Rupert Wingfield-Hayes
BBC News, Đài Loan
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Đài Loan kỷ niệm ngày “Song Thập” vào hôm nay 10/10, ngày quốc khánh của hòn đảo tự trị này.
Lễ kỷ niệm hàng năm đặc biệt quan trọng vào năm nay – khi căng thẳng với Bắc Kinh, vốn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của họ đang ở mức cao nhất từ trước đến nay; và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người đặc biệt có những phát ngôn về việc “tái thống nhất”, được cho sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tuần tới.
Trớ trêu thay, ngày 10/10 vốn không liên quan gì đến Đài Loan hay bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của hòn đảo. Trên thực tế, vào ngày này năm 1911, một cuộc nổi dậy bắt đầu ở Vũ Xương, miền trung Trung Quốc, dẫn đến sự sụp đổ của triều đại cuối cùng – và đánh dấu sự thành lập của Trung Hoa Dân Quốc.
Vậy tại sao Đài Loan lại kỷ niệm ngày này? Bởi vì tên chính thức của hòn đảo vẫn là Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan. Những lá cờ tung bay trên khắp Đài Bắc hôm nay vẫn có ngôi sao trắng trên nền xanh và đỏ.
Đó là di sản kỳ lạ từ cuộc nội chiến Trung Quốc. Năm 1949, chế độ dân tộc chủ nghĩa của Tưởng Giới Thạch bị đánh bại đã bỏ chạy qua eo biển Đài Loan để đến Đài Bắc. Trong nhiều thập kỷ, Tưởng Giới Thạch đã giữ Đài Loan trong thế gọng kìm, trong khi tiếp tục tuyên bố chế độ của mình là “chính phủ dân chủ thực sự của một Trung Quốc Tự do”.
Ngày nay, tất cả những điều này có vẻ ngu xuẩn đối với rất nhiều người Đài Loan, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Hanny Hsian, một nữ tiếp viên hàng không 38 tuổi sống cùng chồng người Mỹ và hai con ở Đài Bắc là một điển hình cho sự thay đổi đó.
“Ông bà tôi đến từ Trung Quốc và họ vẫn là những người Trung Quốc yêu nước”, Hanny nói. “Nhưng đối với tôi, tôi sinh ra và lớn lên ở Đài Loan, tôi không nghi ngờ gì rằng tôi là người Đài Loan. Trung Quốc không phải là quê hương của chúng tôi. Trung Quốc không bao giờ sở hữu Đài Loan. Một số người đã trốn khỏi Trung Quốc để đến Đài Loan. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sở hữu hòn đảo này.”
Hanny không hề đơn độc. Các cuộc thăm dò dư luận năm nay cho thấy 70% đến 80% người dân ở hòn đảo hiện coi mình là “người Đài Loan”. Tỷ lệ này đã gia tăng đáng kể so với một thập kỷ trước, khi khoảng một nửa dân số vẫn nói rằng họ là “người Trung Quốc”.
Xu hướng này không lọt khỏi mắt Bắc Kinh, và Bắc Kinh đang trả đũa.
Kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm vào tháng 8, đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc mất bao lâu cho đến khi Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Điều ít được nói đến là sự bòn rút kinh tế đang diễn ra.
Chụp lại hình ảnh,
Ông Su Guo-zhen nói rằng sức ép kinh tế từ Trung Quốc đang buộc Đài Loan phải tìm kiếm thị trường mới
Trung Quốc là một thị trường lớn của Đài Loan, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp thực phẩm của nước này. Lái xe dọc theo bờ biển tây nam, ngay phía nam của Đài Nam, bạn sẽ thấy thật khó để phân biệt đâu là trời đâu là biển. Nhiều diện tích đất canh tác đã bị biến thành những ruộng muối khổng lồ. Quang cảnh không đẹp nhưng bên dưới những ao bùn là kho báu.
Ông Su Guo-zhen đang đổ hàng xô cá mòi xuống một trong những cái ao của mình. Mặt nước sủi bọt khi hàng chục con cá to chen chúc nhau để ăn mồi. Đó là cá mú – có hàng trăm con trong ao của ông Su.
“Tôi sẽ không đưa chân của bạn xuống nước đâu!” ông nói, cười khúc khích. “Những con cá này cực kỳ bảo vệ lãnh thổ và rất hung dữ”.
