Thời sự Thứ Hai 26/12/2022: Putin nói sẵn sàng đàm phán? – Chiến đấu cơ TC gần Đài Loan – Kinh tế TQ lao dốc – Indonesia cấm tuyên truyền cộng sản – Chiến tranh Ukraine về đâu năm 2023 – Mỹ: Bão tuyết 34 người thiệt mạng…

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp


TT Putin nói Nga sẵn sàng đàm phán về Ukraine ??? – 25/12/2022 – Reuters 

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc gặp với lãnh đạo các doanh nghiệp tổ hợp công nghiệp-quân sự ở Tula, Nga, ngày 23 tháng 12 năm 2022.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc gặp với lãnh đạo các doanh nghiệp tổ hợp công nghiệp-quân sự ở Tula, Nga, ngày 23 tháng 12 năm 2022. 

Nga sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine nhưng Kiev và các nước phương Tây hậu thuẫn chính quyền này đã từ chối tham gia đàm phán, Tổng thống Vladimir Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm Chủ nhật.

Cuộc xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2 của Nga đã gây ra cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II và cuộc đối đầu lớn nhất giữa Moscow và phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Cho đến nay, chiến tranh vẫn chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt.

Điện Kremlin tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu của mình trong khi Kiev nói sẽ không ngưng nghỉ cho đến khi mọi binh sĩ Nga bị trục xuất khỏi toàn bộ lãnh thổ của họ, bao gồm cả Crimea mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014.

“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan về các giải pháp có thể chấp nhận được, nhưng điều đó tùy thuộc vào họ – chúng tôi không phải là những người từ chối đàm phán, mà chính họ”, ông Putin nói với kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1 trong cuộc phỏng vấn.

Giám đốc CIA William Burns cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố trong tháng này rằng trong khi hầu hết các cuộc xung đột kết thúc bằng đàm phán, thì theo đánh giá của CIA, Nga vẫn chưa nghiêm túc về một cuộc đàm phán thực sự để chấm dứt chiến tranh.

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng ông Putin cần nhìn lại thực tế và thừa nhận rằng chính Nga không muốn bất kỳ cuộc đàm phán nào.

“Nga đã một mình tấn công Ukraine và đang giết hại nhiều công dân”, ông Mykhailo Podolyak viết trên Twitter. “Nga không muốn đàm phán, nhưng cố gắng trốn tránh trách nhiệm”.


Trung Quốc điều động 71 chiến đấu cơ, 7 chiến hạm tới Đài Loan trong 24 giờ qua 

Trung Quốc điều động 71 chiến đấu cơ, 7 chiến hạm tới Đài Loan trong 24 giờ qua

Một chiến đấu cơ J-16 của PLA Trung Quốc bay ở một địa điểm không được tiết lộ trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Đài Loan qua AP) 

ĐÀI BẮC, Đài Loan — Hôm thứ Hai (26/12), Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, trong 24 giờ qua, quân đội Trung Quốc đã điều động 71 chiến đấu cơ và 7 chiến hạm tới Đài Loan nhằm phô trương lực lượng nhắm vào hòn đảo này. Hành động này diễn ra sau khi Trung Quốc bày tỏ sự tức giận đối với các điều khoản liên quan đến Đài Loan trong dự luật chi tiêu quốc phòng thường niên của Hoa Kỳ được thông qua hôm thứ Bảy (24/12). 

Hành động quấy rối của quân đội Trung Quốc đối với Đài Loan tự trị, nơi họ tuyên bố là lãnh thổ của mình, đã gia tăng trong những năm gần đây, và quân đội Trung Quốc đã điều động phi cơ hoặc chiến hạm tới hòn đảo này gần như hàng ngày. 

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, từ 6 giờ sáng Chủ Nhật (25/12) đến 6 giờ sáng thứ Hai, 47 phi cơ Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan, một đường giới tuyến không chính thức từng được cả hai bên ngầm chấp nhận. 

