wang không lo lắng về triển vọng của ngân hàng. Ngay cả khi một số tài sản nhất định không đủ điều kiện, ông cho rằng các cơ quan quản lý sẽ bẻ cong các quy tắc để tránh một cuộc khủng hoảng.

“Tôi không lo ngại về First Republic vì chính quyền có thể sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để cứu họ”, ông nói với NTD.

Ông Wang lưu ý rằng gói cứu trợ dành cho người gửi tiền có thể khơi dậy lạm phát, thứ mà Fed đã rất nỗ lực để kiềm chế.

Điểm tích cực

First Republic và một loạt các ngân hàng vừa và nhỏ khác vẫn đang phải đối mặt với những khoản nợ khó khăn trên bảng cân đối kế toán của họ.

Như MarketWatch đã báo cáo vào ngày 10/03, First Republic cho thấy thu nhập toàn diện khác được tích lũy (AOCI) đạt -331 triệu USD – một số liệu đo lường các khoản lỗ chưa thực hiện đối với tài sản sở hữu và các khoản lỗ trong tương lai đối với các khoản nợ cố định, chẳng hạn như kế hoạch nghỉ hưu của nhân viên. Tuy nhiên, so với các ngân hàng khác, tình hình với First Republic có thể vẫn tốt.

Khoản lỗ chỉ chiếm 1,9% tổng vốn chủ sở hữu của First Republic – thước đo tổng tài sản của một tập đoàn – trong khi một số ngân hàng có quy mô tương tự có khoản lỗ AOCI hơn 10%.

Hãy xem xét Ally Financial có trụ sở tại Detroit, với AOCI là -4,05 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Cả Ally Financial và First Republic đều đang quản lý khoảng 200 tỷ USD tài sản.

Bất chấp điều đó, giá cổ phiếu của Ally Financial không bị ảnh hưởng nhiều như của First Republic, giảm khoảng 10% so với 60% tương ứng của First Republic trong ngày 13/03.

Các ngân hàng tìm cách trấn an người gửi tiền

Vào cuối tuần trước, Ngân hàng First Republic và Western Alliance Bancorporation có trụ sở tại Arizona đều đã cố gắng xoa dịu những căng thẳng xung quanh sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon sau khi cổ phiếu của cả hai tổ chức tài chính lao dốc trong tuần trước.

Ngân hàng First Republic nói với khách hàng rằng tiền gửi của họ vẫn an toàn trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan từ vụ sụp đổ của SVB và do cổ phiếu của First Republic giảm 33% trong 5 ngày trước đó.

Trong một hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vào thứ 6 (10/03), First Republic cho biết tình trạng thanh khoản của họ vẫn vững mạnh trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm.

Hồ sơ nêu rõ, “Hồ sơ này nhắc lại sự an toàn và ổn định liên tục của First Republic cũng như tình hình vốn và thanh khoản mạnh mẽ”. “Cơ sở tiền gửi của First Republic rất mạnh và rất đa dạng. Tiền gửi của người tiêu dùng có quy mô tài khoản trung bình dưới 200.000 USD và tiền gửi của doanh nghiệp có quy mô tài khoản trung bình dưới 500.000 USD”.

Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) bảo hiểm các khoản tiền gửi lên tới 250.000 USD cho mỗi người gửi tiền cho mỗi ngân hàng được bảo hiểm, đối với từng loại tài khoản. Đã có báo cáo rằng khoảng 85% tài khoản của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) không được bảo hiểm vì tổ chức tài chính này thường được các công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp sử dụng.

First Republic cũng cho biết, “Trong tiền gửi doanh nghiệp, không có lĩnh vực nào chiếm hơn 9% tổng tiền gửi, trong đó lĩnh vực lớn nhất là bất động sản đã được đa dạng hóa. Các khoản tiền gửi liên quan đến công nghệ chỉ chiếm 4% tổng số tiền gửi”. Danh mục đầu tư của nó chiếm ít hơn 15% tổng tài sản ngân hàng và chỉ dưới 2% tổng tài sản ngân hàng được phân loại là sẵn sàng để bán.

Trong khi đó, Western Alliance, có trụ sở tại Phoenix, đã đưa ra một thông cáo báo chí vào ngày 11/03 rằng “tiền gửi vẫn mạnh”, nói rằng “tổng tiền gửi là 61,5 tỷ USD, tăng 7,8 tỷ USD kể từ cuối năm, được dẫn dắt bởi các lĩnh vực gửi tiền của chúng tôi là Dịch vụ Thanh toán, Hiệp hội Chủ sở hữu Nhà và Kho Thế chấp. Công ty dự kiến ​​tiền gửi sẽ giảm vừa phải từ các mức này vào cuối quý do hoạt động hàng tháng và theo mùa điển hình”.

Giống như First Republic, cổ phiếu của Western Alliance đã giảm khoảng 35%. Tính đến thứ 6, nó đã nắm giữ 2,5 tỷ USD tiền mặt trên bảng cân đối kế toán trong khi chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn chiếm chưa đến 2% tài sản với khoản lỗ không được ghi nhận là 192 triệu USD vào ngày 28/02.Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen phát biểu cuộc họp báo tại Bộ Tài chính ở Washington, Mỹ, vào ngày 28/07/2022. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Sợ hãi lây lan

Ngay từ 11/03 đã có thông tin ghi nhận về việc rút tiền hàng loạt tại First Republic.

“Tôi chưa từng thấy một đợt rút tiền hàng loạt nào ở Brentwood Los Angeles trong hơn 40 năm qua – đây là tại chi nhánh ngân hàng First Republic. Mọi người đang đứng dưới mưa”, người dùng nhận xét vào ngày 11/03.

Một bài báo của Daily Mail cũng đã đăng những bức ảnh về những hàng dài bên ngoài địa điểm Brentwood. Trước khi SVB sụp đổ, những người gửi tiền đã tới rút tiền hàng loạt, khiến các cơ quan quản lý bang California phải đóng cửa ngân hàng và cho phép FDIC tiếp quản.

Những lo ngại đó còn trở nên trầm trọng hơn bởi một bài báo trên tờ Wall Street Journal với tiêu đề, “First Republic Hit by Silicon Valley Bank Fail” (First Republic bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon) và rằng “các nhà đầu tư đã trở nên cảnh giác với First Republic vì những lý do tương tự như những lý do đã gây lo ngại tại SVB”.

Ngân hàng First Republic được thành lập tại San Francisco vào năm 1985, có khoảng 80 chi nhánh tại 11 tiểu bang trên khắp nước Mỹ. Bài báo của WSJ lưu ý rằng nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu dựa vào các cá nhân giàu có, những người muốn tìm kiếm lợi suất cao hơn từ tiền của họ.

Với tổng tài sản khoảng 212 tỷ USD, First Republic là ngân hàng lớn thứ 14 tại Mỹ. Western Alliance nhỏ hơn, với tổng tài sản khoảng 34 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng có lan rộng?

Liệu cuộc khủng hoảng này sẽ lan rộng đến đâu? Có thể sớm thôi, chúng ta sẽ được biết câu trả lời. Nhưng những vấn đề trong hệ thống tài chính của Mỹ là rõ ràng. Sau những chính sách sai lầm, đặc biệt là những phản ứng trong đại dịch, viễn cảnh chờ đợi ngành tài chính Mỹ đang rất tồi tệ, và có lẽ Tổng thống Biden có thể dừng việc khoác lác về “kinh tế học Biden” như ông vẫn đang làm.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Bảo Nguyên

Theo NTDVN.NET