Giá của chúng cũng rất đắt. Trên bàn ăn ở Thượng Hải và Bắc Kinh, một con cá mú trưởng thành hoàn toàn có thể được bán với giá 2.000 USD. Cho đến mùa hè này, khoảng 80% cá mú nuôi ở Đài Loan đã được chuyển đến Trung Quốc. Bây giờ là 0%.
“Trung Quốc là thị trường tốt nhất cho loại cá này. “Họ ăn chúng trong các bữa tiệc và ngày đặc biệt. Chúng rất phổ biến”, ông Su cho biết.
Nhưng kể từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu vào tháng 6, ông nói thêm, người mua ở Trung Quốc đại lục đã ngừng đặt hàng từ Đài Loan, làm dấy lên lo ngại về việc giảm giá thành.
Tuy nhiên, ông Su cho biết đã có sự thay đổi về thái độ của mọi người: “Những người nuôi cá lớn tuổi như tôi rất lo lắng. Nhưng những người nông dân trẻ thì không. Họ nghĩ, nếu Trung Quốc không mua, chúng tôi sẽ bán cho các thị trường khác trên thế giới có người Trung Quốc sinh sống.”
Con gái và con rể của ông Su hiện đang làm việc đó, quảng cáo cá mú của ông ở Singapore, San Francisco và Vancouver. Nông dân trồng dứa ở Đài Loan đang chuyển nông sản năm nay sang Nhật Bản.
Đó là một quá trình chuyển đổi khó khăn. Giống như sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga, việc Đài Loan quá phụ thuộc vào thị trường rộng lớn của Trung Quốc đã khiến nước này dễ bị tổn hại.
Nhưng nếu Bắc Kinh cho rằng áp lực kinh tế đối với Đài Loan sẽ có tác dụng, thì dường như điều này đã phản tác dụng. Khoảng một nửa dân số trên hòn đảo hiện ủng hộ nền độc lập chính thức, ngay cả khi bị Trung Quốc đe dọa tấn công. Một cuộc thăm dò vào năm ngoái cho thấy 75% người Đài Loan nói rằng họ sẽ chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc.
Ý thức về định danh ngày càng gia tăng này đi kèm với cảm giác tự hào về câu chuyện riêng của Đài Loan – về nền dân chủ khó mới giành được và sự chuyển đổi đáng kể của Đài Loan thành một trong những xã hội cởi mở nhất châu Á.
Đối với họ, mối đe dọa từ Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa đối với giới lãnh đạo chính trị của Đài Loan. Đó là một mối đe dọa đối với tất cả các quyền và tự do mà mọi người được hưởng.
Đây là nơi duy nhất ở châu Á hợp pháp hôn nhân đồng tính.
Mota Lin cho biết: “Đồng tính từng là điều bạn phải giấu kín. Nhưng bây giờ chúng tôi đang sống trong một xã hội cởi mở. Và thái độ của mọi người đã thay đổi khi chính phủ đã chấp nhận và công nhận chúng tôi.”
Chụp lại hình ảnh, Mota Lin (trái) và City Chen tự hào về xã hội cởi mở ở Đài Loan
Cô Lin sống ở phía nam Đài Bắc cùng với người bạn đời City Chen và cô con gái Lin-chen hai tuổi đáng yêu của họ. Các bức ảnh gia đình treo đầy trên tường của căn hộ, trên sàn nhà là một mớ đồ chơi lộn xộn. Niềm vui sướng khôn xiết của hai cô gái trẻ này khi trở thành cha mẹ thật dễ lan tỏa. City hiện đang mang thai em bé thứ hai của họ.
City trẻ hơn trong hai người, và càng nhiệt thành với danh tính Đài Loan của mình. Sự tức giận lóe lên trong mắt cô trước câu hỏi về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Đài Loan.
“Chúng tôi là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Nếu Trung Quốc muốn chiếm Đài Loan, họ sẽ phải gây ra chiến tranh, giống như Nga ở Ukraine. Nếu chiến tranh xảy ra, ưu tiên của chúng tôi sẽ là sự an toàn của gia đình. Vì vậy, chúng tôi có thể phải ra đi”.
Đó là một khả năng tồi tệ. Nhưng đối với Mota Lin, City Chjen, Su Guo-zhen, Hanny Hsian và 23 triệu người khác của Đài Loan, mối de dọa không thể lớn hơn.
Trong ba thập kỷ qua, họ đã tạo ra một điều phi thường ở đây. Đó là điều mà họ có thể kỷ niệm một cách chính đáng và tự hào hôm nay. Và đó là điều mà họ không có ý định từ bỏ, bất kể những lời đe dọa từ Bắc Kinh.