Trong số các phi cơ mà Trung Quốc điều động tới Đài Loan có 18 chiến đấu cơ J-16, 11 chiến đấu cơ J-1, 6 chiến đấu cơ Su-30, và các phi cơ không người lái. 

Đài Loan cho biết họ đã theo dõi các hành động của Trung Quốc thông qua các hệ thống hỏa tiễn trên mặt đất, cũng như trên các hạm đội của chính họ. 

Theo Đại tá Thi Nghị (Shi Yi), phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của PLA, cho biết trong một tuyên bố vào tối Chủ Nhật: “Đây là một phản ứng kiên quyết đối với sự leo thang và khiêu khích hiện tại của Hoa Kỳ và Đài Loan.” Bộ Tư lệnh này thông báo rằng PLA đang tổ chức các cuộc tuần tra chiến đấu chung và các cuộc tập trận tấn công chung ở vùng biển xung quanh Đài Loan. 

Ông Thi Nghị đang đề cập đến dự luật chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ, vốn gọi Trung Quốc là một thách thức chiến lược. Đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dự luật này cho phép tăng cường hợp tác an ninh với Đài Loan và yêu cầu mở rộng hợp tác với Ấn Độ về các công nghệ quốc phòng mới nổi, sự sẵn sàng của quân đội, và các vấn đề hậu cần.

Quân đội Trung Quốc thường sử dụng các cuộc tập trận quân sự lớn để phô diễn lực lượng nhằm đáp trả các hành động ủng hộ Đài Loan của chính phủ Hoa Kỳ. Hồi tháng Tám, họ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật quy mô lớn nhằm đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) tới Đài Loan.

Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.

Hồng Ân biên dịch


Cơ quan tị nạn của HQ: Ít nhất 180 người Rohingya được cho là đã chết

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/c1_2469195.jpeg

ít nhất 180 người thiểu số Rohingya mắc kẹt trên biển trong nhiều tuần sau khi rời Bangladesh (Reuteurs) 

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR) cho biết, ít nhất 180 người thiểu số Rohingya mắc kẹt trên biển trong nhiều tuần sau khi rời Bangladesh vào tháng 11 được cho là đã chết vì chiếc thuyền của họ có thể đã bị chìm trong tháng này.

Người Hồi giáo Rohingya sống trong trại tị nạn làm tạm bằng tre ở Bangladesh (Ảnh minh họa: Getty Images)

Trích dẫn các báo cáo chưa được xác nhận, cơ quan này cho hay, chiếc thuyền “không đủ khả năng đi biển” có thể đã chìm sau khi mất tích trên biển.

UNHCR viết trên Twitter hôm thứ Bảy: “Những người thân đã mất liên lạc với họ. Những người liên lạc cuối cùng cho rằng tất cả đều đã chết.”

Hơn 1 triệu người tị nạn Rohingya từ Myanmar đang sống trong các khu trại tồi tàn ở Bangladesh, nơi có đa số người theo đạo Hồi, trong đó có hàng chục nghìn người đã trốn khỏi Myanmar sau khi quân đội nước này tiến hành một cuộc đàn áp chết người vào năm 2017.

Tại Myanmar, đa số đều theo đạo Phật, và hầu hết người Hồi giáo Rohingya đều bị từ chối quyền công dân, bị coi là những kẻ xâm lấn hay những người nhập cư bất hợp pháp từ Nam Á.

Tuy nhiên, khi tị nạn tại Bangladesh, họ hầu như không tìm được công việc nào. Do đó, những kẻ buôn người thường dẫn dụ họ thực hiện những chuyến đi đầy nguy hiểm với những lời hứa hẹn về công việc ở các nước Đông Nam Á như Malaysia.

Bất chấp đói khát và bệnh tật, những người tị nạn thường trôi dạt vào vùng biển quốc tế sau khi rời miền nam Bangladesh với hy vọng tìm được thức ăn, việc làm và nơi trú ẩn ở những nơi khác ở châu Á.

