Thượng nghị sĩ Bob Menendez, phát biểu trong Phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về Ngân sách Năm Tài chính 2023 tại Điện Capitol Hoa Kỳ, hôm 26/4/2022 tại Washington, DC. (Ảnh: Bonnie Cash/Pool/Getty Images)
Bình luậnLam Giang • 08:11, 15/09/22
Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật có tên “Đạo luật Chính sách Đài Loan” vào ngày 14/9 nhằm đẩy mạnh hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Đài Loan, bao gồm các điều khoản hỗ trợ an ninh trị giá hàng tỷ USD. Hồi tháng 8, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương đã tuyên bố với Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman rằng, quan hệ Mỹ-Trung sẽ sụp đổ nếu dự luật này được thông qua.
Xem nhanh
- Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ ‘nổi giận’ về Đạo luật Chính sách Đài Loan 2022
- Chín điều khoản của Đạo luật Chính sách Đài Loan 2022
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã ủng hộ dự luật có tên là “Đạo luật Chính sách Đài Loan 2022” với 17 phiếu thuận, 5 phiếu chống.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez nhấn mạnh rằng dự luật không thể hiện sự thay đổi trong chính sách của Đài Loan, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng dự luật sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng từ các thành viên của Ủy ban. Ông nói với báo chí hôm thứ Ba (13/9) rằng, Quốc hội Mỹ đã có rất nhiều cuộc thảo luận với chính quyền ông Biden cùng các nhánh lập pháp và hành pháp, hiện đã đạt được sự đồng thuận.
“Tôi nghĩ rằng hiện nay chúng ta đã đạt được sự đồng thuận rất tốt. Dự luật rất mạnh mẽ này cũng thể hiện mong muốn của Thượng viện nhằm tăng cường quan hệ với Đài Loan và hỗ trợ hòn đảo về khả năng duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của mình”, ông Menendez nói với đài VOA.
“Điều này không thay đổi chính sách hiện có của Mỹ về Đài Loan, nhưng nó đã nói rõ hơn rằng chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan, kể cả trong cộng đồng quốc tế”.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với tờ Bloomberg vào tuần trước rằng các phần của dự luật “khiến chúng tôi lo ngại”.
Không có phiên bản tương ứng của dự luật tại Hạ viện. Để một dự luật được gửi tới Tổng thống và ký thành luật, trước tiên nó phải thông qua các ủy ban liên quan của Thượng viện và Hạ viện Mỹ, cùng một phiên bản của văn bản phải được cả lưỡng viện thông qua. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào thứ Tư (14/9) đã thảo luận về những sửa đổi có thể có từ các nhà lập pháp của lưỡng đảng.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ ‘nổi giận’ về Đạo luật Chính sách Đài Loan 2022
Đạo luật Chính sách Đài Loan đã được đưa vào chương trình nghị sự của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngay từ ngày 19/7, và việc xem xét dự luật này đã bị hoãn lại hai lần vì một số lý do.
Lần thứ nhất là do các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa yêu cầu thêm thời gian nghiên cứu và được đưa vào chương trình nghị sự ngày 03/8, nhưng lần thứ hai lại bị hoãn lại để kịp chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Hành động quyết liệt của ĐCSTQ để trả đũa cho chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi trong cuộc tập trận hải quân ở Đài Loan đã khiến giới diều hâu trong chính trường Mỹ tức giận, trong đó có Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Tần Cương.
Sau cuộc gặp, hai bên hiếm khi tiết lộ nội dung cuộc hội đàm như thường lệ. Theo những người quen thuộc với vấn đề này, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc ngừng gây áp lực quân sự và chính trị cũng như các hành động khác ảnh hưởng đến sự ổn định của eo biển Đài Loan. Theo đó, rất có thể dự luật sẽ khiến cho mối quan hệ Mỹ – Trung đối mặt với sự tan rã.