Tuần trước, hai nhóm hoạt động của người Rohingya ở Myanmar cho biết, có tới 20 người đã chết vì đói hoặc khát trên một chiếc thuyền bị mắc kẹt trong hai tuần ngoài khơi bờ biển Ấn Độ. Con thuyền chở ít nhất 100 người được cho là đang ở vùng biển Malaysia.

Đầu tháng này, hải quân Sri Lanka cũng cứu được 104 người Rohingya trôi dạt ngoài khơi bờ biển phía Bắc của hòn đảo ở Ấn Độ Dương.

UNHCR đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực giúp giảm thiểu cuộc khủng hoảng nhân đạo, trong khi chính những người tị nạn cũng kêu gọi thế giới đừng quên hoàn cảnh của họ.

Nhật Minh (Theo Reuters)


Kinh tế Trung Quốc lao dốc, giao thông tàu điện ngầm Bắc Kinh giảm 80%

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/12/anh-chup-man-hinh-2022-12-25-luc-120749-ch-700x366.jpg

Hoạt động kinh tế Trung Quốc lao dốc do dịch bệnh bùng phát. 

Số ca nhiễm tăng đột biến đã khiến các hoạt động kinh tế của Trung Quốc rơi vào vực thẳm. Việc hủy các các biện pháp phong tỏa không theo trình tự của Trung Quốc đã dẫn đến sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19. Điều này khiến mọi người ngại ra ngoài và gây thiệt hại nặng nề cho các hoạt động kinh tế và du lịch.

Theo thống kê, mức độ tắc nghẽn ở các thành phố quan trọng và số lượng chuyến bay nội địa đã giảm mạnh. Và tàu điện ngầm đang chạy với ít hành khách hơn.

Gần đây, số lượng hành khách đi tàu điện ngầm đã giảm mạnh ở các thành phố bao gồm Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Tây An và Nam Kinh khi các ca nhiễm bệnh gia tăng. Tại Bắc Kinh, việc sử dụng tàu điện ngầm đã giảm 80% so với năm 2019.

Theo một chỉ số do tạp chí Tài chính năng lượng mới Bloomberg tổng hợp, mức độ tắc nghẽn ở 15 thành phố lớn của Trung Quốc thấp hơn 56% so với tháng 1 năm 2021.

Công ty dữ liệu hàng không Trung Quốc VariFlight cho biết tần suất bay vào ngày 22 tháng 12 đã giảm xuống 42% so với mức của năm 2019.

Guan Yi Low, người đứng đầu bộ phận tài sản cố định tại công ty quản lý đầu tư M&G, chỉ ra rằng tỷ lệ lây nhiễm gia tăng sau khi dỡ bỏ một số hạn chế sẽ làm giảm hoạt động kinh tế của Trung Quốc vào tháng 12 và tháng 1 năm 2023.

Liên Thành 


Indonesia thông qua bộ luật hình sự mới cấm tuyên truyền cộng sản

Indonesia thông qua bộ luật hình sự mới cấm tuyên truyền cộng sản

Nhà máy phát điện Celukan Bawang 2 do Trung Quốc tài trợ ở Singaraja trên đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia vào ngày 29/10/2020. (Ảnh: Sonny Tumbelaka/AFP qua Getty Images) 

Indonesia đã thông qua một bộ luật hình sự mới trong tháng này nhằm cấm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Marx-Lenin. Các chuyên gia tin rằng hành động này là một phần trong xu hướng chung nhằm cô lập và bài trừ nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc trên toàn cầu.

Hôm 06/12, Quốc hội Indonesia đã thông qua một sửa đổi đối với bộ luật hình sự quốc gia, trong đó quy định những người tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Marx-Lenin có thể bị kết án từ 4 đến 15 năm tù.

Theo Điều 188 của bộ luật này, bất kỳ ai truyền bá hoặc quảng bá chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa Marx-Lenin, dù là bằng lời nói hoặc bằng văn bản, hay thông qua bất kỳ hãng thông tấn nào, sẽ phải đối mặt với mức án tối đa là bốn năm tù; nếu các hành vi được đề cập ở trên gây rối trật tự xã hội hoặc gây thiệt hại về tài sản, thì mức án tối đa là bảy năm; nếu gây thương tích hoặc gây thiệt mạng thì có thể bị phạt tù từ 12 đến 15 năm.

Hôm 20/12, nhà bình luận thời sự Tần Bằng (Qin Peng) nói với The Epoch Times rằng, “Không phải ngẫu nhiên mà Indonesia ban hành luật này. Hành động này nhằm mục đích kiềm chế và đề phòng trước chính quyền Trung Quốc, đó là xu hướng chung của thế giới,” ông nói.

Ông nói rằng sự bành trướng trên toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng trở nên trắng trợn hơn, và ngày càng có nhiều quốc gia chú tâm hơn đến hành động này. Số người phản đối ĐCSTQ ở nhiều quốc gia cũng đang không ngừng gia tăng.

Hồng Ân biên dịch


Chiến tranh Ukraine sẽ về đâu trong năm 2023? 

Ảnh AP: Ngưởi dân Ukraine dự lễ Giáng Sinh trong bóng tối tại Bobrytsia, ngoại ô Kyiv, Ukraine

Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, Ukraine vẫn là một quốc gia độc lập—một viễn cảnh không ngờ khi Nga xâm lược nước này hồi tháng 2. Nhìn chung sẽ có ba kịch bản trong năm tới. Giả định đầu tiên, và tồi tệ nhất, là Nga sẽ ổn định được tiền tuyến và tái xây dựng các tiểu đoàn. Nguồn cung vũ khí từ Mỹ và châu Âu nhỏ giọt đi, và các nước phương Tây vận động Ukraine chấp nhận ngừng bắn.

Trường hợp thứ hai, nhiều khả năng xảy ra hơn, là hai bên sẽ bế tắc. Nga có thể huy động đủ nhân lực để lấp đầy chiến hào và công sự mà không cần huấn luyện họ để tiến tới chiến thắng. Vì không muốn thua, tổng thống Vladimir Putin sẽ chỉ đơn giản là cầm chân và khiến Ukraine cùng các đồng minh kiệt sức.

Viễn cảnh thứ ba lạc quan nhất, nhưng cũng nguy hiểm nhất. Ukraine, với đà tiến quân hiện tại, có thể áp sát Crimea. Khi đó, Putin sẽ đưa ra tối hậu thư: dừng lại hoặc bị đánh bom hạt nhân. Cả thế giới nín thở theo dõi cuộc xung đột.


Dự kiến một năm khó khăn cho kinh tế châu Âu

2023 sẽ là năm châu Âu thực sự cảm nhận được tác động kinh tế của lạm phát và cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra nó. Một cuộc suy thoái đang đến, theo sau là quá trình phục hồi chậm chạp đầy đau đớn.

Mặc dù châu Âu đã bổ sung khả năng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sau khi Nga cắt giảm doanh số bán hàng, nguồn cung LNG toàn cầu vẫn sẽ không tăng nhiều trong năm 2023. Năng lượng sẽ tiếp tục đắt đỏ và từ đó duy trì áp lực lạm phát lên nền kinh tế. Người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ phải hạn chế cả chi tiêu lẫn đầu tư.

Tình trạng thiếu lao động ở châu Âu sẽ trở nên tồi tệ hơn, từ đó tác động xấu đến các công ty nhưng giữ được thất nghiệp ở mức thấp. Nhưng không như các cuộc suy thoái trước đây, kinh tế toàn cầu sẽ không giải cứu châu Âu. Chỉ khi giá năng lượng giảm và lạm phát ở Mỹ được kiềm chế thì tăng trưởng toàn cầu mới có thể nâng đỡ cho châu Âu. Dĩ nhiên nó sẽ đến, nhưng không phải vào năm 2023.