Chín điều khoản của Đạo luật Chính sách Đài Loan 2022
Dự luật của Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022 (Taiwan Policy Act of 2022) được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 14/9, đã thu hút sự chú ý lớn từ mọi tầng lớp xã hội. Đề xuất chung vào tháng 6 được coi là “điều chỉnh toàn diện nhất” về chính sách của Mỹ đối với Đài Loan kể từ Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979.
Các biện pháp quan trọng của Đạo luật Chính sách Đài Loan bao gồm: Mỹ sẽ cung cấp gần 4,5 tỷ USD hỗ trợ an ninh trong vòng 4 năm tới và chỉ định Đài Loan là “Đồng minh chính ngoài NATO” (MNNA), hỗ trợ Đài Loan bán vũ khí, hỗ trợ Đài Loan về mặt quốc phòng và hợp tác an ninh.
Dưới đây là chín điều khoản chính của dự luật Đạo luật Chính sách Đài Loan 2022:
1. Chính sách của Mỹ đối với Đài Loan
Mỹ lặp lại lập trường của “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” và “Sáu đảm bảo”, với mục tiêu thúc đẩy an ninh của Đài Loan, duy trì nền dân chủ, hệ thống kinh tế và quân sự và đảm bảo sự ổn định trên khắp eo biển Đài Loan.
Mỹ cũng ủng hộ việc Đài Loan tham gia vào “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương” (Indo-Pacific Economic Framework – IPEF) và cam kết ngăn chặn tham vọng xâm lược Đài Loan của Trung Quốc.
Ngoài ra, Mỹ sẽ coi chính phủ dân chủ của Đài Loan là đại diện hợp pháp của người dân Đài Loan, cấm chính phủ liên bang Mỹ áp đặt các hạn chế đối với các tương tác chính thức với chính phủ Đài Loan.
Trước đây là “Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc” (Taipei Economic and Cultural Representative Office), nay sẽ được đổi thành “Văn phòng Đại diện Đài Loan”, và áp dụng các nguyên tắc ngoại giao trên thực tế tương đương với các chính phủ nước ngoài khác.
Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) cũng sẽ nhận được danh hiệu “đại diện”, giống như “đại sứ”, nhưng phải được Thượng viện Mỹ đề cử.
2. Tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ-Đài Loan
Mỹ sẽ sửa đổi phạm vi bán vũ khí cho Đài Loan trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan để mở rộng phạm vi bán vũ khí cho Đài Loan từ bản chất “phòng thủ” sang vũ khí “giúp ngăn chặn hành động xâm lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)”.
Dự luật cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá nguy cơ xảy ra khủng hoảng ở eo biển Đài Loan hàng năm, cũng như đánh giá khả năng phòng thủ của Đài Loan và đệ trình báo cáo quốc phòng về hòn đảo.
Ngoài ra, Mỹ sẽ tạo ra một “Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Đài Loan” (Taiwan Security Assistance Initiative), cung cấp 4,5 tỷ USD trong vòng 4 năm để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội của Đài Loan. Để đáp ứng yêu cầu bán vũ khí của Đài Loan cho Mỹ, các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành trên nguyên tắc “phi đối xứng”. Mỹ cũng sẽ cùng thúc đẩy các chương trình đào tạo với Đài Loan.
Mỹsẽ sửa đổi thêm Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài để liệt Đài Loan là một “đồng minh quan trọng bên ngoài NATO”.
3. Ba biện pháp đối phó với sự xâm lược và mở rộng ảnh hưởng của ĐCSTQ
Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đưa ra hướng dẫn chiến lược và các biện pháp để hỗ trợ các khu vực công và tư nhân của Đài Loan để đối phó với thông tin sai lệch, tấn công mạng và tuyên truyền từ Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ sẽ thông qua Khung đào tạo và hợp tác toàn cầu của AIT để hỗ trợ Đài Loan và các đồng minh khác của Đài Loan.