Khối đoàn kết châu Âu sẽ bị thử thách trong năm 2023

Sự đoàn kết đáng ngạc nhiên của các chính phủ châu Âu trước cuộc xâm lược Ukraine của tổng thống Vladimir Putin sẽ đối mặt nhiều thử thách trong năm 2023. Chiến tranh càng kéo dài thì càng nhiều khả năng có một số người ở châu Âu kêu gọi đàm phán hòa bình. Một số có thể yêu cầu nối lại xuất khẩu khí đốt Nga; trong khi những người khác lo ngại châu Âu sẽ phải gánh thêm gánh nặng nếu Mỹ rút ủng hộ cho Ukraine sau bầu cử tổng thống 2024.

Mặc dù những tiếng nói này chỉ là thiểu số, chúng vẫn sẽ gây ra bất hòa và căng thẳng. Các khó khăn kinh tế của Ý có thể khiến tân thủ tướng nước này Giorgia Meloni thay đổi quan điểm về Ukraine. Và khi càng nhiều nước rơi vào suy thoái, lãnh đạo của các nước nghèo nhất sẽ càng chào đón ý tưởng đàm phán và bất hoà với các nước giàu, những nước có đủ tiềm lực để vượt qua khó khăn hơn.

Liệu có bất ổn dân sự ở Anh trong năm tới?

Ngoại trừ mâu thuẫn giữa các phe phái ở Bắc Ireland, nước Anh tương đối ít xảy ra rối loạn dân sự trong mười năm qua. Chuỗi ngày yên bình đó có thể sẽ kết thúc vào năm 2023.

Chi phí năng lượng và thực phẩm tăng có vẻ nguy hiểm, nhưng áp lực kinh tế không nhất thiết dẫn đến rối loạn dân sự. Nhìn chung bất ổn nhiều khả năng xảy ra vì người dân cảm thấy chính quyền đang hành xử không thể chấp nhận được hoặc vì họ cho rằng sẽ không bị trừng phạt. Ở Anh đang có cả hai điều này.

Tại London, nơi xảy ra hầu hết các vụ bất ổn ở Anh, thái độ đối với cảnh sát đã xấu đi trong những năm gần đây: chỉ có 57% người dân London mô tả lực lượng này là đáng tin cậy tại thời điểm tháng 3 năm 2022, so với 77% của năm 2014. Một loạt scandal, bao gồm việc một sĩ quan cảnh sát sát hại Sarah Everard hồi năm 2021, chính là nguyên nhân, bên cạnh số lượt người bị cảnh sát cho dừng để khám xét. Và khi ký ức về các cuộc bạo loạn trong nhiều thập niên trước đây phai mờ, hậu quả tai hại của bất ổn dân sự cũng phai nhạt đi trong tâm trí mọi người.


Mỹ: Bão tuyết khiến ít nhất 34 người thiệt mạng, gây mất điện ở nhiều khu vực

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/64192796_605.jpg

Cơn bão tuyết khủng khiếp Elliot được hình thành từ khối khí lạnh ở Bắc cực đã bao trùm hầu hết lục địa Hoa Kỳ trong kỳ nghỉ Giáng sinh. Nó tiếp tục tấn công thành phố phía bắc Buffalo, New York, vào Chủ nhật, trong bối cảnh nhiệt độ đóng băng kéo dài trên toàn quốc tạo ra cái mà các nhà dự báo gọi là “mối nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng”. 

Theo cập nhật mới nhất của AP, ít nhất 34 người đã thiệt mạng trên toàn quốc do ảnh hưởng của bão tuyết.  

Cơ quan Thời tiết quốc gia (NWS) cảnh báo con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi các các dòng không khí lạnh từ Bắc Cực không cho thấy dấu hiệu suy yếu.

“Tại một số khu vực, chỉ cần ở ngoài trời vài phút là có thể dẫn đến tê cóng,” NWS cho biết trong một bản tin. Dịch vụ khuyên bất kỳ ai đi du lịch hoặc đi ra ngoài “chuẩn bị cho thời tiết cực lạnh bằng cách mặc nhiều lớp, che càng nhiều vùng da hở càng tốt và mang theo bộ dụng cụ an toàn mùa đông trong xe của bạn”.

Cơn bão kéo dài từ Great Lakes gần Canada đến Rio Grande dọc biên giới Mexico, dẫn đến nhiều người thiệt mạng ở Colorado, Kansas, Oklahoma, Nebraska, New York và các bang khác. 

Một trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Buffalo, nơi xảy ra gió lớn và tuyết rơi dày đặc, cao từ 1,2m đến 1,8m.

Trên toàn quốc, cơn bão mùa đông đã gây ra tình trạng mất điện cho 1,5 triệu người, trong khi hàng trăm nghìn người khác được cảnh báo rằng họ có thể bị mất điện.

Cơn bão cũng khiến hàng nghìn chuyến bay bị hủy hoặc hoãn trong kỳ nghỉ lễ. 1.200 chuyến đã bị hủy bỏ vào Chủ nhật.

Những tác động tồi tệ nhất của Elliott được dự báo sẽ tăng lên ở một số vùng của đất nước. NWS cho biết các điều kiện “dự kiến sẽ dần cải thiện khi hệ thống suy yếu”. Tuy nhiên, gió sẽ “tiếp tục đưa không khí lạnh của Canada đến hai phần ba phía đông của quốc gia”.

Ngân Hà


Lũ lụt ở Philippines buộc hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa 

26/12/2022 

AFP 

Người dân Philippines đi qua một đoạn đường ngập lụt do bão gây ra.

Người dân Philippines đi qua một đoạn đường ngập lụt do bão gây ra. 

Lũ lụt xảy ra vào ngày Giáng sinh ở Philippines đã buộc gần 46.000 người phải rời bỏ nhà cửa và ít nhất 8 người thiệt mạng, các quan chức dân phòng cho biết hôm thứ Hai.

Hai người đã thiệt mạng và 9 người khác mất tích sau khi mưa mùa lớn làm ngập lụt một số khu vực ở miền nam Mindanao, các quan chức cho biết thêm.

Thảm họa đã làm giảm bớt không khí lễ hội vào ngày lễ quan trọng nhất của quốc gia nơi người dân chủ yếu theo Công giáo.

“Nước dâng cao đến ngực ở một số khu vực, nhưng hôm nay mưa đã tạnh”, nhân viên dân phòng Robinson Lacre nói với AFP qua điện thoại từ thành phố Gingoog, nơi có khoảng 33.000 trong số 45.700 người phải sơ tán khỏi nhà.

Lực lượng tuần duyên cho biết đã giải cứu các thành viên của hơn 20 gia đình ở thành phố Ozamiz và thị trấn Clarin khi lũ lụt lên đến đỉnh điểm.

Những bức ảnh do lực lượng tuần duyên công bố cho thấy lực lượng cứu hộ mặc áo màu cam bế những đứa trẻ mới biết đi từ những ngôi nhà ngập trong nước lũ.

Bốn trường hợp tử vong – ba người chết đuối – đã được báo cáo ở các thị trấn phía nam Jimenez và Tudela gần đó.

Miền trung và miền nam Philippines đã phải hứng chịu thời tiết xấu khi quốc gia thường xuyên xảy ra thiên tai với 110 triệu dân này bắt đầu kỳ nghỉ lễ Giáng sinh dài ngày.

Hàng triệu người về quê để đoàn tụ gia đình trong thời gian này.

Lực lượng tuần duyên cũng cho biết gió mạnh và sóng lớn đã đánh chìm một chiếc thuyền đánh cá vào ngày Giáng sinh ngoài khơi đảo Leyte, miền trung nước này. Hai thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng, trong khi sáu người khác được giải cứu.

Philippines được xếp hạng trong số các quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng các cơn bão đang trở nên mạnh hơn khi thế giới ấm lên.