Do các quốc gia ủng hộ Đài Loan đang phải đối mặt với áp lực kinh tế từ ĐCSTQ, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ thực hiện các biện pháp đối phó với ĐCSTQ.
4. Đưa Đài Loan vào các tổ chức quốc tế
Ngoài việc bản thân Mỹ nên thiết lập chính sách thúc đẩy Đài Loan gia nhập và tham gia vào các tổ chức quốc tế, thì Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc cũng sẽ lên tiếng về vấn đề này. Ngoài ra, Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan tham gia vào Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (Inter-American Development Bank – IADB), giúp đa dạng hóa hơn nữa các nguồn tài trợ của ngân hàng này.
Mỹ cũng sẽ sửa đổi Đạo luật Sáng kiến Bảo vệ và Tăng cường Đồng minh Quốc tế Đài Loan (Taiwan Allies International Protection and Enhancement Initiative Act) vào năm 2019, cho rằng Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vẫn cần được làm rõ, đặc biệt là liên quan đến đại diện và chủ quyền của Đài Loan.
Theo đó, Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được thông qua vào ngày 25/10/1971, đề cập đến “vấn đề khôi phục quyền lợi hợp pháp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong tổ chức Liên Hợp Quốc”.
5. Tăng cường sự phát triển và hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan
“Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Đài Loan-Mỹ” (Taiwan-US Economic Prosperity Partnership Dialogue) dựa trên cơ sở này, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của chuỗi cung ứng ổn định, tăng trưởng việc làm và một “nền kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Về mặt thương mại, Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán về Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) với Đài Loan, đồng thời sẽ đưa Đài Loan vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF).
6. Chương trình Giáo dục và Trao đổi Hỗ trợ giữa Mỹ và Đài Loan
Chương trình này thể hiện thành tích chống dịch của Đài Loan trong thời kỳ đại dịch mới, đóng một vai trò hàng đầu trong sự phát triển của sức khỏe cộng đồng toàn cầu và sẽ tích cực thúc đẩy các nhân viên chính phủ liên bang Mỹ đi đến Đài Loan để giao lưu và học hỏi tiếng Trung, chính trị Đài Loan và địa chính trị Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong tối đa hai năm.
Mỹ cũng ủy quyền cho Quỹ Giao lưu Văn hóa Mỹ – Đài Loan (US-Taiwan Cultural Exchange Foundation) gửi sinh viên sang học tập tại Đài Loan.
7. Đạo luật du lịch Đài Loan
Dự luật quy định thêm về trao đổi giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan tuân theo Đạo luật Du lịch Đài Loan (Taiwan Travel Act), trong đó quy định danh sách các quan chức Mỹ đến Đài Loan và các quan chức Đài Loan đi du lịch ở Mỹ.
Ngoài ra, các hướng dẫn tương tác Mỹ-Trung không được vi phạm lập trường chính sách của Mỹ về Đài Loan. Cụ thể, các quan chức chính phủ liên bang Mỹ bị cấm công nhận tuyên bố rằng “Trung Quốc có chủ quyền với Đài Loan” và các cơ quan chính phủ liên bang không được phép áp đặt các hạn chế đối với các tương tác của họ với các quan chức Đài Loan.
8. Các biện pháp răn đe để duy trì sự ổn định xuyên eo biển
Để đối phó với việc ĐCSTQ leo thang tấn công văn hóa và đe dọa quân sự đối với Đài Loan, Đạo luật Chính sách Đài Loan cho biết, Tổng thống Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ, ban lãnh đạo ĐCSTQ và các tổ chức tài chính Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt cụ thể có thể bao gồm từ đóng băng tài sản đến từ chối hoặc thu hồi thị thực.
9. Quy tắc diễn giải
Theo đó, không có nội dung nào trong Đạo luật Chính sách Đài Loan nên được hiểu là sự tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan, hoặc sự thay đổi lập trường của chính phủ Mỹ về địa vị quốc tế của Đài Loan.
Lam Giang
Theo Visiontimes